Dạy thêm và tiền bạc

Thứ Ba, 19/07/2016, 18:33
Người xưa có câu "Không thầy đố mày làm nên" hay "Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" để tỏ lòng tôn kính với những người thầy giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn cả những bài học làm người, giúp họ sau này trở thành những người có ích cho đất nước. Chân lý này luôn đúng và khi xã hội càng phát triển, vai trò của những người thầy càng được khẳng định, tôn vinh.

Biển học là mênh mông. Càng học càng thấy mình kém cỏi. Học từ sách vở chưa đủ mà còn phải học từ cuộc sống. Học ở trường lớp chỉ trang bị những kiến thức cơ bản, muốn mở rộng, nâng cao thì ắt phải học thêm ở ngoài. 

Vâng, câu chuyện dạy thêm - học thêm tưởng là cũ như trái đất này tưởng không có gì đáng phải bàn cãi, vậy mà những ngày vừa qua, nó lại được xới lên khiến người quan tâm, bàn luận. 

Ấy là khi một vị lãnh đạo trong một hội nghị liên quan đến ngành giáo dục đã khẳng định như đinh đóng cột rằng: Dạy phụ đạo cho học sinh yếu, dạy bồi dưỡng cho học sinh giỏi mà không lấy tiền thì rất hoan nghênh. Còn dạy thêm để lấy tiền thì dù bất cứ lý do nào cũng không thể được.

Ngoài văn hóa, các em cần được trang bị nhiều kỹ năng khác.

Thú thật, đọc xong lời khẳng định trên, tôi thấy chua xót mang tính hài hước lắm. Nhân vật chính trong câu chuyện này là những người thầy giáo mà tôi luôn dành cho họ sự tin yêu và kính trọng, nhưng chính họ lại bị "ném đá" nhiều nhất khi một lần nữa, vấn đề dạy thêm - học thêm được đưa ra như một điều gì đó ảnh hưởng đến phẩm chất, danh dự của họ vậy. 

Xét cho cùng, họ cũng là con người, cũng bị cuốn vào cơn lốc cơm áo gạo tiền mỗi ngày, họ có quyền được làm những gì lương tâm cho phép và nếu đồng lương còn hạn chế như hiện nay, nhà giáo sẽ sống bằng gì để có thể trụ vững trên bục giảng. 

Khổ nỗi, cứ động tới việc dạy thêm là một số người chỉ trích, lên án, cấm đoán mà không đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho cả một nền giáo dục vốn đã bị coi là lạc hậu đến nửa thế kỷ so với mặt bằng chung của các nước tiên tiến trên thế giới.

Lần sang Hà Lan cách đây không lâu, tôi ghé qua nhà người em họ ở thành phố Den Haag, một thành phố thơ mộng nằm dọc theo bờ biển. Hằng ngày vẫn chát chít trên Facebook nhưng gặp nhau ở một nơi đặc biệt thế này nên chúng tôi ăn uống, nói chuyện suốt đêm. 

Có quá nhiều điều tôi chưa biết về đất nước hoa Tulip này, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là nền giáo dục của họ. Cô em họ tôi kể: Học sinh ở đây đi học như đi chơi. Mỗi ngày chỉ học 2-3 tiết, thời gian còn lại được tham gia những gì mình thích như thể thao, diễn kịch, sáng tác thơ, âm nhạc, quay phim, chụp ảnh… 

Tất nhiên, không bao giờ có chuyện dạy thêm - học thêm và điều họ cần ở học sinh không chỉ là kiến thức văn hóa mà còn là rất nhiều kỹ năng khác. Dạo đó, cậu con trai họ đang học lớp 5. Cô giáo dạy toán cho 4 bài tập về nhà. Cậu bé làm chưa đến 15 phút là xong, nhưng vì không muốn con chơi ngoài đường nhiều, cộng với sự "khôn lỏi" của các bà mẹ nên em tôi đã bắt con làm thêm 4 bài nữa.

Sẽ thật sự bổ ích với nhiều điều các em có được ngoài giờ học.

"Bão tố" ập đến với cô em tôi vào sáng hôm sau khi cô giáo toán kiểm tra vở bài tập và phát hiện ra những bài làm thêm dù cô không yêu cầu. Cô gọi em tôi đến trường, chất vấn một hồi vì bắt con làm thêm bài tập. Tội nghiệp em tôi, ngồi nghe buốt hết cả hai tai để rồi cuối cùng, cô giáo buộc tội vô cùng đanh thép: Bà không được phép "phá hoại" nền giáo dục của đất nước chúng tôi!

Kể chuyện học hành xứ người cho vui chứ ở nước mình, để học sinh phát triển một cách hài hòa thì còn phải đi qua một chặng đường dài lắm.

Trong cuộc đời tôi có nhiều ngày đáng nhớ, nhưng có một ngày tôi vô cùng hân hoan, sung sướng, đó là ngày đứa út kết thúc THPT và vào đại học. Nghĩa là tôi sẽ không bao giờ phải đưa đón các con đi học thêm nữa. 

Đừng ảo tưởng con mình học giỏi, chỉ cần học kiến thức chung ở trường là có thể thi đỗ đại học. Tất nhiên, cá biệt có những em học rất giỏi, không cần học thêm mà thi đại học điểm vẫn cao chót vót. Nhưng số này quá ít. Số đông là học khá, trung bình, kiến thức thầy cô giảng ở trường chỉ đủ đạt điểm 5 hay 6 cho mỗi môn thi, đừng mơ tưởng vào những trường tốp đầu, tốp giữa nhé. Học thêm là giải pháp cần thiết để mở rộng kiến thức, có điều kiện tiếp cận nhiều dạng đề và đương nhiên sẽ rèn luyện nhiều kỹ năng khi làm bài thi.

Với đứa đầu, nhiều lúc tôi như quay cuồng ở ngoài đường. Học xong chỗ này lại phóng như điên đến chỗ khác. Nó ngồi sau một tay cầm bánh bao, tay kia là hộp sữa. Bữa ăn chống đói nhanh nhất là như thế, kể cả ngày cuối tuần. 

Nó bảo, ở lớp học thêm, nó biết nhiều kiến thức mà ở trường không được học và thấy tự tin hơn. Cha mẹ nào nghe vậy mà chả mát ruột, mát gan, mệt mấy cũng phải cố. Đến đứa sau, nó vẫn học thêm ở trường, nhưng tôi thuê gia sư về học thêm buổi tối, một thầy kèm một trò. Tất nhiên chi phí tốn kém hơn nhưng bù lại, sức học của nó tiến bộ rõ rệt.

Tóm lại, học thêm có nhiều dạng, nhiều đối tượng và mỗi đối tượng có một nhu cầu riêng. Đứa học dốt thì phải lấp nhiều lỗ hổng. Kẻ học giỏi thì muốn biết nhiều hơn những điều cao siêu. Người học làng nhàng chỉ mong chữ nghĩa vào đầu không bị vào tai này ra tai kia… Tùy mỗi nhu cầu mà sẽ có loại giáo viên phù hợp. Còn giáo viên, họ làm những việc đó không công thì họ sống bằng không khí à? Mà không khí sạch cũng được bán với giá không hề rẻ ở những thành phố ô nhiễm đấy.

Vào mùa thi, các lớp học thêm luôn đông học sinh.

Tôi tin là các giáo viên cũng không muốn phải dạy thêm quá nhiều bởi họ còn phải dành thời gian chăm lo bản thân, gia đình. Hôm nào họp phải phát biểu một mạch 25-30 phút là tôi đã thấy hụt hơi, cổ họng khô rát. Còn giáo viên, họ nói như cuốc kêu từ sáng, tới chiều, rồi lại tối khuya thì đúng là quá mệt. Nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy mà buộc họ phải dạy thêm, và họ được nhận khoản thù lao tương xứng với công sức bỏ ra chứ họ đâu có làm điều gì khuất tất, mờ ám?

Có một bác sĩ mở phòng khám tư nhân mà tôi biết, vì đang giữ một vị trí trong bệnh viện nên phòng khám của ông luôn đông khách. Sau 8 giờ vàng ngọc ở bệnh viện, ông hối hả về phòng khám, nơi có rất nhiều bệnh nhân đang chờ. Mỗi lượt khám kèm với toa thuốc là một khoản tiền không nhỏ và tính trung bình, mỗi tháng ông thu được vài trăm triệu đồng. Với số tiền đó, ông sống khá sung túc và cho 2 con đi du học. 

Tất nhiên, không ai lên án việc mở phòng khám của ông bởi đó là nhu cầu xã hội và được pháp luật cho phép, chỉ thấy bất công một điều, trong khi bác sĩ được công khai mở phòng khám riêng thì giáo viên lại bị cấm dạy thêm dù họ đã kiếm thêm bằng đúng năng lực, sở trường, mồ hôi và nước mắt của mình.

Có một thực tế không thể phủ nhận là hầu hết chúng ta không sống được bằng đồng lương trong khi nhu cầu cuộc sống luôn tăng theo cấp số nhân. Vậy giải pháp hữu ích chính là việc làm thêm, tùy vào khả năng, điều kiện của mỗi người và tất nhiên là những công việc không vi phạm tới pháp luật. Tất cả đều bị cuốn vào guồng quay đó, tranh thủ tận dụng tối đa khi họ còn trẻ, còn cơ hội, còn duyên.

Câu chuyện về dạy thêm và tiền bạc có lẽ nói cả ngày không hết và mỗi phụ huynh sẽ có những câu chuyện thú vị riêng của mình. Với tôi, tôi luôn cho rằng giáo viên được dạy thêm và nhận tiền là điều hết sức bình thường. Họ phải bán chất xám, sức lao động của mình chứ có ngửa tay xin xỏ hay ăn cướp của người khác đâu. Hơn nữa, đây còn là một nhu cầu thực tế của xã hội. Khi một nền giáo dục tỏ rõ sự ưu việt của mình vào tiến trình phát triển chung thì những câu chuyện nhỏ nhặt trên sẽ tự triệt tiêu, không còn cơ sở tồn tại.


Sẽ thật sự bổ ích với nhiều điều các em có được ngoài giờ học.

Nguyễn Tuấn
.
.
.