Để du khách có cơ hội tiêu tiền

Chủ Nhật, 01/04/2018, 23:08
Khi đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu của con người cũng ngày một nâng cao. Một trong những nhu cầu khiến nhiều người hứng thú nhất là đi du lịch.

Nhận lời mời của một người bạn, gia đình tôi bố trí đi Phú Quốc vào một ngày cuối tháng 3. Cứ tưởng chưa vào hè, biển sẽ vắng, các nhà hàng, khách sạn không đông vui, tấp nập khách ra vào, nhưng chúng tôi đã lầm. 

Phú Quốc vẫn đông, nhất là khách từ châu Âu. Còn khách trong nước phổ biến là người cao tuổi, các cặp uyên ương muốn tìm sự vắng vẻ, thơ mộng dịp cuối tuần.

Cậu hướng dẫn viên du lịch giải thích cho tôi: Giờ họ đi du lịch quanh năm. Tất nhiên mùa hè là cao điểm vì học sinh được nghỉ học, nhưng còn dịp đầu và cuối năm, các chương trình khuyến mại của nhiều công ty du lịch giảm giá tour đến 50% khiến nhiều người… chưa muốn đi cũng phải đi.

Minh họa của Lê Tâm.

Cùng với các tour trong nước, những điểm du lịch mới khai thác, hàng loạt tour ngoài nước được chào mời ngay sau dịp Tết Nguyên đán với giá rẻ giật mình. 

Thậm chí các công ty còn áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu du lịch bằng cách sẽ tiếp tục giảm giá, cho khách bốc thăm trúng thưởng nếu kéo thêm được nhiều người đi cùng hoặc thanh toán sớm…

Đi du lịch không chỉ là thư giãn, nghỉ ngơi, thưởng thức những hương vị đặc trưng, giao lưu với những người bản địa mà còn là dịp để du khách khám phá những vùng đất mới. Chẳng thế mà một công ty du lịch đã có một slogan: Hãy đi và trải nghiệm, bạn sẽ giàu có theo cách của mình.

Ngoài những mục đích trên, khá nhiều du khách còn có một nhu cầu rất… đặc biệt nữa, đó là việc thoải mái mua sắm. Không ít người mua sắm như con thiêu thân và sẵn sàng “đốt” đến đồng bạc cuối cùng ở sân bay.

Nếu bạn từng nghe nhân viên tiếp thị các loại trà ở Thượng Hải; quảng cáo như rót mật vào tai những sản phẩm chế biến từ sâm ở Seoul; mời chào những thực phẩm chức năng có tác dụng như “thần dược” sản xuất từ tảo biển ở Tokyo… hẳn bạn sẽ mềm lòng để rồi móc hầu bao mua những sản phẩm này cho gia đình hoặc làm quà tặng. 

Với họ, bán hàng là một nghệ thuật. Khách du lịch nếu thiếu “bản lĩnh” sẽ rất dễ bị “cháy túi” bởi trong một tour, họ phải đến 4-5 điểm như thế theo chương trình mà công ty du lịch đã liên kết với các doanh nghiệp.

Vâng, đi du lịch không chỉ là ngủ ở khách sạn nào, ăn ở nhà hàng nào, check in những điểm du lịch nào mà du khách còn phải mang theo một khoản tiền nhất định để mua sắm những sản phẩm đặc trưng vùng miền.

Trông người lại ngẫm đến ta. Không ít du khách nước ngoài đã lấy làm tiếc vì không thể mua sắm được nhiều “của ngon vật lạ” khi đặt chân tới Việt Nam. Nghĩa là chúng ta còn rất thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang dấu ấn bản sắc dân tộc. 

Khách du lịch lại luôn đòi hỏi rất cao ở những sản phẩm này, nhất là phân khúc bộ phận thượng lưu, bởi được tiêu tiền với họ cũng là một thú vui, để sở hữu những sản phẩm ghi dấu nơi họ từng đặt chân tới.

Các khảo sát của ngành du lịch cho thấy, du khách nước ngoài “mạnh tay” mua sắm ở nhiều thành phố trên thế giới nhưng có vẻ rất “tiết kiệm” khi tới ở Việt Nam. Đơn giản là sản phẩm, dịch vụ du lịch của chúng ta chưa đủ sức hấp dẫn để họ móc hầu bao. Theo Savills Việt Nam, giá hàng hóa cao, chưa đa dạng mẫu mã nên chưa tạo được sự hấp dẫn với du khách.

Savills dẫn số liệu của Mastercard công bố năm 2017 cho thấy, khách du lịch tới TP Hồ Chí Minh chi tiêu cho mua sắm khoảng 3,5 tỷ USD. Trong khi ở những thành phố khác như Bangkok gấp 4 lần, Singapore gấp 5 lần, Tokyo gấp 3,5 lần…

Vậy đâu là giải pháp không chỉ kéo khách nước ngoài đến Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho họ có nhiều “cơ hội” tiêu tiền? 

Theo các chuyên gia, để khách du lịch móc hầu bao tại chỗ từ các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm khác nhau, phù hợp với từng thị trường và từng đối tượng khách hàng, đáp ứng được xu thế về du lịch hiện nay trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Cùng với đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống cũng cần được duy trì, nâng cao chất lượng. Đơn giản là nó mang hồn cốt Việt và trở thành vật lưu niệm cho du khách sau mỗi hành trình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.