Để môi trường sống được trong lành

Thứ Hai, 29/01/2018, 11:41
Trong số các loại chất thải đập vào mắt chúng ta mỗi ngày, có lẽ chất thải y tế (CTYT) khiến nhiều người thấy… ghê hơn cả. Đã là CTYT thì bệnh viện, phòng khám nào cũng có, bệnh viện càng lớn thì CTYT càng nhiều. Ai yếu tim, vào bệnh viên mà nhìn nhân viên đẩy xe rác ra từ một phòng mổ, chắc chắn sẽ chóng mặt, rùng mình.


Hiểu đơn giản, CTYT là chất thải từ các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, nghiên cứu… CTYT được xếp là chất thải nguy hại, cần có phương thức lưu giữ, xử lý, thải bỏ đặc biệt, có quy định riêng; gây hại sức khoẻ, an toàn môi trường hay gây cảm giác thiếu thẩm mỹ.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, hằng ngày, 46 bệnh viện của Bộ Y tế và các bộ, ngành, 41 bệnh viện công lập của Hà Nội, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, thị trấn và 52 phòng khám đa khoa cùng 3.695 cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn thành phố đã phát sinh trên 26.500kg chất thải rắn và trên 10.400m3 chất thải lỏng.

Minh họa của Lê Tâm.

Đó là những con số mang tính tương đối chứ thực tế còn nhiều hơn. Nó cho thấy việc xử lý CTYT giữ một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong việc bảo vệ môi trường và phòng, chống các bệnh lây lan, truyền nhiễm.

Vì là chất thải đặc biệt nên việc xử lý theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Cách đây hơn một năm, tại một bệnh viện trong thành phố, người ta đã phát hiện ra việc bệnh viện này thực hiện một “quy trình” tái chế CTYT khá quy mô. Cụ thể, bệnh viện bỏ ra một số tiền không nhỏ mua máy móc, thuê nhân công rồi tổ chức cắt rửa dây và ống truyền dịch, cắt và nghiền xơranh.

Sơ chế xong, họ đóng vào bao tải. Rất nhanh, xe tải của doanh nghiệp ở làng tái chế nhựa sẽ đến chuyển hàng đi. Một số người trong cuộc cho biết, số nhựa sơ chế trên sẽ được làm ống hút, thìa dĩa, hộp sữa chua… cùng rất nhiều sản phẩm khác có mặt trên thị trường…

Tất nhiên, sau sự việc này, dư luận rất “choáng váng”. Cơ quan chức năng vào cuộc và đã có những kết luận khách quan trong việc đánh giá trách nhiệm của những người trong cuộc. Tuy nhiên, người ta luôn mong muốn sẽ không phải nghe một câu chuyện tương tự hay nói cách khách, những sai phạm dù là nhỏ liên quan đến CTYT đều phải được xử lý một cách nghiêm khắc.

Còn đây là những con số của Sở Y tế Hà Nội: Trong năm 2017, Thanh tra Sở Y tế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý CTYT tại 233 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 148 cơ sở với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Cùng đó, các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 447 cơ sở, xử phạt 24 cơ sở với số tiền gần 630 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thanh tra của Sở Y tế Hà Nội cũng đã phối hợp với Bộ Y tế để kiểm tra công tác quản lý CTYT trong các bệnh viện tuyến Trung ương và bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố, tiếp tục xử lý 2 bệnh viện ngành với số tiền phạt trên 300 triệu đồng…

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, quản lý CTYT luôn là vấn đề khiến nhiều người lo ngại bởi dù quy định chặt chẽ nhưng các sai phạm vẫn diễn ra tràn lan. Từ thực tế này đòi hỏi các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và ban hành chế tài xử lý nghiêm khắc, mạnh mẽ, đủ tính răn đe. Tiếp đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội không chi trả tiền bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế nếu để vi phạm gây ô nhiễm môi trường, gây tổn hại cho bệnh nhân.

Cùng với những biện pháp mạnh trên, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tham mưu về cơ chế, chính sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường y tế, đảm bảo các cơ sở y tế công lập đều có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, có quy trình thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTYT.

Và cuối cùng, điều mà nhiều người dân mong muốn, đó là di dời một số bệnh viện lớn ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Đây là biện pháp mà nhiều nước tiên tiến đã thực hiện và nó có tác dụng rất lớn trong việc đảm bảo hạn chế sự ô nhiễm những nơi có mật độ dân cư đông đúc và thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm khác.

Tuấn Nguyễn
.
.
.