Để người dân không còn bị hành hạ vì những cuộc gọi và tin nhắn rác

Thứ Hai, 02/11/2020, 07:34
Ngày 26-10, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Transcosmos Việt Nam (Hoàng Mai, TP Hà Nội) số tiền 7,5 triệu đồng vì công ty này sử dụng số điện thoại xxx991 để gọi điện thoại quảng cáo dịch vụ bảo hiểm liên kết với Bảo Việt khi chưa được người sử dụng đồng ý. Ngày 28-10, Sở tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính ông Lê Mạnh Dũng (ở quận Long Biên, Hà Nội) về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý.


Vậy là gần 1 tháng kể từ khi Nghị định Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực, cơ quan chức năng đã chính thức ra tay xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Nghị định 91/CP (có hiệu lực từ ngày 1-9-2020) đã quy định doanh nghiệp, cá nhân không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện quảng cáo tới số điện thoại trong danh sách những người không muốn nhận quảng cáo. Đồng thời không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở đã ban hành Quyết định về "Quy trình xử lý đối với các số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định" và "Quy trình xử lý đối với các số dịch vụ tin nhắn ngắn, các số điện thoại nhắn tin rác, nhắn tin lừa đảo" trên địa bàn.

Từ nhiều năm qua, những người dùng điện thoại di động luôn phải chịu sự "hành hạ" của các cuộc gọi điện, nhắn tin quảng cáo. Bất kể lúc nào, sáng sớm hay tối muộn, các chủ thuê bao đều có thể bị dội tin nhắn quản cáo đủ loại thượng vàng hạ cám, từ mời mua bất động sản, ưu đãi đi du lịch, mua bảo hiểm, cho vay tiền tới tin nhắn quảng cáo mời chơi cờ bạc trên mạng và thậm chí cả mời mua bằng cấp và các loại giấy tờ giả.

Không chỉ nhắn tin, các doanh nghiệp còn thuê người gọi điện để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ với đủ thứ "hầm bà lằng". Nhiều người có cảm giác bị khủng bố khi đang ngồi họp, đang lái xe bỗng dung thấy có những cuộc điện thoại lạ. Không nghe thì sợ đó là điện thoại của khách hàng gọi tới. Nhưng nghe thì hỡi ôi, mới chỉ "alo" thì đã bị xả cả tràng quảng cáo về các loại dịch vụ mà mình chẳng bao giờ có nhu cầu. Có người nổi cáu quát lại thì sau đó đã bị khủng bố bằng những cuộc gọi, nhắn tin.

Theo đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 3 tháng gần đây, các nhà mạng đã khóa chiều đi với 34.700 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, đồng thời ngăn chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo. Việc ngăn chặn cuộc gọi rác được các doanh nghiệp viễn thông thực hiện tập trung theo quy trình khép kín gồm 4 bước: Xác định các thuê bao nghi phát tán cuộc gọi rác; Xác thực lại xem đó có phải là cuộc gọi rác hay không; Ngăn chặn; Chăm sóc khách hàng, xử lý khiếu nại. Từ tháng 7-2020 đến nay, các nhà mạng khóa chiều gọi đi hơn 34.700 thuê bao; chỉ riêng tháng 9-2020, các nhà mạng đã khóa 16.288 thuê bao.

Lý giải về tình trạng vẫn còn cuộc gọi rác, đại diện Cục Viễn thông cho rằng, một nguyên nhân chủ yếu là sự phối hợp của người dân chưa tốt. Trong quy trình xác thực cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ nhắn tin hoặc gọi điện đến người dân để đề nghị xác thực có phải là cuộc gọi rác hay không. Nhưng tỷ lệ người dân phối hợp để xác thực còn thấp chỉ 5 - 7%, tức là khi nhà mạng gửi khoảng 100 tin nhắn yêu cầu xác thực thì chỉ có 5 - 7 người trả lời. Để giải quyết vấn đề, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp đang tăng cường tuyên truyền để tỷ lệ người dân phối hợp trong khâu xác thực cuộc gọi rác đạt cao hơn.

Nghị định 91/CP về phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã giúp người dân có được một công cụ mạnh để bảo vệ mình trước những tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo đồng thời góp phần giám sát việc gửi quảng cáo của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Quy định pháp luật đã rất cụ thể, vì thế cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Tân Lương
.
.
.