Đệ nhất làng nghề đan lát vùng sơn cước

Chủ Nhật, 22/10/2017, 20:52
Với những thân tre được lấy từ trên rừng núi, đồng bào người Nùng An đã tạo nên những sản phẩm đan lát đặc sắc, tinh tế và bền chắc để phục vụ cho nhu cầu làm nông cụ cho bà con nông dân trong vùng.


Lạn Trên, Lạn Dưới thuộc xã Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) là hai xóm có truyền thống lâu đời làm nghề mây tre đan lát của người Nùng An. Với những thân tre được lấy từ trên rừng núi, đồng bào người Nùng An đã tạo nên những sản phẩm đan lát đặc sắc, tinh tế và bền chắc để phục vụ cho nhu cầu làm nông cụ cho bà con nông dân trong vùng. 

Bao đời nay, những mặt hàng mây tre đan lát của người dân nơi đây luôn được bày bán tại khắp các buổi chợ phiên lớn trong tỉnh miền sơn cước Cao Bằng, thậm chí vào lúc làng nghề hưng thịnh, hai bản còn cung cấp hàng nghìn sản phẩm mỗi năm cho thị trường các tỉnh lân cận.

Nghề không có tổ truyền

Theo các cụ cao niên ở hai xóm Lạn Trên, Lạn Dưới cho rằng, đến nay, nghề đan lát đã tồn tại hàng nhiều trăm năm, không ai biết được nghề truyền thống này do ai đem về làng truyền dạy và được hình thành, phát triển thành một nghề mưu sinh từ khi nào. Làng nghề đan lát có nhiều sản phẩm, trong đó chủ yếu là “Lò” - một loại giỏ đan lớn thường dùng thành gánh để đựng ngô, lúa, rau củ, trái cây và các loại hàng hóa. Lò cũng có nhiều loại: Nhỏ, vừa và lớn tùy vào loại hàng hóa cần đựng. 

Theo cách đan, lò cũng chia ra nhiều loại như: Loại thưa để đựng trái cây; loại dày đựng vật nặng như đất, cát, các loại củ, quả lớn. Lò được đan bằng mặt cứng phía ngoài của thân tre, nguyên liệu được lấy từ tre trồng ở địa phương và nhập từ nơi khác về. Mỗi đôi lò được người dân làng nghề đan trong khoảng 2 ngày từ khâu vào rừng lấy nguyên liệu tre cho đến hoàn tất sản phẩm.

Anh Vương Văn Côn (29 tuổi) là một trong ít người trẻ nhất theo nghề đan lát của cha ông đang "ăn nên làm ra" ở xóm Lạn Dưới, xã Đoài Khôn chia sẻ: “Bây giờ, tính cả xóm Lạn Trên, Lạn Dưới thì khoảng 130 hộ, trung bình mỗi nhà có đến hai người biết đan lò, như vậy cũng phải ngót nghét đến hơn 200 nhân lực trong nghề đan lát. Cái làng này trên 200 năm làm nghề đan lát rồi. Không biết người đầu tiên đem nghề về làng là ai cả. Nghề không có ông tổ, không có người đứng đầu nhưng trụ được, phát triển được thì giống với huyền thoại đấy”.

Anh Vương Văn Côn (29 tuổi), ở xóm Lạn Dưới, xã Đoài Khôn, là một trong ít người trẻ tuổi còn theo nghề đan lát của tổ tiên.

Không biết có phải đó là một huyền thoại hay không, nhưng nếu "điểm danh" các làng nghề ở vùng cao Đông Bắc thì ngôi quán quân chỉ có thể thuộc về Đoài Khôn. Với trên 200 năm giữ nghề truyền thống, cả làng đều tham gia vào nghề đan lát thì quả là lạ, nhất là những vùng núi đá như Cao Bằng. “Thanh niên Nùng An vốn khoẻ khoắn, người già thì sức dẻo dai nên mới làm và giữ được cái nghề này", ông Vương Văn Tịch, một thợ đan lát có thâm niên chuyên đan những chiếc lò để bán ở xóm Lạn Dưới cho biết thêm.

“Đan lát là nghề truyền thống của gia đình nên những người thợ đan lát làm quen với nghề từ khi còn rất nhỏ, đến 10 tuổi thì bắt đầu học và làm nghề. Học nghề từ năm 10 tuổi, đến nay tôi đã gắn bó với nghề được 45 năm. Bên cạnh nghề nông, tôi làm thêm nghề đan lát để vừa có thêm thu nhập, vừa giữ gìn nghề truyền thống của quê hương. Giá thành sản phẩm thấp, thu nhập không ổn định khiến nhiều người, nhất là lớp trẻ "quay lưng" lại với nghề đan lát nổi tiếng một thời ở xã Đoài Khôn”, ông Vương Văn Đại ở xóm Lạn Dưới chia sẻ.

Theo người dân cho biết thêm, trung bình mỗi hộ một tuần làm được nhiều nhất từ 3 - 4 đôi, nếu thị trường tiêu thụ ổn định thu nhập mỗi năm từ nghề tay trái này cũng được khoảng 25 - 30 triệu đồng. Nghề đan lát ở xã Đoài Khôn đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình, đặc biệt, người làm nghề nơi đây luôn tâm niệm đây là nghề "gia truyền" của tổ tiên. So với một số địa phương khác, sản phẩm đan lát làm ra ở đây có màu sắc đẹp và chất lượng tốt hơn.

Trong một khoảng thời gian dài, các làng nghề đan lát của những đồng bào dân tộc Nùng An ở xã Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đã từng phát triển rất mạnh và chiếm ưu thế quan trọng trên thị trường, nổi bật bởi những dòng sản phẩm đa dạng nhiều chức năng có chứa những nét độc đáo của chính dân tộc làm ra nó. Giá trị cũng như ý nghĩa của những sản phẩm không còn nằm riêng ở mức độ sản phẩm sử dụng, mà còn mang những ý nghĩa về văn hóa nghệ thuật.

Do lối sống sinh hoạt trên các vùng núi đá cao nên người dân nơi đây thường sử dụng nguyên liệu chủ yếu là nứa, vầu, tre gai để sản xuất ra những loại sản phẩm phù hợp với từng chức năng phục vụ đời sống sinh hoạt, lao động như vầu, giăng để đan hòm đựng quần áo, thúng, mẹt, hay tre để đan gùi, quấy tấu, nứa đan sọt, bồ thóc…

Đôi kheng, lò nằm là vật dụng không thể thiếu của đồng bào vùng cao.

Cần bảo tồn làng nghề truyền thống

Ông Vương Văn Đại biết đan lát từ năm 12 tuổi, nay đã gần 60 tuổi, đôi tay ông không biết đã làm ra bao nhiêu sản phẩm mây tre, từ lồng gà, vịt đến những đôi sọt gánh, bồ đựng thóc... “Sản phẩm đan lát của xóm Lạn Dưới rất được người tiêu dùng trong vùng ưa chuộng. 

Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 8 Âm lịch là thời điểm những sản phẩm như: sọt gánh, bồ đựng thóc bán được nhiều nhất. Có những phiên chợ, cả làng mang ra chợ bán hàng trăm đôi sọt, bồ đựng thóc, với giá 100 - 120 nghìn đồng/đôi. Nghề đan lát này không những góp phần đem lại thu nhập cho người dân, mà còn gìn giữ nét đặc trưng của dân tộc, một phong tục, tập quán canh tác nông nghiệp lâu đời của bà con”, ông Đại tâm sự.

Nghề đan lát của người người Nùng ở Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) trước này khá phát triển, vào lúc nông nhàn, hầu như gia đình nào cũng đều làm đan lát. Thời điểm hưng thịnh nhất vào các năm 1990 - 1998, sản phẩm đan lát Lạn Trên, Lạn Dưới có mặt ở khắp các huyện, thị trong tỉnh và nhiều địa phương khác như Lạng Sơn, Bắc Kạn và Hà Giang. 

Tới nay, nghề đan lát ở hai xóm Lạn Trên, Lạn Dưới đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhựa nội ngoại được nhập ồ ạt trên thị trường. Vì vậy, nghề đan lát ở Đoài Khôn đang dần bị mai một, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.

Những chiếc lò đang trong quá trình hoàn thiện để đem ra chợ phiên bán.

Nguyên nhân của việc mai một này là bà con bản địa thay đổi tập quán canh tác, không dùng cày để làm đất như trước. Nếu như trước đây việc mang ngô, lúa về nhà thì đôi lò, kheng là hai vật dụng không thể thiếu thì bây giờ người ta toàn dùng đến những chiếc bao bì mua ở ngoài chợ, sau đó dùng xe máy, xe kéo để chở về nhà cho tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức. 

Bên cạnh đó, ở các khu chợ phiên lại xuất hiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bán với giá thấp hơn, nên các sản phẩm truyền thống của bà con khó bán được, nhiều hộ gia đình chán nản nên không làm nữa. Thực tế ở các làng nghề thủ công truyền thống, khi có những khó khăn, những người làm nghề bỏ nghề, khiến các nghề đó tự mai một, tự thất truyền, tự chìm vào quên lãng.

Đến với những phiên chợ vùng cao, người ta sẽ thấy các sản phẩm đan lát này của những đồng bào dân tộc tự tay làm đều được các vị du khách quốc tế rất ưa chuộng và lựa chọn làm sản phẩm kỷ niệm hay quà tặng đem về quê hương mình. 

Cũng chính vì sự độc đáo riêng biệt trong những sản phẩm ấy mà các làng nghề nơi đây đang ngày càng được phát triển và được chính quyền địa phương bảo tồn gìn giữ. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc, trước hết, cần tuyên truyền để cộng đồng biết trân trọng và gìn giữ những nghề truyền thống. 

Khi đồng bào có ý thức tự giữ nghề, sẽ trao truyền cho các thế hệ, trong dòng họ, trong gia đình. Các địa phương, các ngành bảo tồn nghề bằng những hiện vật tiêu biểu, đặc trưng, bảo tồn thông qua ghi chép lại, ảnh hóa, số hóa, tại hệ thống bảo tàng... 

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, chính quyền và người dân phải cùng nhau nỗ lực tìm kiếm thị trường, coi mặt hàng thủ công truyền thống là những mặt hàng quan trọng của địa phương, khai thác đồng thời cả 2 mặt giá trị, giá trị thực dụng và giá trị lưu niệm, gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành là một sản phẩm du lịch bền vững và có ý nghĩa. 

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.