Để thành phố có diện mạo mới

Thứ Hai, 11/12/2017, 09:06
Đi trên những con phố của Hà Nội, nhất là những phố gần khu vực trung tâm, điều mọi người dễ dàng cảm nhận là sự lộn xộn trong quy hoạch đô thị. Nhà dân thì mỗi nhà xây một kiểu, không thống nhất về chiều cao, màu sơn, kiến trúc, cá biệt có một số nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại sau những lần quy hoạch mở đường.


Còn tại những khu đô thị mới, những tòa nhà cao tầng có vẻ khang trang hơn nhưng lại quá sát nhau, thiếu những diện tích thoáng đãng dành cho sinh hoạt cộng đồng. Tất cả những hình ảnh đó đều mang lại sự nhom nhem, nhếch nhác cho bộ mặt đô thị và trách nhiệm đầu tiên phải nói tới là những người quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Tất nhiên, những thủ tục xin giấy phép xây dựng giờ đã cải tiến hơn nhiều, song vẫn còn đó sự nhiêu khê, nhũng nhiễu, phiền hà. Đời người ai cũng phải xây nhà ít nhất một lần. Nhà xây lâu quá xuống cấp cũng đập đi xây lại.

Tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều nhà xây không phép, trái phép do có sự “bảo kê” của cán bộ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, thế là mặc dù có những sai phạm nhưng vẫn được phạt cho tồn tại. Rất nhiều nhà đã “tồn tại” kiểu đó, với những thiết kế kỳ dị không chỉ gây nhức mắt người đi qua mà còn tạo ra những tranh chấp, những phức tạp trong đời sống dân cư.

Minh họa của Lê Tâm.

Liên quan đến vấn đề xử lý trật tự xây dựng, báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, từ tháng 4-2017, Sở đã tiến hành tổng rà soát, lên phương án xử lý các công trình vi phạm. Kết quả cho thấy, hàng loạt dự án lớn xây vượt tầng so với giấy phép xây dựng được cấp, xây vượt diện tích đấu thầu được phê duyệt, trong đó, rất nhiều tầng được chủ đầu tư ngang nhiên sử dụng sai mục đích…

Sự vi phạm ngang nhiên, cố tình ở đây là có chủ đích, bởi tất cả những vi phạm trên đã giúp chủ đầu tư thu lợi bất chính nhiều năm nhưng không được xử lý kịp thời. Thật đáng buồn, những công trình này vẫn tồn tại, tiền vẫn bỏ vào chủ đầu tư và những hệ lụy chỉ có người dân là phải gánh chịu.

Hà Nội mở rộng nên nhu cầu nhà ở cũng tăng theo. Theo thống kê mới nhất của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã kiểm tra hơn 14 nghìn công trình, trong đó số công trình có vi phạm là gần 2 nghìn ( vi phạm phổ biến nhất vẫn là không phép; sai phép sai quy hoạch, sai thiết kế; xây dựng ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường; xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp). Nhiều người cho rằng, con số này chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.

Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở đã tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ đối với 30 Đội Thanh tra xây dựng nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Qua đó, phát hiện các bộ phận, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng.

Cụ thể, đã xem xét kỷ luật đối với 51 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc thanh tra xây dựng có vi phạm bằng các hình thức: Khiển trách 34 người, cảnh cáo 8, hạ bậc lương 3. Đặc biệt đã buộc phải giáng chức 2 và buộc thôi việc 4 người.

Việc kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, để xảy ra các vi phạm trật tự xây dựng mà chưa được phát hiện, xử lý kịp thời vẫn đang được tiến hành nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Con số đó sẽ không dừng ở 51 mà còn nhiều hơn nữa. Dư luận đòi hỏi sự công bằng, khách quan với những cán bộ sai phạm này, bởi đó cũng là cách lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Cùng với việc chỉnh đốn lại lực lượng Thanh tra xây dựng là việc sắp xếp, quản lý vỉa hè, lòng đường, bãi đỗ xe, vườn hoa, công viên, các chợ truyền thống… đi vào nền nếp và quy củ. Chỉ như vậy, Hà Nội mới thật sự xứng đáng là Thủ đô văn minh, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.

Tuấn Nguyễn
.
.
.