Đêm thầy Tào thầy Pháp

Thứ Sáu, 12/07/2013, 21:39
Định cư trên sườn núi cheo leo sát biên giới Việt Nam – Trung Quốc, cộng đồng Nùng Cháo ở xã Xuất Lễ mà tôi thân thuộc cho tới nay vẫn giữ được khá nhiều nét đặc sắc trong tập quán sống, dù con đường nối từ thủ phủ Lạng Sơn qua huyện lỵ Cao Lộc hướng về cửa khẩu Pò Ma đã băng qua trung tâm xã, xóa đi khoảng cách xa xôi diệu vợi ngày xưa.

Vẫn những cụm làng bản thuần khiết nhà trình tường, mái lợp ngói đen, vẫn những người phụ nữ mặc chiếc áo xanh đặc trưng cặm cụi trên nương, trên bản, vẫn mùi hoa hồi thơm nức vào mùa thu hoạch và hương rượu lúc nào cũng thoảng bay trong không khí. Xứ này cũng hệt như các vùng cao khác, cứ thấy khách vào nhà là rót rượu, chai rượu trong veo để trên mặt bàn, trên mặt bàn thờ của các gia đình có khi còn chẳng nút vì có nút lõi ngô vào thì lát sau đã phải mở ra. Trong không gian đậm đặc chất sơn cước này, tôi đã lê thân qua không biết bao nhiêu trận rượu chí tình, đã gật gù với hàng trăm lời tâm sự, đã kết tình anh em với những người đàn ông chất phác, cũng đã nhận bố con nuôi với cụ Lý Ngọc Tú, thầy mo cao niên nhất bản. Nhưng chưa lần nào dự được lễ cấp sắc thầy tào, bởi vậy, đêm cấp sắc lần này cho cậu thầy học việc, đệ tử của Mã Thế Anh là dịp hiếm hoi để tôi chứng kiến.

Nháo nhào khởi hành từ Hà Nội, chỉ kịp mang vội vài món quà, xe thẳng một mạch Lạng Sơn trực chỉ. Riêng cung Cao Lộc – Xuất Lễ bây giờ đã khá hơn nhiều, xưa kia chỉ 30km mà xe hơi phải đánh vật hơn 2 tiếng, đường xã tan nát y như hồi sau năm 79. Bây giờ đường xá đã tốt hơn, còn phong cảnh hai bên mỗi mùa một vẻ, nhưng lúc nào cũng toát lên vẻ đẹp hoang sơ. Ruộng bậc thang tiếp nối bên sườn núi, bản làng thấp thoáng dưới tán tre, có những cụm bản đều tăm tắp một màu ngói đen, tường vàng. May thay miền này vẫn chưa nhiều tường gạch xây mái tôn xanh đỏ. Nhưng cũng chẳng lâu nữa đâu, cơn lốc xây cất sẽ tàn phá vẻ đẹp xưa cũ này, vì ngay trong bản Thạch Khuyên, nơi tôi thường lui tới, đã kịp mọc lên vài căn nhà gạch, trang trí nhằng nhịt đường riềm và cửa nhôm kính, dù tại đây đã manh nha dự án lập khu bảo tồn nhà trình tường đặc hữu của người Nùng.

Thế sự chẳng biết thế nào, bản thân tôi và các chiến hữu cũng chỉ có thể cố gắng chụp càng nhiều ảnh càng tốt, hòng lưu cho mình những đường nét kiến trúc độc đáo của cộng đồng Nùng Cháo vốn từ xưa sống khá biệt lập và co cụm. Dưới mái những ngôi nhà cổ này, tôi đã chụp thầy mo Lý Ngọc Tú 80 tuổi uy nghi trong sắc phục thầy tào, rồi cũng đã bò ra cười khi chứng kiến Mã Thế Anh, đệ tử của cụ cởi áo thầy, khoác lên người mình rồi ngồi xếp bằng diễn tả cảnh cúng trừ ma. Bộ áo của cụ Lý Ngọc Tú đi kèm theo mũ, giầy vốn phải đặt hàng từ Trung Quốc, hiện là bộ trang phục thầy tào đẹp nhất vùng, không mấy khi phải đem ra dùng tới. Dưới Mã Thế Anh còn một số thầy khác, không cao tay ấn bằng, cũng do một tay họ Mã dìu dắt, nhưng cũng như các lĩnh vực khác, khi ai đó muốn ra trình làng phải trải qua quá trình cấp sắc, và đêm nay sẽ tổ chức lễ cho một ông thầy trẻ mang tên Vi Tích Đình.

Thầy pháp trong trang phục vàng thổ mang dấu ấn Đạo giáo.

Sự kiện này được tổ chức khá đơn giản trong nhà, tập trung họ hàng, bạn bè, các thầy tào, thầy pháp, tuyệt không thấy cảnh trẻ con đùa cợt, cũng không có người lạ lai vãng. Phong tục của người Nùng gọi lễ này là “Cái tào”, và người thụ lễ đang ngồi im trên giường, xung quanh xúm xít vài người đàn ông, đây chính là mấy ông thầy mà sau này sẽ coi như cha nuôi của người thầy trẻ, họ chịu trách nhiệm dạy dỗ, chỉ bảo cách thức làm thầy tào cho cậu ta đã từ lâu, và buổi tối nay bắt đầu chính thức đi vào kỳ tu luyện để cộng đồng có thêm 1 ông thầy tào.

Từ buổi chiều, Mã Thế Anh đã cặm cụi ngồi vẽ một bức tranh thờ dài dằng dặc. Ngoài mấy chữ Hán, tấm sớ có rất nhiều họa tiết vẽ, đa phần nội dung miêu tả cảnh Thiên giới với nhiều nhân vật. Dễ nhận ra nhất có lẽ là hình ảnh Ngọc hoàng Thượng đế, kế tiếp là các hình tượng Thiên thần, Thiên tướng, rồi các thần linh… Trong ánh sáng nhập nhoạng của ngọn đèn vàng, bên cạnh một ban thờ dựng bằng tre đan gắn chi chít bùa và tranh, những người đàn ông ngồi trò chuyện khe khẽ, kiên nhẫn chờ đợi. Không đến nỗi quá huyền bí, trong buổi lễ này, tôi có thể len lỏi đi qua đi lại, chụp ảnh tùy ý, mời thuốc lá, nhấm nháp vài ly rượu. Chỉ kiêng nhất việc bắt chuyện và chạm vào người cậu thầy trẻ đang ngồi im như tượng trên giường kia. Mà cậu ta còn phải im lặng như vậy suốt đêm nay. Trong 4 tháng tiếp theo, cậu ta không được quan hệ  vợ chồng, mặc dù vẫn có thể ra ngoài làm việc.

Trong cộng đồng Nùng, thầy tào ngoài chức năng cầu khấn, cúng bái, chữa bệnh, trừ tà… còn đảm đương chức trách gìn giữ đạo lý cho cộng đồng, bởi vậy 10 giới luật dành cho giới chức này cũng nghiêm ngặt không kém các tôn giáo lớn khác: Không chửi mắng trời đất, sinh sống thiện lương, kính trên nhường dưới… Còn các bài cúng dài lê thê pha trộn giữa tiếng Nùng và tiếng Quan Hỏa cũng phải học thuộc thì là lẽ tất nhiên nếu muốn trở thành một thầy tào.

Có xem các thầy lần lượt cúng tế mới thấy quy trình thụ phong thầy tào quả là nhiều cung bậc. Sau bài sớ dài có điểm chiêng trống của Mã Thế Anh là phần các thầy lần lượt đóng triện vào 1 lá sớ dài dằng dặc, mà số thầy hiện diện trong buổi lễ này đâu có ít. Rồi tới mục cầu cúng của hai bên thầy tào – thầy pháp.

Thú vị nhất có lẽ là ở mục này, bởi trước bàn thờ, không gian nhà được chia ra thành 2 khu vực, một bên thầy tào mặc trang phục đỏ, một bên là các thầy pháp mặc trang phục vàng thổ, lưng áo và khăn trùm đầu vẽ họa tiết đậm dấu ấn Đạo giáo như bát quái, các quẻ dịch, đồ hình nhị thập bát tú… Cứ lần lượt mỗi bên cúng 1 đoạn, và theo lời người dân bản giải thích, thầy tào chuyện kêu cầu tới Ngọc hoàng Thượng đế hoặc các thần linh cấp thấp hơn, kể cả tổ tiên và các ma, còn thầy pháp thì gần giống với các đạo sĩ của Đạo giáo, nhưng khí cụ chỉ dùng thanh gỗ và chuông lắc.

Theo suy đoán của tôi, có lẽ đây là sự kết hợp ở mức độ nào đó của Đạo giáo và shaman giáo bản địa song hành trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Nhưng đáng nể nhất là các thầy toàn đọc lời cúng từ những cuốn sách chữ Hán viết tay, điều này khiến uy danh của các thầy cúng Hà Nội phải suy giảm đi vài bậc, ít ra về mặt ngoại ngữ. Xen kẽ giữa quá trình cúng là những lời trao đổi ngắn của các thầy tào, thầy pháp, hình như có cả trêu đùa. Mọi sự diễn ra yên ả, không đến nỗi nghiêm trang quá nhưng cũng không quá ồn ào. Lấp ló sau cánh cửa của phòng trong, đám đàn bà con gái xúm xít nhìn ra. Như những lần tiếp xúc, tôi nhận thấy người Nùng khá tôn trọng phụ nữ, đặc biệt với các vai bà, mẹ, chị.. của gia đình. Lần cúng lễ này cũng vậy, vài bà cô của dòng họ mặc dù yên vị trong buồng nhưng cũng có thể tự do đi qua đám cúng, điều này với một vài dân tộc khác sẽ chẳng thể xảy ra.

Xen kẽ giữa các lần cúng là lễ đốt vàng ngoài sân, cũng long trọng không kém, rồi lại vào nhà cúng. Giữa khung cảnh đó, cậu thầy tào thực tập vẫn cứ im lìm trên khoảng giường của mình. Lễ chính sẽ còn kéo dài tới quá nửa đêm với màn “xiên tưng” tức múa lượn theo hình số 8 của các thầy, song để đợi được tới lúc đó thì còn lâu lắm, mà đường về của tôi thì lại quá dài. Đành chụp thêm vài tấm hình, tặng lại pho tượng Phật nhỏ cho ông thầy tào tương lai, rồi mấy anh em chúng tôi lại lao xe vào màn đêm thăm thẳm. Trong người, men rượu của bữa ăn chiều vẫn còn chưa tan, hệt như tiếng vọng của thanh la, não bạt còn in đậm trong tâm trí

Long Tuyền
.
.
.