Đem yêu thương cho những người nghèo

Thứ Hai, 13/03/2017, 15:29
Chỉ là một công chức bình thường nhưng chị Nguyễn Thị Nga, ở xã Đại Hóa, Tân Yên (Bắc Giang) lại khá nổi tiếng bởi những việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa mà ở tuổi chị, ít ai làm được. Bận rộn với công việc, với con nhỏ, nhưng cứ nghe ở đâu trong xã, huyện có người nghèo khó cần giúp đỡ, chị lại tìm đến với tấm lòng nhân ái đầy cảm phục.


Mới đầu tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Nga, chúng tôi  nghĩ rằng, chị là một người có "vai vế", hoặc chí ít cũng là một người "nổi tiếng" trong một lĩnh vực nào đó thì mới có thể kêu gọi, quyên góp được số tiền hàng tỉ đồng cho các hộ nghèo và khó khăn trong xã, huyện.

Nhưng khi được biết câu chuyện thật về chị, chúng tôi càng ngạc nhiên và khâm phục tấm lòng của người phụ nữ ấy. Chỉ là một cán bộ công chức phụ trách mảng chính sách Lao động thương binh xã hội và mảng Văn hóa thể thao ở xã, nhưng những gì chị Nga đã và đang làm khiến chúng tôi khâm phục.

Chị Nga (ngoài cùng bên phải) cùng Công an huyện trao quà cho một gia đình nghèo.

35 tuổi nhưng chị có hơn mười lăm năm kinh nghiệm làm công việc thiện nguyện, 16 lần tình nguyện hiến máu, là cầu nối yêu thương đến các nhà hảo tâm giúp đỡ hàng tỷ đồng cho nhiều hoàn cảnh khó khăn; tự tay làm 70kg ruốc gửi đồng bào miền Trung bị lũ lụt, bản thân chị đã đăng ký hiến mô tạng và vận động được hơn 20 người đăng ký tham gia…

Tham gia tình nguyện và những hoạt động từ thiện ngay từ khi còn ngồi trên ghế Trường Cao đẳng LĐTB&XH, tốt nghiệp ra trường, Nga vẫn tiếp tục công việc đầy ý nghĩa ấy.

Chị bảo, làm công việc thiện nguyện, chị thấy tâm hồn mình thư thái và điều quan trọng là giúp được nhiều người, quen được nhiều người bạn tốt và càng tin rằng cuộc đời này có nhiều người tốt, sẵn sàng dang tay giúp đỡ, sẻ chia với người nghèo khó.

Mười lăm năm nay, Nga miệt mài với công việc kêu gọi từ thiện của mình. Chị cũng chẳng nhớ mình đã giúp được bao nhiêu trường hợp nhưng mỗi trường hợp mà chị giúp đỡ, kêu gọi đều có hoàn cảnh thực sự đáng thương.

Như trường hợp của bé Nguyễn Thị Hoa ở thôn Chúc, xã Đại Hóa. Nhà Hoa nghèo lắm, bố mất sớm vì bệnh ung thư, một mình bà Thu tần tảo nuôi con khôn lớn. Khi đang học lớp 3, Hoa bị đau nhức khắp người, nhưng nghĩ con đang tuổi lớn, chạy nhảy nhiều, đau chân là chuyện bình thường, bà Thu cũng không để ý.

Đến lúc phát hiện ra thì đã muộn, Hoa bị ung thư xương. Người đàn bà lam lũ, tần tảo quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà cũng chẳng đủ ăn chỉ biết ôm con mà khóc. Không có tiền chữa bệnh, bệnh Hoa ngày càng nặng, hai chân liệt hẳn, chỉ biết nằm một chỗ, phần dưới đang hoại tử dần.

Chị Nguyễn Thị Nga trong 1 lần hiến máu tình nguyện.

Nhiều lần đến thăm Hoa, chị Nga xót xa lắm. Vừa bỏ tiền túi ra cho em, chị Nga vừa kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ, sau đó chụp ảnh, chia sẻ hoàn cảnh đáng thương của cô học trò giỏi bất hạnh đưa lên mạng xã hội, đồng thời gửi thông tin đến quỹ nhân ái của một số tờ báo kêu gọi sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng.

Nhờ đó đến nay, gia đình Hoa đã nhận được khoảng 400 triệu đồng từ các tấm lòng hảo tâm ở trong, ngoài huyện, ngoài tỉnh, thậm chí có cả Việt kiều ở nước ngoài. Số tiền này phần lớn để chữa chạy cho Hoa, một phần để xây ngôi nhà tình nghĩa cho hai mẹ con sinh hoạt, còn lại Nga tư vấn để gia đình gửi tiết kiệm.

Đáng thương nữa là hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Đức Cờ, xóm Tân, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Vợ anh mất vì ung thư khi đứa con nhỏ vừa được 5 tháng tuổi.

Trước đấy, khi đang mang thai tháng thứ 5, vợ anh phát hiện mình bị ung thư. Từ chối điều trị ung thư để cho con được chào đời bình an, nhưng cũng chỉ cầm cự được đến tháng thứ 8, chị phải mổ bắt con để bước vào giai đoạn điều trị vì bệnh đã quá nặng.

Nhà nghèo, không có tiền, anh Cờ phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để lo viện phí cho vợ. Đến sữa cho con uống cũng phải đi xin nhờ những người mới sinh. Hai đứa con, 1 đứa còn đỏ hỏn, 1 đứa mới 3 tuổi phải để lại cho bà nội trông nom, còn anh đưa vợ đi khắp các viện điều trị, vừa tranh thủ làm thuê vừa trông nom vợ.

Tình cờ biết được hoàn cảnh của gia đình anh Cờ, chị Nga đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ gia đình anh để có tiền viện phí cho chị và tiền sữa nuôi các con. Sau khi vợ anh mất, chị Nga và bạn bè còn lập hẳn một sổ tiết kiệm mà mọi người đóng góp trao tận tay cho anh và thường xuyên đến tận nhà để thăm hỏi, động viên.

Cũng với cách vận động, kêu gọi như vậy, gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở xóm Bình Lê, xã Lan Giới (Tân Yên) cũng nhận được hàng chục triệu đồng giúp đỡ từ sự kết nối của chị Nguyễn Thị Nga. Chị Lan hoàn cảnh khó khăn, đơn thân nuôi con.

Gia cảnh không có gì ngoài chiếc bao tải đựng quần áo và chiếc giường cũ, chạy ăn từng bữa. Mẹ con chị phải ở trong chuồng vịt cũ của bố mẹ đẻ. Con trai bị bệnh thoát vị bẹn không có tiền mổ. Nhờ sự giúp đỡ, kêu gọi của chị Nga, cả gia đình chị Lan đã có tiền chữa bệnh cho con, có khoản tiền gửi tiết kiệm và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Luôn đau đáu với những phận người nghèo khó, cứ đi đâu hay nghe ở đâu thấy người có hoàn cảnh bất hạnh là Nga tìm đến tận nhà để giúp đỡ. Có người được chị kêu gọi hỗ trợ tiền chữa bệnh, có người được hỗ trợ quần áo, đồ dùng, hay con lợn con bò làm giống.

Có người được chia sẻ giọt máu nghĩa tình trong lúc nguy nan... Chị bảo, mỗi hoàn cảnh được giúp đỡ, chị đều công khai, minh bạch rõ ràng, có địa chỉ, số điện thoại và ảnh trao quà cụ thể của gia đình được nhận đưa lên mạng xã hội để ai cũng được biết. Trừ khi có việc đột xuất còn lại chị đều đến tận nơi, trao quà tận tay cho những người nghèo. Những trường hợp được các nhà hảo tâm ủng hộ, chị vẫn thường xuyên quan tâm, hướng dẫn họ sử dụng đúng mục đích.

Hai vợ chồng cụ già neo đơn được chị Nga trao tặng quà từ thiện

Là thành viên tích cực của Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện Bắc Giang, chị Nga đã 16 lần tham gia hiến máu cứu người và bằng cách thuyết phục khéo léo, chị đã vận động được nhiều người trong gia đình cũng như đồng nghiệp tham gia.

Rồi người này vận động người kia theo gương của chị, đến nay đã có hơn 100 người tham gia. Cách đây một năm, chị Nguyễn Thị Nga còn đăng ký hiến mô tạng tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể (địa chỉ 40 Tràng Thi, Hà Nội).

Được chị vận động, em gái chị và hơn 20 người khác cũng đăng ký tham gia. Người Việt Nam có quan niệm chết đi rồi thi thể phải còn nguyên vẹn nhưng với chị, khi mình chết mà vẫn làm được điều ý nghĩa, đem lại sự sống cho nhiều người, đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Tháng 10, tháng 11 - 2016, khi cả nước hướng đến khúc ruột miền Trung trong trận lụt lịch sử, chị Nga cũng không ngần ngại bỏ tiền túi và kêu gọi thêm các tấm lòng hảo tâm khác góp tiền mua 70kg thịt nạc rồi cùng người thân làm 70 hộp ruốc gửi người dân vùng lũ.

Chị Nga thay mặt những nhà hảo tâm trao bò giống cho một gia đình.

So với nhiều người, chị kém may mắn hơn khi hơn 7 năm mới có con. Suốt trong thời gian hiếm muộn ấy, chị Nga không hề chạy chữa mà tích cực đi làm từ thiện. Chị tâm niệm, chỉ cần đem yêu thương đi, mọi niềm vui sẽ đến với mình.

Và điều tâm niệm ấy đã thành hiện thực, chị Nga may mắn sinh được hai bé, một trai một gái. Điều đó càng giúp chị tin vào điều hay lẽ phải, rằng gieo mầm thiện, ắt gặp điều hay. Hai vợ chồng chị quyết định dành dụm một phần tiền lương ít ỏi để làm quỹ từ thiện riêng của chính gia đình.

Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều người đồng hành và tham gia những chương trình từ thiện mà chị khởi xướng. Đó là động lực giúp chị làm được nhiều việc ý nghĩa hơn nữa cho những người nghèo.

"Quan trọng vẫn là cái tâm của chính mình. Mình làm việc tận tâm, tận lực, ắt hẳn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Xã hội này vẫn còn nhiều người tốt lắm, việc làm của mình so với nhiều người chẳng là gì đâu, nhưng mình sẽ cố gắng hết sức", chị Nga chia sẻ.

Phong Trâm
.
.
.