Dự án di dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở ở Hà Giang:

Đi cũng khổ, ở không xong

Thứ Hai, 18/06/2018, 14:35
Sau trận lũ quét năm 2004 với hàng chục người thương vong, hàng trăm hecta hoa màu mất trắng, nhiều nhà cửa bị đất đá vùi lấp… Nhiều năm nay, người dân sống trong lo lắng, sợ hãi mỗi khi mùa mưa lũ tới.


Trước tình hình đó, Dự án quy hoạch bố trí ổn định dân cư đến địa bàn xã Du Già (huyện Yên Minh, Hà Giang) đã được phê duyệt từ năm 2010. Thế nhưng, đến nay đã 8 năm trôi qua, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Hàng chục hộ dân, hàng trăm con người vẫn nơm nớp lo sợ cho tính mạng cũng như tài sản của mình.

Dự án cấp thiết

Chúng tôi đến xã Du Già vào đúng mùa mưa bão. Chứng kiến cảnh hàng trăm hộ dân sống rải rác trên sườn núi cao, suối sâu mà không khỏi lo lắng tới sự an toàn của họ. Hẳn người dân ở đây vẫn còn ám ảnh với trận lũ ống, lũ quét nghiêm trọng xảy ra năm 2004.

Trận lũ đó đã khiến hàng chục người thương vong, hàng trăm hecta lúa, đậu tương, ngô bị mất trắng, rất nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, đất đá vùi lấp.

Khu vực bà con vẫn chưa được di dời có nguy cơ lũ quét bất kỳ lúc nào.

Anh Vàng A Minh kể lại: “Bà con chúng tôi sống chủ yếu ở sườn núi cao, bây giờ cây cối cũng không còn nhiều, thời tiết lại thất thường. Cứ mùa mưa tới là có nguy cơ lũ quét, rất nguy hiểm. Như trận lũ quét năm 2004, nhà tôi cũng mất đi một người thân, nhà cửa thì bị đất đá vùi lấp sạch cả.

Đó là trận lũ thiệt hại nhiều nhất, còn mùa mưa lũ năm nào ở đây cũng xảy ra lũ quét. Bà con cũng quen với điều ấy, nhiều khi tránh được mà thoát chết. Khổ nhất là nhà cửa, chuồng trại rồi vật nuôi bị lũ cuốn đi sạch. Có lẽ vì thế mà dân chúng tôi ở đây càng làm lại càng nghèo, càng khổ”.

Trước việc cuộc sống của người dân có nguy cơ bị đe dọa, năm 2010, UBND tỉnh Hà Giang đã xác định thôn Khâu Rịa và Khâu Đáy (thuộc xã Du Già, huyện Yên Minh) với 124 hộ dân, 700 nhân khẩu phải được di chuyển.

Những hộ dân cần được ổn định đời sống, sản xuất nhằm định canh định cư bền vững là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng cần thiết. Cụ thể, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định số 2938/QĐ–UBND–XV ngày 24-9-2010, phê duyệt Dự án quy hoạch bố trí ổn định dân cư vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, vùng nguy cơ thiên tai trên địa bàn xã Du Già.

Theo đó, dự án di chuyển toàn bộ 124 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu, diện tích đất khu vực quy hoạch vùng dự án được xác định là 300.000m2.

Các nội dung thực hiện dự án bao gồm: Hỗ trợ trực tiếp các gia đình làm nhà, di chuyển, hỗ trợ đời sống sản xuất… xây dựng cơ sở hạ tầng, điện đường, trường trạm, nước sạch. Mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 79 tỷ đồng, UBND huyện Yên Minh được giao làm chủ đầu tư.

Nguồn vốn cho dự án này là từ ngân sách TW hỗ trợ có mục tiêu cho chương trình 139/2006/QĐ –TTg ngày 24-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn vốn khác.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, sau khoảng hơn 1 năm dự án được phê duyệt, cuối năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thời điểm đó là ông Đoàn Văn Bông đã ký Quyết định số 2254/QĐ – UBND về việc phân bổ hỗ trợ di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở, lũ ống, lũ quét từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2011.

Các em học sinh ngày ngày vẫn phải lội suối tới trường.

Dự án sắp xếp dân ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai, vùng khó khăn ở hai thôn Khâu Rịa và Khâu Đáy chỉ được phân bổ số tiền 4 tỷ đồng (chiếm khoảng 3% tổng mức đầu tư của dự án).

Theo đó, UBND huyện Yên Minh cũng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả đấu thầu gói thi công xây lắp + thiết bị của dự án. Gói thầu số 06 thi công tuyến đường tại Km 1 + 0.0m đường Làng Khác – Giàng Chù đi thôn Thâm Luông + các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Đức Quý và Công ty TNHH Giang Sơn. Giá trúng thầu là hơn 26 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 34 tháng.

Khi dự án được phê duyệt, gần 1.000 con người nơi đây vô cùng vui sướng, họ sẽ không còn lo lắng, sợ hãi mỗi mùa mưa lũ về. Và điều họ nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tới đó là cuộc sống có điện, có nước sạch… rồi còn trường học, trạm y tế và hàng loạt chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Anh Bàn Văn Hà chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi biết mình sẽ được di chuyển đến một nơi an toàn để sinh sống. Bao nhiêu đời nay, chúng tôi ở trên sườn núi nguy hiểm lắm, nhất là vào mùa mưa lũ. Lại còn được người ta nói sẽ được dùng điện, dùng nước sạch rồi trẻ con được đến trường…

Chúng tôi háo hức chờ đợi bao nhiêu thì nay lại thất vọng bấy nhiêu. Mà tôi thấy bảo những người được di cư đi chỗ khác cũng khổ chả kém, họ phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày vì không có đất để canh tác, rồi điện không thấy, nước sạch thì không… trạm y tế, trường học lại càng không thấy đâu. Đúng là đi cũng khổ, ở cũng nguy.

Chúng tôi là những người nông dân không hiểu biết cũng chẳng biết kêu ai, chỉ ngồi đó chờ đợi ngày dự án hoàn thành. Dân bản chúng tôi tha thiết mong các cấp chính quyền sớm hoàn thiện để người dân chúng tôi an cư lạc nghiệp. Mùa mưa lũ sắp đến rồi, chúng tôi lo lắm! Đã 8 năm rồi còn gì nữa!”.

Vẫn "bài ca chờ đợi"

Chẳng phải nói cũng đủ thấy người dân 2 thôn Khâu Đáy và Khâu Rịa thất vọng thế nào. Với số tiền vỏn vẹn 4 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND huyện Yên Minh cũng chỉ biết vừa triển khai vừa chờ đợi.

Với những báo cáo về xây dựng nguyên tắc, tiêu chí thực hiện các dự án di dân thiên tai cấp bách bà di dân tự do năm 2016 của Bộ kế hoạch và Đầu tư, gửi Văn phòng Chính phủ, thì dự án này đã đáp ứng đủ các tiêu chí hàng đầu như: Dự án đã đủ thủ tục theo quy định, dự án nằm ở tỉnh khó khăn về ngân sách.

Nói về vấn đề này, ông Lê Quang Điệp, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Minh cho biết: Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện thì đến nay trong tổng số 124 hộ dân thuộc vùng dự án tại 2 thôn Khâu Đáy và Khâu Rịa thì chỉ có hơn 70 hộ được chuyển đến nơi ở mới an toàn. Số còn lại hiện vẫn sống trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

“Dự án được chia thành 2 gói thầu xây lắp. Đối với gói thầu số 6, đến nay chỉ thực hiện được phần mở đường giao thông đạt 17% khối lượng, san nền ước đạt 5% khối lượng.

Tổng giá trị khối lượng đã thực hiện đối với gói thầu này đạt khoảng 2,7 tỷ đồng. Đối với gói thầu số 7, đến nay mới chỉ thực hiện phần mở nền đường, giá trị khối lượng thực hiện 850 triệu đồng, đạt 6% giá trị hợp đồng.

Còn các hạng mục và công trình khác chưa thi công. Đối với dự án trên, huyện Yên Minh đã chủ động bố trí bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình 193 hỗ trợ xây dựng 1 điểm trường tiểu học và 1 trường mầm non tại thôn Khâu Rịa, đổ mới 100m đường bê tông đi thôn Khâu Đáy bằng các nguồn vốn (Nông thôn mới và sự nghiệp chương trình 193)”, ông Điệp thông tin thêm về tiến độ của dự án.

Mới đây, UBND huyện Yên Minh đã có đề nghị với UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban ngành liên quan ưu tiên bố trí vốn cho dự án. Từ đó để sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai, vùng khó khăn thuộc thôn Khâu Rịa và thôn Khâu Đáy.

Cuộc sống của người dân vẫn bấp bênh, không ổn định.

Chúng tôi đến khu vực những hộ dân được di dời đến theo dự án, không khí ở đây cũng không khá hơn là bao. Vẻ lo lắng hiện rõ trên gương mặt của người dân.

Ông Bàn Văn Q buồn rầu nói: “Chúng tôi ai nấy đều vui sướng vì được di cư tới đây, nghe nói là sẽ có đầy đủ các điều kiện sinh hoạt như điện, đường, trường, trạm, nước sạch. Thế nhưng, đã 8 năm trôi qua, chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh đợi chờ. Không có gì cả, rồi đến đất để canh tác cũng không có…

Thanh niên trai tráng bỏ lên thành phố, đi các vùng khác kiếm việc hết cả rồi. Bây giờ ở đây chỉ có người già, trẻ con thôi. Nếu không làm xong dự án, ổn định đời sống cho nhân dân chúng tôi thì cứ để chúng tôi ở chỗ cũ, dù có nguy hiểm nhưng vẫn có đất, có nước để lao động sản xuất, sinh hoạt. Bà con ở đây tha thiết mong mỏi dự án sớm hoàn thành để nhân dân đỡ khổ”.

Ông Vàng Minh Lẻng, Bí thư Đảng ủy xã Du Già cho biết: Còn rất nhiều hộ dân ở hai thôn Khâu Đáy và Khâu Rịa chưa thể di chuyển theo đề án đã được duyệt. Nhiều năm nay, bà con vẫn phải sống chung với hiểm nguy. Còn những người được chuyển đi thì cuộc sống cũng không hơn gì. Họ thiếu thốn đủ thứ: Điện, đường, trạm y tế, nước sạch và đặc biệt là quỹ đất để phát triển kinh tế. Dự án này đã 8 năm trôi qua rồi mà vẫn chưa đâu vào đâu, người đi cũng khổ mà người ở cũng chẳng xong.
Song Anh
.
.
.