Đi đòi công bằng cho con đồng tính

Thứ Tư, 01/06/2016, 09:28
Tập hợp hơn 70 người là người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới, hội PFLAG sau 5 năm hoạt động đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng này từ Nam chí Bắc.

"Chiến đấu" cùng chiến tuyến với con

Đối với người thuộc cộng đồng LGBT (viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender; tức đồng tính, song tính và chuyển giới), thuyết phục gia đình chấp nhận xu hướng tính dục của bản thân đã là chuyện khó, việc được phụ huynh đứng về một phía cùng đấu tranh với mình nằm ngoài tưởng tượng của những người trong cộng đồng này.

Đó là lý do vì sao từ khi ra đời ngày 11/5/2011 đến nay, hội phụ huynh và người thân của LGBT Việt Nam (PFLAG) đã tạo được một làn sóng đổi mới trong nhận thức cũng như sự chung tay của người thân, làm chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng LGBT gần như là khắp ba miền.

Không giấu được niềm tự hào ánh lên trong mắt, bà Đinh Yến Ly, Chủ tịch hội PFLAG vẫn còn nhớ như in những ngày đầu chập chững tham gia các buổi hội thảo, tập huấn do con trai là Nguyễn Đăng Khoa làm cầu nối. 

"Tôi cũng không ngờ có một ngày, từ một bà mẹ đau khổ phát hiện ra con trai là gay, vật vã với những tháng ngày không thể đối mặt với sự thật về đứa con trai duy nhất cho đến ngày tôi thay đổi hoàn toàn chính kiến, từ thái cực chống đối chuyển sang đứng cùng phe với con, đấu tranh cho con", bà nhớ lại. 

"Tôi cũng không biết tại sao lại có thể vượt qua được 5 năm khắc nghiệt vừa qua", bà chậm rãi kể về cái ngày đọc được lá thư của con "rút ruột" nói hết tâm sự khi phải sinh ra là người đồng tính.

Cơ duyên bước chân vào PFLAG, bà Yến Ly nói: "Năm 2012, từ những buổi đầu tiên chập chững bước vào hội thảo của trung tâm ICS, tôi cảm thấy vô cùng tò mò và muốn đi tiếp những buổi sau để biết thêm về giới tính cũng như để hiểu về xu hướng tính dục của con, để hiểu rằng đó không phải là bệnh". Trung tâm ICS, tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam chính là tiền thân của PFLAG, vạch ra chiến lược hoạt động cũng như tìm nguồn tài trợ cho tổ chức này hoạt động độc lập.

Cũng chính từ một trong những buổi họp mặt giữa những người có con là người đồng tính, song tính và chuyển giới, bà Ly có dịp được gặp cha mẹ của cặp đôi Anh và Cưng, một cặp đôi đồng tính người Việt sống tại Canada. Bà Ly nói mọi động lực của bà đều xuất phát bởi câu nói từ bố của Anh và Cưng, người từ nước ngoài quay về Việt Nam như một người truyền cảm hứng: "Liệu chúng ta sẽ thấy xấu hổ khi có con là người dị tính (người có xu hướng tính dục bình thường) nhưng giật dọc, trộm cướp, tổn hại an nguy của xã hội; hay xấu hổ vì chúng là người đồng tính nhưng giỏi giang, có ích cho gia đình và xã hội?".

"Càng tham gia, càng tìm hiểu, mình như bị cuốn vào. Tôi nhận ra, con mình mà mình không chấp nhận thì làm sao xã hội chấp nhận", bà Ly nói. Từ đó, người mẹ miệt mài giấy bút đi học để hiểu về con. Và bà Yến Ly cũng như hàng chục bà mẹ khác có con là người LGBT, điều sau cùng thôi thúc "các mẹ" quyết tâm tìm hiểu về kiến thức quá đỗi mới mẻ này rốt cuộc chỉ vì thương con.

Cùng trong năm đó, hội thảo quan trọng "Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền LGBT trong vấn đề hôn nhân và gia đình" năm 2012 do Bộ Tư pháp và Liên hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp đã diễn ra. Đó là lần đầu tiên, tiếng nói của những người mẹ được lan toả.

Gói ghém bớt công việc quản lý tại một viện khoa học, bà nói, vừa phải coi sóc việc nhà, vừa phải lo chuyện cơ quan nhưng không quên vai trò của mình tại PFLAG. Năm 2014, khi đã nghỉ hưu, con trai đã tự lo được cuộc sống, bà dành toàn tâm toàn ý cho công cuộc tuyên truyền của PFLAG. Từ đó, người phụ nữ 57 tuổi bắt đầu hành trình dày đặc khi được bầu làm chủ tịch của hội PFLAG từ năm 2015, và có được quỹ thời gian nhiều hơn để đi đi về về giữa các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc.

Kết nối những người chung hoàn cảnh

Bắt đầu hiểu về con, bà Ly mới nhận ra, nếu con mình may mắn có được sự cảm thông của mẹ thì còn những người LGBT khác không may phải đánh vật với quá trình mong nhận được cảm thông từ gia đình. Từ những hoạt động ở ICS, chiến dịch "Hiểu về con" của PFLAG được khởi xướng, bắt đầu tác động đến các bậc phụ huynh ở TPHCM, sau đó triển khai mạng lưới tại Bến Tre, Vĩnh Long, Nha Trang, Bình Dương, Vũng Tàu, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Nghệ An.

PFLAG đã đi được tổng cộng hơn 13 tỉnh, thành khắp cả nước. Khi mới đi vào hoạt động, PFLAG ước tính chỉ có 5-7 phụ huynh ở TPHCM. Ngoài "mẹ Ly", hoạt động thường trực của hội còn có những ông bố, bà mẹ bám sát "trên từng cây số" như bà Tiêu Hạnh Nhi, bà Cao Thị Kim Châu, ông  Nguyễn Quý Thắng.

Cách PFLAG hoạt động, theo bà Yến Ly, "cộng đồng LGBT ở địa phương đó sẽ liên hệ với trung tâm ICS, sau đó chúng tôi sẽ hướng dẫn cách để các bạn tổ chức một sự kiện, cách mời cha mẹ, sàng lọc những tài liệu để phụ huynh đọc sao cho dễ tiếp thu", bà giải thích.

Không riêng gì bà Yến Ly, bà Tiêu Hạnh Nhi, những bà nội trợ, viên chức với kiến thức mơ hồ như tờ giấy trắng về LGBT bỗng trở nên am tường, thấu đáo sâu sắc các vấn đề về giới chỉ sau một thời gian ngắn tham gia cùng PFLAG.

Trong ký ức của những ông bố, bà mẹ PFLAG, hành trình hiểu về con của bà Cao Thị Minh Nguyệt (56 tuổi, ở Nha Trang) là một trong những trường hợp gian nan, đáng nể phục nhất. Có ba trong số bốn người con của bà, một người là chuyển giới từ nữ sang nam, một người là đồng tính nam, một là con dâu đồng tính nữ. Cũng từng trải qua các cung bậc cảm xúc, từ sốc, buồn giận, đến suy nghĩa và cảm thông. Hành trình của bà Nguyệt bắt đầu thông suốt từ một buổi hội thảo của PFLAG tại Nha Trang.

Chứng kiến con gái Nguyễn Trúc Vy (28 tuổi) chịu đau khổ khi thất bại trong nhiều cuộc tình vì bị kỳ thị, đến cuộc tình cuối với một cô gái cùng quê tên Bích Hà, bà quyết định chủ động đứng ra trình bày giúp con và nhận được ủng hộ từ gia đình bên kia. 

Cuối năm 2015, bà đã vô cùng hãnh diện dắt tay con trai chuyển giới và con dâu đến lễ đường hôn nhân. Đám cưới đồng tính hiếm hoi tại thành phố này nhận được sự ủng hộ tuyệt đối, không những trong cộng đồng LGBT mà còn nhận được ủng hộ của bạn bè dị tính. Bà Minh Nguyệt hiện là thành viên tích cực của PFLAG tại Nha Trang, là "mẹ Nguyệt" đáng kính, đáng tin của người LGBT tại địa phương này.

Bà Lê Thị Thi (72 tuổi, sống tại Sóc Sơn, Hà Nội) được người trong cộng đồng trìu mến gọi bằng "mẹ Thi", là phụ huynh cao tuổi nhất ở PFLAG. Lớn tuổi, cả đời chỉ quanh quẩn ở làng quê nghèo nhưng bà lại là người nhận thức nhanh nhất, không suy xét nhiều mà chấp nhận ngay con trai đồng tính vì không có gì ngoài tình thương cậu con trai út Lê Xuân Tư (32 tuổi). 

Vì con, người phụ nữ tóc bạc, khăn the áo xếp mày mò học cách dùng internet, đọc tài liệu, "xông pha" cùng các phụ huynh khác khắp các hội thảo để lên tiếng cho con. Hiện diện của "mẹ Thi" ở mỗi nơi bà đi qua đều tạo cảm hứng cho người LGBT có thêm chỗ dựa.

"Đại sứ" của người LGBT

Hành trình "Hiểu về con" từ trong năm 2014 đã tổ chức chuỗi hội thảo, toạ đàm qua bốn tỉnh; và trong năm 2015 đã đi được bảy tỉnh, quy tụ hoạt động của hơn 70 phụ huynh xuyên suốt hai năm qua. Ở mỗi tỉnh, PFLAG sẽ mời người thân hoặc thầy cô của người LGBT đến, giải thích các vần đề về giới, hôn nhân, cũng như cách nhìn nhận con em mình. Mỗi chuyến đi kéo dài vài ngày, nhưng với những chuyến đi xa như ra Hà Nội có thể kéo dài cả tuần.

Những chuyến đi "lan toả yêu thương" thực sự không dễ dàng khi phải đối mặt với những tầng lớp xã hội đã hằn sâu hình ảnh kỳ thị người đồng tính. "Biết như vậy nên chúng tôi phải thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Có những nơi khi chúng tôi đi qua chỉ có tiếng khóc nghẹn của các em khi người thân không chịu đến, hội trường trống không. Có nơi phụ huynh chỉ đến có 1-2 người. Nhưng nếu các em thuyết phục được lần nữa, chúng tôi sẵn sàng trở lại", bà Ly nói. Như bố Tấn, một thành viên PFLAG nói trong chuyến "Hiểu về con" tại Quy Nhơn: "Có thể bố mẹ các con đến giờ chỉ mới là chấp nhận, nhưng hãy mời họ đến để hiểu và thừa nhận nó như một phần thân thuộc của các con".

Chi phí sinh hoạt, di chuyển cho mỗi chuyến đi hầu hết đều được ICS tài trợ thông qua nguồn quỹ đóng góp từ các tổ chức nước ngoài như UNDP, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển, hay các tổ chức của Đan Mạch. Dẫu vậy, sự đánh đổi, hi sinh thời gian, công sức của các vị phụ huynh hầu như đều trên tuổi hưu là điều vô cùng đáng quý.

Những ngày cuối tháng 4/2016, bà Ly quay như con thoi giữa những cuộc hẹn tư vấn cho người LGBT, vừa phải chuẩn bị để góp mặt trong chuỗi sự kiện Viet Pride lớn nhất năm của cộng đồng vào 30/7 đến 2/8 tới. Vừa ở quán cà-phê bàn bạc việc bay ra Hà Nội với Nguyễn Thanh Tâm (29 tuổi, người mang phong tràoViet Pride về Việt Nam), bà vừa luống cuống chạy về nhà thu xếp việc bếp núc, mệt rã rời với nhiều cuộc hẹn phải chạy cả ngày ở Sài Gòn nhưng trong bà luôn tràn đầy năng lượng.

"Người đồng tính, song tính và chuyển giới không còn phải chiến đấu một mình với định kiến xã hội nữa. Cùng với tiếng nói của con, tiếng nói đồng thuận của chúng tôi - những bậc cha mẹ hi vọng sẽ cải thiện được rào cản để con mình được hưởng những quyền con người cơ bản nhất", bà Yến Ly chia sẻ.

Huỳnh Duyên
.
.
.