Đi tìm câu hát Già Họ

Thứ Ba, 25/11/2014, 11:00

Chưa lúc nào nguôi ngoai ý định kiếm tìm thể hát cổ xưa có cái tên khá lạ tai - hát Già Họ - từng có ở vùng Tày Đại Sảo thuộc huyện Chợ Đồn - Bắc Kạn, lần này chúng tôi quyết tìm cho bằng được, dù trong tay chưa có chút manh mối nào về thể hát này cũng như cách thức tổ chức và hành trình lênh đênh của chiếc mảng được chất đầy thức ăn như lời một trí thức Tày từng kể.

Đáy b mò kim

Mưa mỗi lúc một rây rất, không biết thế có được gọi là phù hộ không nhưng chúng tôi vẫn quyết định lên đường khi trời mới lờ nhờ sáng. Cái lạnh ẩm đầu đông không mấy dễ chịu. Rời thị xã Bắc Kạn lúc chưa rõ mặt người, đặt chân lên đất Đại Sảo mặt người cũng vẫn chưa nhận rõ dù đã trải qua gần hai tiếng đồng hồ băng đèo vượt dốc. Trời xám xịt, manh mối thì mịt mùng, cô bạn trong đoàn bảo, không biết chuyến đi này có nên ngô nên khoai gì không.

Từ Nà Ngà, thôn giáp ranh với xã Yên Mỹ (Chợ Đồn - Bắc Kạn), chúng tôi tỏa đi các hướng lân la hỏi dò, những cái lắc đầu, những ánh mắt ngạc nhiên khiến thông tin đã mịt mùng càng mịt mùng hơn. Gần 3h đồng hồ không có kết quả gì, chúng tôi quyết định tìm đến nhà những người được coi là trí thức theo quan niệm của người Tày xưa, đó là các thầy Tào, Then, Pựt của vùng Đại Sảo. Kết quả cũng không có gì khả quan.

Theo dọc từ thôn Nà Ngà lên đến tận Pác Lèo (gần hết xã Đại Sảo), đi rạc cẳng chân, chúng tôi mới bắt đầu có chút hy vọng. Được bà con nơi đây giới thiệu, chúng tôi tìm đến Thoôm Tà, theo thông tin chúng tôi có được thì đó là nơi có đình thờ, ngày trước dòng họ Nguyễn được giao trông nom. Lật đi lật lại kiếm tìm, chúng tôi cũng gặp được cháu đời thứ tư của dòng họ Nguyễn. Anh Nguyễn Văn Hiếu hiện là bảo vệ trường học cấp II Nà Moong rất nhiệt tình khi dẫn chúng tôi lên đồi, nơi mà theo như anh bảo thì đó là chỗ đình ngày trước. Anh kể, người già vẫn bảo, trước khi thả thức ăn xuống Khuổi Tù cần phải làm lễ tại đình này.

Theo chân anh Hiếu chúng tôi hì hục leo đồi, lên mãi mới tới một bãi đất cỏ mọc um tùm. Đây chính là nền của ngôi đình xưa, rồi anh vạch cỏ chỉ cho chúng tôi những hòn đá kê cột đình hiện nằm chơ vơ lạnh lẽo, đình thì chỉ còn trong kí ức bởi trước đó người ta đã phá tan hoang cả. Đấy, giờ chỉ còn có những thứ này thôi, thấy chúng tôi có vẻ thất vọng, anh Hiếu an ủi, hay tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Cắm ở thôn Pác Lèo hỏi thử, có thể cụ còn nhớ.

Bên bếp lửa, anh Hoàng Văn Mô đang nhớ lại những câu hát Già Họ.

Cụ Cắm năm nay đã ngoài 90 tuổi, là một trong số ít cụ cao niên hiếm hoi còn lại của thôn cho chúng tôi biết, trước đây đúng là có thể hát đó nhưng đã lâu lắm rồi, ngày ấy cứ vào dịp tết Nguyên Đán, tầm từ mồng 7 trở đi người ta bắt đầu hình thành từng nhóm nam thanh lão ấu đi đến từng nhà chúc phúc, chúc mùa màng... và lấy thức ăn quyên góp, sau đó mang lên trên Pù Đình thuộc Thoôm Tà làm lễ rồi đưa xuống đồng ở Kẹm Sáo, tại đây họ chất thức ăn lên mảng rồi thả xuống suối Khuổi Tù để con nước trở thức ăn đi cho Già Họ.

Cụ bảo, Già Họ là một người không chồng, và là người che chở cho cả vùng. Thực chất, việc thả thức ăn này chính là cứu tế cho những người có hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn không có điều kiện ăn tết, họ có thể lấy thức ăn trên mảng để dùng tạm qua cơn đói, cụ Cắm nói thêm. Còn khá nhiều công đoạn khác nhưng lâu rồi cụ không nhớ, rồi cụ bảo, thầy Tào Nga biết rõ hơn tiếc là Tào Nga đã về với núi rồi. Tìm đến nhà ông Đặng Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đại Sảo, ông nhiệt tình xách xe đi đón cụ Hoàng Văn Chu, nguyên cán bộ văn hóa xã Đại Sảo giờ cũng đã ngót nghét tám mươi tuổi. Khi được hỏi về hát Già Họ, cụ Chu khẳng định, sách về hát Già Họ gồm hai quyển, một được viết bằng chữ Nôm Tày, và quyển nữa được phiên ra chữ La-tinh.

Cuốn viết bằng Nôm Tày đã được ông Bế Sĩ Uông, Hội Văn nghệ Bắc Thái mang đi hồi những năm 1966-1967, cuốn bằng chữ La - tinh cũng đã bị thu trong giai đoạn đó, giờ thì không biết ở đâu, và liệu có còn bản nào còn được lưu giữ ở trong dòng họ Nguyễn Tiến không? Vì ngày đó sách như thế bị cho là sách cấm. Ông cho biết, thường đoàn hát được lập từ mùng 7 tết, các nhà có nhu cầu nghe hát thì mời đoàn đến, mục đích là hát cầu an, cầu mùa màng cho gia đình và mang cái xui xẻo đi. Đến mồng 9, đoàn sẽ làm cơm tại Kẹm Sáo, sau đó làm lễ và cho thức ăn thả trôi theo suối. Người ta quan niệm thả như vậy là thả cái không may đi, và cũng chính việc này lại biến cái không may thành cái may cho những người cơ nhỡ, đó là "biến hung thành cát". Tuy nhiên ông Chu cũng chỉ còn nhớ bập bõm dăm ba câu. Không thể nào hát Già Họ lại đã mất hẳn, và sự thôi thúc đã đưa chân chúng tôi đến được đúng nơi cần đến.

Người đàn ông trẻ biết câu hát "già"

Vào Thoôm Hẩu, một bản khá thưa thớt dân cư của xã Đại Sảo, chúng tôi quyết định theo một lối mòn nhỏ đi sâu vào mãi sát chân đồi. Một thanh niên tuổi chừng 30 đưa mắt hướng về chúng tôi vẻ hiếu kì. Trời vẫn lất phất mưa, đi nữa hay thôi lúc này với chúng tôi quả là vấn đề cần bàn tính. Đi cả ngày cũng cần nghỉ chân đôi chút, lân la bắt chuyện, nghĩ chỉ là cho có chút không khí. Mới nghe chúng tôi đề cập, người thanh niên đã xua tay, ầy, cái đấy cả vùng này chẳng có ai biết đâu. Thôi, cứ về nhà mình đã, có gì tính tiếp, trời cũng tối rồi!

Vậy là chuyện trò râm ran, vậy là thành khách quý, dân bản đến vui như hội, rượu cạn lại đầy, đến khi đã thấm mệt chúng tôi định xin phép gia chủ để về lại thị xã thì đúng lúc ấy, vị chủ nhà mới thỏ thẻ, bảo không có người còn biết cũng không phải. Nói rồi gia chủ lại rót tràn chén. Không ép, không mời, chủ nhà có cái tên khá đặc biệt, Mô, Hoàng Văn Mô dốc cạn chén rượu rồi bắt đầu đọc những câu vần điệu lạ tai. Qua nội dung, gương mặt chúng tôi bừng hẳn bởi đó chính là một trường đoạn thơ có nhắc đến Già Họ, từ rằng:

Vằn xo slíp náo thoai
Lặp Slay mà chin ngài Pù Đình
Trình lồng hội lồng toồng
Choồm khẩu thuy khẩu théc
Lườn Họ nhằng bấu héc kỉ lai
Bấu mì ngài thắc rổng
Chẳng cạ bấu mì lồng toồng
Chắng rống roáng mà xa pây xa tèo
Quá kéo pjẻn khửn pjẻn lồng
Nựa ma Slay bấu chin
Slay ái chin nựa cáy
Slay vạy pây vạy tèo
Chắng néo thâng Già Họ...

Tạm dịch:

Trưa muộn ngày mùng mười
Đón thầy về ăn cỗ Pù Đình
Trình đến hội Lồng Toồng
Xem gạo rang bỏng ngô ép bánh
Nhà Họ không còn có bao nhiêu
Không có cơm trưa gì cả
Mới nên sự không có lễ xuống đồng
Thịt chó thầy không dùng
Thầy muốn gắp miếng thịt gà không có
Thầy dỗi lên dỗi xuống
Thế nên mới phải khẩn cầu tới Già Họ...

Trong đêm, tiếng vị chủ nhà sang sảng, ánh mắt mơ màng theo từng câu từng chữ thốt ra.

Một chén đủ đầy được lên môi để nhấp giọng, Mô tiếp tục lèo nữa những câu hát mà anh vẫn còn đầy trong đầu: ...chắng trình thâng Già Họ/ chắng pọ thâng Pù Phầy/ Luây lồng Bình Trung/ Pây tẳm kha thung kha cải/ Roài pây tằng tời... Những khuôn mặt thờ thẫn, hết thẩy từ cụ già đến trẻ nhỏ đều mắt chữ O mồm chữ A. Thì đúng là có hát Già Họ mà, nhưng còn ai biết nữa đâu nhỉ, một vài người lao xao, hay thằng này nó bịa? Chúng tôi cũng đã thoáng có ý nghĩ ấy, song những câu chữ mà vị chủ nhà trẻ tuổi đang say sưa đọc không thể nào là ứng tác để vui lòng khách, câu chữ chau mượt, lời lẽ kính cẩn, có nội dung câu chuyện hẳn hoi; về vần điệu thì đúng là phải có sự chuẩn bị.

Anh Nguyễn Văn Hiếu đang chỉ nơi án ngữ của Đình Già Họ ngày trước.

Vậy thì làm sao một thanh niên trẻ lại thuộc nằm lòng những câu tạm được cho là của thể hát này, thể hát đã được coi là "già" như vậy, trong khi các cụ cao niên ai cũng khẳng định đã thất truyền? Rượu cứ rót và lời hát cứ tràn lên theo bập bùng bếp lửa, căn nhà lúc này ắng lặng đến vô cùng, chỉ có tiếng Mô với những câu hát còn ẩn chứa đằng sau những điều bí ẩn. Khi đã hết lời, Hoàng Văn Mô trầm ngâm, đó chỉ là nhớ lại qua lời đọc của ông cụ nhà này thôi nên độ chính xác không cao, còn hát thì thực ra mình chưa nghe hát bao giờ. Mẹ của Mô cũng khẳng định là chưa nghe qua hát.

Theo những gì anh Mô đọc thì lễ hát diễn ra vào mồng 10 tháng Giêng còn các cụ cao niên lại khẳng định là mồng 7 đến mồng 9. Như vậy, thể hát trên đã chỉ còn tồn tại trong ký ức của các cư dân vùng Tày Đại Sảo, dù rằng thể hát này rất nhân văn, nhân đạo trong nội dung, lề lối hát xướng cũng như ý nghĩa mục đích của nó. Và thực tế, hát Già Họ chính là một hình thức giáo dục của đồng bào Tày vùng Đại Sảo về sự tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách bởi vậy rất cần có sự bảo tồn phục dựng và phát huy. Để làm được điều đó rất cần sự chung tay của các nhà làm văn hóa và các cơ quan liên quan trong tỉnh.

Trước khi chúng tôi rời nhà Mô, anh đã hứa sẽ tìm lại trong những cuốn sách cổ mà cha anh đã để lại xem liệu còn không, tuy nhiên anh cũng bảo, rất có thể không còn bởi đã quá lâu rồi, còn lại anh sẽ hỏi dò hộ bên thôn Bằng Tục xã Đại Sảo mà theo như cha anh từng nói là ở đó cũng có sách về thể hát này.

Ông Đặng Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đại Sảo cho biết, Ban văn hóa xã dù rất quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy vốn văn hóa bản địa song cũng chưa sưu tầm được tư liệu nào về thể hát này bởi hát Già Họ đã bị mai một từ rất lâu, thêm nữa là việc ngày trước hát Già Họ từng bị coi là mê tín dị đoan, sách hát bị thu hồi, còn đình thì cũng bị phá bỏ cả.

Hoàng Chiến Thắng
.
.
.