Đi tìm lời giải hợp lý cho cuộc di dân lớn nhất Thừa Thiên - Huế

Thứ Sáu, 03/01/2020, 20:37
Kinh thành Huế được vua Gia Long khởi công xây từ năm 1805 và được hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Sau 1945, hàng ngàn hộ dân đã lên Thượng Thành lấn chiếm làm tạm nhà cửa và ở cho đến ngày nay.

Có thể nói, nhiều khu nhà ổ chuột, nhà ở tạm nhếch nhác ở Thượng Thành, Eo Bầu trong Kinh thành Huế đã làm ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp của Huế hiện nay. Để bảo vệ Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, tỉnh Thừa Thiên- Huế đang có chủ trương di dời 4.201 hộ dân khỏi khu vực I di tích để trả lại diện mạo cho Kinh thành Huế xưa.

Mảng màu tối giữa kinh thành

Từ nơi lấp lánh phồn hoa đô hội của thành phố Huế mộng mơ, chúng tôi đi chỉ vài trăm bước chân đến thượng thành… nơi sinh sống tạm bợ của không ít hộ dân. 

Bà Nguyễn Thị Huệ sống ở Thượng Thành, khu vực phường Tây Lộc tiếp tôi trong nước mắt vắn dài. Chiến tranh, loạn lạc nên năm 1952 nhà bà phải chạy lên Thượng Thành tìm chỗ tá túc. 

Trong tay không vật dụng, không tiền bạc, cả nhà bà đã chọn ở trong hầm bê tông (một điểm gác của lính canh thời triều Nguyễn) làm nhà. Hầm bê tông dài chưa đầy 10m, rộng độ 2m trở thành "nhà" cho ba thế hệ của gia đình bà Huệ ở hơn nửa thế kỷ qua. Bà Huệ nói, vì không có nhà nên gia đình nhiều năm qua rơi vào bi kịch bởi con cái không làm được giấy tờ. 

Anh Nguyễn Văn Nhật Lê (SN 1991) nhiều lần vào TP. Hồ Chí Minh tìm được việc làm tốt rồi lại phải bỏ về vì không có chứng minh nhân dân. Hàng ngày bà cháu, mẹ con bà Huệ nương tựa vào nhau, tìm làm những việc thủ công gần nhà sinh sống qua ngày. Khi nghe tỉnh Thừa Thiên- Huế có chủ trương di dời tất cả các hộ dân ở khu vực Thượng Thành, bố trí đất tái định cư, hỗ trợ tiền làm nhà…bà thấy cuộc đời mình giờ thật sự sang trang.

Hàng chục năm trời nhiều hộ dân sinh sống trên Thượng Thành, Kinh thành Huế trong những căn nhà dột nát, tạm bợ.

Hơn nửa cuộc đời làm nghề dạy học ở ngay trong khu vực Kinh thành Huế, gia đình ông Đoàn Thanh Phong cũng phải làm nhà ở tạm ở khu vực Eo Bầu, sát chân thượng thành Huế. Không có điều kiện nên nhiều hộ dân mới chọn Thượng Thành, Eo Bầu làm nơi ở. 

Khó khăn mà ông Phong nói chúng tôi có thể cảm nhận được, khi gia đình ông 4 người chỉ tá túc trong mấy chục m2 của căn nhà cấp 4. Nhà có xuống cấp bao nhiêu, ông cũng không được xây dựng, vì đây là khu vực thuộc di tích được UNESCO xếp hạng từ năm 1993. 

Từ đó đến nay, bà con sinh sống ở Thượng Thành, Eo Bầu khi nơi ở quá dột nát mới làm đơn xin chính quyền sở tại sửa sang, che tạm lại để ở. Có những gia đình 3-4 thế hệ vẫn phải cùng nhau nương tựa, sinh sống trong vài chục m2 của căn nhà tả tơi xuống cấp…

Ở khu vực Thuận Lộc, địa bàn có số hộ dân đông nhất sinh sống ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu nằm trong diện di dân. Hiện, địa phương đang chuẩn bị sẵn sàng phương án để giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, neo đơn khi có lệnh di chuyển về nơi ở mới. 

Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định di dời dân cư khu vực I, Kinh thành Huế là nguyện vọng chính đáng của người dân và là trách nhiệm của chính quyền. 

Các hộ dân sống ở đây chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, đa phần là hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe, cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản thế giới…

Không để chủ trương nằm trên giấy

Kinh thành Huế được vua Gia Long khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Khi Kinh thành xây dựng xong, trong nội thành chủ yếu là dinh thự, nơi ở của vua quan triều đình nhà Nguyễn, cùng tôn thất dòng dõi hoàng tộc. 

Đến thời vua Khải Định về sau, nhiều binh lính, thợ thuyền và một số người dân mới được sinh sống, an cư trong khu vực thành nội. Sau đó, đến những năm chiến tranh ác liệt từ 1968-1972, rất nhiều hộ dân sống ở thành phố Huế và các vùng phụ cận từ Quảng Trị kéo vào lấn chiếm vùng Thượng Thành và dọc thành hào để sinh sống, tránh bom đạn của cuộc chiến.

Theo đề án, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên kế hoạch di dời 4.201 hộ dân khỏi khu vực I di tích để trả lại diện mạo Kinh thành Huế xưa và phát triển du lịch, với tổng mức đầu tư lên đến 4.097 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng. 

Dự án di dời này sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2019 - 2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo các sở, ban, ngành kiểm tra mặt bằng để di dân khỏi Kinh thành Huế.

Theo kế hoạch, trong năm 2019, tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ di dời, tái định cư cho 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Bắc Hương Sơ với diện tích gần 10 ha để phân lô cho các hộ dân di dân ra xây dựng nhà ở. Tỉnh cũng dự trù kinh phí gần 3.000 tỷ đồng để chi phí xây dựng tái định cư và chi cho người dân. 

Kiểm tra thực địa tại khu tái định cư, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế khẳng định sẽ bảo đảm điều kiện tốt nhất có thể cho người dân khi di dời trong đợt I này. Đó cũng là cách để các hộ dân di dời các đợt tiếp theo cảm thấy yên tâm. 

Ông Phan Ngọc Thọ cùng đại diện các ngành liên quan đã mời nhiều người dân trong diện di dời đợt I ra khu tái định cư để tham quan. Với hệ thống điện, đường, cơ sở hạ tầng được xây mới, đồng bộ, các hộ dân đều tỏ ra vui mừng khi họ được chính mắt trông thấy nơi tái định cư mà họ sẽ được chuyển đến để chấm dứt hàng chục năm trời sống lay lắt trên di tích, trong những căn nhà ổ chuột muốn xây dựng, sửa sang đều bị cấm.

Dù hàng ngàn hộ dân ở khu vực phải di dời Kinh thành Huế đều ủng hộ; chỉ còn một ngày nữa là hết năm song đến nay nhiều khu vực Thượng Thành chúng tôi tìm đến, bà con vẫn lắc đầu khi nói đến việc di dời. Nhiều hộ dân cho biết, đến nay cũng mới chỉ thấy cơ quan chức năng của địa phương đến đưa giấy tờ ký tá, kiểm kê tài sản… nhiều hộ cũng đã đi xem đất tái định cư nhưng rồi đến nay vẫn chưa thấy có động thái gì.

Phóng viên Báo CSTC tìm hiểu thực tế đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở Thượng Thành, Kinh thành Huế.

Tâm tư nguyện vọng của người dân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn người dân sinh sống ở khu vực Thượng Thành đều muốn nhanh chóng được di dời. Còn rất nhiều hộ dân sinh sống dọc theo Hộ Thành Hòa, Đàn Xã Tắc, hồ Tịnh Tâm… tỏ ra tâm tư, bởi người dân cho rằng nơi họ sinh sống đã kéo dài gần cả thế kỷ, trải qua nhiều đời. Bắt đầu từ năm 1993, khi Kinh thành Huế được UNESCO công nhận Di sản thế giới, người dân mới không được xây dựng nhà cửa, còn trước đó họ vẫn xây nhà kiên cố, nhà vườn, nhà rường… nhiều ngôi nhà, mảnh vườn nơi đây rất đẹp đã tạo nên phong cảnh, kiến trúc Huế. 

Họ sinh sống trong khu vực I di tích nhưng nếu xét trong thực tế, không xâm phạm, ảnh hưởng gì đến các công trình kiến trúc của Kinh thành Huế, vậy có nên đưa vào diện di dời? Trong số các hộ dân ở Thượng Thành nằm trong diện di dời, nhiều người còn băn khoăn với những lý do chính đáng như: Nhiều hộ gia đình nơi đây là anh em, bà con thân thích nên nếu di chuyển cùng thời điểm, cùng ngày sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc hỗ trợ giúp đỡ nhau.

Trả lời báo chí, bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường bày tỏ: "Thuận Lộc đã sẵn sàng mọi việc để người dân ổn định và đồng thuận rời đi. Tuy nhiên, để đảm bảo hơn cho cuộc di chuyển, người dân và chính quyền phường Thuận Lộc mong muốn lãnh đạo tỉnh và thành phố tính toán, xem xét giải pháp phân kỳ số lượng để di dời cho phù hợp". 

Bên cạnh đó, việc đảm bảo sinh hoạt, học hành cho hàng ngàn em trong độ tuổi học sinh, làm chuyển đổi các thủ tục giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân… cho người dân, tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng cần xem xét một cách khoa học, cụ thể, tránh gây phiền phức cho cả chính quyền và người dân sau này.

Dương Sông Lam
.
.
.