Từ vụ ''nhân bản'' kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội:

Đi tìm quy trình xét nghiệm máu chuẩn

Thứ Hai, 26/08/2013, 15:06

Niềm tin của bệnh nhân đang đặt hết vào những kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện bỗng dưng bị lung lay sau hàng loạt những sai lệch không lí giải nổi của một bệnh viện tuyến huyện thời gian gần đây. Chưa phải là một labo được chứng nhận theo chuẩn ISO, nhưng Khoa xét nghiệm - Bệnh viện Đại học Y tự tin rằng họ làm khá tốt quy trình công việc theo quy định của Bộ Y tế. Máy móc đầu tư là tốt nhất, quy trình cũng có thể tự "vẽ ra" thật đẹp, điều quan trọng là người vận hành hệ thống hiện đại đó có "bằng lòng" thực hiện?

Hà Nội hiếm có phòng xét nghiệm đạt chuẩn

ISO 15189 một hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế dành cho các labo y học nhằm đánh giá năng lực và kỹ thuật xét nghiệm của labo, lần đầu tiên được đưa ra năm 2003 với  mục tiêu duy nhất là cung cấp các kết quả xét nghiệm đảm bảo độ tin cậy, đồng nhất. Hiện nay, theo thông tin của Bộ Y tế, chỉ có hơn 20 bệnh viện (BV) trên tổng số hơn 1.000 BV có phòng xét nghiệm đạt chuẩn theo ISO 15189, được công nhận gần đây nhất là Khoa hóa sinh, Khoa vi sinh của BV Bạch Mai, Hà Nội. Hầu hết các labo được cấp chứng chỉ ISO là labo xét nghiệm về virut, ở Hà Nội các labo chuẩn quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do để đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của Hệ thống quản lý phòng thí nghiệm y tế (ISO 15189) là một vấn đề khó khăn mà hiện nay như labo của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đang cố gắng xây dựng.

Không chỉ về khoa học kỹ thuật, kết quả xét nghiệm, trang thiết bị hiện đại hay mức độ của công nghệ xét nghiệm tiên tiến, mà còn rất nhiều tiêu chuẩn trong một phạm vi rộng các vấn đề cần xem xét. Mỗi vấn đề là một quy trình chi tiết, thì việc vừa phải xây dựng một hệ thống quy trình vừa đảm bảo công tác chuyên môn hàng ngày là khó khăn rất lớn mà chính lãnh đạo các đơn vị phải định hướng và phân công trách nhiệm cho các thành viên của đơn vị mình trên cơ sở phù hợp với thực tế đơn vị mình để xây dựng các quy trình cụ thể theo tiêu chí của ISO, với mục đích duy nhất là chất lượng dịch vụ y tế cho người bệnh.

Kết quả xét nghiệm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chẩn đoán, điều trị của bệnh nhân. Hơn nữa, ngoài sự chính xác bệnh nhân đánh giá chất lượng dịch vụ y tế qua thời gian nhanh chóng, chính vì vậy hiện nay Bộ Y tế cũng quy định cụ thể về các quy trình kỹ thuật.

TS, BS Nguyễn Quang Tùng theo dõi ''nội kiểm'' hàng ngày tại labo.

Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Quang Tùng Trưởng Khoa xét nghiệm BV Đại học Y cho biết quy trình xét nghiệm bao gồm quy trình công việc chung, mỗi công việc lại có một quy trình cụ thể, chi tiết. Giai đoạn trước xét nghiệm gồm có các khâu như, lấy mẫu xét nghiệm, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển mẫu (từ khoa lâm sàng đến khoa xét nghiệm), xử lý mẫu, quay ly tâm... Tại Bệnh viện Đại học Y, mỗi một công đoạn đều có sự kiểm tra lẫn nhau (double check), khi máu được đưa đến labo xét nghiệm, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra và loại ra những mẫu máu không đạt tiêu chuẩn về liều lượng, có sai lệch với thông tin người bệnh.

Theo một nhân viên y tế lấy mẫu máu tại đây cho biết, với số lượng hơn 1.500 bệnh nhân làm xét nghiệm trong một ngày, chủ yếu rơi vào buổi sáng sớm thì việc sai sót trong khâu nhập dữ liệu không khớp là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng với cả một hệ thống trong quy trình khép kín và khoa học mà hiện tại BV đang áp dụng thì hậu quả xảy ra như nhầm lẫn kết quả xét nghiệm của người này sang người khác là hoàn toàn không có. Quy trình in và trả kết quả xét nghiệm cũng tương tự như thế. Sau khi có kết quả, bác sĩ trưởng khoa xét nghiệm hoặc bác sĩ được chỉ định sẽ kí vào kết quả để kiểm tra, sau đó các kỹ thuật viên lại kiểm tra thêm một lần nữa bệnh nhân đã có đầy đủ các loại xét nghiệm hay chưa trước khi trả kết quả cho bệnh nhân.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng thành lập đến 4 trung tâm kiểm tra chất lượng phòng thí nghiệm trên toàn quốc. Nhưng với 4 trung tâm và hơn 1.000 bệnh viện chưa kể các labo của phòng khám tư nhân, thì quy trình vận hành labo tốt hay chưa tốt phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức, điều kiện và sự nghiêm khắc trong công việc của các cơ sở.

Xác suất trùng chỉ số không thể xảy ra

Gần đây dư luận xung quanh vụ bệnh viện tuyến huyện tại Hà Nội sai lệch về chỉ số xét nghiệm khi một cụ già 80 tuổi có cùng kết quả xét nghiệm máu với thiếu nữ 17 tuổi. Giải thích xác suất trùng chỉ số, TS-BS Nguyễn Quang Tùng khẳng định không thể có chuyện đó xảy ra. Tại labo của Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y, kỹ thuật viên giám sát thiết bị xét nghiệm công thức máu cho biết, công việc đầu tiên trước khi bắt đầu ngày làm việc của cô là tiến hành quy trình "Kiểm soát chất lượng phòng xét nghiệm".

Quy trình này gọi là quy trình nội kiểm, được thực hiện đầu ngày và liên tục trong suốt cả ngày làm việc nhằm phát hiện, giảm thiểu và chỉnh sửa những sai sót trong quy trình phân tích tại phòng xét nghiệm Kiểm soát chất lượng là đo lường độ chính xác, hoặc khả năng đưa ra những kết quả xét nghiệm giống nhau tại các thời điểm khác nhau và ở các điều kiện thực hiện khác nhau (độ lặp lại). Mẫu dùng cho kiểm soát chất lượng phòng xét nghiệm thường được chạy khi bắt đầu mỗi ca làm việc, sau khi một dụng cụ hay máy móc được đưa vào sử dụng, khi thay đổi lô hoá chất, sau khi chuẩn máy, và khi kết quả của bệnh nhân có dấu hiệu thiếu chính xác. Ngoài ra cứ mỗi năm một lần, các thông số sẽ được gửi đi “ngoại   kiểm” để đảm bảo tính chính xác cao  hơn.

Hơn 1.500 mẫu máu một ngày, đơn giản theo thuật toán thống kê, xác suất trùng lặp là rất hiếm khi xảy ra, huống hồ là đến 2 chỉ số. Thiết bị phân tích công thức máu được nối với máy tính, tự động cho kết quả và sao lưu ra máy chủ của bệnh viện, kỹ thuật viên không thể nào sửa kết quả xét nghiệm ngay trên máy tính.

TS-BS Nguyễn Quang Tùng cho biết, máy móc dù đắt tiền hay ít tiền, dù cũ hay mới cũng có thể hỏng hóc bất kì lúc nào. Chất lượng xét nghiệm không phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, mà phụ thuộc vào những người vận hành máy. Để đảm bảo tiến độ công việc trong quy trình xét nghiệm công thức máu chỉ cần kỹ thuật viên có trình độ đại học được hướng dẫn là có thể đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác. Vị trí giám sát máy trong labo sẽ là những người được đào tạo chuyên sâu hơn…

Vấn đề y đức

Quy trình xét nghiệm máu ở một labo xét nghiệm là quá trình khép kín và được kiểm tra chéo từng khâu theo quy định của Bộ Y tế. Theo TS-BS Nguyễn Quang Tùng, nếu xảy ra sai sót là do lỗi của cả một hệ thống chứ không riêng gì một khâu nào. Với tầm quan trọng của công tác xét nghiệm, các bác sĩ Khoa xét nghiệm BV Đại học Y đều khẳng định labo lấy chất lượng xét nghiệm làm danh dự của bản thân. Tuy là một công việc áp lực và căng thẳng nhưng đứng trước sinh mạng của bệnh nhân đang chờ đợi một kết quả chính xác để dựa vào đó chuẩn đoán và điều trị đúng bệnh, các bác sĩ Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y luôn luôn cố gắng làm thật tốt công việc của mình.

Xét nghiệm sai lạc, điều trị nhầm gần tử vong

Ngày 24/11/2011, TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội mở phiên xử hai bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì là bà Nguyễn Thị Tường Vân (54 tuổi, Phó Giám đốc chuyên môn, kiêm Trưởng khoa lâm sàng) và Trần Thị Xuân Dung (49 tuổi, Trưởng khoa cận lâm sàng) cùng kỹ thuật viên Nguyễn Thị Thu Hà (29 tuổi, Công ty cổ phần Dịch vụ y tế Việt Nam) về tội vi phạm quy định về chữa bệnh.

VKS cáo buộc, ngày 19/9/2009 bà Nguyễn Thị Vinh (54 tuổi, ở quận Hoàng Mai) đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe suy sụp. Bác sĩ Vân trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này.

Ngày 22/9/2009, theo y lệnh của bà Vân, kỹ thuật viên Hà đã làm xét nghiệm máu cho bà Vinh. Đúng theo quy trình, chị Hà phải làm theo phương pháp hồng cầu mẫu, nhưng người này lại xét nghiệm một lần theo phương pháp huyết thanh mẫu để xác định nhóm máu.

Bà Vinh được xác định có nhóm máu AB, trên thực tế là nhóm máu O. Cùng ngày, Phó Giám đốc Vân giao bác sĩ Dung đi nhận máu để truyền cho bệnh nhân Vinh. Sau khoảng 30 phút, bệnh nhân bị sốc, người bệnh tím tái, rét run. Bà Vinh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và hai ngày sau thì tử vong.

Cẩm Huyền
.
.
.