Địa điểm mới và chiêu trò cũ của nhóm kinh doanh hồng sâm

Thứ Tư, 25/09/2019, 10:02
Trong khi địa điểm kinh doanh bán các sản phẩm hồng sâm Hàn Quốc với giá "cắt cổ" tại xã Bình Minh (Thanh Oai) buộc phải đóng cửa thì sau đó không lâu lại có phản ánh của người dân tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) về việc xuất hiện một công ty với cách thức hoạt động tương tự...


Địa điểm bán hồng sâm và các sản phẩm từ Hàn Quốc với giá "cắt cổ" tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã phải đóng cửa do sự vào cuộc của báo chí và các cơ quan chức năng. 

Tuy nhiên, khi cơ sở này đóng cửa thì trên địa bàn xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) lại xuất hiện một cơ sở mới với tên gọi Công ty TNHH đầu tư và thương mại Funny (Công ty Funny) nhưng lại sử dụng các chiêu trò giống hệt với Công ty Victory mà Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu đã từng phản ánh. 

Điều đặc biệt, dù là 2 công ty với hai tên gọi khác nhau nhưng người đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý lại chỉ có một là ông Nguyễn Minh Kiên. Trước thông tin mà báo chí cung cấp, chiều 20-9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất và thu giữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc của Công ty Funny tại điểm kinh doanh xã Liên Hà.

Chiêu trò cũ, địa điểm mới

Trong khi địa điểm kinh doanh bán các sản phẩm hồng sâm Hàn Quốc với giá "cắt cổ" tại xã Bình Minh (Thanh Oai) buộc phải đóng cửa do sự vào cuộc của báo chí và các cơ quan chức năng thì sau đó không lâu chúng tôi lại nhận được phản ánh của người dân tại thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) về việc xuất hiện một công ty với cách thức hoạt động tương tự. Qua xác minh và tiếp cận hồ sơ, chúng tôi không khỏi bất ngờ về những điểm "liên quan" của 2 công ty.

Theo hồ sơ được chính quyền xã Liên Hà cung cấp, hoạt động kinh doanh tại đây được vận hành bởi Công ty TNHH đầu tư và thương mại Funny, có mã số thuế 0108266894, không phải công ty hoạt động tại địa bàn huyện Thanh Oai. 

Tuy nhiên, giấy ủy quyền và bản cam kết được 2 công ty gửi đến chính quyền địa phương đều cho thấy người chịu trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh của 2 địa điểm là ông Nguyễn Minh Kiên, địa chỉ tổ 63, phố Lương Yên, phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội). 

Đối với Công ty Funny, ông Kiên chính là Giám đốc, người chịu trách nhiệm theo pháp luật, còn đối với công ty hoạt động tại Thanh Oai, ông Kiên là Phó Giám đốc, người được ủy quyền bằng văn bản để chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Địa điểm tổ chức các buổi bán hàng.

Một điểm đáng chú ý khác, không biết có phải "ngẫu nhiên" không mà cả 2 công ty này có chung một địa chỉ trụ sở chính. Theo giấy đăng ký kinh doanh của 2 công ty, trụ sở chính được đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư đều là địa chỉ số 5, hẻm 24, ngách 11 ngõ 255 đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Có thể thấy, tuy thuộc hai công ty khác nhau nhưng 2 điểm kinh doanh hồng sâm tại huyện Thanh Oai và huyện Đông Anh lại đang được vận hành, chịu trách nhiệm bởi một cá nhân. Phải chăng là "trùng hợp ngẫu nhiên" hay có khuất tất gì bên trong mà cá nhân kinh doanh phải thành lập nhiều công ty khác nhau?

Dù trên danh nghĩa là 2 công ty nhưng hoạt động kinh doanh tại 2 điểm này cùng theo một phương thức. Đó là công ty sẽ đứng ra thuê một địa điểm, tiến hành làm hồ sơ để biến địa chỉ này thành trụ sở kinh doanh. Sau đó, đưa nhân viên đến khu vực, phát tờ rơi giới thiệu chương trình hội thảo, mời chào người dân đến tham dự. 

Đối tượng được hướng đến là những người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ từ 50 tuổi trở lên, với những lời mời chào các vị chỉ cần đến tham dự, nghe giới thiệu về sản phẩm, không phải đóng bất cứ chi phí gì và khi về sẽ có quà từ công ty.

Khi công ty bắt đầu tổ chức hội thảo, đều đặn mỗi ngày, cứ vào khoảng 8h và 13h30 chương trình sẽ được bắt đầu. Các cụ khi đến tham dự sẽ được làm thẻ ra vào, ghi rõ tên và địa chỉ, công ty cũng chia rõ ràng theo ca, ai làm thẻ dự buổi nào sẽ chỉ tham dự ở buổi đó. 

Những người tham dự hội thảo sẽ phải đến đúng giờ, xuất trình thẻ ra vào được cấp bởi khi lượng khách vào đủ lớn, lập tức cửa trong, cửa ngoài đều được đóng kín. Ai đến muộn, hoặc không có thẻ sẽ không được vào và khi đã vào trong thì phải đến khi hội thảo kết thúc mới được ra về chứ không được về trước.

Tìm hiểu qua các cụ đã mua hàng, từ sản phẩm được bán cho đến mức giá, cách áp dụng giảm giá… giống hệt với hoạt động của cơ sở tại xã Bình Minh. Tuy nhiên, tại thời điểm ghi nhận đầu tháng 9, cứ sau một thời gian hoạt động công ty lại chào bán một loại sản phẩm mới, chúng đều được giới thiệu đến từ Hàn Quốc. Và cũng chỉ sau vài ngày bán với giá cao, sản phẩm sẽ giảm giá xuống còn một nửa, rồi còn 1/3… để thu hút người mua và lại chào bán sản phẩm khác.

Cứ như thế, mỗi ngày 2 buổi chương trình được tổ chức, vẫn những chiêu trò cũ, vẫn sản phẩm hồng sâm đó, giá bán thì đắt gấp nhiều lần ngoài thị trường nhưng buổi nhiều thì hơn chục người mua, ít cũng năm, bảy người, công ty thu lại vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi buổi. 

Sau nhiều bài viết cảnh báo về chiêu trò bán hồng sâm với giá cắt cổ, nhưng người dân tại xã Liên Hà và các xã lân cận vẫn đang "sập bẫy" những đối tượng để mua về những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, công năng.

Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc bị thu giữ.

Công an kiểm tra đột xuất, phát hiện nhiều sai phạm

Sau khi báo chí đăng tải về những bất thường trong hoạt động kinh doanh hồng sâm Hàn Quốc, Ban Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu vào cuộc để nắm bắt tình hình. 

Khoảng 14h ngày 20-9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 5, Công an huyện Đông Anh và chính quyền xã Liên Hà tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh số 2 của Công ty TNHH đầu tư và thương mại Funny tại thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận Công ty TNHH đầu tư và thương mại Funny đang tổ chức chương trình bán hàng, tại hội trường có hàng trăm người cao tuổi tham dự. 

Ông Nguyễn Minh Kiên, Giám đốc Công ty Funny cho biết, công ty có 7 nhân viên bán hàng, 1 kế toán phụ trách. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy lời khai nhanh của toàn bộ các nhân viên tại điểm kinh doanh để hoàn tất hồ sơ.

Quá trình kiểm tra kho hàng của Công ty Funny có hàng trăm sản phẩm như: cao hồng sâm, nấm linh chi, tỏi đen, rượu ngâm sâm, kẹo, đai lưng… và các sản phẩm quà tặng. Trong đó, rất nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ, hoá đơn, giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 

Đặc biệt, sản phẩm cao hồng sâm, trọng lượng 1.200g, có dấu hiệu ẩm mốc, không đảm bảo chất lượng. Sản phẩm rượu ngâm sâm loại 2 lít không hề có bất cứ tem nhãn hay hướng dẫn sử dụng. Lực lượng chức năng tiến hành đã niêm phong toàn bộ số sản phẩm vi phạm, tạm giữ để tiếp tục phục vụ quá trình điều tra.

Cơ quan công an bất ngờ ập vào kiểm tra hoạt động kinh doanh hồng sâm có địa chỉ ở xã Liên Hà.

Trao đổi với báo chí, Trung tá Nguyễn Khắc Mạnh - Phó đội trưởng Đội 4 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an Hà Nội cho biết: "Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện nhiều sản phẩm không đầy đủ tem nhãn, hóa đơn giấy tờ pháp lý theo quy định. Những hàng hóa không đủ hồ sơ giấy tờ sẽ bị tạm giữ để tiếp tục quá trình điều tra. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có liên quan để mở rộng điều tra vụ việc, toàn bộ các vấn đề về hàng hóa, thuế, lao động… để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Khi quá trình điều tra hoàn tất, có kết quả, Công an thành phố sẽ có văn bản gửi đến các quận, huyện để phổ biến nội dung vụ việc. Sau đó các quận, huyện sẽ truyền đạt đến từng xã, phường trên địa bàn thành phố, cảnh báo người dân trước những đối tượng lừa đảo. Từ đó, cũng nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh những thiệt hại kinh tế cho người dân".

Trưởng Công an xã Liên Hà chia sẻ: "Từ khi công ty hoạt động, chúng tôi cũng đã nhận nhiều phản ánh từ người dân. Rất may có lực lượng Công an thành phố, cơ quan báo chí và lực lượng chức năng vào cuộc để kịp thời kiểm tra xử lý những hành vi vi phạm". 

Phong Anh
.
.
.