Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bán điện thoại giá rẻ trên mạng

Chủ Nhật, 08/09/2019, 06:46
Nhiều trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook mạo danh các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam để quảng cáo bán các loại điện thoại "xịn" với "khuyến mãi vàng" có giá bán chưa bằng nửa giá hàng thật.


Do chủ quan, thấy các nhãn thương mại lớn, quen thuộc và giá rẻ nên nhiều người không đề phòng, đặt mua rồi đành ngậm bồ hòn làm ngọt bởi mua phải hàng giả, hàng nhái, trong khi đó người bán thì đã cao chạy xa bay…

Mua tiền thật, nhận hàng giả, hàng nhái

Anh Phạm Long Phú (nhà ở đường Tây Thạnh, quận Tân Phú) bức xúc kể lại câu chuyện của mình sau khi đã bị lừa một cách rất "chuyên nghiệp". Anh Phú cho biết cách đây hơn một tuần, anh xem trên Facebook thấy có quảng cáo của hai trang fanpage có tên Lazada và Shopee… bán điện thoại Samsung Galaxy A70, bình thường có giá tầm 9-10 triệu đồng nhưng lại được quảng cáo "Xả kho trưng bày hàng mẫu Galaxy A70", với mức giá giảm 49% (bán với giá 3,39 triệu đồng).

Một số trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook mạo danh các sàn thương mại điện tử lớn để quảng cáo.

Đọc các nội dung thông tin, anh Phú thấy được đảm bảo về bảo hành, chất lượng sản phẩm nên đã không mảy may nghi ngờ. Sau đó, anh Phú điền tên, địa chỉ, số điện thoại và chọn màu của sản phẩm đặt mua chiếc điện thoại này…

Hơn một ngày sau, anh Phú nhận được cuộc gọi của một số điện thoại cá nhân nhận là nhân viên của nhãn hàng xác nhận lại thông tin, chốt đơn hàng; đồng thời có những lời chỉ dẫn dặn dò vô cùng chi tiết, trong đó nhân viên khẳng định đây là máy chính hãng Samsung có thể bảo hành toàn quốc, khi nhận hàng xem kỹ hộp máy có còn nguyên seal, nguyên tem, không có dấu hiệu bóc gỡ mới nhận hàng, trả tiền; tiếp đó khi mở hộp thì cần quay lại clip để có cơ sở trả hay đổi hàng với các chính sách ghi rõ trong giấy bảo hành…

"Nói chung là họ dặn rất kỹ khiến tôi hoàn toàn tin tưởng đã đặt mua được hàng xịn giá rẻ. Khi nhận hàng, tôi cũng chú ý nhiều đến tem, seal của hộp máy đều có điểm giống sản phẩm Samsung và gần như thấy không có dấu hiệu gì lạ nên nhận hàng và trả tiền. Nhưng cầm máy về nhà mở ra kiểm tra, tôi thấy lạ là máy cầm tay có cảm giác nặng, không như các điện thoại Samsung chính hãng, kiểm tra kỹ hơn thấy chất lượng máy rất tệ không như quảng cáo…", anh Phú kể lại sự việc.

Nhờ một người bạn rành rẽ về công nghệ kiểm tra, anh Phú được người này cho biết hộp sản phẩm cũng như thiết kế máy, phụ kiện và cả các chi tiết phần mềm đều là hàng giả, sao y bản chính của Samsung, chất lượng thì thua xa và gần như chẳng có gì đảm bảo. Chỉ đơn cử máy ảnh của chiếc điện thoại này dù trên hộp ghi chất lượng máy ảnh lên tới "32MP Front Camera" nhưng thực tế chụp ảnh không lấy nét được và ảnh bị mờ nhòe hoàn toàn….

Gọi vào số điện thoại đặt hàng, anh Phú được một nữ nhân viên trả lời và yêu cầu gọi cho bên cung cấp và bảo hành sản phẩm chứ họ không thể giải quyết vì chỉ là bên quản lý đơn hàng.

Trên phiếu giao hàng, bảo hành có ghi rõ "hoàn tiền 7 ngày và 30 ngày theo chính sách của hãng" (trung tâm bảo hành được ghi trên phiếu là một địa chỉ tại khu đô thị Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) nhưng sau đó thì tất cả các số điện thoại trước đều không nhận cuộc gọi hoặc không liên lạc được.

"Nhận ra điều bất thường nên tôi lên mạng tìm kiếm về việc "khuyến mại vàng" loại điện thoại này. Khi đó, tôi mới biết mình đã bị lừa mà không thể làm gì khác được. Thật sự do tôi nhiều lần mua hàng trên trang Lazada nên đã chủ quan không kiểm tra kỹ mới bị lừa như vậy", anh Phú cay đắng cho biết.

Tương tự, chị Quỳnh Thương (phường Hiệp Thành, quận 12) cũng mua một chiếc điện thoại Samsung Galaxy A70 với lời giới thiệu "Xả kho, giảm giá 49%" từ một Fanpage có tên giống với sàn thương mại điện tử nổi tiếng Shopee.

Anh Phú còn cẩn thận quay lại clip lúc mở hộp sản phẩm theo lời dặn của nhân viên bán hàng.

Đáng nói là dù hai trang Fanpage khác nhau, nhưng cả anh Phú và chị Thương đều nhận được quy trình mua hàng giống nhau. Chị Thương cho biết do đã quen mua hàng trên Shopee và thấy nhân viên bán hàng chỉ dẫn rất cụ thể, chi tiết, nhất là chế độ bảo hành của hệ thống thương mại điện tử cho phép đổi trả hàng trong 7 ngày, chị đã quyết định đặt mua hàng và thanh toán khi nhận hàng. Tuy nhiên, trường hợp của chị Thương còn nặng nề hơn anh Phú, bởi sau khi mở hộp ra thì chiếc điện thoại liên tục phập phù, sập nguồn.

Sau đó, chị Thương đã liên hệ với hotline của trang thương mại điện tử Shopee để yêu cầu đổi máy và bảo hành, nhưng lúc này chị mới biết mình đã mắc lừa bởi đơn hàng của chị không có trên hệ thống. Fanpage bán chiếc máy này không liên quan gì đến sàn thương mại điện tử Shopee.

"Quả thật, họ lừa quá bài bản và quy trình rất “chuyên nghiệp” khiến tôi hầu như không đề phòng hay nghi ngờ gì cả…", chị Thương buồn bã chia sẻ.

May mắn hơn hai trường hợp trên, anh Lê Văn Sơn (nhà ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp) cũng đặt mua chiếc điện thoại Samsung Galaxy A70 với cùng cách thức nhưng nhờ kiểm tra kỹ trước khi nhận hàng nên anh đã từ chối trả tiền và không nhận hàng nữa.

Anh Sơn kể lại lúc nhận hàng, kiểm tra anh thấy đúng như lời nhân viên nói rằng hộp đựng sản phẩm phải còn "nguyên seal", nhưng anh nhớ là trên quảng cáo ghi rõ đây là trưng bày nên có sự mâu thuẫn bởi đã trưng bày thì làm sao còn nguyên đai nguyên kiện chưa "bóc tem" được. Có chút nghi ngờ nên anh đã vào google tìm hiểu mới biết đang có tình trạng lừa đảo mua chiếc điện thoại kiểu này. Và anh đã từ chối đơn hàng này ngay lập tức…

Hoạt động lừa đảo có chủ đích

Ngoài việc quảng cáo "giội bom" sản phẩm Samsung Galaxy A70 như kể trên, theo tìm hiểu của phóng viên thì từ tháng 3 đến nay, các trang bán hàng trên mạng xã hội liên tục quảng cáo bán những dòng điện thoại cao cấp như Samsung Galaxy Note 9, S10… chỉ với giá 4,5 triệu đồng với các lời mời gọi đầy hấp dẫn như "Mua hàng với giá cực ưu đãi 1 năm chỉ 1 lần tại Lazada", "Bạn sẽ trở thành khách hàng may mắn mua Note 9 với giá 4.550k"…, trong khi giá bán các loại điện thoại này ở các siêu thị dao động từ 11 triệu đến 17 triệu đồng.

Và cũng giống như quy trình bán điện thoại Samsung Galaxy A70 kể trên, các sản phẩm này cũng được bên bán quảng cáo là mới 100%, "full seal", đầy đủ phụ kiện như tai nghe, cáp sạc, sách hướng dẫn sử dụng giống nguyên bản Samsung phân phối tại Việt Nam.

Vậy nhưng thực tế, sau khi nhận hàng, trả tiền thì người mua mang sản phẩm về mở ra sẽ… bật ngửa vì sản phẩm đúng như miêu tả, chỉ khác đó là hàng giả, hàng nhái, không có địa chỉ của người bán, nên người mua có gọi điện theo số trên thẻ bảo hành cũng chỉ nhận được kết quả "bặt vô âm tín"…

Xác nhận với phía Lazada, bộ phận tư vấn khẳng định không có bán các loại sản phẩm nào theo hình thức như thế. Lazada chỉ bán hàng và xác nhận đơn hàng qua ứng dụng và website trực tuyến chứ không thông qua Facebook như trên. Sau khi khách hàng đồng ý mua sản phẩm nào đó, Lazada sẽ xác nhận qua email info@email.lazada.vn hoặc sẽ gọi điện thoại trực tiếp để chốt đơn hàng…

Về phía Shopee, chị Đỗ Thị Trúc Quỳnh, đại diện sàn thương mại này, cho rằng đây là hoạt động lừa đảo có chủ đích của các đối tượng lừa đảo và Shopee cũng là nạn nhân do sự lỏng lẻo trong hoạt động kiểm duyệt của Facebook.

Mặc dù tài khoản chính của Shopee đã được xác minh (bằng dấu tích xanh) nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn qua mặt được Facebook, sử dụng thương hiệu của Shopee để thực hiện các hoạt động thương mại vi phạm pháp luật.

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng để điều tra xử lý vụ việc này", chị Trúc Quỳnh nhấn mạnh.

Có thể thấy, qua một số trường hợp cụ thể như kể trên, để tiếp cận và dụ dỗ những khách hàng vốn có thói quen, sự tin tưởng mua hàng qua mạng của các nhãn hàng nổi tiếng, những kẻ lừa đảo đã lập hàng loạt trang Facebook lấy tên "Voucher Shopee" hay "mã giảm giá Lazada"… để chia sẻ đường dẫn về trang web bán điện thoại giảm giá của chúng.

Các trang web này có thiết kế với đầy đủ các phần từ giới thiệu điện thoại, tính năng, thông số, ảnh chụp... và nhất là thường nhấn nổi bật vào tên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Lazada, Shopee… nên đã tạo sự tin tưởng cho người xem. Chưa kể, khi vào xem trang web, các thông báo "bạn xxx đã đặt hàng…" liên tục xuất hiện, khiến người xem không có chút nghi ngờ nào.

Theo các chuyên gia về thương mại điện tử, thủ đoạn này không mới nhưng ngày càng tinh vi, khiến khách hàng dễ mắc lừa.

Ngoài việc xây dựng một hệ thống bán hàng chuyên nghiệp có quy trình giống như các sàn thương mại điện tử nổi tiếng, các quảng cáo này còn khơi gợi trúng tâm lý thích mua hàng xịn giá rẻ và đặt giá ở mức 3-4 triệu đồng cho một chiếc điện thoại - đây là số tiền mà người dùng dễ dàng chấp nhận và đặt mua ngay mà không cần suy nghĩ.

Chưa kể trên các trang này, hầu hết các bình luận đều được ẩn (dù trên phần bình luận xuất hiện số lượng "comment" khá lớn), nhất là những bình luận tiêu cực đều được họ xóa đi. Thay vào đó, những tài khoản ảo, bình luận nội dung tích cực, khen ngợi sản phẩm được trình bày nổi bật càng khiến người xem thêm tin tưởng.

Đáng nói là đến nay, các trang web có nội dung "xả hàng", "khuyến mại vàng" kiểu này vẫn còn nhan nhản trên Facebook và chắc chắn danh sách người mua bị lừa sẽ còn dài thêm.

Liên quan đến các trang web giả mạo, mới đây thông tin Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất và phát hiện Công ty TNHH Relex Việt Nam (số 27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội) do ông Lê Đình Sỹ (SN 1993) làm Giám đốc, đang sử dụng 16 website để kinh doanh điện thoại di động không có nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm chính hãng.

Trong đó, có website "Samsungvietnam.online" được thiết kế giao diện giống trang web của Công ty Samsung chào bán điện thoại Galaxy Note 10, Galaxy Note 10+, A10, A20… có dấu hiệu giả mạo hàng hóa của Samsung, đã cho thấy thực trạng đáng báo động hành vi mua bán lừa đảo trên không gian mạng.

Theo một thống kê, Việt Nam có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn.

Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình hình vi phạm về thương mại điện tử cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Do đó, việc lật tẩy các website bán các sản phẩm giả mạo, sản phẩm nhái, sẽ góp phần không nhỏ mang lại hiệu quả trong công tác chống gian lận thương mại trên môi trường internet.

Với người tiêu dùng, mỗi khi quyết định mua hàng qua mạng internet, cần tìm hiểu kỹ về hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo; cần có sự đối chiếu, kiểm tra khi thấy có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán và giá trị hàng hóa hoặc có sự khác biệt quá lớn giữa giá bán được giới thiệu so với giá bán trên thị trường của cùng loại hàng hóa hoặc hàng hóa tương đương.

Ánh Xuân
.
.
.