“Điểm tựa” trong cuộc chiến sinh tử

Thứ Năm, 23/03/2017, 08:19
Là phụ nữ ai cũng muốn mình luôn đẹp trong mắt người đàn ông của đời mình, vậy mà họ lại phải chịu thiệt thòi khi mang trong mình căn bệnh nan y – ung thư vú (UTV). Mất đi một phần cơ thể khiến họ từng muốn buông xuôi tất cả, mặc cảm, mất đi cơ hội sống, mọi thứ tốt đẹp bỗng chốc như muốn tuột khỏi tầm tay.


Trong lúc tuyệt vọng nhất những người phụ nữ đồng bệnh ấy đã tìm đến nhau, lắng nghe, chia sẻ và động viên nhau chiến thắng bệnh tật. Và Câu lạc bộ “Phụ nữ kiên cường” đã ra đời – ngôi nhà thân thương ấm áp thứ hai của hơn 500 chị em trên khắp cả nước.

Đồng bệnh nên đồng cảm

Đồng bệnh nên các chị em kết nối nhau rất nhanh, ban đầu chỉ là một nhóm các chị em ở Hà Nội tụ họp, sau đó nhận được sự giúp đỡ về chuyên môn của PGS - TS - Bác sĩ Nguyễn Đình Tùng (Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế), CLB Phụ nữ Kiên cường đã được thành lập, trang facebook kín đã ra đời. Đó là nơi để các chị được thỏa sức trải lòng về nỗi đau bệnh tật, những tâm tư thầm kín mà bình thường không thể chia sẻ cùng ai.

Với những người mắc bệnh UTV nhiều lúc họ cảm thấy mình rất cô đơn. Bởi ngay cả những người thân cũng không thể hiểu hết được sự mệt mỏi, đau đớn khi trải qua những đợt hóa trị và xạ trị và sau khi điều trị xong.

Trong hoàn cảnh đó thì những người đồng bệnh chính là chỗ dựa tinh thần, các chị em thấu hiểu và chia sẻ với nhau, an ủi động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hiện, hội viên của CLB Phụ nữ kiên cường trải dài khắp đất nước và sinh hoạt định kỳ vào chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng tại Viện Dệt may - 478 Minh Khai (Hà Nội).

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB PNKC.

Tới buổi sinh hoạt này các thành viên trong CLB sẽ được nghe PGS-TS bác sĩ Nguyễn Đình Tùng tư vấn online qua Skype, sự giúp đỡ về chuyên môn của bác sĩ Tùng là hoàn toàn miễn phí, tình cảm bác dành cho các chị em không thể nói hết, bởi vậy mà các chị em trong CLB đã gọi bác với cái tên rất thân thương Bác sĩ thân thiện.

Chính nhờ có sự tư vấn của bác sĩ Tùng nên nhiều chị em đã trang bị thêm cho mình những kiến thức đúng đắn và mới nhất về UTV. Từ đó sẽ giúp các chị em hiểu rõ bệnh và biết giữ gìn chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Một thành viên trong Ban Chủ nhiệm CLB Phụ nữ kiên cường chia sẻ: “Khi mới biết mình mắc bệnh UTV thể ống xâm nhập phải cắt bỏ một bên vú tôi sốc lắm. Buồn lắm chứ, khổ sở lắm chứ khi biết trước thời hạn sống của mình. Kiến thức về bệnh không nhiều, thậm chí, bản thân tôi cũng không hiểu gì nhiều ngoài những thông tin đọc trên mạng. Khi biết có CLB này tôi giống như người “chết đuối vớ được cọc”.

Các thành viên chụp ảnh trong một buổi sinh hoạt định kỳ.

Ngày đầu tiên tham gia buổi sinh hoạt của CLB, khi các thành viên mới tự giới thiệu về mình, tôi đã khóc vì quá xúc động. Quả thực, đến đó, chứng kiến các chị em vui tươi, xinh đẹp, hát hò tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Tại sao họ cũng bị bệnh như tôi, cũng đã trải qua những gì giống như tôi đang phải trải qua mà họ vẫn lạc quan và yêu đời đến thế. Vậy thì chẳng có lý do gì để tôi phải bi quan về tình trạng bệnh tật của mình”.

Một bệnh nhân khác cũng chia sẻ: “Cầm kết quả trên tay tôi đã không đứng vững được nữa. Lúc đó chả nghĩ nhiều đến việc sống hay chết mà chỉ nghĩ thương hai đứa con sinh đôi của mình còn nhỏ quá, chúng mới chưa đầy 10 tuổi. Trong khi đó bố tôi lại đang mắc bệnh tai biến rất nặng. Nếu tôi thông báo cho gia đình biết mình bị UTV thì có lẽ mọi người sẽ sốc lắm. Thế nên tôi quyết định giấu bệnh và cố tỏ ra bình thường như không có chuyện gì. Nhưng cứ đêm về là tôi lại khóc.

Xong nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy khóc cũng chẳng giải quyết được gì ngược lại nó chỉ làm cho tinh thần và sức khỏe tụt dốc không phanh. Hai năm trước người chị dâu của tôi cũng phát hiện bị UTV nhưng chị ấy vẫn sống vui vẻ và lạc quan nên tôi quyết định mình phải khác”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tùng ra Hà Nội tư vấn trực tiếp.

Những chiến binh dũng cảm

Với tất cả các thành viên, đều có điểm chung khi đến với ngôi nhà ấm áp “Phụ nữ kiên cường” - đó là lột xác hoàn toàn. Tinh thần phấn chấn, lạc quan, yêu đời và trở lại với cuộc sống như vốn có - phải sống cuộc sống như một người bình thường. Thế nên, mỗi khi có một thành viên trong CLB tỏ ra tuyệt vọng, bi quan, viết tâm sự trên trang facebook của CLB thì đều nhận được sự động viên, an ủi của các chị em, giúp vững tâm hơn trong cuộc chiến sinh tử.

Trong CLB mỗi thành viên một nghề nghiệp, ở thành phố có, vùng nông thôn có, họ hỗ trợ nhau không chỉ về tinh thần, mà còn giúp nhau trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội. Chính vì vậy họ luôn có cảm giác gắn kết với nhau như máu thịt. Các thành viên tâm sự, chia sẻ với nhau chủ yếu qua facebook nhưng nếu có dịp gặp nhau ngoài đời họ ôm nhau như thể đã thân thiết bao năm rồi.

Không có khoảng cách nào giữa những người đồng bệnh với nhau, ở đây, các chị em trong CLB vẫn nói vui rằng: “Cựu binh dìu dắt tân binh”. Ai có thời gian mắc bệnh lâu hơn sẽ dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những hiểu biết về bệnh cho những người mới mắc. Cứ thế họ dìu dắt nhau vượt qua những cú sốc tinh thần và tiếp thêm cho nhau sức mạnh để kiên cường chiến đấu với bệnh tật.

Không chỉ chia sẻ và động viên nhau bằng tinh thần mà CLB Phụ nữ kiên cường còn có những hoạt động hết sức thiết thực như thành lập ra Quỹ nghĩa tình. Quỹ này hoàn toàn tự nguyện, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, người nào khó khăn không đóng cũng không sao. Quỹ này được dùng để thăm hỏi, động viện những chị em có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị tái phát.

Bác sĩ thân thiện Nguyễn Đình Tùng trả lời tư vấn qua Skype.

Ngoài ra, một hoạt động thiện nguyện mà CLB Phụ nữ kiên cường rất chú trọng, đó là tặng mũ cho các chị em đang điều trị hóa chất tại các bệnh viện ung bướu Hà Nội, Bệnh viện K3, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, Huế, Khánh Hòa, Quảng Trị…

Bởi thấu hiểu cảm giác mái tóc rụng, đầu trọc trơn, lạnh buốt mỗi khi gió mùa về của những chị em đang điều trị, các chị em trong CLB đã nảy sáng kiến may mũ chất liệu cotton mềm mại thấm mồ hôi, một phần dành cho các chị em thành viên, một phần mang tặng các bệnh nhân đang điều trị với thông điệp “Mùa đông không lạnh”.

Một thành viên đã nghẹn ngào: “Biết rằng, sau khi điều trị hóa chất tóc của chị em sẽ bị rụng hết nên chúng tôi đến đây tặng mũ. Giá trị vật chất tuy không nhiều nhưng nó thể hiện sự quan tâm, gần gũi và thấu hiểu của các thành viên trong CLB.

Có chị khi nhận mũ từ chúng tôi đã bật khóc nức nở. Chị ấy đã hỏi đi hỏi lại các thành viên trong CLB là có thật các chị cũng bị ung thư không? Sao tôi thấy các chị tươi rói chả khác nào người bình thường. Có lẽ chỉ cần nhìn thấy chúng tôi vui vẻ và lạc quan cũng đủ giúp chị ấy cũng như nhiều bệnh nhân khác có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật”.

Thành lập nên CLB Phụ nữ kiên cường, PGS-TS bác sĩ Nguyễn Đình Tùng và Ban chủ nhiệm đều mong muốn chính các thành viên sẽ là những tuyên truyền viên cho bạn bè, đồng nghiệp và người thân, giúp họ hiểu và nhận thức được việc tầm soát UTV quan trọng như thế nào, phát hiệm sớm thì cơ hội sống sẽ rất nhiều. Bởi ở xã hội bây giờ ung thư đã như một đại dịch, bất kể ai cũng có thể mắc phải. Thế nên nếu được trang bị những kiến thức để phòng, chống sẽ vô cùng ý nghĩa.

Một nhóm các chị em đã lập nên trang Facebook mở “Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú” (https://www.facebook.com/groups/1644823352409170/) trên đó đăng tải những tài liệu chính thống về ung thư vú, dinh dưỡng và luyện tập dành cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và bất kỳ ai quan tâm đến căn bệnh này đều có thể đọc và chia sẻ kinh nghiệm của mình trong chữa trị căn bệnh, nâng cao nhận thức về bệnh và cải thiện chất lượng sống.

Phong Anh
.
.
.