Điểm tựa vững chắc trong đêm của người dân Hà Nội

Thứ Tư, 05/08/2020, 20:01
6 tháng đầu năm 2020, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) Công an TP Hà Nội đã phát hiện, lập biên bản 306 vụ việc, bàn giao 481 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật (trong đó có 116 đối tượng có tiền án, tiền sự). Bên cạnh đó, đơn vị đã xử lý 2.251 trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe môtô tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm.


Ngoài ra, Trung đoàn CSCĐ Hà Nội cũng là lực lượng nòng cốt trong các kế hoạch can thiệp, xử lý những đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe môtô lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, bảo vệ ANTT, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Từng sát cánh với nhiều tổ CSCĐ, Trung đoàn CSCĐ, Công an TP Hà Nội trong các chuyến tuần tra, tôi hiểu được phần nào công việc của các anh. Đó là, đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự; là xử lý, bắt giữ các thanh, thiếu niên đua xe trái phép; bắt giữ, xử lý người vi phạm pháp luật, giao thông, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị ở Thủ đô...

Theo đó, hằng ngày, các tổ tuần tra tối - đêm - rạng sáng của Trung đoàn CSCĐ được triển khai theo 2 khung giờ: 21h cho tới 1h sáng hôm sau; 1h sáng cho tới 5h. Trước khi triển khai, mỗi tổ công tác được Chỉ huy Đại đội cùng kiểm tra kỹ vũ khí, công cụ hỗ trợ, phổ biến rõ nhiệm vụ với những lời dặn dò, chu đáo. Khi xe nổ máy, lên đường, cũng là lúc tổ công tác hiểu rằng, họ sẽ phải phối hợp rất ăn ý với nhau trong suốt 4 tiếng đồng hồ để xử lý những tình huống bất ngờ, sẵn sàng đối mặt với những đối tượng manh động khi màn đêm buông xuống.

Cảnh sát Cơ động, Công an TP Hà Nội trong đêm làm nhiệm vụ.

Đêm 21/7, tổ công tác CSCĐ, Đại đội 3, Tiểu đoàn CSCĐ số 2, Trung đoàn CSCĐ, Công an TP Hà Nội do Trung úy Nguyễn Tuấn Đạt làm tổ trưởng, thực hiện tuần tra đảm bảo ANTT trên địa bàn quận Long Biên. Tới 0h40, tại khu vực đê Ngọc Thụy, tổ công tác phát hiện 2 người đàn ông đèo nhau trên xe máy và có biểu hiện nghi vấn, nên tổ công tác đã dừng xe để kiểm tra hành chính. 

Lúc vừa xuống xe, 2 người đàn ông nói rằng, họ đang... "đi đòi nợ" (?!), song những người này không đưa ra được chứng cứ cụ thể. Sau đó, khi tổ CSCĐ kiểm tra thì phát hiện đối tượng ngồi sau giấu 2 đầu vam phá khóa (bọc trong tờ giấy). Tiếp tục kiểm tra xe, cảnh sát thu được một tay công. Đấu tranh tại chỗ, cả 2 đối tượng đều quanh co, nói rằng "nhặt được" bộ vam phá khóa trên đường. Danh tính của 2 đối tượng này được làm rõ là Phạm Duy Tươi (người cầm lái); SN 1989; trú tại phố Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội và Nguyễn Đức Tùng, SN 1976; trú tại phố Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội, từng có tiền án tiền sự. Sau khi bị lộ bộ vam phá khóa, cả Tươi và Tùng đều tìm mọi cách xin cảnh sát bỏ qua, song họ đã bị tổ CSCĐ khống chế, đưa về Công an phường Ngọc Thụy.

Đêm 24, rạng sáng 25/7, tổ công tác thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn CSCĐ số 2, Trung đoàn CSCĐ, Công an TP Hà Nội do Đại úy Lê Hùng Vỹ làm tổ trưởng, thực hiện tuần tra đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện Gia Lâm đã phát hiện một cặp đôi nam nữ đèo nhau trên xe máy có biểu hiện nghi vấn nên tổ công tác đã dừng xe để kiểm tra hành chính. Khi xuống xe, hai người có thái độ không tự nhiên, nói rằng "có việc" nên về muộn, xin cảnh sát bỏ qua.

Tuy nhiên, trước những biểu hiện đáng ngờ của cặp đối tượng, tổ CSCĐ kiên quyết đấu tranh, động viên hai người này chấp hành. Biết không thể thoát, đối tượng nữ có bề ngoài "hot girl" đã tự rút trong áo lót ra một gói nilon, bên trong đựng 5 viên nén màu xanh, giao nộp cho cảnh sát. Đối tượng thừa nhận đó là ma túy tổng hợp.

Danh tính của cô gái trên được làm rõ là Phạm Hồng Nhung, SN 1997; trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Người đi cùng Nhung là Nguyễn V, SN 1997; trú tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Tại chỗ, Nhung khai rằng mang ma túy về để sử dụng. Đối tượng này thừa nhận rằng, thị nghĩ khi nhét ma túy vào áo lót thì sẽ an toàn, khó bị ai phát hiện ra.

Còn trên phố Phương Mai, quận Đống Đa, vào rạng sáng ngày 17/7, khoảng 10 đối tượng côn đồ cầm theo vũ khí thô sơ (dao phóng lợn hàn tuýp sắt) vít ga, nẹt pô đi qua. Chưa kịp tới "điểm hẹn" để đánh nhau với nhóm đối thủ, các đối tượng đã bị tổ CSCĐ đặc nhiệm phát hiện. Do các đối tượng đều có hung khí và côn đồ, hung hãn, Tổ công tác đã lựa chọn thời điểm thuận lợi để trấn áp. Đó là khi chúng đi đến khu vực Trường Chinh - Khương Thượng, lực lượng làm nhiệm vụ đã khống chế được 2 xe máy, bắt giữ tại chỗ 1 đối tượng. Những tên côn đồ còn lại vứt hung khí, bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau.

Đấu tranh tại chỗ, đối tượng bị bắt khai tên là Lê Hoàng Phi, SN 2002; trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Phi thừa nhận việc cả nhóm cầm hung khí đi là để đánh nhau tại khu vực ngõ 10 phố Tôn Thất Tùng. Theo kế hoạch, nhóm của Phi sẽ tập hợp khoảng 20 tên đi trên 10 xe máy, trong đó có những đối tượng "không quen nhau", nhưng tới để... "giúp”. Nhờ nhanh chóng giải tán đám đông, bắt giữ đối tượng, CSCĐ Hà Nội đã khống chế, giải tán cuộc thanh toán đẫm máu giữa hai nhóm thanh niên, ngăn ngừa án mạng có thể xảy ra.

Cảnh sát Cơ động xử lý người vi phạm giao thông.

Ở khu vực Hồ Ba mẫu, thuộc phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội đêm 26/7, tổ CSCĐ thuộc Đại Đội 2, Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm do Trung uý Ngô Quang Lợi làm tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ tuần tra đã phát hiện một người đàn ông đứng ở ven đường, có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra hành chính.

Lúc này, đối tượng trên nêu lý do "đứng hóng gió cho mát" và không hợp tác. Cán bộ CSCĐ đã giải thích rõ chức năng của lực lượng làm nhiệm vụ và kiên quyết yêu cầu người đàn ông chấp hành. Trong quá trình bỏ đồ đạc trên người ra để cảnh sát kiểm tra, đối tượng trên cố tình kẹp mẩu giấy bọc gói nilon ở kẽ tay. Người này rút ra rồi đút vào túi quần rất nhanh, tuy nhiên, hành vi này đã bị phát hiện. Khi được yêu cầu bỏ gói giấy trong túi quần ra, người đàn ông bất ngờ quay lưng, bỏ chạy quyết liệt.

Tổ CSCĐ Đặc nhiệm đã lập tức chạy bộ, đuổi theo và nhanh chóng khống chế đối tượng sau khoảng 20m. Tới lúc bị bắt, biết không thể thoát, người đàn ông đã phải thừa nhận gói nilon (bọc trong gói giấy) của anh ta chứa heroin.

Danh tính của đối tượng này được làm rõ là Nguyễn Tiến Dũng (SN 1983; trú tại số 63 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi bị bắt giữ, Dũng đã liên tục xin tha, với lý do quanh co là "mới ra Hà Nội, chưa biết gì". Tuy nhiên, cảnh sát đã xác định được đối tượng này nghiện ma túy từ lâu, từng đi trại cai nghiện song vẫn tiếp tục quay trở lại con đường phạm pháp...

Những vụ bắt giữ, trấn áp tội phạm trên là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với lực lượng CSCĐ Hà Nội  bởi với đặc thù tuần tra cơ động, có thể bám sát đối tượng nghi vấn theo những cung đường nhỏ hẹp, con ngõ sâu, các tổ công tác CSCĐ là lá chắn hiệu quả trong mạng lưới đảm bảo an ninh, trật tự của Công an Thủ đô.

Thượng tá Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Hà Nội cho biết: "Trung đoàn CSCĐ đã vượt qua nhiều khó khăn về mặt quân số, đảm bảo hiệu quả trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô. Những kết quả đã đạt được là động lực để toàn Trung đoàn tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cao nhất, giữ gìn sự bình yên".

Như đợt cao điểm phòng chống COVID -19 vừa qua, CSCĐ Hà Nội là một trong những lực lượng chủ công trong TTKS tại 30 chốt trực kiểm soát người và phương tiện ra vào các cửa ngõ Thủ đô, hỗ trợ các lực lượng chức năng kiểm tra y tế; tham gia tuần tra kiểm soát, Tổ liên ngành 141. Theo đó, tất cả CBCS đơn vị thời gian này đều ứng trực 100% quân số, giúp cán bộ Sở Y tế tổ chức đo thân nhiệt, xét nghiệm nhanh COVID-19. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm công tác tuần tra kiểm soát không để các đối tượng xấu lợi dụng thời điểm cả nước đang chung tay phòng chống dịch, trộm cắp tài sản tại các cơ sở kinh doanh tạm dừng hoạt động.

Những ngày này, khi COVID-19 đang có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng, CBCS Trung đoàn CSCĐ Hà Nội cũng như các đơn vị khác của Công an TP Hà Nội lại sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhìn thấy ánh mắt yên tâm, tin tưởng của những người dân đi trên đường vào lúc trời khuya, khi thấy tổ tuần tra CSCĐ đi qua, mọi người mới hiểu tại sao Cảnh sát Cơ động lại được coi là những “điểm tựa” vững chắc trong đêm của người dân Hà Nội...

Thu Thuỷ
.
.
.