Điện Kremlin chờ ông chủ mới

Thứ Năm, 08/12/2011, 18:30

"Mọi thứ đã rất rõ ràng". Đó là lời tuyên bố của đương kim Tổng thống Nga Dimitri Medvedev, khi đề cập đến việc đảng Nước Nga thống nhất vừa qua đã chọn Putin, chứ không phải ông, cho cuộc chạy đua chức Tổng thống Nga năm 2012. Mục Xã luận của tờ Euroasia Review số ngày 29/11 vừa qua còn khẳng định Putin không chỉ nhận được sự ủng hộ to lớn trong đảng mà còn gần như chắc chắn sẽ đắc cử vào năm sau. Sự tự tin cao độ đó không phải không có những cơ sở.

Medvedev nhường Putin vì Putin đã nhường Medvedev

Cách đây đúng 4 năm, sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ Tổng thống, Putin đã đề cử chính trị gia trẻ tuổi Dmitry Medvedev vào chức vụ Tổng thống Nga. Đề cử lúc đó đã làm nhiều nhà quan sát bất ngờ. Tuy nhiên, ngay sau đó, người ta nhận ra rằng, Putin đã chủ đích xác lập quan hệ bộ đôi với Medvedev để duy trì ảnh hưởng trên chính trường Nga. Bởi vậy, thời gian sau, khi Putin trở thành Thủ tướng Nga, người ta không còn ngạc nhiên nữa.

Nhưng giới thạo tin ở Nga còn cho biết Putin chẳng cần phải lập nên mối quan hệ bộ đôi để giữ cầu trở lại vị trí quyền lực nhất nước Nga. Năm 2007, kết quả các cuộc điều tra dư luận ở Nga cho thấy tỷ lệ ủng hộ cao của cử tri Nga đối với việc bãi bỏ quy định giới hạn 3 nhiệm kỳ liên tiếp cho chức vụ Tổng thống, cũng như phần lớn người dân Nga ủng hộ Putin tiếp tục tranh cử vào năm 2008.

Mặc dù vậy, sau khi Medvedev lên nắm quyền, Putin không tỏ bất kỳ dấu hiệu công khai nào sẽ trở lại điện Kremlin sau vài năm nữa, ông cũng không tỏ thái độ khẳng định về việc Medvedev sẽ chỉ "nhất nhất nghe lời" ông. Thậm chí ông còn vận động Duma Quốc gia Nga mở rộng thẩm quyền cho Thủ tướng, kể cả ở những địa hạt trước đây chỉ dành cho Tổng thống như chính sách ngoại giao và quốc phòng.

Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao lại có nhiệm kỳ Tổng thống cho Medvedev, khi mà ông Putin dường như đã làm chủ cuộc chơi? Một số nhà phân tích chính trị cho rằng, lúc đó Putin và những nhân vật gạo cội trong chính trường Nga nhất trí cần có một khuôn mặt mới cho điện Kremlin. Lúc Putin sắp kết thúc nhiệm kỳ, nước Nga đang ở trong một cuộc "Chiến tranh lạnh" mới với Mỹ và phương Tây, quan hệ với châu Âu cũng gặp nhiều vấn đề sau các cuộc tranh cãi về các dự án cung ứng khí gas. Quả thực sau đó, Medvedev đã giúp nước Nga có mối quan hệ cân bằng hơn với Mỹ và phương Tây.

Bộ đôi hài hoà quyền lực.

Ông có quan hệ cá nhân tích cực với Tổng thống Pháp Sarkozy và cũng như Thủ tướng Anh David Cameron. Đặc biệt, Medvedev cũng tái lập quan hệ hài hoà giữa các nhóm quyền lực và lợi ích ở nước Nga. Việc phân chia quyền lực giữa Putin và Medvedev chính là một biện pháp khôn ngoan để hạn chế sự tập trung quyền lực hay thắng thế tuyệt đối về chính sách cho bất kỳ nhóm nào.

Về phía ông Medvedev, mặc dù luôn khẳng định ông có mối quan hệ tốt với Thủ tướng Putin song ông cũng không tránh khỏi sự dị nghị của dư luận. Trước hết, dư luận có quyền nghi ngờ Medvedev chỉ là con bài trong tay Putin. Trong khi đó, không ít lần Medvedev có những cử chỉ cho thấy mối quan hệ đặc biệt với Putin không đồng nghĩa với việc ông phụ thuộc hay chỉ làm theo ý của cựu điệp viên đầy quyền lực. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng khẳng định ủng hộ Putin làm Tổng thống, thay vì ra tranh cử nhiệm kỳ hai cho bản thân. Thực tế là, cách đây 4 năm, chính Putin chứ không phải ai khác đã đề cử ông vào vị trí đó.

Cơ sở cho Putin trở lại

Vượt qua những lời bàn tán, bộ đôi Putin-Medvedev đã có công xây dựng một bộ mặt mới cho nước Nga, trước hết là về mặt kinh tế. Từ năm 2000 đến nay, năng lực kinh tế của Nga tăng gần 160%, tỷ lệ nghèo giảm từ 29% xuống còn 13,1%, thu nhập bình quân hằng tháng của người Nga tăng từ 81 đô la Mỹ lên hơn 615 đô la Mỹ, tỷ lệ tội phạm giảm ½, tỷ lệ người dân hài lòng với cuộc sống tăng gấp đôi. Đặc biệt, nếu năm 2000 nước Nga chưa hề có một tỷ phú thì đến năm 2010 nước Nga đã có 82 tỷ phú. Trong khi ở nhiều quốc gia, khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên nhanh chóng thì ở dưới thời Putin-Medvedev, tỷ lệ này chỉ tăng không đáng kể, từ gần 14% lên xấp xỉ 17%.

Một cơ sở quan trọng nữa khiến Putin muốn quay lại Kremlin là trong 4 năm qua, không phải không có những chính sách của ông Medvedev khiến Putin không hài lòng. Điều đó cũng dễ hiểu và theo nhận định của Ed Lucas, phóng viên tờ tuần báo The Economist nổi tiếng của Anh, văn hoá chính trị Nga không phù hợp cho những nhân vật quyền lực chỉ đứng đằng sau cánh gà. Do vậy, việc Putin công khai tỏ ý định làm Tổng thống là bằng chứng cho thấy ông muốn chính thức nắm lại vị trí điều phối và chỉ huy hệ thống chính trị cấp cao ở Nga.

Quả thực người ta thường ví ông Putin như một bàn tay mạnh trong khi Medvedev lại có quan hệ khéo léo với nhóm các nhà tài phiệt và có quyền thế ở Nga. Tại Đại hội đảng Nước Nga Thống nhất những ngày cuối tháng 11/2011, một lần nữa, Putin cho biết ông đã được Tổng thống Medvedev nhất trí hoán đổi vị trí cho nhau vào năm 2012.

Dư luận Nga nhìn chung đồng tình với sự "phân vai mới" này. 100% đại biểu dự Đại hội đã bỏ phiếu kín ủng hộ ứng cử viên Putin. Tuy nhiên dư luận một lần nữa cũng dấy lên câu hỏi là ông sẽ xử lý mối quan hệ với Medvedev như thế nào vì giờ đây Phủ Thủ tướng đã trở nên mạnh hơn nhiều so với trước đây

Lê Đình Thạch Linh
.
.
.