Điên đầu vì điện

Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:37
Ngày 24-6, Công ty Điện lực Nghệ An đã ban hành quyết định đình chỉ chức vụ 15 ngày với ông Trương Quang Định, Giám đốc Điện lực Quỳ Châu để xử lý sai sót về hóa đơn và tiền điện.


Cùng ngày, Điện lực Quỳ Châu đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đặng Minh Đức, viên chức phòng kinh doanh, người trực tiếp nhập dữ liệu và xuất hóa đơn cho hộ dân bị sai. Ngoài ra, viên chức Bùi Đăng Phúc, người đọc số điện sai, bị hạ lương tháng 6 xuống loại C, nhân viên hợp đồng cùng đọc số điện sai bị nhắc nhở. Hai người vẫn đi làm bình thường, đợi quyết định kỷ luật của Công ty Điện lực Nghệ An.

Ông Bành Hồng Hiển, Giám đốc Công ty điện lực Nghệ An, đánh giá "đây là sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng". Công ty đang yêu cầu Điện lực Quỳ Châu báo cáo bằng văn bản, gửi kiểm điểm; đồng thời lập đoàn công tác kiểm tra lại tất cả khách hàng có số điện vượt quá 30% bình quân các tháng trước.

Trước đó, hộ chị Nguyễn Thị Thanh ở huyện Quế Phong nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6 hơn 16 triệu đồng, trong khi các tháng trước chỉ thanh toán chưa đến 1 triệu đồng. Điện lực Quỳ Châu sau đó kiểm tra và kết luận hóa đơn hơn 16 triệu bị sai, thực tế hộ này chỉ sử dụng 501.000 đồng. 

Nguyên nhân dẫn tới sai sót được Điện lực Quỳ Châu lý giải là ngày 19-6 nhân viên Bùi Đăng Phúc cùng đồng nghiệp đọc hộ chị Thanh sử dụng hết 5.093 số điện. Do vượt quá 30% số bình quân các tháng trước đó nên hộ chị Thanh thuộc diện "kiểm tra lại" (chưa nhập dữ liệu vào máy để ra thông báo). 

Một ngày sau, đơn vị điều hai nhân viên khác đi kiểm tra, kết quả hộ chị Thanh chỉ sử dụng 253 số, tương đương 501.000 đồng. Theo quy định, bộ phận làm hóa đơn sẽ sử dụng số liệu đã kiểm tra để thông báo cho khách hàng. Tuy nhiên, nhân viên vẫn nhập số điện 5.093 và ra thông báo.

Trước đó, hai khách hàng tại Quảng Bình, Quảng Ninh nhận hóa đơn điện bị ghi sai chỉ số khiến số tiền phải trả tăng hàng chục lần. Sau rà soát, kiểm tra công tơ, phía điện lực xác nhận sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ dẫn đến sai số điện và số tiền. Ngành điện đã xin lỗi và xuất hóa đơn mới cho khách hàng.

Từ những câu chuyện này, vấn đề đặt ra là hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hè, nhiều khách hàng lại kêu ca vì chuyện hoá đơn tiền điện tăng gấp nhiều lần bình thường.

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), số liệu thống kê cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4-2020.

Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20-6-2020 đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5-2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5-2020). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

Nhìn vào những con số này thì rõ ràng việc hoá đơn tiền điện tăng mạnh trong tháng 5 là do người tiêu dùng sử dụng điện nhiều hơn. Tuy nhiên, từ những vụ việc sai sót vừa qua, người tiêu dùng vẫn nghi ngờ ngoài việc do mình sử dụng điện nhiều hơn thì còn do nhân viên điện lực ghi sai số, hoặc sai ngày chốt chỉ số công tơ. Bởi với mức tính giá điện theo bậc thang như hiện nay, chỉ sau 1 ngày ghi chỉ số thì giá tiền phải trả đã chênh khá nhiều. 

Được biết sau khi các cơ quan báo chí phản ánh về các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực thực hiện kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm Giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan đến việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số.

EVN cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định. Đồng thời thực hiện nghiêm lịch ghi chỉ số, gửi thông báo tiền điện, hóa đơn tiền điện theo mẫu mới đến khách hàng qua email, Zalo, hoặc ứng dụng (App) Chăm sóc khách hàng để khách hàng chủ động so sánh việc sử dụng điện với các tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Người xưa có câu "một mất mười ngờ", vì thế để khách hàng không bức xúc vì nghi ngờ bị tính nhầm mỗi khi nhận hoá đơn thanh toán tiền điện, ngành điện cần sớm hiện đại hóa, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm việc theo dõi dữ liệu chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng được thuận tiện. Có như vậy mới không còn những bức xúc từ khách hàng.

Tân Lương
.
.
.