Điển hình một quốc gia thành công

Thứ Sáu, 08/02/2019, 22:03
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam là ví dụ điển hình về một quốc gia thành công, biết kết hợp nỗ lực, lao động và tầm nhìn về tương lai với một mô hình ưu tiên phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân”, Đại sứ Argentina tại Việt Nam, Juan Carlos Valle Raleigh, đã phát biểu như vậy khi bắt đầu năm 2018.


Và cho đến nay, khi thế giới đang ở những ngày đầu tiên của năm mới 2019, các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Điểm sáng công nghiệp mới

Trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam là điểm sáng công nghiệp mới của Đông Nam Á”, báo Inquirer (Philippines) ngày 17-7 đã dẫn báo cáo mới của Jones Lang LaSalle (JLL), tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản của Mỹ, nhận định về sự thay đổi đáng kể của Việt Nam, từ một quốc gia nông nghiệp thành một trong những điểm sáng ấn tượng nhất về sản xuất tại Đông Nam Á trong 20 năm gần đây.

“Việt Nam đang khẳng định vị thế như một quốc gia công nghiệp mạnh của khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi dự đoán thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn mới và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị trong tương lai, chuyển từ nền kinh tế lấy lao động làm chủ đạo sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn”, Stephen Wyatt, Giám đốc khu vực của Jones Lang LaSalle tại Việt Nam, nhận định.

Đà Nẵng.

Theo báo cáo của JLL, vào năm 1986, Việt Nam chỉ có 335 ha đất dành cho các khu công nghiệp. Trong khi đó, con số này ở thời điểm hiện tại đã lên tới 80.000 ha. “Tốc độ tăng trưởng đột biến này có được là nhờ Việt Nam đã định hình một nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm, cùng với đó là phát triển các khu công nghiệp và khu kinh tế chuyên biệt, ký kết các thỏa thuận thương mại tự do, duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và một lực lượng lao động trẻ, dồi dào với chi phí thấp”, báo cáo cho biết thêm.

Báo cáo của JLL nhận định Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và Singapore với 3.260 km bờ biển, là cửa ngõ tuyệt vời nối ra Biển Đông - một trong những tuyến vận tải hàng hải lớn nhất thế giới. Gần 40% hàng hóa chuyển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương phải đi qua Biển Đông trước khi đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam dành 5,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là con số cao nhất trong khu vực. Báo cáo của JLL cho rằng để có thể bước vào giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển công nghiệp/logistics và trở thành quốc gia có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm các mạng lưới cao tốc, cảng biển nước sâu và nâng cấp các điều kiện nền tảng khác như năng lượng có thể tái tạo.

Đích ngắm đầu tư

Trang mạng Business Times của Singapore cho biết, các nhà đầu tư thế giới đã không thể không để mắt đến Việt Nam khi nhắm tới những thị trường mới nổi năng động nhất toàn cầu. 

Theo trang mạng trên, nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam chính là một tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng. Việc đô thị hóa nhanh chóng đang được hỗ trợ bởi một lớp dân số trẻ, có học thức. Tất cả những yếu tố này đang là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam, vốn có mức tăng trưởng GDP thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2018.

Chính điều này đã thôi thúc các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm dấu ấn của mình trên thị trường bất động sản đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Trong 3 năm qua, đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã và đang tăng lên mỗi năm. Cụ thể, các nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ưu tiên đầu tư những vị trí ở các khu vực trung tâm thành phố. Các nhà phát triển bất động sản địa phương thường tham gia các thỏa thuận liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài dựa trên tiền đề là tối ưu hóa việc ra quyết định tìm nguồn hàng và quản lý dự án.

Trang mạng nêu rõ dù là nơi có thị trường chứng khoán phát triển tốt nhất trong năm 2017 đồng thời là thị trường bán lẻ lớn thứ hai trong năm 2018 ở châu Á, nhưng phần lớn sự hấp dẫn của Việt Nam lại nằm ở chính tương lai tốt đẹp của nền kinh tế này. Kể từ năm 2015 đến nay, đa số các thương vụ sáp nhập và mua lại lớn ở Việt Nam chủ yếu là các thương vụ đầu tư vào các vị trí phát triển bất động sản, tiếp đó là hạng mục khách sạn, căn hộ và văn phòng. Đây là minh chứng cho một thực tế rằng những người đổ tiền vào Việt Nam là vì mục đích dài hạn.

“Con hổ mới” của châu Á

Ngày 12-8, nhật báo Peninsulaqatar của Qatar đã trích đăng nhận định của Ngân hàng Trung ương Qatar (QNB), cho rằng “con hổ” mới nhất của châu Á hiện nay là Việt Nam - một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo phân tích của QNB, một loạt các chỉ số cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất của nền kinh tế kể từ năm 2011.

Ngành tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay là công nghiệp chế tạo, với sản lượng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế, với mức tăng 7,9%. Mức tăng trưởng ấn tượng của ngành chế tạo kéo theo tăng trưởng trong xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả mức 17% của cả năm 2017. 

QNB đánh giá, thành công về công nghiệp chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam là nhờ khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực như may mặc, giày dép, đặc biệt là điện tử. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang bùng nổ, với giá trị ước tính đạt 13 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, GDP của Việt Nam năm 2017 trị giá khoảng 220 tỷ USD. Đáng chú ý, sự thành công về kinh tế của Việt Nam diễn ra vào thời điểm nhiều nền kinh tế đang phát triển phải vật lộn để bắt kịp với sự thành công của những “con hổ” trước đây của châu Á như Singapore hay Hàn Quốc; đồng thời đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của ngành chế tạo và xuất khẩu.

Theo nhận định của QNB, nền tảng cho sự thành công của kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ sự thuận lợi về cơ cấu nhân khẩu học, sự ổn định chính trị cũng như vị trí địa lý. Việt Nam gần với các chuỗi cung ứng lớn toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Ngoài ra, nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng, khả năng xây dựng trên những nền tảng vững chắc này thông qua các chính sách hiệu quả đã giúp Việt Nam vượt trội hơn so với các nước khác.

Việt Nam đã hăng hái theo đuổi tự do hóa thương mại trên cả hai phương diện song phương và đa phương. Các hiệp định thương mại làm giảm đáng kể những loại thuế quan mà các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt, giúp hội nhập Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy hơn nữa đầu tư FDI. 

Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam vào vốn nhân lực, tức là giáo dục, giúp Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng nhân khẩu học của mình. Đầu tư vào vốn nhân lực của Việt Nam đã được hỗ trợ bởi sự tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia. Việt Nam đã liên tục vươn lên trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng như trong các khảo sát về kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Tam Long
.
.
.