Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chung cư:

Điều cốt yếu là ý thức của chủ đầu tư và người dân

Thứ Tư, 04/04/2018, 14:58
Dù muộn nhưng cũng cần phải nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh lại thực trạng bỏ lơ công tác PCCC tại các khu nhà chung cư, nhà cao tầng… , tránh những hậu quả thảm thương tái diễn.


Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza ở quận 8, TP HCM gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có lẽ tất cả mọi người mới giật mình khi lâu nay đã bỏ lơ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu nhà chung cư, nhà cao tầng…

Dù muộn nhưng cũng cần phải nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh lại thực trạng này, tránh những hậu quả thảm thương tái diễn.

Nguy cơ cháy nổ luôn thường trực

Tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị của UBND TP HCM về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP HCM chiều 30-3, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC TP HCM, nhận định rằng, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn rất nhiều phức tạp, có nguy cơ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nguy hiểm nhất vẫn là các chung cư cao tầng.

Bà Trần Thị Tuyết Nga (65 tuổi, hiện đang ở lầu 3 và 4 của tòa nhà cao tầng ở số 22 Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, quận 1, từ năm 1981 tới nay) tỏ vẻ lo lắng khi trình bày với chúng tôi: khu nhà số 22 Thủ Khoa Huân (cách cửa Bắc chợ Bến Thành chừng 100m) cao 5 tầng vốn là nhà tư nhân trước năm 1975, sau đó được Nhà nước chia cho các cán bộ nhân viên chợ Bến Thành. 

Hiện nay, khu nhà còn 5 hộ gia đình sở hữu nhà và sinh sống tại đây. Ngay phía mặt tiền của khu nhà có kinh doanh nhà hàng (nhà hàng D'serai) và chủ nhà hàng có thiết lập hai bếp, một cái ở tầng trệt, một cái ở lầu 2, ngay cầu thang chung.

"Cả khu nhà chỉ có một cầu thang bộ và cũng là cầu thang thoát hiểm nhưng lại bị hai bếp ở ngay chân cầu thang, đồ đạc để chắn lối đi, có lúc nhân viên sơ chế đồ ăn ở hành lang, ngay lối ra vào tòa nhà ở tầng trệt… 

Từ khi mở nhà hàng tới nay, chủ nhà hàng không hề để các thiết bị PCCC ở nơi dễ tìm; mãi sau vụ cháy chung cư Carina Plaza vừa qua, chủ nhà hàng mới đưa ra tượng trưng hai bình dạng bột, nhưng đều hết hạn bảo hành… 

Bản thân tôi đã lớn tuổi, mới bị bệnh khớp vài năm nay, lại ở tận lầu 4, bây giờ nếu xảy ra cháy thì e rằng sẽ không qua khỏi!", bà Nga cho biết.

Hội nghị quán triệt Chỉ thị của UBND TP Hồ Chí Minh về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng.

Trả lời những lo lắng này của người dân, đại diện lãnh đạo UBND phường Bến Thành cho biết, chiều tối (30-3), UBND phường Bến Thành đã phối hợp với Cảnh sát PCCC quận 1 xuống kiểm tra khu nhà này và ghi nhận thực trạng ở thời điểm kiểm tra có nhiều vi phạm. 

Chủ cơ sở kinh doanh chưa xây dựng kho ga tại vị trí bếp, chưa lắp đặt quả cầu chữa cháy tự động, chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, chưa lắp đặt đèn chỉ dẫn lối thoát nạn, không có đèn chiếu sáng sự cố tại khu vực hành lang và cầu thang bộ. 

Nhân viên chưa được tập huấn về nghiệp vụ PCCC… Từ những thiếu xót đó, UBND phường Bến Thành đã đề nghị chủ cơ sở phải thực hiện khắc phục ngay những điểm nêu trên.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, có thể nói thực trạng chung tại nhiều chung cư, nhất là các chung cư cũ, hệ thống PCCC đối phó, thiếu lối thoát hiểm, không có đường dành cho xe cứu hỏa, cư dân không được diễn tập PCCC; các căn hộ cao tầng, dù được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC, nhưng khi xảy ra sự cố, người dân không biết cách sử dụng hoặc thiết bị không sử dụng được. 

Do vậy, vấn đề tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho người dân biết cách sử dụng trang thiết bị PCCC khi có sự cố xảy ra là rất cần thiết.

Điển hình như tại chung cư Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1 cao 7 tầng, không có thang máy, chỉ có một cầu thang bộ là lối lên xuống hằng ngày và cũng là lối thoát hiểm duy nhất của cư dân. Theo cư dân ở chung cư này phản ánh, hệ thống PCCC đã cũ, hư hỏng, không dùng được. 

Thêm vào đó, chung cư chỉ có lối thoát duy nhất ra ngoài ở tầng trệt nhưng nơi đây lại làm bãi giữ xe, chiếm gần như hết lối đi. Hệ thống dây điện, cáp viễn thông chằng chịt từ tầng cao xuống bãi giữ xe là mối đe dọa cho hàng trăm hộ dân ở đây khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Tương tự, nhiều chung cư khác trên địa bàn thành phố như chung cư Nguyễn Thái Bình (quận 1), chung cư Bình Minh (quận Thủ Đức)... cũng không có hệ thống báo cháy tự động. Các hộp đựng dụng cụ chữa cháy hư hỏng, nhiều bình chữa cháy mini cũ, không còn sử dụng được. 

Trong khi đó, tại chung cư An Lạc ở quận Bình Tân, dù được xây mới hơn và đi vào hoạt động gần 10 năm nay, nhưng hiện tại các thiết bị PCCC đã bị xuống cấp và đặc biệt không có lối vào cho xe cứu hỏa khi xảy ra sự cố…

Vụ cháy chung cư Carina Plaza là tiếng chuông cảnh báo về công tác PCCC ở nhiều chung cư cao tầng.

Chế tài chưa đủ mạnh

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, toàn thành phố có 406 chung cư trên 10 tầng, 508 chung cư dưới 10 tầng, 391 công trình nhà cao tầng như văn phòng, chợ, trung tâm thương mại... Trong số đó, có nhiều chung cư xây sau khi có Luật PCCC (năm 2001) nhưng không được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 120 vụ cháy, làm chết 15 người, bị thương 32 người. Trong đó đặc biệt nghiêm trọng là vụ hỏa hoạn xảy ra ở chung cư Carina Plaza khiến 13 người tử vong và gần 50 người bị thương.

Nhận xét về thực trạng tại các chung cư, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng cho biết qua khảo sát, có nhiều công trình không bảo đảm điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC không được bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng. Ngoài ra, tình trạng người dân tự ý xây dựng, cơi nới lấn chiếm hành lang, lối đi cầu thang thoát nạn, câu mắc hệ thống điện không an toàn rất phổ biến.

Thời gian gần đây, có nhiều chung cư đang thi công, chưa nghiệm thu PCCC, chưa hoàn thành công trình theo quy định pháp luật nhưng lại đưa dân vào ở dẫn đến những nguy cơ về cháy nổ, tai nạn, sự cố... 

Những vụ cháy nhà cao tầng, chung cư xảy ra gần đây chủ yếu do câu mắc điện, sử dụng các thiết bị điện không an toàn dẫn đến chạm, chập điện (chiếm 70% các vụ cháy). Những chung cư cũ và các tòa nhà xây dựng trước khi có Luật PCCC thì không được trang bị phương tiện PCCC, không có kinh phí bảo trì, bảo dưỡng.

Nhiều chủ đầu tư chung cư còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các yêu cầu khắc phục về an toàn PCCC của cơ quan chức năng vì ngại tốn kém; không có kinh phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. 

Với các chung cư mới không bảo đảm những nhu cầu về khoảng cách ngăn cháy, lối thoát nạn, cấp nước ngăn cháy, hệ thống kỹ thuật PCCC theo quy định. Các chung cư tái định cư thường không bảo trì, bảo dưỡng thiết bị PCCC do thiếu kinh phí.

Hình ảnh khiến cư dân ở khu nhà số 22 Thủ Khoa Huân lo lắng.

Trước thực trạng hàng loạt vi phạm của chủ đầu tư các chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng nhận định: "Nguyên nhân một phần do chế tài chưa đủ mạnh để răn đe nên các chủ đầu tư vẫn cố tình đưa dân vào ở trong các chung cư chưa hoàn thiện; chủ đầu tư khó khăn về vốn và do áp lực về chỗ ở của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm nên để xảy ra vi phạm kéo dài".

Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng nhấn mạnh thời gian tới, Cảnh sát PCCC TP HCMsẽ tổng kiểm tra, rà soát, phân loại, đánh giá điều kiện an toàn PCCC đối với các chung cư, nhà cao tầng. 

Những chung cư, nhà cao tầng đã được Cảnh sát PCCC yêu cầu khắc phục mà không thực hiện, hoặc đã bị xử phạt về PCCC mà vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị công bố danh sách công khai.

Theo đó, các chung cư, nhà cao tầng sẽ được kiểm tra PCCC 4 lần/năm và kiểm tra đột xuất nếu có dấu hiệu vi phạm. Công tác kiểm tra sẽ chặt chẽ, có thực nghiệm tất cả các nội dung liên quan đến cháy nổ...

Tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị của UBND TP HCM, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, để nâng cao công tác bảo đảm PCCC đối với người dân ở chung cư, nhà cao tầng, đề nghị phải quan tâm hơn việc huấn luyện, hướng dẫn các biện pháp thoát hiểm cho cư dân. 

Ngoài ra, cần bổ sung, có quy định bắt buộc chung cư, nhà cao tầng phải có hai thang thoát hiểm. Đặc biệt là phải có thang thoát hiểm ngoài trời. Đồng thời, theo ông Tuấn, nên khuyến khích các chủ đầu tư in và phát sổ tay hướng dẫn thoát hiểm cho cư dân ngay khi bàn giao căn hộ.

Từ những báo cáo thực tế của các đơn vị, quận, huyện, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Hiện nay, nhiều chủ đầu tư không thực hiện trách nhiệm PCCC, không thực hiện nghiêm các điều kiện đảm bảo và trách nhiệm của ban quản lý các chung cư, nhà cao tầng chưa cao".

Theo ông Phong, việc phát hiện, xử lý cháy tại chỗ chưa kịp thời, thông báo cháy chậm, lực lượng PCCC tại chỗ mỏng, hoạt động kém hiệu quả, công tác tuyên truyền, nâng cao pháp luật về nội quy PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng còn rất hạn chế. 

Cư dân sống trong chung cư chưa tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, thực hành PCCC và thoát nạn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an toàn PCCC còn nhiều bất cập, công tác kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC, việc xử lý vi phạm về an toàn PCCC trong chung cư, nhà cao tầng chưa quyết liệt.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng là do việc đảm bảo an toàn cháy nổ bị xem nhẹ. Để hạn chế thấp nhất những sự cố cháy nổ xảy ra, các ngành chức năng cần có những phương án xử lý mang tính răn đe đối với những tòa nhà cao tầng không đảm bảo về PCCC, siết chặt việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình, phải đảm bảo hệ thống chữa cháy đúng quy định.

Tuy nhiên, có lẽ yếu tố quyết định đến hiệu quả PCCC đó là ý thức của người dân cũng như các lực lượng chức năng trong công tác PCCC, bởi việc cháy nổ không chỉ "nóng" tại các chung cư, nhà cao tầng mà ở từng nơi, từng chỗ và sẽ không nơi nào an toàn nếu không có ý thức bảo đảm PCCC. 

Phú Lữ
.
.
.