Điều tra làm rõ vụ đấu giá bất thường dự án gần 1.500 tỷ đồng

Thứ Tư, 06/03/2019, 15:07
Xung quanh thương vụ bán đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, với trị giá gần 1.500 tỷ đồng có nhiều bất thường.


Điều đáng nói là các bên liên quan đều cho rằng mình bị thiệt hại và từ đây trở thành nguồn cơn của một cuộc "đại chiến" kiện cáo giữa các bên. Mới đây, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản ở dự án này với nhiều thông tin bất ngờ…

12 phiên đấu giá với nhiều điều khó hiểu

Tại kết luận số 62/KL-TTR của Thanh tra Bộ Tư pháp về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản là dự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đối với Công ty cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn (viết tắt Công ty Nam Sài Gòn, địa chỉ số 150 đường số 9, khu phố 1, phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã chỉ ra  nhiều vi phạm trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (viết tắt Hợp đồng đấu giá) gây hậu quả xấu đối với các bên liên quan. 

Theo đó, Kết luận Thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện ký ngày 24-12-2018 nêu việc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú, trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), từng được xem là "đại gia" trong giới bất động sản Bình Dương, có vay 305 tỷ đồng và 18,634 lượng vàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) với tổng số tiền đã quy đổi từ vàng là 1.117.689.720.000 đồng (hơn 1,1 ngàn tỷ đồng). Để đảm bảo cho các khoản vay, Công ty Thiên Phú đã thế chấp dự án Khu dân cư Hòa Lân với diện tích 490.765m2.

Do gặp một số khó khăn về tài chính, ngày 17-4-2015, Công ty Thiên Phú đã chấp nhận ký biên bản thỏa thuận giao tài sản là dự án khu dân cư Hòa Lân này cho Agribank Chợ Lớn để xử lý thu hồi khoản nợ mà công ty còn tồn đọng tại ngân hàng này. Hai tháng sau, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng 10/2015/ĐGNSG với Công ty Nam Sài Gòn bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án Khu dân cư Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng.

Xung quanh vụ đấu giá dự án ngàn tỷ vẫn còn khá nhiều khúc mắc.

Tuy nhiên, việc đấu giá này đã kéo dài gần hai năm (từ ngày 9-7-2015 đến 25-5-2017) và trải qua tới 12 phiên đấu giá mới thành công. Nhưng điều đáng nói là sau 11 phiên thông báo bán đấu giá đều được cho rằng không có khách hàng nào tham gia đấu giá sau mỗi phiên, trong khi kết luận thanh tra của Bộ Tư pháp thể hiện trong các phiên đấu giá lần thứ 5,6,7 có Công ty TNHH MTV Hòa An Lộc, Công ty Hòa Bình Xanh có địa chỉ tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và Công ty TNHH.TM.ĐT.PT Đại Tây Dương (địa chỉ tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh) nộp hồ sơ tham gia đấu giá. 

Với việc liên tục thông báo không có khách hàng tham gia đấu giá nên giá trị tài sản của dự án Khu dân cư Hòa Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 2% lần 2; 5% lần 3; 10% lần 4; 10% lần 5 và lần 7; 3% lần 8 và 1% lần 9 khiến tài sản định giá để dự kiến bán từ 1.467,7 tỷ đồng chỉ còn 1.070 tỷ đồng; tới phiên thông báo bán đấu giá lần thứ 10 chỉ còn 963 tỷ đồng và lần thứ 11 chỉ còn có 900 tỷ đồng.

Đến phiên thông báo đấu giá lần thứ 12, ngày 28-4-2017, Công ty Nam Sài Gòn thông báo có 3 khách hàng đăng ký đấu giá và đã nộp 96,3 tỷ (đặt trước 10% giá trị tài sản đấu giá) gồm: Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House - TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Xây dựng A Đông Hải (sau này đổi tên là Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh - gọi tắt là Công ty Kim Oanh) và Công ty CP Đầu tư Thái Bình. 

Trong 3 công ty này chỉ có Thủ Đức House đáp ứng được yêu cầu của Agribank Chợ Lớn là cam kết trả tiền ngay theo đúng quy định sau khi đấu giá (nếu trúng). Hai công ty còn lại dù đã đóng tiền đặt trước 10% nhưng hồ sơ không thể hiện việc trả ngay hay trả dần cho Agribank Chợ Lớn biết.

Tuy vậy, tại cuộc bán đấu giá lần thứ 12, ngày 25-5-2017, Công ty A Đông Hải - Kim Oanh vẫn trúng đấu giá 1,353 tỷ đồng sau 14 vòng trả giá. Theo quy định của Agribank Chợ Lớn, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 45 ngày.

Trong Công văn số 01/AĐH-2017 ngày 30-5-2017 của Agribank Chợ Lớn gửi trả lời Công ty Kim Oanh việc thanh toán theo biên bản đấu giá ngày 25-5-2017 đã khẳng định: "Nếu quá thời hạn 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành, người mua được tài sản bán đấu giá (TSBĐG) không thanh toán đủ tiền mua tài sản theo quy định nêu trên thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản, số tiền mà khách hàng đã thanh toán sẽ không được hoàn lại, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tiền lãi chậm trả đối với việc thanh toán không đúng quy định nói trên... và đồng ý hủy kết quả đấu giá để bán tài sản cho người khác mà không có bất kỳ thắc mắc, khiếu nại gì. Ngoài ra, người mua TSBĐG phải bồi thường thiệt hại cho bên bán đấu giá toàn bộ phí, chi phí bán đấu giá theo quy định của pháp luật".

Quy định về thời gian thanh toán khá chặt chẽ, nhưng không hiểu vì sao Công ty Kim Oanh vẫn được "ưu ái" cho trả dần. Với sự ưu ái này, đến tháng 11-2018 Công ty Kim Oanh mới chỉ thanh toán được 847,8 tỷ đồng cho Agribank Chợ Lớn (chưa bằng số tiền đấu giá khởi điểm) và còn nợ 478 tỷ đồng cùng lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5-9-2017.

Ngoài ra, bên cạnh việc Công ty Kim Oanh thanh toán chậm thì cũng đã có rất nhiều các động thái khó hiểu từ các bên liên quan. Trong Biên bản đấu giá ngày 25-5-2017 quy định nghĩa vụ của người trúng đấu giá như sau: "... Tự thực hiện việc xin chuyển đổi chủ đầu tư để được tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo quy định của pháp luật, khi có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì tổ chức công chứng mới công chứng được hợp đồng mua bán TSBĐG…". 

Quy định chặt chẽ như vậy, thế nhưng không hiểu vì sao khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì ngày 1-7-2017 Hợp đồng đấu giá số 01-10/2017 đã được Công ty Nam Sài Gòn ký với Công ty Kim Oanh tại Văn phòng Công chứng Thành phố Mới, Bình Dương (!?)

Cần sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng

Trong khi đó, Công ty Thủ Đức House là đơn vị trả giá thấp thứ hai sau Công ty Kim Oanh ở phiên đấu giá thành lúc đó, có thiện chí mua dự án này, nên đã có Công văn số 753/CV-CT ngày 30-5-2017 gửi Agribank Chợ Lớn và các cơ quan liên quan đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin về việc thanh toán của Công ty Kim Oanh. 

Nếu đơn vị trúng đấu giá vi phạm tiến độ thanh toán thì yêu cầu các bên thực hiện đúng quy định về việc hủy kết quả bán đấu giá, ngừng triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan và tổ chức đấu giá lại để các đơn vị khác có lợi ích liên quan và đủ năng lực thanh toán được có cơ hội tham gia đấu giá dự án lần nữa. Tuy nhiên, đề nghị này của Thủ Đức House cũng không được phản hồi…

Và chính từ những diễn biến được cho là có khó hiểu, khuất tất trong việc đấu giá này, có người đã "tố" đến Bộ Tư pháp. Từ đó, nhiều việc đã được phơi bày. Kết luận thanh tra số 62/KL-TTR ngày 24-12-2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp đã chỉ rõ: "Trong quá trình ký kết Hợp đồng đấu giá, tổ chức bán đấu giá tài sản, Công ty đấu giá đã có một số tồn tại, vi phạm sau: Không kiểm tra chặt chẽ thông tin do Ngân hàng cung cấp là không thực hiện đúng Khoản 3, Điều 26, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; Quy chế Bán đấu giá và Thông báo bán đấu giá tài sản có nội dung khác nhau về thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán tiền mua tài sản.

Công ty Kim Oanh nhiều lần vi phạm cam kết nghĩa vụ thanh toán trong một thời gian dài, nhưng Agribank Chợ Lớn không có biện pháp quyết liệt để xử lý là trái với quy chế đấu giá, Thông báo đấu giá và quy định ban đầu của chính Agribank Chợ Lớn đưa ra tại Công văn số 196/NHNoCL-TD ngày 28-4-2017. 

Việc làm nói trên là không thực hiện đúng Điểm a Khoản 2 Điều 36 Nghị định 17/2010/NĐ-CP; Điều 17 Công văn số 8298/NHNo-HSX ngày 8-12-2014 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), thể hiện việc chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý tiền là tài sản Nhà nước của một tổ chức tín dụng.

Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đã có kiến nghị với Ngân hàng Agribank chỉ đạo Agribank Chợ Lớn trong trường hợp Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán hết số tiền còn lại thì cần xem xét, có hình thức xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật.

Công ty Nam Sài Gòn đã không còn thuê mặt bằng tại quận 7, TP Hồ Chí Minh từ gần 2 năm nay.

Nhận thấy tài sản thế chấp của mình bị thao túng gây hậu quả không trả được nợ ngân hàng, phát sinh lãi phạt, xâm hại đến tài sản Nhà nước mà Agribank Chợ Lớn quản lý, gày 14-2-2019), Công ty Thiên Phú đã có đơn gửi Tòa án nhân dân quận 7 khởi kiện Công ty Nam Sài Gòn cùng với các đơn vị khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kể trên, gồm: Công ty Kim Oanh, Agribank Chợ Lớn; Văn phòng công chứng Thành phố Mới (Bình Dương). 

Trong đơn, Công ty Thiên Phú  yêu cầu Tòa án tuyên Hợp đồng đấu giá số 01-10/2017 ngày 1-7-2017 vô hiệu và đề nghị hủy kết quả đấu giá tài sản là dự án Khu dân cư Hòa Lân do chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình đo đạc, Agribank Chợ Lớn đã làm thiếu hụt diện tích thực tế của dự án là 8.452m2 gây thiệt hại về tài sản cho Công ty Thiên Phú. 

Tuy nhiên, Công ty Kim Oanh đã có văn bản gửi tới báo chí để giải bày việc công ty này trúng đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân tới nay kéo dài gần 2 năm nhưng chưa chuyển đổi được chủ đầu tư gây thiệt hại không nhỏ. Lý do là vì cơ quan chức năng Bình Dương chưa chấp nhận chuyển đổi bởi Công ty Thiên Phú gửi đơn đề nghị ngăn chặn.

Công ty Kim Oanh cho rằng họ mua dự án thông qua đấu giá của Agribank Chợ Lớn chứ không phải của Công ty Thiên Phú. Công ty Kim Oanh sẽ hoàn thành thanh toán cho Agribank Chợ Lớn với số tiền còn lại hơn 378 tỷ đồng trong tháng 3-2019 nên số tiền Công ty Thiên Phú nêu ra 478 tỷ đồng là không chính xác (?)…

Có thể thấy, xung quanh vụ đấu giá dự án ngàn tỷ này vẫn còn khá nhiều khúc mắc, với nhiều bên có quyền lợi liên quan. Do đó, rất cần sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng để có phương án giải quyết dứt điểm những khúc mắc, vi phạm của cuộc đấu giá này, nhằm tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước.

P.Lữ -Đ.Cương
.
.
.