"Đồ cũ là vàng" thắp sáng tương lai

Chủ Nhật, 22/10/2017, 15:58
Gần 6 năm nay, mỗi tuần 2 buổi chiều tối, các bạn sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I lại chia nhau đi khắp các ngả đường để nhặt rác, xin đồ cũ. Quần áo cũ sẽ được mang về giặt sạch sẽ, chai lọ bán lấy tiền…

Cứ như vậy câu lạc bộ "Đồ cũ là vàng - thắp sáng tương lai" đã thực hiện được rất nhiều ước mơ, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc của những hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, các bạn sinh viên trẻ còn coi đó là những trải nghiệm vô giá, rèn luyện tính kỷ luật, kỹ năng làm việc nhóm và làm sạch môi trường…

1. Người đưa ra ý tưởng thành lập CLB là cựu học viên của trường: Trần Thị Thu Trang, (khóa 55, Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản) và một số cựu sinh viên khác đồng sáng lập. Người ủng hộ và theo sát Câu lạc bộ chính là cô Châu Giang, Khoa Chăn nuôi. Ban đầu, Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản có ý định thành lập một câu lạc bộ trực thuộc của khoa nhưng chưa nghĩ ra là thành lập câu lạc bộ gì. 

Đúng lúc đó, Thu Trang có xem một chương trình nước ngoài nói về những hoạt động thiện nguyện của những người đi thu gom đồ cũ tặng cho người nghèo. Trang càng nung nấu thành lập câu lạc bộ hơn sau lần tình nguyện tiếp sức mùa thi. Trong đợt ấy, có rất nhiều bạn bè ở vùng cao, Trang được nghe những câu chuyện của họ về cuộc sống thiếu thốn, khó khăn của người dân vùng cao. 

Tự lòng mình, Trang khát khao một lần được lên miền núi, được thăm các em nhỏ khó khăn, dự án "Đồ cũ là vàng" chuyên gom rác bán lấy tiền chính thức được khởi động. Trang kể lại: "Mục đích của dự án là nhằm giúp chính bản thân mình và các bạn trong nhóm có cơ hội học hỏi kỹ năng làm việc nhóm, nói chuyện trước đám đông, sắp xếp, tổ chức kỷ luật; gây quỹ từ thiện và vệ sinh môi trường. 

Nhóm này ban đầu là sự kết hợp của các sinh viên trong khoa và hội đồng hương Bắc Giang, Hưng Yên đang học tại Đại học Nông nghiệp". Chỉ một thời gian rất ngắn, Trang đã hoàn thiện đề án chi tiết và gửi lên khoa chủ quản để xin ý kiến và tài trợ. 

Đến với trẻ em vùng cao là những kỷ niệm không thể quên với các thành viên của CLB.

Ban đầu các thầy cô lo ngại các sinh viên này không thể thực hiện bởi đề án được chia ra làm quá nhiều giai đoạn. Cuối cùng nhóm tình nguyện đặc biệt này cũng nhận được sự đồng ý đi gom rác ở 11 dãy nhà ký túc xá. Chỉ sau vài tuần công việc đã trôi chảy, các thầy cô trong khoa biết dự án cũng đã mang quần áo, tiền đến ủng hộ.

Những ngày đầu hoạt động, nhóm gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng chừng cô nữ sinh quê Nam Định phải bỏ cuộc. Không có tiền mua bao tải đựng rác, Trang tới trại cá của thầy giáo xin bao đựng thức ăn cho cá. Đi hết từng phòng ở 11 khu ký túc xá, Trang phân chia các bạn thành nhiều nhóm nhỏ. Đến lịch gom thứ năm và chủ nhật hằng tuần, thành viên tập trung ở trường, nhận bao tải rồi tản ra các khu nhà. 

Trước khi tới các phòng, Trưởng nhóm và các bạn phải tuyên truyền bằng miệng hoặc tờ rơi. "Lần đầu ra quân, cả đội thất vọng vô cùng khi lượng rác xin được không như mong đợi và chỉ bán được hơn 100.000 đồng. Một số phòng không hợp tác, còn đóng cửa hoặc không nói một lời khi nhóm vào xin rác" - Trang kể.

Mặc dù dự án chạy suôn sẻ nhưng Trang vẫn đau đầu khi chưa biết làm cách nào để tăng số tiền quỹ. Khi đó chỉ 8.000 đồng/kg chai, lọ nhựa và 4.000 đồng/kg giấy, số tiền thu về không nhiều. Trong một tháng hoạt động, ngoài hơn 2 triệu đồng hỗ trợ của các thầy cô, nhóm thiện nguyện chỉ kiếm được khoảng 2 triệu đồng từ tiền nhặc rác. 

Để hiện thực hóa ước muốn mua chăn màn, quần áo cho các em nhỏ vùng cao, nhóm rất cần có sự hỗ trợ từ các cá nhân hay tổ chức. Khi đó nhóm tình nguyện được thầy Phạm Kim Đăng, Phó khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản rất ủng hộ. "Khoa luôn hướng cho sinh viên có ý tưởng sáng tạo rồi tự tổ chức, thực hiện, gặp khó khăn, thầy cô mới giúp đỡ. Chúng tôi cũng hướng tới nhiều chương trình ý nghĩa để lôi kéo thêm nhiều sinh viên tham gia hơn nữa"- thầy Đăng cho biết. 

Để nắm được hoạt động của nhóm, thầy Đăng thường xuyên cập nhật facebook riêng của dự án. "Bước đầu các em có thể gặp khó khăn nhưng càng về sau sẽ thuận lợi hơn. Tham gia những hoạt động này, sinh viên sẽ có thêm nhiều kỹ năng trước khi ra trường. Thầy cô muốn để các em tự vận động và luôn ở bên cạnh hỗ trợ" - thầy Đăng chia sẻ.

Sau khi hoạt động có hiệu quả, nhóm quyết định mở rộng địa bàn thu gom các chai lọ, giấy vụn, sách báo và cả quần áo cũ ở các khu vực xóm trọ sinh viên, khu dân cư xung quanh Học viện. Vài năm trở lại đây, địa bàn hoạt động của họ đã được mở rộng ra các thị trấn xung quanh như: Khu đô thị Đặng Xá, Cổ Bi, Kim Thành, Kim Chung, Kim Lan… 

Việc mở rộng địa bàn thu gom sẽ khiến nguồn quỹ tăng cao. Số tiền từ việc bán các phế liệu sẽ được mua chăn màn, quần áo và dụng cụ học tập cho các em học sinh vùng cao. Đối với những quần áo xin được từ nhà dân sẽ được các thành viên gom lại giặt sạch sẽ sau đó phân loại theo từng độ tuổi để mang lên vùng cao.

Khi đi thu gom phế liệu, quần áo cũ các thành viên luôn được người dân quanh đó ủng hộ nhiệt tình. Nhiều người biết lịch thu gom nên vẫn thường để dành những món đồ mà mình không dùng tới để tặng cho thành viên Câu lạc bộ. 

Bạn Kim Dung (thành viên của CLB) chia sẻ: "Có bác tên là Ngần nhà ở Gia Lâm làm chúng em xúc động lắm. Bác bảo, khi bác biết việc làm của bọn em nên bác đã chủ động đi thu gom phế liệu và xin quần áo không chỉ từ những người hàng xóm, mà từ cả những người thân sống cách đó cả chục cây số. Bác bảo, bác cũng muốn góp một phần rất nhỏ gửi tới các em bé vùng cao". 

Không chỉ có bác Ngần, mà còn nhiều người tốt khác đã rất nhiệt tình đồng hành với các thành viên của Câu lạc bộ. "Bình thường bọn em thu gom phế liệu xong sẽ chia ra hai người 1 xe chở về nơi tập kết. Nhưng từ khi biết chúng em làm việc thiện nguyện, có một anh đã tự nguyện dùng xe tải nhỏ chuyên chở hoa quả để chở đồ cho chúng em. Anh ấy đã làm việc đó suốt 3 năm qua. Anh ấy còn bảo sẽ đồng hành với chúng em đến khi nào chúng em không làm nữa thì thôi" - một thành viên CLB chia sẻ.

Với các bạn sinh viên, đây cũng là cách để luyện tập những kỹ năng cần thiết trước khi ra trường.

2. Trong suốt 6 năm dự án đi vào hoạt động, những lần mang quà tặng lên vùng cao, vào vùng khó khăn mới là những kỷ niệm đáng nhớ. Với những bạn sinh viên còn rất trẻ, đó là những trải nghiệm vô giá không phải ai cũng có. 

Nói về việc làm thiện nguyện của mình, Dung vui vẻ cho biết: "Em may mắn là đã được trải qua nhiều cảm xúc. Từ việc đi xin phế liệu đến việc được mang đồ lên tận nơi tặng các em học sinh vùng cao. Đến đó mới thấy các em ấy thiệt thòi biết chừng nào, có biết bao đứa trẻ khi mùa đông đến, trời rét căm căm vẫn cởi truồng chạy chân đất, trên người chỉ có một manh áo mỏng. Có lần em cùng một số thành viên trong CLB lên trao quà tại điểm trường Khuổi Luội, xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể, Bắc Kạn). Chúng em đã phải dừng xe cách điểm trường là 10km vì đường quá trơn, dốc. Để vận chuyển quà chỉ có cách mỗi người gùi một gùi phía sau lưng, vừa đi, vừa chống gậy. Khi đến được điểm trường đó, chúng em ai nấy đều như lả ra nhưng vẫn thấy vui vì mình đã làm được việc ý nghĩa". 

Mỗi năm hoạt động tuyển thành viên bắt đầu từ giữa tháng 9 và đầu tháng 10 CLB sẽ triển khai kế hoạch thu gom. Không chỉ có thu gom rác thải, mà CLB còn tổ chức các chương trình bán hoa, bán thiệp, móc khóa do các thành viên tự làm.

Khi đến điểm thu gom, không phải lúc nào các tình nguyện viên cũng được chào đón. Thực tế, có rất nhiều người khó tính. Họ cho rằng mình đang bị làm phiền mỗi khi các tình nguyện viên gõ cửa. 

Phạm Hồng Đức, sinh viên khóa 58, Học viện Nông nghiệp chia sẻ: "Chuyện chúng em gõ cửa và bị một số người dân chửi, đuổi đi là rất bình thường. Đối với những gia đình không thiện chí, chúng em sẽ ghi lại số nhà rồi công khai trong Câu lạc bộ để các bạn biết mà tránh. Nhiều khi vẫn là khu dân cư ấy, xóm trọ ấy nhưng chẳng may khu vực đó mới bị mất trộm thì khi bọn em xuất hiện họ sẽ dè chừng và không còn thái độ nhiệt tình như trước nữa. Cũng có lúc nhiều thành viên trong nhóm thấy tủi thân, thậm chí là thấy mình bị xúc phạm khi phải nghe những lời tục tũi của một số người dân. Nhưng mỗi lần như thế chúng em lại động viên nhau rằng mình làm việc tốt, không có gì mà phải sợ, quan trọng là tâm mình thôi".

Bên cạnh nhặt rác, đồ cũ, các thành viên CLB còn làm những đồ handmade bán lấy tiền giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong Câu lạc bộ Đồ cũ là vàng, Phạm Hồng Đức được xem như bậc "lão làng" bởi chàng trai này có thâm niên tới 4 năm đi thu gom đồ phế liệu, đồng thời cũng là người nhiều lần đến các điểm trường vùng cao để trao quà từ thiện. 

Đức kể: "Chỉ tính riêng Bắc Kạn em đã lên đó tới 3 lần. Chứng kiến các em nhỏ phải ở trọ tại trường hoặc các nhà dân gần trường, đến bữa, chỉ có một nồi cơm trắng, nửa bánh đúc, nửa lại khô khốc và một bát mì tôm dùng để chan lấy nước tội lắm. Cứ một tuần, đến thứ 7 các em lại đi bộ về nhà. Nhiều em đi bộ từ sáng sớm mà phải đến chiều tối mới về đến nhà. Sáng chủ nhật lại đi bộ từ nhà lên trường, sau lưng gùi theo mấy cân gạo. Nhà nào có điều kiện thì cho con thêm ít tiền, không thì 10 nghìn sẽ ăn trong cả tuần. Chỉ vậy thôi mà các em vẫn không từ bỏ công cuộc đi tìm cái chữ của mình". Nhìn những cảnh ấy không chỉ có Đức, mà tất cả các thành viên của Câu lạc bộ Đồ cũ là vàng càng muốn mình cố gắng nhiều hơn nữa để có tiền, có sách vở và quần áo giúp đỡ các em". 

Song Anh
.
.
.