Đoàn kết hay là chết

Thứ Năm, 23/04/2020, 17:56
Có thể nói rằng đại dịch Covid-19 đã có những tác động rất mạnh. Nhờ sự uy hiếp của nó, nhờ sức tàn phá và khả năng hủy diệt của nó, những giá trị của sự gắn kết được tái khẳng định, để trở thành ưu tiên số một đối với các cộng đồng. Liên minh châu Âu (EU) vừa trở thành một minh chứng hùng hồn nữa cho mệnh đề ấy.


Càng sớm càng tốt! 

"Bất kể con số bệnh nhân tử vong cứ dày thêm lên từng ngày, vẫn chưa có dấu hiệu gì là Covid-19 đã lên tới đỉnh dịch ở cựu lục địa" - đó là nhận định của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), công bố ngày 8/4. Rất nhiều nước châu Âu vẫn còn ghi nhận số lượng nhiễm mới ở mức 4 con số, và tử vong ở mức 3 con số mỗi ngày. 

Giám đốc ECDC, bà Andrea Ammon, khẳng định: "Nguy cơ virus SARS-CoV-2 vẫn còn khả năng tiếp tục lây lan là điều hoàn toàn có thể xảy ra", và bởi vậy, "vẫn còn là quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa lây lan, trong đó có giãn cách xã hội, cho dù các biện pháp này có thể gây gián đoạn mọi hoạt động kinh tế và xã hội".  

"Một bước tiến lớn về tình đoàn kết của châu Âu" - Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire.

Bối cảnh ấy trở thành một thách thức lớn chưa từng có đối với EU, hơn cả vòng xoáy suy thoái kinh tế cuối thập niên 2000, hay những nỗi ám ảnh từ bóng ma khủng bố thời Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn hoành hành vài năm trước. Cùng lúc, các chính phủ phải căng mình bảo vệ người dân, nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời cố gắng duy trì những giới hạn cuối cùng để các hệ thống kinh tế - xã hội không sụp đổ. 

Chính vì thế, Covid-19 cũng đòi hỏi những cách tiếp cận hoàn toàn khác, quyết liệt hơn và nhiều hy sinh hơn so với các biến cố trong quá khứ. Không ai còn có thể "bình chân như vại" lúc "cháy nhà hàng xóm" nữa, như cách các quốc gia  EU giàu mạnh đã từng mặc kệ Hy Lạp tự ngoi ngóp trong khủng hoảng kinh tế suốt một thời gian dài, hoặc đùn đẩy nhau trách nhiệm lo nơi ăn chốn ở cho những người vượt biển nhập cư (bất hợp pháp) từ Trung Đông và Bắc Phi. Với Covid- 19, EU (cũng như cả nhân loại) có một kẻ thù chung quá hùng mạnh và vô cùng khó lường, để không một ai có thể bảo đảm về sự an toàn cho riêng mình, kể cả với những đường biên giới đã đóng chặt. 

Và cuối cùng, ngày 10/4, sau quá nhiều lần trì hoãn (nghĩa là quá nhiều thời gian đã bị đánh mất), trong tiếng vỗ tay vang dội của cử tọa, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính châu Âu đã nhất trí: Gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro (khoảng 546 tỷ USD) được thông qua, nhằm hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19.  

Ngay lập tức, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi: "Hãy triển khai gói cứu trợ ấy càng sớm càng tốt!". 

Ít nhất, cho dù vẫn còn tồn tại một số khúc mắc chưa được giải quyết, EU cũng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, để có thể "tẩu thoát" khỏi viễn cảnh u ám từng được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo: Một kịch bản suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong năm 2020 này, kể từ cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu năm 1929. 

Không chỉ là dịch bệnh 

Gói cứu trợ đó, thực ra, sẽ không được chi cho công tác phòng chống - dập dịch. Lĩnh vực y tế đơn thuần đã có những khoản chi riêng ở từng nước, và theo diễn biến thời cuộc, cũng có thể được bổ sung những nguồn ngân sách khác. Cho đến lúc này, kể cả 500 tỷ euro đó, tổng giá trị những gói cứu trợ mà EU đầu tư để đối phó với đại dịch Covid-19 ở tất cả các hạng mục đã lên tới 3.200 tỷ uro (khoảng 3.500 tỷ USD) - khoản ngân sách cứu trợ lớn nhất thế giới. 

500 tỷ euro vừa được thông qua hướng tới một mục tiêu xa hơn, nhưng quan trọng không kém: Duy trì các kết cấu xã hội trong thời gian trước mắt, đồng thời bảo đảm khả năng phục hồi của các thành phần kinh tế trong tương lai, sau thời kỳ đại dịch. Như đánh giá của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đó là "một cột mốc quan trọng biểu thị phản ứng chung và tinh thần đoàn kết của châu Âu trong đại dịch, cũng như những nỗ lực chung tay trong cuộc chiến chống thất nghiệp". 

Nói cách khác, vắn tắt và ngắn gọn hơn, các nhà lãnh đạo EU không chỉ phải bảo đảm cho công dân của mình không bị "chết bệnh", mà còn phải đau đầu lo tới chuyện đừng để bất cứ ai "chết đói". 

Dịch bệnh đã làm ngưng trệ mọi hoạt động giao thương - kinh tế. Kéo theo nó, mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều bị tổn thương nghiêm trọng. Không còn việc làm, không có thu nhập, rất nhiều trong số họ sẽ dễ dàng bị bần cùng hóa, và từ bần cùng hóa tới lưu manh hóa là một khoảng cách vô cùng bé nhỏ. 

Trước nguy cơ "chết đói", sẽ không có chế tài nào đủ mạnh để bắt cả một đám đông khổng lồ ở yên trong nhà. Ổn định và trật tự xã hội, từ đó, sẽ suy giảm. Tình trạng bạo lực và tội phạm gia tăng là điều hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chưa kể đến khả năng không thể tiếp tục khoanh vùng và khống chế dịch bệnh. 

Dich bệnh Covid-19 đã và đang hủy hoại trầm trọng các kết cấu kinh tế - xã hội của EU.

Cũng chính bởi những lý do từ khía cạnh kinh tế - xã hội này, châu Âu đã khá chần chừ dẫn tới chậm trễ, để không thể hành động mau chóng và quyết liệt khi Covid-19 mới bắt đầu xuất hiện, như các mô hình hiệu quả mà Việt Nam là một thí dụ điển hình. 

Cũng chính bởi dính dáng đến những đóng góp và hy sinh về mặt kinh tế, nên suốt thời gian qua, sự đồng thuận đã vắng bóng trong các cuộc thảo luận chung của EU. Sự chia rẽ giữa các quốc gia giàu có phía Bắc châu Âu với những quốc gia nghèo phía Nam là không thể phủ nhận. Thậm chí, đến lúc này, ý tưởng phát hành thêm "trái phiếu Corona" - một hình thức hỗ trợ cho vay đối với các quốc gia hay khu vực quá khó khăn bởi dịch bệnh - cũng vẫn còn chưa nhận được sự tán đồng của nền kinh tế giàu mạnh nhất châu Âu là nước Đức. 

Tuy nhiên, dù sao, biểu hiện đầu tiên của sự gắn bó và đồng thuận cũng đã được xác lập. Trên thượng tầng kiến trúc, những mối hiểm họa lớn nhất về mặt kinh tế - xã hội đã được "chỉ tay day mặt", với tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel: "Đã đến lúc đặt nền móng cho một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Kế hoạch này phải tái phục hồi nền kinh tế của chúng ta, đồng thời thúc đẩy sự hội nhập kinh tế trong EU. Ngân sách EU sẽ phải đóng vai trò có ý nghĩa trong quá trình này".    

Điều đó có nghĩa là không thành viên EU nào sẽ phải chiến đấu đơn độc, trong nỗ lực giữ gìn sinh lực cho nền kinh tế của riêng mình. Họ sẽ được tiếp sức bởi cả cộng đồng. Dĩ nhiên rồi, EU không đời nào chấp nhận được rằng khi đại dịch này qua đi, họ sẽ đánh mất cả sức bật lẫn vị thế của một trong những trung tâm kinh tế - chính trị quan trọng nhất thế giới. Mà một tập thể mạnh, thì cần từng cá thể vững mạnh. 

Vậy nên, gạt sang một bên những kèn cựa, bất đồng, mâu thuẫn…trong quá khứ, đứng đối diện với sức hủy diệt của Covid-19, EU đã quyết định ưu tiên cho sự gắn kết. 

Nhưng có lẽ, đáng ra, họ phải làm như vậy từ một tháng trước - khi vẫn còn chưa bị suy giảm quá nhiều nguồn lực, chứ không phải lúc gần như cả cựu lục địa đã tan hoang bởi SARS-CoV-2 như bây giờ. Thôi thì, muộn còn hơn không…

Thiên Thư
.
.
.