Độc đáo thiết bị trồng rau bằng "sóng điện thoại"

Thứ Hai, 28/08/2017, 13:45
Là kỹ sư tự động hóa, đang ngồi yên vị trên ghế giám đốc với mức thu nhập tính bằng đô la, nhưng đùng một cái, Bùi Ngọc Minh Tâm xin nghỉ việc để theo nghề nông. Với niềm đam mê sáng chế, giờ thì Tâm đã trở thành “cha đẻ” của mô hình chăm sóc rau bằng... sóng điện thoại.


Bỏ chức về làm nông dân

Hai năm trước, nông dân ở TP Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận đã ngạc nhiên đến sững sờ khi được chứng kiến màn biểu diễn tưới rau bằng... sóng điện thoại của kỹ sư Bùi Ngọc Minh Tâm. Đây là mô hình chăm sóc rau mới mẻ, hiện đại được chủ nhân học tập từ đất nước Nhật Bản.

Với chất giọng nhẹ nhàng đầy tự tin, ông chủ vườn rau tự hào giới thiệu: “Ở bất kì nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, bạn đều có thể tưới vườn, bật đèn chiếu sáng hoặc khoá bình gas chỉ bằng một tin nhắn”.

Nhắn tin tưới vườn.

Sinh ra và lớn lên tại Tiền Giang, 18 tuổi, Tâm khoác ba lô lên TP Hồ Chí Minh học Đại học Bách khoa chuyên ngành tự động hóa. Tốt nghiệp ra trường, chàng trai miền Tây được nhận vào làm việc tại một công ty sản xuất thức ăn thuỷ sản, Công ty thuộc hàng quy mô lớn nên Tâm thường xuyên được ra nước ngoài công tác.

Nhiệt tình, năng nổ cống hiến, chỉ một thời gian ngắn, Tâm được bổ nhiệm lên chức giám đốc quản lí. Mức lương 2.000 USD/tháng, vào thời điểm đó là niềm mơ ước của nhiều người, nhiều bạn bè ngưỡng mộ Tâm, lấy gương anh làm động lực phấn đấu.

Năm 2010, trong chuyến công tác đầu tiên tại Nhật Bản, chàng giám đốc Việt Nam đã mê mẩn những vườn rau xanh mát, sạch sẽ ngay giữa Thủ đô Tokyo. Tâm đi ăn tô phở 20 ngàn đồng, thèm rau quá gọi thêm đến khi tính tiền, chủ quán thu thêm gấp đôi, gấp ba. Thấy vô lý, giám đốc trẻ tìm hiểu bằng được, sau đó mới biết đĩa rau mình vừa ăn là rau sạch.

Kết thúc thời gian công tác, anh Tâm xin phép công ty được ở lại thêm vài ngày, thuê xe chở đến các vườn rau tìm hiểu kỹ thuật trồng rau sạch. Tham quan xong, câu hỏi loé lên trong đầu vị giám đốc: “Tại sao không áp dụng mô hình vườn rau sạch trong nước, trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp?”.

Về nước, dù ngày ngày mặc áo vest, ngồi phòng lạnh nhưng anh Tâm lúc nào cũng hướng đến ý định sẽ thành lập vườn rau như bên Nhật Bản. Quyết thực hiện ý tưởng, anh nhờ thầy giáo ở Trường Đại học Nông Lâm hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt. Ban đêm đọc sách xong, sáng ra anh giám đốc xắn áo thực hành ngay.

Anh Tâm kể: “Hễ cây nào chết hoặc bị sâu bệnh, tôi lại tìm bằng được lí do để khắc phục”. Khi đã trang bị cho mình lượng kiến thức trồng trọt kha khá, anh Tâm tiếp tục nghiên cứu máy móc để chúng làm thay con người các công việc như tưới nước, thu hoạch.

Trước đó, trong công ty của mình, Tâm được đồng nghiệp đặt biệt danh “giáo sư” bởi niềm đam mê sáng chế. Anh luôn “táy máy” chân tay chế ra những thiết bị điều khiển từ xa để có thể tắt đèn, tắt quạt mà không mất công đi lại. 

Thời gian này, điện thoại di động bùng nổ ở Việt Nam. Anh Tâm nghĩ điện thoại ngày càng thông dụng, tại sao không sáng chế thiết bị ứng dụng tiện lợi qua điện thoại. Hai năm sau, anh Tâm mày mò viết phần mềm, thử nghiệm không biết bao nhiêu lần.

Một góc vườn rau sạch của anh Tâm.

Thậm chí có hôm làm việc quá sức nên cắm nhầm ổ điện, thiết bị nổ đôm đốp. Không nản chí, anh miệt mài sửa lỗi, cuối cùng phần mềm điều khiển từ xa bằng sóng điện thoại di động đã thành công vào đầu năm 2013. Vị giám đốc trẻ quyết định nộp đơn nghỉ việc, dồn tâm huyết thành lập vườn rau “tự động hoá”.

Tưới rau bằng "sóng điện thoại"

Khi Tâm xin nghỉ, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đều bảo anh bị “khùng”. Bà Bùi Thị Tỏ, mẹ Tâm chia sẻ: “Đến tôi còn choáng vì quyết định của con. Tự nhiên đang sống sung sướng, có ôtô riêng đưa đón lại bỏ hết. Tôi chỉ có mình nó, tốn kém bao nhiêu năm học tập, khó lắm mới tìm được công việc ổn định, nay đột ngột xin nghỉ”.

Mày mò sáng chế, phát triển công nghệ, anh Tâm đã cho ra đời hệ thống tưới vườn, tắt mở đèn, khoá gas bằng tin nhắn điện thoại. Thiết bị điều khiển từ xa này được chủ nhân gọi là “hộp điều khiển”.

Bên trong gồm phần mềm và các con chíp do kỹ sư Tâm tự tay lắp ráp, có khe lắp sim điện thoại giúp kết nối với điện thoại di động. Ngoài ra, còn có hệ thống ngắt điện tự động phòng xảy ra sự cố. Hộp điều khiển có 4 hệ chíp tương đương với 4 ổ cắm điện bên ngoài.

Máy tưới nước, ổ khoá bình gas, đèn chiếu, quạt điện được nối với hộp điều khiển thông qua ổ cắm điện. Thiết bị có hai chế độ thủ công và tự động, chỉ cần gạt công tắc để thay đổi. Ở chế độ tự động, nếu người sử dụng muốn điều khiển máy móc nào, trước tiên phải kết nối với hộp điều khiển thông qua ổ điện mặc định sẵn.

Sau đó, dù người dùng ở bất kì nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể điều khiển thiết bị. Chẳng hạn muốn tưới vườn rau tại nhà, anh Tâm chỉ việc dùng điện thoại di động của mình nhập mật khẩu, cú pháp tin nhắn gửi về sim điện thoại gắn trong bộ điều khiển.

Lập tức, sim trong hộp điều khiển tự động gửi lại tin nhắn trả lời đã thực hiện lệnh. Chủ vườn canh chừng thời gian tưới nước, khi nào muốn ngưng, tiếp tục thao tác soạn tin nhắn “off” gửi đi. Tương tự, hộp điều khiển nhắn tin trả lời “đã dừng”. 

Sim gắn vào hộp điều khiển là sim điện thoại thông thường, hoạt động với điều kiện còn hạn sử dụng, tài khoản đủ tiền để gửi tin nhắn trả lời. Chủ nhân giải thích thêm: “Để dễ hiểu, mọi người hình dung hộp điều khiển đặt ở nhà giống như chiếc điện thoại nhưng không thể nghe, nói. Bộ thiết bị hoạt động trong điều kiện có điện và sóng điện thoại, đến nay chưa thấy trục trặc nào”.

Ưu việt của bộ điều khiển ngoài tiện lợi còn giúp chủ vườn tiết kiệm đáng kể chi phí thuê mướn nhân công những lúc vắng nhà. Thiết bị dễ sử dụng, bất kì điện thoại, mạng viễn thông nào đều ứng dụng được. Mỗi bộ điều khiển có mật khẩu riêng, hoạt động độc lập và đều thông qua mã tổng đài do anh Tâm đăng kí.

Điều này không hề ảnh hưởng đến quyền sử dụng của chủ nhân. Ngược lại, việc các hộp điều khiển kết nối chung về mã nguồn giúp anh Tâm có thể sửa chữa các thiết bị dù ở xa hàng ngàn km. Chỉ khi nào nhập đúng mật khẩu, cú pháp tin nhắn thì máy mới hoạt động, nên rất yên tâm.

Giá thành bộ điều khiển từ xa của anh Tâm có giá “rất nông dân” là 3,5 triệu đồng. Cũng theo “cha đẻ” thiết bị này, anh ước tính thiết bị đạt tuổi thọ ít nhất 10 năm. Nói về ý tưởng cho ra đời máy điều khiển từ xa bằng sóng điện thoại, kĩ sư Tâm cho hay, từ năm 2008 anh đã sáng chế nhiều thiết bị điều khiển từ xa bằng sóng radio. Tuy nhiên sóng radio giới hạn khoảng cách, lại hay bị nhiễu. Anh từng nghĩ đến ứng dụng sóng vệ tinh nhưng nó khó “như hái sao trên trời” nên không dám nghĩ nữa.

Anh Tâm và bộ điều khiển tưới vườn từ xa.

Hiện kỹ sư Tâm là nông dân sản xuất giỏi của TP Hồ Chí Minh. Vườn rau của anh hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giá mỗi kilogam rau sạch cao hơn thị trường 40-50% nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng. Mô hình trồng rau sạch áp dụng công nghệ “sóng điện thoại” của anh được nhiều người thích thú mua về thực nghiệm.

Chia sẻ dự định sắp tới, anh Tâm cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp thiết bị. Xa hơn, anh hướng tới lập vườn rau điện tử giúp chủ trang trại ở bất kì đâu đều quản lí được vườn, khách hàng vào mạng có thể theo dõi lịch thu hoạch, đặt hàng…

Ngọc Thiện - Mai Văn
.
.
.