Độc đáo xe ngựa vùng Bảy Núi

Thứ Ba, 28/01/2014, 15:00

Từ xưa đến nay, bà con ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn đã quen thuộc với hình ảnh những chiếc xe ngựa chạy lộc cộc trên đường. Đây chính là phương tiện vận chuyển các sản vật núi rừng ra chợ mua bán, trao đổi của đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết thì xe ngựa được trang trí lộng lẫy, đẹp mắt trong các buổi diễu hành hay phục vụ đám cưới, trở thành nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của vùng Bảy Núi - An Giang.

Gắn bó và thân thuộc như thế nhưng chưa ai xác định được xe ngựa có mặt tại vùng Bảy Núi từ bao giờ, chỉ biết ở những thế kỷ trước xe ngựa là thứ phương tiện không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc Khmer. Thời hoàng kim, trên địa bàn có khoảng 100 - 200 xe, nay chỉ còn khoảng 30 xe. Khác với xe ngựa Đà Lạt và Bình Dương - một loại xe có thùng gỗ, mui và chỗ dựa chắc chắn, riêng xe ngựa vùng Bảy Núi do người Khmer chế ra có kiểu dáng rất thô sơ, đơn giản, mui trần, không tay vịn, người ngồi không quen cứ bị lắc lư qua lại như muốn ngã.

Khi điều khiển xe, người cầm cương giật dây cho ngựa đi hoặc chạy theo ý mình, một số xe còn được gắn thêm chuông hoặc lục lạc lên cổ ngựa để phát ra tiếng kêu leng keng rất vui tai. Khi đất nước chuyển mình, nền kinh tế phát triển, đường sá giao thông được nâng cấp, mở rộng thì cũng là lúc nhà nhà, người người từ nông thôn đến thành thị trang bị riêng cho mình một số phương tiện lưu thông.

Dù vậy, xe ngựa vẫn tồn tại do tính đặc trưng của vùng núi. Mỗi chiếc xe ngựa có thể chở khoảng 6 người hoặc đến 1 tấn hàng hóa, đặc biệt là lúa gạo và trái cây. Anh Chau Som Na, là một trong những gia đình nuôi ngựa truyền thống tại ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên cho biết: "Nhà tôi có 3 đời chăn nuôi ngựa, từ thời ông nội đến cha, giờ truyền lại cho mấy anh em trong gia đình. Ngựa rất dễ nuôi, cho ăn cỏ và chăm sóc cũng giống như trâu, bò, chỉ có con nào lấy giống thì nhốt ở nhà không cho đi kéo xe.

Mỗi năm, ngựa chỉ đẻ được một con, nuôi đến lớn bán được từ 10 - 12 triệu đồng, nếu ngựa bạch giá có thể cao hơn do thương lái mua về nấu cao. Thường thì các gia đình Khmer như chúng tôi rất ít, thậm chí là không ăn thịt ngựa vì yếu tố tâm linh. Trước đây, xe ngựa nhiều đến nỗi phải gắn biển số cho xe mình để khỏi nhầm, ngày nay chỉ còn vài chục hộ nuôi thôi và xe ngựa là nguồn thu nhập chính. Mỗi ngày chở hàng thuê cũng kiếm được từ 100 - 200 ngàn đồng tùy đoạn đường xa gần và hàng hóa nhiều hay ít".

Hàng ngày, từ 4 -5 giờ sáng có khoảng hơn 20 chiếc xe ngựa tập trung về bến tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên để bắt đầu công việc chở hàng thuê cho đến chập tối mới trở về nhà. Các tài xế chủ yếu là nam giới đồng bào Khmer, họ xem đây là công việc mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình nên bất kể trời mưa hay nắng, họ vẫn đều đặn ra bến. Vào những ngày lễ, Tết, hội hè, nhất là mùa lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ tháng 2 cho đến hết tháng 4 âm lịch thì loại hình xe ngựa mới phục vụ khách du lịch tất bật hơn. Còn đám cưới thì thỉnh thoảng mới có người thuê xe ngựa rước dâu, mỗi chuyến khoảng 500 ngàn đồng.

Với tâm lý tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa có số lượng ít hoặc cồng kềnh mà xe tải và xe bò không chở được thì xe ngựa luôn được người thuê ưu tiên lựa chọn. Bởi, vừa vận chuyển nhanh, cơ động, giá cả lại hợp lý nên loại hình xe ngựa mới tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ an toàn giao thông thì xe ngựa lại là phương tiện cản trở lưu thông và được đánh giá có nguy cơ gây tai nạn khi tham gia giao thông.

Theo đồng chí Phạm Văn Giang, Trưởng Công an xã Vĩnh Trung cho biết: "Xe ngựa là loại xe thô sơ, không có tín hiệu đèn hay bất kỳ cảnh báo nào để người tham gia giao thông vào ban đêm có thể quan sát và né tránh kịp thời nên rất nguy hiểm. Mặc dù, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, cảnh báo các gia đình có xe ngựa không nên lưu thông vào lúc trời tối, nhưng thỉnh thoảng cũng xảy ra các vụ va quệt. Trong đó, có một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào năm 2011 tại ấp Vĩnh Tây khiến nhiều người chứng kiến hết sức bàng hoàng, xót xa. Do trời tối lại không có đèn đường nên tài xế xe ôtô bảy chỗ đã tông vào xe ngựa làm người lái xe ngựa chết ngay tại chỗ. Có thể nói, khi mật độ giao thông ngày càng gia tăng, đường sá chưa được mở rộng theo nhu cầu phát triển thì loại hình xe ngựa cũng ít nhiều gây cản trở lưu thông. Thời gian qua, địa phương cũng có chính sách hỗ trợ vốn cho một số hộ dân có xe ngựa trên địa bàn chuyển đổi nghề để có cuộc sống ổn định hơn".

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy những ưu điểm nhằm duy trì, phát triển mô hình xe ngựa vùng Bảy Núi đã tồn tại như một nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng của vùng Bảy Núi, thiết nghĩ các ngành chức năng cần nghiên cứu, khai thác, đầu tư loại hình kinh doanh du lịch xe ngựa một cách tập trung, chuyên nghiệp hơn để vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa tạo thêm thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc Khmer góp phần quảng bá danh lam thắng cảnh và con người của vùng Bảy Núi - An Giang đến bạn bè gần xa

Quỳnh Mai
.
.
.