Độc quyền viễn thông chung cư: Nói mãi vẫn thế!

Thứ Năm, 23/08/2018, 11:02
Báo chí, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng độc quyền viễn thông, song tình trạng này vẫn còn tồn tại khá nhiều ở các khu chung cư, đặc biệt là khu tái định cư, hay chung cư cho người thu nhập thấp.


Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành nghị định quy định hệ thống cáp viễn thông tại 1 tòa nhà phải được thiết kế có đủ dung lượng để ít nhất 2 doanh nghiệp viễn thông có thể tham gia cung cấp dịch vụ, hoặc cung cấp thêm dịch vụ theo nhu cầu của người sử dụng, báo chí, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng độc quyền viễn thông, song tình trạng này vẫn còn tồn tại khá nhiều ở các khu chung cư, đặc biệt là khu tái định cư, hay chung cư cho người thu nhập thấp.

Dù đã chuyển đến toà nhà N07, khu đô thị 5,3ha, Dịch Vọng, Cầu Giấy hơn 2 tháng, nhưng anh N.T.H. vẫn bức xúc vì không thể lắp được mạng Internet khác ngoài mạng SPT đã có sẵn ở toà nhà. 

"Tôi đang dùng quen Viettel tốc độ nhanh ở nhà cũ. Định chuyển về đây sẽ tiếp tục dùng Viettel theo hợp đồng sẵn có, chỉ việc thay đổi lại địa chỉ lắp đặt, tiện đường sử dụng cho nhà tôi, nhưng khi liên lạc với bên Viettel thì họ nói họ không được quyền cung cấp dịch vụ ở toà nhà này. 

Hỏi ra mới biết toà nhà này chỉ lắp đặt sẵn hệ thống mạng của SPT, nên tôi không thể lắp mạng Internet khác ngoài SPT. Vì bán hàng online, phải thường xuyên up hàng, trả lời khách, chốt đơn, nên nhà tôi không thể không có mạng trong một ngày. 

Vì thế tôi đành ngậm ngùi lắp gói cước của SPT cao hơn cả Viettel, trong khi tốc độ mạng lại khá chậm. Có những lúc mạng quay tròn chẳng vào được, bức xúc lắm mà không có cách nào được. Không dùng mạng này thì biết dùng mạng nào khi mà vợ chồng tôi bán hàng online, lúc nào cũng túc trực trên mạng 24/24h", anh H. chia sẻ.

Bộ phát wifi dù lắp ở vị trí cao nhưng nhiều khi mạng vẫn chậm.

Anh T.D.T cũng bức xúc không kém. Gia đình anh đang dùng mạng VNPT với chi phí 175 nghìn đồng/tháng, đến khi chuyển đến nhà toà N07 này, gia đình anh bắt buộc phải đổi sang dùng mạng SPT với giá 280 nghìn đồng/tháng. 

"Điều đáng nói là cước phí hàng tháng khá đắt, trong khi mạng dùng rất chậm, mặc dù nhà tôi đã lắp gói cước tốc độ 30 Mbps, chỉ dùng điện thoại và 1 chiếc máy tính. Trước đây, nhà tôi dùng VNPT gói cước tốc độ 16 Mbps, chia sẻ cho nhà hàng xóm dùng chung mà mạng vẫn chạy ầm ầm. 

Còn tại đây, có hôm ngồi ngay cạnh cục phát wifi mà vào mạng vẫn quay vòng vòng. Ngồi trong phòng ngủ thì khỏi vào mạng luôn. Muốn dùng mạng khác mà không được vì nghe nói SPT đã độc quyền tại toà nhà này rồi", anh T bức xúc cho biết.

Nhà chị N.T.H ở toà nhà Sông Đà - Mỹ Đình thì chỉ được dùng mạng VNPT cách đây gần chục năm, kể từ khi chị chuyển về khu chung cư này sinh sống. 

"Sau gần chục năm tôi chuyển về đây, cư dân khu này vẫn phải dùng một mạng Internet, muốn đổi mạng khác mà không được vì toà nhà đã lắp cố định đường dây mạng của VNPT. Dù thích dùng FPT hơn nhưng nhà tôi không có quyền được lựa chọn. 

Nhiều cư dân khác cũng vậy. Nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình về dịch vụ, gói dịch vụ là khác nhau, nhưng lại phải dùng như nhau. Nhà cung cấp dịch vụ độc quyền đưa ra gói giá cả như thế nào, chất lượng ra làm sao thì người dân phải dùng như thế, thái độ phục vụ không tốt người dân cũng không làm gì được", chị H tỏ thái độ không hài lòng.

Tình trạng cung cấp độc quyền mạng viễn thông tại nhiều chung cư ở Hà Nội vốn đã trở thành nỗi bức xúc của  cộng đồng cư dân trong nhiều năm qua. 

"Không muốn cũng phải dùng" là thực trạng người dân chỉ được sử dụng một mạng viễn thông tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội. Bởi điểm chung tại các tòa nhà cao tầng này là sự độc quyền của nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là truyền hình, internet. 

Nếu như ở nhà mặt đất, người dân có thể dễ dàng lựa chọn rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau cùng chế độ hậu mãi, phí dịch vụ hợp lý, thì tại các chung cư, điều gần như tất yếu ấy lại không hề có. 

Thực tế cho thấy, đây là cái "bắt tay" ngầm giữa chủ đầu tư tòa nhà (không chỉ nhà thương mại, mà cả nhà tái định cư, nhà ở xã hội) với một doanh nghiệp viễn thông ngay từ khâu thiết kế, lắp đặt hạ tầng viễn thông. Sau đó, cam kết ưu tiên riêng đơn vị khai thác dịch vụ. Sự thỏa hiệp này dẫn đến sự độc quyền, mà người chịu thiệt là cư dân tại các tòa nhà.

Nhiều toà nhà vẫn độc quyền mạng viễn thông.

Để tránh tình trạng độc quyền viễn thông tại các khu chung cư, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo cụ thể nhằm xử lý vấn đề này. Nhiều toà nhà chung cư đã có thêm sự lựa chọn trong sử dụng mạng viễn thông nhưng cũng chỉ được chọn một trong hai mạng Internet. 

Chị Đ.T.G sống tại khu nhà ở xã hội Sài Đồng, Long Biên cho biết, trước đây, cư dân khu nhà chị cũng chỉ được dùng mạng SPT nhưng sau một thời gian đấu tranh, hiện toà nhà chị đã có thêm mạng Viettel để sử dụng. 

Ngay sau khi mạng Viettel được lắp đặt, đồng loạt các cư dân đều chuyển sang dùng mạng này vì tốc độ mạng SPT khá chậm, trong khi Viettel dùng tốc độ nhanh, giá cả phù hợp với nhiều gia đình. 

Tương tự nhà chị N.A.P ở khu Linh Đàm trước đây  cũng phải chịu cảnh "ăn mãi một món ăn" khi VNPT độc quyền tại khu nhà chị một thời gian. Nhưng về sau, khi UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo về tình trạng này thì nhiều mạng viễn thông được quyền vào toà nhà chị cung cấp dịch vụ. Người dân thoải mái được lựa chọn dịch vụ theo nhu cầu sử dụng của gia đình mình. 

Chị ở N.T.L khu chung cư Victoria, Nam An Khánh cũng cho biết khi chị chuyển đến khu chung cư này toà nhà cũng chỉ có mạng SPT độc quyền tại đây. "Nếu không lắp SPT, mọi người không có Internet để dùng, trong khi hiện nay, nhà nhà, người người đều có smarphone, tivi smart kết nối mạng. 

Không dùng Internet một ngày là bức bối, khó chịu, lại còn nhiều việc phải làm liên quan đến mạng nữa nên bắt buộc phải lắp SPT. Nhưng khi có mạng Viettel nhà tôi cũng chuyển luôn sang mạng này vì cước phí, dịch vụ ổn mà tốc độ lại cao", chị L chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều khu chung cư cư dân được toàn quyền lựa chọn nhà mạng thì thực tế vẫn tồn tại những chung cư đã và đang bàn giao, cư dân vẫn đang phải chịu cảnh "bị ép" dùng nhà mạng.

Người dân hi vọng Nghị định 25 sửa đổi đi vào hiện thực sẽ xoá bỏ hoàn toàn tình trạng độc quyền viễn thông tại các chung cư.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ TT&TT, nhiều vấn đề thực tế đã được các doanh nghiệp đưa ra mổ xẻ, trong đó có câu chuyện độc quyền kinh doanh dịch vụ Internet. Chính bản thân ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cũng vô cùng bức xúc vì tình trạng này. 

Chia sẻ trong hội nghị, ông Ngọc cho biết, bản thân ông cũng là nạn nhân của vấn nạn độc quyền kinh doanh dịch vụ Internet nhiều năm nay: "Cá nhân tôi ở khu The Manor nhiều năm, phí Internet đã giảm xuống chỉ còn 1/3, 1/4 so với trước đây, thế nhưng tôi lại không được hưởng mà vẫn phải theo bảng giá từ hợp đồng đã ký 7, 8 năm trước", ông Ngọc cho biết. 

Bản thân ông cũng đã có đề xuất với đơn vị cung cấp xin được đổi hợp đồng nhưng không được chấp nhận. Do tình trạng độc quyền kinh doanh dịch vụ Internet, ông Ngọc không thể huỷ hợp đồng bởi không có một nhà cung cấp nào khác để thay thế. Bởi trên thực tế, khi người dân có ý kiến phản ánh với Ban quản lý chung cư thì đều nhận được câu trả lời tương tự, rằng mỗi toà nhà đều được xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật cho một mạng cố định từ trước. 

Nếu lắp thêm một mạng viễn thông mới sẽ liên quan đến vấn đề hạ tầng, tốn kém, mất nhiều chi phí thời gian khi phải đi lại toàn bộ đường dây cáp. Cũng theo ông Ngọc, cần đưa tiêu chuẩn trong các mạng nội bộ vào các toà nhà chung cư, để người dân có quyền lựa chọn dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau.

Nói về tình trạng này, ông Nguyễn Đức Chung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: "Trong thời gian qua đã xảy ra việc cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ Internet. Điều này dẫn đến tình trạng độc quyền ở một số khu vực, ví dụ như trong các toà nhà chung cư, các khu công nghiệp. 

Để giải quyết vấn đề này, Cục Viễn thông đang trong quá trình sửa đổi Nghị định 25 vốn quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Nghị định sửa đổi được trình lên Bộ TT&TT phê duyệt vào cuối năm 2018 sẽ có quy chế để những khu vực mang tính độc quyền mở ra, từ đó xoá bỏ tình trạng độc quyền kinh doanh Internet".

Người dân vẫn đang hi vọng Nghị định 25 sửa đổi sẽ nhanh chóng đi vào hiện thực để thoát hẳn khỏi cảnh độc quyền viễn thông tại các khu chung cư. Điều mà bấy lâu nay họ vẫn bức xúc nhưng không thể làm gì được.
Mai Ngọc
.
.
.