Sự nở rộ tiểu thuyết đam mỹ trong giới trẻ hiện nay:

Độc văn nếu sa đà!

Chủ Nhật, 28/09/2014, 09:00

Thay vì tiểu thuyết ngôn tình, mấy năm trở lại đây, giới trẻ lại rộ lên việc tìm kiếm tiểu thuyết đam mỹ để đọc. Đam mỹ được săn đón tại các nhà sách và được chuyền tay nhau với mức độ chóng mặt trên mạng. Nhiều hội nhóm có cùng đam mê và chí hướng ra đời, lôi kéo hàng nghìn thành viên tham gia. Từ một nhánh của ngôn tình, bây giờ đam mỹ đứng riêng thành một dòng độc lập, thậm chí còn áp đảo với nhiều đề tài, nhiều khuôn dáng khác nhau. Đam mỹ, hiểu một cách đơn giản là tiểu thuyết viết về tình yêu đồng tính nam.

"Hot" vì tò mò, thích nổi loạn

Đi dạo một vòng Đinh Lễ - thiên đường sách của Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cuốn sách thuộc thể loại đam mỹ như "Này những phong hoa tuyết nguyệt", "Tư phàm", "Khi cà chớn gặp cà chua", "Khi tiểu tử yêu tiểu tử", "Hồ duyên"... Chúng được đặt bán ở vị trí bắt mắt, dễ thấy; đi kèm với đó là lời giới thiệu khá mùi mẫn ở phía sau bìa, nhằm kích thích tò mò của bạn đọc. Những cuốn sách này đã qua khâu biên tập, được cấp phép và bày bán công khai tại các nhà sách hoặc nhà sách trên mạng.

Phải kể ra đây những cái tên như Chibooks, Owlbooks, IPM, Bách Việt...., là những nhà sách đang khai thác mạnh mẽ những bản thảo đam mỹ và giới thiệu đến thị trường sách Việt Nam. Thậm chí, đam mỹ được xác định là một trong 4 dòng chính trong chiến lược kinh doanh của mình và Chibooks là một ví dụ điển hình. Nói vậy cũng rộng đường để chúng ta hiểu đam mỹ, đang có một sức hút như thế nào.

Sách đam mỹ được bày bán ở vị trí bắt mắt.

Ngoài những ấn phẩm đã thành hình (tức qua khâu biên tập tại các công ty sách, nhà xuất bản), hiện nay, giới trẻ đang chuyền tay nhau đọc những bản thảo đam mỹ trôi nổi hay còn gọi là bản thảo thô (tức những cảnh sống sượng hoặc không phù hợp, chưa được biên tập). Các em tự dịch và đưa lên mạng, chia sẻ với những bạn cùng đam mê. Nhiều hội nhóm được thành lập, số lượng thành viên quan tâm lên tới chục nghìn người như "Hội đam mê tiểu thuyết đam mỹ  - Nơi tập hợp thụ khống đảng", "Giới thiệu đam mỹ", "Đam mỹ và Yaoi - nơi không dành cho những trái tim "chong sáng"...

Đam mỹ là gì? Ngô Thiên Trang (17 tuổi, Hà Nội), một fan của tiểu thuyết đam mỹ cho biết, đam mỹ thực chất là tiểu thuyết nói về tình yêu của những cặp đồng tính nam. Khi được hỏi vì sao đam mỹ lại đang ngày càng "hot" như thế, Trang nói thẳng: "Chuyện tình của các anh ấy có nhiều khía cạnh mới hơn ngôn tình một chút. Tình yêu có nhiều trắc trở hơn, cứ phải giằng xé, để ý đến cái nhìn của gia đình, của xã hội... Rồi thì mối quan hệ giữa 2 nhân vật chính cũng đa dạng hơn, cũng là một điểm đặc biệt của dạng tiểu thuyết này. Ví dụ như anh em, công có thể ít tuổi hơn thụ, có khi thụ là một ông chú nhiều tuổi nữa cơ, đôi khi đam mỹ còn có thể loại nhân thú, cả thế giới toàn nam nhân hoặc nhiều truyện là fanfic, họ ghép đôi thần tượng của họ với nhau. Có một cộng đồng các bạn điên cuồng về loại truyện này, thậm chí là video clip, tranh ảnh kiểu nam x nam gọi là "hủ nữ".

Nhìn chung, với bọn em, tình yêu theo kiểu truyền thống (giữa nam - nữ) đã lạc hậu, cũ kỹ nên muốn tìm đến một món lạ hơn là đam mỹ. Và ở đây, chắc là do tò mò nữa. Kiểu nổi loạn ấy, thích những cái gì mà xã hội chưa công nhận".

Độc văn nếu sa đà

Trước vẻ ngạc nhiên của tôi, Trang cho biết rằng để đọc đam mỹ thì phải tìm hiểu đam mỹ và cả những thuật ngữ riêng mà chỉ có dạng truyện này mới có. Thì ra, "công" là nhân vật đóng vai nam, "thụ" là nhân vât đóng vai nữ (cả hai đều là nam). 

Có nhiều dạng công - thụ và cũng có nhiều thể loại đam mỹ như 1 x 1 (một công một thụ), cổ trang, giang hồ, luyến đồng (yêu trẻ vị thành niên), huyết thống văn (nhân vật chính trong truyện có quan hệ huyết thống)... Ngoài ra, còn có nhiều tiếng lóng, từ viết tắt như H (có quan hệ xác thịt), MB (trai bao), SM (có cảnh hành hạ, sử dụng sex toy)... mà chỉ có fan của đam mỹ mới hiểu nổi.

Ngoài tình yêu đồng tính đơn thuần, trong sáng, ẩn sau đam mỹ thực chất có những thứ tình yêu khác có phần bệnh hoạn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của văn hóa - xã hội Việt Nam và có những cảnh 18+ không dành cho độ tuổi học sinh cấp 2, cấp 3. Đó là chưa kể, "hậu đam mỹ" là GV video (cảnh quan hệ nam x nam) mà các bạn trẻ đang truyền tai nhau. Đọc sách, tưởng tượng chưa đủ. Phải tận mắt xem thì giá trị của đam mỹ mới được phát huy tột độ.

"Em đã cảm thấy buồn nôn khi đọc đến cảnh hai người con trai quan hệ với nhau", facebooker Bống Mập (16 tuổi) chia sẻ. Ngay cả bạn Trang ở trên, vốn là một fan của đam mỹ, cũng chia sẻ rằng đam mỹ tồn tại nhiều bất cập. Bên cạnh những cuốn truyện nói về tình cảm nhẹ nhàng, trong sáng thì cũng có rất nhiều truyện H nặng, có cả SM nữa. Nếu mà bị cuốn vào quá thì cũng có ảnh hưởng lớn. "Ảnh hưởng như thế nào", Trang cho rằng: "Có thể làm cho các bạn trẻ ngộ nhận về giới tính thực của mình. Thậm chí có bạn còn đặt ra vấn đề, có phải đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đồng tính "nở rộ" trong giới trẻ như hiện nay không?!”.

"Tảo mộ", một trong những tiểu thuyết đam mỹ nổi tiếng.

Tình yêu đồng tính cũng như những tình yêu khác, là những thứ tình cảm cần được trân trọng và nâng niu. Nhưng dường như, nó đang bị biến tướng và len lỏi vào nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực văn hóa phẩm (mà đối tượng là các em học sinh, lứa tuổi chưa chuẩn bị cũng như chưa trang bị bất cứ điều gì để kháng độc). Nó có thể trở thành con dao phay hai lưỡi nếu các em không tỉnh táo.

Có hay không việc các công ty sách đang có một cuộc chạy đua ngầm vì lợi nhuận khi liên tục cho ra các đầu sách đam mỹ? Trách nhiệm của đơn vị cấp giấy phép xuất bản như thế nào? Rồi những bản dịch đam mỹ trôi nổi trên mạng, các bậc phụ huynh phải làm gì để có thể quan tâm và định hướng kịp thời đối với con mình. Đó là một câu hỏi lớn!

Về sách với chủ đề đồng tính đã được xuất bản, chúng tôi có cuộc nói chuyện với bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng Phòng Quản lý xuất bản, Cục Xuất bản - In & Phát hành:

- Thưa bà, thay vì tiểu thuyết ngôn tình, những năm gần đây giới trẻ lại rộ lên đọc sách về đề tài đồng tính nam. Việc xuất bản những cuốn sách có đề tài này, phải chăng đã "mở" hơn?

- Trong xã hội Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, vấn đề tình yêu đồng tính không còn xa lạ. Người đồng tính cũng giống như bao người bình thường khác, họ đều mong muốn có được hạnh phúc và đều có khả năng học tập, làm việc để đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Vì vậy, việc xuất bản những cuốn sách về tình yêu đồng tính nói chung và đồng tính nam nói riêng cũng nên được chấp nhận như những cuốn sách khác về tình yêu.

- Bà đánh giá chất lượng của loại sách này như thế nào?

- Những tác phẩm này thường của giới trẻ, đề cập chủ yếu đến cuộc sống của thanh niên sinh sống ở thành thị, với những mối tình tay ba, tay tư, tình yêu đồng giới... Nội dung sách sáo mòn, không có giá trị văn chương. Tuy giá trị văn học của loại sách này không cao nhưng không có nghĩa là vi phạm luật, ít nhiều nó cũng tạo ra thói quen đọc sách trong giới trẻ. Đây cũng là cách để xã hội hiểu thêm về những người đồng tính và không còn nhìn họ với ánh mắt kỳ thị.

- Nếu chỉ dừng ở tình yêu đồng giới thuần túy, trong sáng thì không nói làm gì, trong các loại sách viết về đề tài này còn có cả những mối quan hệ đi ngược lại thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam, và có không ít cảnh 18+ (Mà đối tượng độc giả chủ yếu là các em cấp 2, cấp 3). Việc để "lọt" những ấn phẩm dạng này, trách nhiệm được quy về đơn vị nào? Công ty sách hay Nhà xuất bản?

- Tại Điều 18 Luật Xuất bản đã quy định rõ về Nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản. Theo đó, giám đốc nhà xuất bản phải "chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan chủ quản về xuất bản phẩm và mọi hoạt động của nhà xuất bản" và tổng biên tập phải "chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản và trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm của nhà xuất bản". Với trách nhiệm như vậy, được biết một số nhà xuất bản đã từ chối xuất bản những bản thảo có nội dung không phù hợp, trong đó có những bản thảo đề cập đến tình yêu đồng giới phản cảm, thô tục.

- Còn về phía Cục Xuất bản, In & Phát hành?

- Dù chấp nhận đề tài tình yêu đồng tính trong các cuốn sách nhưng không đồng nghĩa chúng tôi sẽ buông lỏng quản lý và dễ dãi trong việc cho xuất bản những cuốn sách mang đề tài này. Các nhà xuất bản đăng ký xuất bản và xuất bản là quyền của nhà xuất bản. Tuy nhiên, trong quá trình xác nhận đăng ký xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã để lại các đề tài mà phần tóm tắt nội dung có dấu hiệu vi phạm Luật Xuất bản. Hơn nữa, trong quá trình đọc kiểm tra lưu chiểu nếu phát hiện những tác phẩm có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam như miêu tả tình dục thô tục, phản cảm thì tùy theo từng mức độ vi phạm Cục sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Ví dụ cuốn sách "Cuộc sống đại học xui xẻo" (tác giả Phong Lộng - dịch giả Dương Kiểm, do Nhà Xuất bản Hồng Bàng xuất bản) đã bị thu hồi và tiêu hủy vì có nội dung miêu tả cảnh quan hệ đồng tính thô tục, phản cảm.

- Cảm ơn bà!

Nguồn gốc của đam mỹ xuất phát từ trào lưu văn học yaoi Nhật Bản (viết về đề tài đồng tính nam có những cảnh 18+). Sang Trung Quốc, yaoi hóa thân thành đam mỹ và biến tấu với nhiều dạng khác nhau. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, tiểu thuyết đam mỹ chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Đậu Dung
.
.
.