Đời bao nhiêu vẻ báo bấy nhiêu màu

Thứ Ba, 16/06/2020, 16:40
Điển hình cho nghịch lý nghề báo là cái chết bi thảm của nhà báo Mỹ Daniel Pearl, tháng giêng năm 2002, cái chết đến nay vẫn khiến dư luận bàng hoàng.


Nghịch lý tới mức rùng rợn

Là một nhà báo trung thực và tận tâm, đại diện cho tờ The Wall Street journal (Báo phố Wall) ở Đông Nam Á, Daniel Pearl bao giờ cũng tìm cách nắm vững "hồn cốt" của các luồng tư tưởng rồi mới đưa thông tin liên quan đến bạn đọc. Anh không tán thành cuộc chiến tranh chống khủng bố do nhà cầm quyền Mỹ tiến hành. Trung tâm của chủ nghĩa khủng bố là Afghanistan và Pakistan. 

Để khỏi áy náy là "nhà báo nói bừa" và tăng thêm tính thuyết phục cho các bài viết của bản thân, anh sang Pakistan và tìm cách liên hệ phỏng vấn bằng được một nhân vật khét tiếng của tổ chức khủng bố ở đây, nhằm hiểu rõ "tâm tư nguyện vọng" của những người "tử vì đạo" mới này. Anh đạt được một lời hẹn gặp của nhân vật ấy, Ahmed Omar Kheikh. 

Thực ra, anh rơi vào một cú lừa đáng ghê tởm. Người ta hẹn anh vào một buổi tối. Anh đến nơi hẹn gặp, người đón anh cho xe con chạy lòng vòng rất lâu ở ngoại vi một thành phố, rồi tới một khu đồng vắng lặng. Anh được đưa vào một căn phòng trống trơn, thay vì gặp người phỏng vấn, anh liền bị bắt làm con tin, buộc phải đọc lời lên án chính quyền Mỹ. 

Những hình ảnh anh bị trói và phải giơ "bản án kết tội nhà cầm quyền Hoa Kỳ" cũng như anh luôn bị một tên tội phạm chĩa súng trên đầu được nhóm khủng bố thả lên liên mạng toàn cầu. Qua interrnet, chúng yêu cầu chính phủ Mỹ thả hết các tù nhân Taliban ở nhà tù Guantanamo để đổi lại mạng sống cho Daniel Pearl. Chính phủ Mỹ không chấp nhận đòi hỏi đó mà ngỏ ý dùng tiền chuộc nhà báo của mình. 

Song việc thương lượng chưa bắt đầu, chúng đã hành quyết ngay Daniel Pearl, 38 tuổi, một cách còn man rợ hơn thời Trung cổ. Chúng cắt cổ anh rồi chặt thây anh làm nhiều mảnh. Cảnh "trả thù" được ghi hình để "tặng" cho nhà cầm quyền Hoa Kỳ và tung lên mạng cho "toàn dân" được biết. 

Không thèm trao đổi để hiểu được thiện ý vì công lý của nhà báo chỉ cầm bút khi đã nắm chắc sự thật, nhóm khủng bố Omar Kheikh bỏ lỡ cơ hội hợp tác với Daniel Pearl để bóc trần sự phi lý và vô vọng của cuộc chiến chống khủng bố do nhà cầm quyền Mỹ phát động, mà lại giết anh như một lời cảnh cáo nhà nước này và nhà nước Do Thái? (Daniel Pearl là người Do Thái và công dân Hoa Kỳ).

Nhà báo Daniel Pearl bị bắt và bị hành hình dã man ở Afghanistan.

Daniel Pearl vốn đường hoàng và lịch lãm. Các bài viết của anh do tính chân thực cao và bình luận sắc sảo, được khen ngợi và đánh giá hết tầm. Chúng thường được độc giả đón đợi. Vị trí đáng nể mà anh vươn tới không chỉ trong làng báo Mỹ có lẽ khiến anh chủ quan. Phải chăng anh chưa nghiên cứu đủ về chủ nghĩa khủng bố? 

Anh quên mất rằng trước và sau vụ 11 tháng 9 năm 2001 (Al Qaeda tấn công Tòa tháp đôi, một biểu tượng của Hoa Kỳ), đã xảy ra ở nhiều quốc gia, hàng loạt vụ tấn công liều chết, qua đó, những kẻ cuồng tín cực đoan không run tay trước bất kỳ tội ác nào. Những vụ giết người dã man hơn thời Trung cổ do họ gây nên, chẳng lẽ anh không hề hay biết? 

Quá tự tin và mất cảnh giác, anh để lại bao hệ lụy cho con thơ vợ dại, bao tiếc thương cho gia đình và đồng nghiệp, bao suy tư và ám ảnh cho bạn đọc và người dân toàn cầu. 

Hành động tàn bạo của những kẻ khủng bố cuồng tín ở Pakistan không đạt được bất cứ mục tiêu nào mà chúng kỳ vọng. Nó in đậm mãi mãi vào ký ức các thế hệ hôm nay và mai sau như một vết ô nhục nhức nhối xúc phạm danh hiệu con người và cảnh báo nhân loại về nguy cơ tha hóa của con người sau bao thế kỷ phấn đấu vươn lên khỏi thế giới loài vật. 

Nó một lần nữa cho thấy bạo lực không giải quyết được những vấn đề cốt lõi. Và thật đáng buồn, nó là một lời cảnh tỉnh thường trực cho bất cứ người nào muốn hiến thân cho nghề báo, một sứ mệnh thiêng liêng nhưng bí ẩn.

Trung thực và liêm khiết với chính mình

Nếu năm 2001 - 2002, Hãng truyền hình CNN sừng sỏ lao đao khi người xem giảm sút vì một số phóng viên thực địa đưa tin kém chuẩn xác, thì số phận của tập đoàn báo viết Le Monde (Thế giới) là bài học đắt giá cho nghiệp báo vậy. Le Monde được sáng lập năm 1944 bởi nhà báo Pháp kiệt xuất Hubert Beuve-Méry (1902 - 1989). Xuất thân nhà nghèo, Hubert Beuve-Méry do học giỏi và có tư cách mà được tài trợ học hành đến nơi đến chốn và thành đạt trên đường đời. 

Ông yêu thích báo chí và thời trẻ cộng tác với nhiều tòa soạn. Có điều, cộng tác ở đâu cũng một thời gian thôi. Ông tâm niệm như người dân thường rằng nhà báo chỉ nên nói lên chuyện có thực và với mục đích xây dựng. Báo chí thời ấy lại chỉ chăm chăm bịa chuyện kiếm tiền. Về sau, chính giới Pháp, tiêu biểu là tướng Charles de Gaulles, có nhu cầu được cập nhật chính xác những diễn biến của chính trường bên ngoài, để hoạch định đúng đắn các đối sách. 

Theo gợi ý của một số nhân vật và bạn hữu, Hubert Beuve - Méry sáng lập tờ Le Monde tập trung phản ánh mau lẹ nhất thời sự chính trị xã hội của nước Pháp và của thế giới bên ngoài, với chính kiến vững vàng rằng báo chí phải khách quan tuyệt đối và liêm chính tột cùng. Quan điểm sáng suốt ấy nhận được sự ủng hộ và hợp tác vô điều kiện của những nhà báo tâm huyết và nhận chân được bản chất báo chí. 

Trên cơ sở vững chắc ấy, Hubert Beuve-Méry chèo lái đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau của mình qua bao gian nan, khiến nó trở thành cơ quan ngôn luận chủ chốt của xã hội Pháp suốt từ bấy đến nay. Nó đóng vai trò vô song, có tính quyết định, và không thể thay thế trong việc nắm bắt, cảm nhận và xử lý những vấn đề nóng bỏng liên tiếp xảy ra trong một xã hội biến chuyển không ngừng. 

Với cái nhìn có văn hóa và lương thiện một cách trí tuệ đối với thế giới chúng ta, Le Monde chinh phục công chúng ngày càng rộng rãi, với lượng phát hành không ngừng tăng tiến, thậm chí hơn cả các báo lá cải, đến nỗi nó là nhà "tư vấn hàng ngày" đáng tin cậy nhất của hàng triệu người trên khắp quả đất. 

Bí quyết thành công của nó nằm ở chỗ: nói đúng sự thực và kiến giải sự thực ấy khoa học và kịp thời. Kiến giải nói đây là của riêng nhà báo, được dẫn dắt bởi niềm tin vào sự phát triển lành mạnh của xã hội, nghĩa là xã hội phải vận hành theo những nguyện vọng cơ bản chính đáng của nhân dân.

Hubert Beuve - Méry (1902 - 1989), người sáng lập Le Monde.

Tính khoa học vừa nêu quả thật vô cùng nhạy cảm và khó đạt được, nếu không nói là dễ dẫn tới hiểm họa. Dấu hiệu của hiểm họa đối với Le Monde đã xuất hiện từ đầu những năm 1990, khi Edwy Plénel dần dần nắm được một trong những chức vụ quan trọng nhất là trong ban biên tập. Vào làm cho Le Monde từ 1980, Plénel giờ đây lợi dụng uy tín của nó để thu lợi bất chính cho mình. 

Ông ta móc ngoặc với một số quan chức, với cảnh sát, để thôn tính hay lừa các báo đàn em, để khuynh đảo dư luận, ví dụ đổi trắng thay đen trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia, chẳng hạn cuộc bầu Tổng thống Pháp năm 1995. Ban lãnh đạo mới của Le Monde, nổi nhất ngoài xã hội là Edwy Plénel, không sao che đậy được dã tâm, khi thì ở sự thiên vị trong không ít bài điều tra, khi thì qua ý đồ làm hại, nhất là đối với các chính trị gia không chịu lót tay họ, khi thì từ sự hợm mình lố bịch… 

Những trò gian xảo đó gây bức xúc trong đa phần độc giả, và bị các đồng nghiệp lật tẩy trong cuốn "Bộ mặt được giấu kín của Le Monde", của hai nhà báo Pierre Péan và Philippe Cohen, ra mắt đầu năm 2003. 

Hai ông này điều tra độc lập với nhau, rồi tình cờ gặp mặt, và kết hợp công sức mỗi người thành bộ sách hơn 600 trang, mà ngày phát hành đầu tiên đã tiêu thụ được 60.000 bản, kỷ lục chấn động. 

Cuộc phản công của lãnh đạo Le Monde vào bộ best-seller cứ đuối dần. Bạn đọc đã chiến thắng. Ngày 1 tháng 9 năm 2005, Plénel đã phải vĩnh viễn rời khỏi Le Monde. Lãnh đạo mới của Le Monde từng bước lấy lại được hình ảnh mỹ lệ nhất của nó trong Báo chí toàn cầu. 

Tờ báo "không lá cải" này từng phát hành 1,8 triệu bản thời dân số Pháp mới là 40 triệu người, giờ vẫn giữ được mức 2,5 triệu bản, giảm không đáng kể, trong khi các báo in khác nhường bước khá nhiều cho báo mạng. 

Hầu như mỗi thời đòi hỏi một diện mạo báo chí riêng, ấy là bí ẩn mà không phải tài năng thậm chí thiên tài báo chí nào cũng giải mã được. Song báo giấy, báo nghiêm chỉnh vẫn là đòi hỏi cơ bản của xã hội về thông tin hàng ngày.

Nghịch tử vạn người mê 

Hẳn tò mò thóc mách là cố tật của con người? Một trong những tiêu chí của người ứng xử có văn hóa là không soi mói vào đời tư người khác. Thế nhưng, suốt một thế kỷ nay, chuyện "ngồi lê mách lẻo" đã góp phần tạo nên sự phát triển vũ bão của báo chí hành tinh. 

Hai người khởi xướng mảng báo "lá cải" ấy là Louelle Parson (1881-1966) và Hedda Hopper (1885 - 1966), hai "nữ hoàng" ở Hollywood. Cần lưu ý rằng ông trùm báo chí Mỹ bấy giờ William Randolph (1863- 1951) đã rất thức thời, ngửi thấy ngay "hơi vàng" từ cái mỏ vô tận mà hai người đàn bà bất đắc chí tìm ra. 

Bài báo đầu tiên của Louella Parson được đăng, William Randolph thuê ngay bà làm phóng viên với mức lương quá sức tưởng tượng thời ấy: 200 USD/tuần. Đề tài chủ yếu của hai nữ nhà báo là những eo xèo trong đời tư các diễn viên Hollywood. 

Suốt bốn năm ròng, hai bà điều hành một đế chế "chuyện rỉ tai xì xầm" của không dưới 3,5 triệu độc giả đọc hai bà hàng ngày. Thời ấy, không ít diễn viên cần đến hai bà để thành danh và thành ngôi sao. Đế chế kỳ lạ đó bành trướng không ngừng sang các nền báo chí khác, từ văn hóa sang chính trị. Sau buổi đầu đưa tin chính xác và nghiêm chỉnh, loại báo đó chuyển sang đồn thổi, cốt "châm" tính tò mò của phần đông người đọc. 

Thời thế thay đổi, vài thập niên trở lại đây, nhiều ngôi sao không chấp nhận sự xâm phạm đời riêng. Không ít vụ kiện, các nghệ sỹ đã thắng báo lá cải. Chẳng hạn diễn viên Tom Cruise (Hoa Kỳ) và ca sỹ Robbie William (Anh), bị bịa là đồng tính luyến ái, đã nhờ luật pháp can thiệp, thắng những kẻ kiếm lợi bằng bất kỳ giá nào. Một bác "phó nháy" chụp trộm ảnh mát của nữ diễn viên Mỹ Camelion Diaz còn phải ngồi tù, khi cô khởi kiện.

Hai “nữ hoàng” báo “lá cải” Louelle Parson (1881-1966) và Hedda Hopper (1885 - 1966).

Tuy nhiên, cần ghi nhận sự "tàn phá ngấm ngầm" kinh khủng của loại báo đang được đề cập. Vợ chồng Heather và Paul Mc Cartney (một trong tứ quái The Beatles còn sống) đã phải ly dị, một phần vì không chịu nổi sự nhòm ngó quá "nhiệt tình" của báo chí Vương quốc Anh vào mọi sinh hoạt của hai người. 

Những vụ tương tự thực ra chỉ là phần nổi chưa thấm vào đâu so với phần chìm không đo đếm nổi của tảng băng trôi "Lá cải". Có lẽ vụ nghe trộm điện thoại cá nhân đang chấn động dư luận toàn cầu là tiêu biểu. Việc nghe trộm diễn ra từ bao giờ, hiện chưa xác định được. 

Riêng ở Anh, từ đầu thế kỷ XXI, ít nhất 800 người, gồm chính khách, doanh nhân, văn nghệ sỹ, và cả dân thường, đã bị nghe trộm. Năm 2007, một nhà báo và một thám tử tư đã phải vào tù vì tội này. Song quy mô ghê gớm của nó chỉ phát lộ từ tháng bảy năm 2011. Tờ Tin thế giới của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch bị phát hiện dính vào vụ "ăn bẩn". 

Nhiều lãnh đạo và nhân viên của tờ báo, nhiều người liên quan thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật đua nhau từ chức. Tờ báo bị Rupert Murdoch đóng cửa ngay, sau 168 năm tồn tại. Cuộc điều tra được mở rộng. Nghịch lý là ở chỗ: một vài nhà quản lý hay phóng viên đã bị bắt, song ông trùm, nhân vật hùng mạnh thứ 14 thế giới năm 2012, vẫn chưa hề hấn gì. 

Ông luôn khẳng định ông và các phụ tá cao cấp không hay biết vụ khuất tất của cấp dưới. Ông đã xin lỗi gia đình một cô gái bị giết vì thông tin của cô bị người của ông "chôm chỉa", nhưng không tạ lỗi hàng triệu độc giả và khán giả của hệ thống truyền thông phủ khắp hành tinh của mình. 

Cuối tháng 4-2012, ông bóng gió rằng hai nhân vật trong ban điều hành Tin thế giới là chủ mưu. Một trong hai người ấy đã công khai bác bỏ lời ông và tố cáo cha con ông. Gậy ông đập lưng ông, một tờ lá cải của Murdoch đã đưa tin vịt: ông đã chết tức tưởi. 

Ngày 1 tháng 5 năm 2012, ủy ban văn hóa, truyền thông và thể thao của Quốc hội Anh ra thông báo Rupert Murdoch không có khả năng lãnh đạo một đế chế truyền thông đa quốc gia như vậy! Vụ án còn nhùng nhằng và những chuyện dở khóc dở cười cứ thế tiếp tục. 

Bất chấp những lãng phí và tổn thương khổng lồ do nó gây ra, báo lá cải vẫn "sống khỏe", vì nó ve vuốt bản năng con người, an ủi sự lười biếng và bao biện cho cái xấu trong họ. Thế là, đứa con nghịch tử khi vào thế giới internet mênh mông, đã "kết hôn" với đĩ điếm đủ kiểu, sinh ra tin giả đủ loài, ô nhiễm ngày càng trầm trọng đời sống chính trị, văn hóa và tinh thần của xã hội. Những quái thai đó tồn tại bao lâu? - Chúng sẽ lụi tàn dần theo sự "tăng trưởng" của dân trí, của chất nhân văn, của tính hợp lẽ của quyền lực…  

Giết người còn hơn bom đạn

Nếu ở Liên Xô thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mỗi bài báo của nhà văn Ilya Ẻrenburg được coi là có "sức mạnh của một sư đoàn", thì sự công phá của "Đế chế báo chí Julius Streicher" ở Đức những năm 1920, 1930 và đầu những năm 1940 tối thiểu cũng không thua kém. Đế chế này thực chất là nhiều đầu báo, trong đó nhật báo Người tấn công (Tiếng Đức Der Stumer) là chủ lực. 

Được Julius Streicher (1885-1946) sáng lập năm 1923 và "tồn tại oai hùng" cho tới 1945, Người tấn công thuộc số những tờ báo có định hướng rõ ràng và kiên định nhất, đồng thời tự tin nhất, trong làng báo toàn cầu. 

Xét về mặt cố tình thu hút thật đông người đọc, nó đáng xếp hàng đầu trong vũ trụ báo lá cải. Về hình thức, tên bài thường in chữ to và đậm. Hình vẽ hay ảnh minh họa bao giờ cũng phong phú và bắt mắt. Lượng phát hành "leo thang không mệt mỏi", từ 10.000 bản ban đầu, lên 20.000 năm 1927, rồi 600.000 năm 1935 và từ 1940, 800.000. 

Ông chủ Tập đoàn báo chí kỳ lạ và đi "trước thời đại" quyết chí đưa Người tấn công đến với mọi công dân, kể cả những người do một nguyên cớ nào đó, không mua được báo. Đấy ví như công nhân làm ca, khách vãng lai, hay người nghèo. 

Ông ta cho dựng lên rải rác trong cả nước những "tờ báo hộp", tức những tấm lưới kính phủ bên ngoài một bản báo mở rộng, ai cũng có thể dừng chân tha hồ đọc. Vài người đọc cùng, thích chỉ trao đổi với nhau về nội dung tin bài nào đó. Người tấn công có nhiều ấn phẩm phụ. Đáng kể nhất là các chuyên san hay đặc san dành cho thiếu nhi, bắt đầu ra mắt công chúng từ năm 1936. 

Lại nữa, ông trùm Julius Streicher thường xuyên đi khắp nơi, nói chuyện hay thuyết trình về những vấn đề thời sự nóng hổi, trong đó khởi thủy của tất cả là tôn chỉ của Người tấn công. Tôn chỉ không suy suyển ấy là lên án và kêu gọi tiêu diệt người Do Thái, được xem là cội nguồn của hết thảy đau khổ và thảm họa của loài người.

“Đồ tể” truyền thông Julius Streicher (1895 - 1946) trong tù.

Julius Streicher căm thù người Do Thái đến nỗi y bị quy là kẻ tử thù số một của họ. Y vào đời như một thầy giáo trường làng. Y từng ra trận trong Đại chiến I và đã được tặng Cây thập tự sắt. Song thời thế đang biến chuyển thôi thúc y dấn thân, sau khi xuất ngũ. Y thành lập ở thành phố Nuremberg một đảng chính trị của riêng mình. 

Năm 1921, y gặp gỡ trùm phát xít Hitler. Hiện nay, giới nghiên cứu lịch sử chưa rõ trong hai tên ấy, tên nào tác động tới tên kia, và tên nào khai sinh ra tư tưởng Đức quốc xã, trong đó dân tộc Đức được coi là siêu đẳng, nhất định phải lãnh đạo thế giới. 

Bước khởi đầu của nhà lãnh đạo đó là thanh lọc loài người. Hiển nhiên, bằng cách loại bỏ dân do thái, rồi người cộng sản và những tầng lớp hay cộng đồng bị cho là bẩn thỉu. 

Năm 1922, Hitler viết cuốn "Cuộc chiến đấu của tôi", (kinh thánh của Đức quốc xã,  một trong mười cuốn sách nguy hại nhất trong lịch sử nhân loại). Năm 1923, Julius Streicher ra báo Người tấn công như đã biết. Tên này cho đảng của y sáp nhập đảng quốc xã của Hitler, rồi gia nhập đội ngũ của kẻ khát khao trở thành chúa tể toàn cầu. 

Y được trọng dụng, được giao nhiều trọng trách, như Bộ trưởng Giáo dục. Có điều, y có khúc mắc với Hermann Goring, một tay chân gần gũi nhất của Hitler, và khi Đại chiến II bùng nổ, bị cắt hết mọi chức vụ. Y xin ra chiến trường như một người lính, nhưng vẫn không được chấp thuận. Y về vườn, khai thác đất đai vốn có. 

Dù vậy, như đã hay, y vẫn tuyên truyền cho Đức quốc xã một cách đắc lực. Khi quân đồng minh tiến vào Nuremberg, một sỹ quan Mỹ người Do Thái nhận ra y và đã ra lệnh bắt. Tại phiên tòa sau đó, y bị kết tội kích động hận thù, chống dân Do Thái, chống nhân loại, và bị treo cổ cùng 11 tên phát xít nữa.

Hoàng Tự Động
.
.
.