"Đời cá" trên hồ Trị An

Thứ Hai, 10/07/2017, 07:29
Chiếc thuyền nhỏ bé neo mình dưới chân cầu chiến khu D (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là "nhà' của những "đời cá" quanh năm lăn lộn mưu sinh. Đời con tiếp nối đời cha, có lẽ chưa ở đâu, những đứa trẻ đen đúa, gầy rốc, bé choắt lại có khả năng bơi lội như "rái cá" và chèo đò bằng chân điêu luyện như ở lòng hồ này...


Những Việt kiều làm nghề đánh cá

Trải qua một đoạn đường dài, giữa cái nắng gay gắt của mùa hè Nam bộ, chúng tôi được ăn chén cơm với tép um và cá cơm chiên giòn, hai món bình dân giản dị nhất ở Trị An, mà ngon đến "cháy" lòng.

Bà chủ quán ăn ven con đường dẫn vào đập hồ đã cười xởi lởi, giới thiệu đầy tự hào về đặc sản bản địa: "Hai món đồng quê, ngon và rẻ nhưng lại hao công tổn sức nhất đối với người đơm đó".

Đảo Đồng Trường là một trong hai đảo nổi giữa lòng hồ Trị An.

Quả thật, để bắt được tép và cá cơm, ngư dân phải thức thâu đêm giữa hồ, chong đèn và lao động liền tay. Anh Nguyễn Hải (35 tuổi), ngư dân có thâm niên 3 năm te (ủi) cá cho biết: "Mùa này nước cạn nên cá cơm "trốn" theo dòng chảy về những nơi sâu để trú ngụ. Công việc đi te gặp nhiều khó khăn".

Nguyễn Hải quê gốc Kiên Giang, sau đó theo cha mẹ dạt sang Campuchia làm ngư dân Biển Hồ. Sống tầm gửi giữa mênh mông sóng nước, cầm cự bằng con cá, con tôm nhưng rồi dần dần "nguồn sống" cạn kiệt, gia đình Hải cũng như hàng trăm con người khác ở Tonle Sap đều gặp khó khăn. Cha chết không có mảnh đất chôn. Ít lâu sau, mẹ theo cha hóa kiếp theo chim trời cá nước, ở nơi nước lạ quê người.

Nguyễn Hải dắt vợ và đứa con hai tuổi quay về cố hương. Những ngày đầu về Việt Nam, Hải dừng chân ở hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), hành nghề bắt cá. Cuộc sống lay lắt trong túp lều hoang hoác giữa cánh đồng cỏ dại thiếu thốn đủ điều khiến ba con người đói ăn, thiếu mặc triền miên.

Họ phải trông chờ vào cân gạo, gói mì từ thiện của các nhà hảo tâm từ TP Hồ Chí Minh. Đêm đi xúc cá trên con thuyền rách thủng te tua, người lúc nào cũng ướt sũng, sau một trận cảm lạnh thừa chết thiếu sống, Hải quyết định dứt áo đi tìm "miền đất hứa".

Kéo cá trên biển hồ.

Nửa cuộc đời sinh ra và lớn lên chỉ biết sông nước nên những con người như Hải rất "nhạy" bén. Họ có thể "ngửi" mùi cá tôm để đoán hướng đi tìm. Hồ Trị An là điểm đến lý tưởng cho công cuộc mưu sinh tiếp theo của chuỗi hành trình theo con nước. Nguyễn Hải cùng hai gia đình nữa neo chiếc thuyền cũ ven hồ, rồi kiếm tấm tôn lợp lên che nắng mưa. Cả vợ chồng con gái sống chui trong đó.

Ngày mới trên vùng nước lạ, cánh đàn ông rủ nhau đi làm te đơm cá. Ngày đó tôm cá nhiều lắm, ngồi trên thuyền nhìn thấy chúng nhảy tý tách rất vui mắt. Đêm nằm nghe sóng vỗ, với giác quan đặc biệt của một ngư phủ nhiều năm ngụp lặn sông nước, Nguyễn Hải nghe được tiếng thở của những đàn cá rất lớn.

Anh phỏng đoán, chắc chắn dưới tầng sâu sẽ có loài cá lăng khổng lồ. Nhưng làm sao để bắt được chúng khi trong tay không có ngư cụ? Cách đơn giản nhất là sắm cần câu. Nghiên cứu quy luật hoạt động của cá lăng thường vào giữa đêm, sôi nổi nhất là từ 1 - 4 giờ sáng để giăng câu.

Quả thật, đêm đầu tiên, một chú cá lăng trên 10 ký mắc bẫy. Nguyễn Hải sung sướng quá, chỉ muốn thét thật to vào màn đêm. Anh kéo gãy đôi chiếc cần mới lôi được chú cá lên bờ. Vợ mang ra chợ bán, người ta tranh nhau mua. Đã rất lâu rồi, từ ngày sống trên Biển Hồ Campuchia, nay mới bán được con cá đắt đỏ đến vậy.

Để chuẩn bị cho những chuyến đi câu xa bờ, kiếm được "thủy quái" khổng lồ, Nguyễn Hải quyết định sắm cần bằng sắt. Cứ thế, khi màn đêm buông xuống, mọi thứ chìm vào tĩnh lặng, Nguyễn Hải vác cần chèo thuyền lần theo dòng chảy đi "săn" cá lăng. "Say" cá đến quên ăn, quên ngủ, có thời điểm anh Hải sút liền 5kg mà vẫn quần quật làm.

Gãi đầu cười, Nguyễn Hải nói: "Cả đêm đi săn cá. Ngày thì lại đi te cá cơm nên mình không có thời gian để ngủ, hôm nào mệt quá thì nằm gục ngay trên thuyền thiếp đi lúc nào không biết".

Ngư dân săn cá lớn ở lòng hồ thích nhất là khi có mưa lớn, nước dâng cao. Lúc ấy, vô số các loại cá rủ nhau lên mặt hồ đón nước ngọt. Họ chỉ việc dùng lưới quăng là dính cả đàn. Cuộc sống ở lòng hồ không còn cảnh thiếu cơm nữa, nhiều Việt kiều nghe tin đã chuyển về, chỉ vài năm đã hình thành nên xóm Việt kiều giữa lòng Trị An.

"Thủy chung" với sông nước

Hằng năm, thủy điện Trị An đều xả đập để điều tiết nước. Mỗi khi xả nước, cá từ dưới sông theo nước ngược dòng chạy lên, khi đột ngột ngăn đập thì cá tụ lại phía đầu dòng. Do nước chảy mạnh, chỉ những loại cá lớn mới đủ sức vượt lên đầu nguồn. Đó chính là thời cơ vàng để những kỳ thủ săn cá "khủng" kiếm tiền triệu mỗi ngày. 

Chiếc thuyền mục nát đậu ven bờ hồ của những "đời cá".

"Hồ Trị An được xem là túi cá nước ngọt khổng lồ của vùng Đông Nam bộ. Những hải sản tinh túy nhất của tự nhiên đều quy tụ ở đây, cho chúng tôi nguồn sống. Chúng tôi bám thuyền, bám sông vì không có cục đất chọi chim để lên bờ. Nhưng bám mãi cũng thành quen, thành yêu rồi gắn bó không muốn rời xa", người đàn bà làng chài Nguyễn Thị Hằng tâm sự. 

Với đặc thù lênh đênh rày đây mai đó nên những đứa trẻ được sinh ra trên thuyền đều ít có cơ hội học chữ. Vợ chồng Nguyễn Hải đã có thêm một thành viên mới, hai đứa nhỏ đủ tuổi đến trường nhưng vẫn phải ở nhà nấu cơm, nhặt tép giúp cha mẹ.

Anh Hải khẳng định, năm sau sẽ gửi thằng lớn lên bờ theo học. Phải ráng cho nó biết con chữ, sau này theo nghề của cha, ra chợ bán cá còn biết cân đếm. Triết lý học hành của người đánh cá chỉ đơn giản là vậy.

Nước lòng hồ mùa này xanh trong biêng biếc, tưởng như không có một gợn đục nào rớt xuống. Tôi để ý thật lâu con thuyền cũ nát, rách bươm đang neo đậu trên mép hồ. Bên trong, có người phụ nữ đang cặm cụi nấu ăn, xung quanh chỉ có mấy bình nước và một đống giẻ rách.

Bà tỏ ra bối rối khi có khách lạ ghé thăm. Bà bảo rằng, đang vội nấu cơm mang vào bệnh viện cho chồng nên chưa dọn dẹp được "nhà". Ông nhà bà là Trần Văn Cận (65 tuổi), một ngư phủ từng "làm mưa làm gió" bên Biển Hồ Campuchia, sau cũng vì lý do sinh kế mà trôi dạt về đây.

Những tưởng cuộc sống mới sẽ thay đổi cuộc đời, nhưng chỉ được ba năm đầu xuôi chèo mát mái thì ông Cận gặp tai nạn. Đêm ấy, ông đi thả lưới ở mạn Đảo Ó thì bị trúng gió, lịm đi ngay trên thuyền. Sáng hôm sau người làng chài phát hiện ra chiếc thuyền trôi tự do liền cặp vào cấp cứu, rồi đưa ông đi bệnh viện.

Ông nằm mê man bất tỉnh, ai cũng nghĩ ông sẽ chết. Bà Lành điện thoại cho hai người con làm công nhân ở Bình Dương về ngay. Khi con cái về thì ông tỉnh, người khỏe dần. Lúc ấy ông mới thật thà tiết lộ, tối hôm đó, trước khi đi bắt cá, ông có ghé thuyền sang chòi người bạn uống rượu. Hai người say sưa mãi đến khuya thì tan.

Ông lâng lâng chèo thuyền, rồi cũng lâng lâng thả lưới. Tự nhiên nghe có làn gió thật lạnh thổi qua người, ông nôn thốc nôn tháo rồi lịm đi lúc nào không hay. Đó là nguyên nhân quật ngã lão ngư này, chứ thật ra, với sức vóc vạm vỡ của mình, ông sẽ chẳng hề hấn gì với gió máy sông nước.

"Nhà" của lão ngư Trần Văn Cận nằm cô đơn trên bờ sau tai nạn.

Từ ngày ngã bệnh, ông Cận bị liệt luôn cánh tay phải, một bên tai cũng ù điếc, chân không thể bước đi bình thường. Ông lấy bệnh viện làm nhà, bỏ mặc chiếc thuyền cô độc giữa mênh mông. Bà Lành kéo thuyền lên bờ, phơi nắng dầm mưa đến nay đã hơn hai năm.

Bác sĩ khuyên, nếu chịu khó tập khoảng hai năm sẽ hồi phục, lại được đi thuyền đánh cá. Nghe vậy ông Cận hăm hở lắm, nhưng đến nay đã vượt qua mốc thời gian ấy mà chân tay ông vẫn lèo khoèo, run rẩy, ông chán chường với bản thân mình. Ông nằng nặc đòi về. Những ngày trở về con thuyền ký ức, ông Cận ngồi u buồn nhìn xa xăm ra mặt nước vời vợi, thẳm sâu.

Ông ân hận vì nếu đêm đó không quá chén, có lẽ sự nghiệp quăng chài đánh cá của ông sẽ tươi mới và đầy sinh lực. Con cái bảo ông bỏ chiếc thuyền rách này đi, tới Bình Dương ở. Vừa nghe như thế, ông lồng lộn lên, té tát vào mặt con. Quay sang bà vợ, ông tuyên bố: "Tôi sẽ chết trên chiếc thuyền này".

Chiếc thuyền của ông Cận cũng như bao đời chài khác ở khu vực lòng hồ Trị An này. Những chiếc thuyền dưới chân cầu chiến khu D (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là "nhà” của những "đời cá" quanh năm mưu sinh. Đời con tiếp nối đời cha, có lẽ chưa ở đâu, những đứa trẻ đen nhẻm, gầy rốc, bé choắt lại có khả năng chèo đò bằng chân điêu luyện như ở lòng hồ này.

Chúng được sinh ra trên những con thuyền, uống nước suối, ăn cá sông mà lớn lên. Thế giới của chúng là cá tôm, còn bầu trời trước mặt chính là cánh rừng Mã Đà thăm thẳm, xanh rì bao bọc xung quanh hồ. Nhiều đứa trẻ trưởng thành, yêu sóng nước, không muốn lên bờ nữa. Nhưng cũng nhiều đứa dứt áo thoát ly khỏi cái chốn bồng bềnh gió nước này, nuôi hy vọng về một tương lai xán lạn hơn ở trên cạn.

Ngọc Thiện
.
.
.