Đôi khi rất cần những tiếng vỗ tay

Thứ Tư, 20/08/2014, 11:00
Tháng Bảy năm 2014 này có lẽ sẽ là tháng Bảy đáng sợ nhất trong những tháng Bảy mà mỗi chúng ta đã sống qua. Trong tháng Bảy ấy, những tai nạn máy bay liên tiếp, với những số 7 đính kèm theo các chuyến bay ấy, khiến người ta cảm thấy sợ khi phải bước lên máy bay.

Thêm vào đó, hiệu ứng truyền thông cả chính thống lẫn phi chính thống càng khiến nỗi sợ ấy dày thêm. Nhưng vì công việc, vì cuộc sống, vì nhiều thứ khác nữa, người ta vẫn phải bước lên những chuyến bay, có thể có số 7, có thể không, với lời nguyện cầu mình được bình an vô sự.

Từ câu chuyện những số 7 của tháng Bảy, tự nhiên sực nhớ ra những câu chuyện khác, cũng liên quan đến những chuyến bay, và chợt thấy những điều phi lý đang tồn tại chính trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Nếu có ai từng bước lên một chuyến bay mà hành khách đa số là những người nước ngoài, và chuyến bay đó là một hành trình vất vả, với những vùng thời tiết xấu, với việc hạ cánh không được thuận lợi như thường lệ mà cần phải có thêm thời gian và kinh nghiệm của cơ trưởng để xử lý, ta sẽ nhận thấy rõ rằng khi máy bay vừa hạ cánh, những hành khách ngoại quốc sẽ vỗ tay để tán thưởng cơ trưởng cũng như đội bay vì đã cố gắng mang lại cho tất cả sự an toàn tối đa trong khả năng có thể của mình. Tiếng vỗ tay ấy, để lại thông điệp gì?

Dễ hiểu thôi, đó là lòng yêu sống. Con người ta ai cũng yêu sống cả, kể cả những kẻ không bao giờ sợ chết. Và xuất phát từ lòng yêu chính cuộc sống của chính mình, người cơ trưởng đã mang lại an toàn cho tất cả, để tất cả cùng cảm thấy lòng yêu sống trong mỗi người mỗi mạnh mẽ hơn.

Tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm là coi thường mạng sống của chính mình.

Tiếng vỗ tay ấy, trên các chuyến bay chở người Việt, hình như chưa bao giờ xuất hiện. Khi máy bay hạ cánh, chúng ta chỉ thấy những hình ảnh khá nực cười. Người thì lập tức tháo ngay dây an toàn khi đèn hiệu chưa tắt. Người thì rút ngay điện thoại ra mở máy, nhắn tin, điện thoại. Kẻ thì thậm chí còn đứng cả dậy mở ngăn lấy hành lý và khiến tiếp viên phải lao tới nhắc nhở. Người Việt không tôn trọng các quy tắc an toàn tối thiểu chung và quên mất, họ cũng sẽ được an toàn khi thực hiện các quy tắc an toàn chung ấy.

Phải chăng, người Việt không yêu sống?

Không, người Việt rất yêu sống và thậm chí đa phần còn sợ chết. Nhưng người Việt vô tổ chức, bất cần và bất tuân pháp luật. Chuyện những chuyến bay chỉ là ví dụ nhỏ thôi. Chuyện đi xe không đội mũ bảo hiểm, đi ôtô không cài dây an toàn, đi bộ băng ngang qua đường không theo đường dành riêng cho người đi bộ v.v... là vài trong vô vàn những ví dụ điển hình cho cái tính ẩu tả của người Việt mình, ẩu với chính mạng sống của riêng mình.

Và đằng sau tiếng vỗ tay kia còn là thông điệp nào ẩn chứa nữa? Đó là sự khích lệ. Người nước ngoài có văn hóa khuyến khích, khích lệ, động viên lẫn nhau, còn người Việt thì lại ưa chỉ trích. Họ sẽ quên ngay công sức thầm lặng của cơ trưởng một chuyến bay vượt khó và nhớ rất lâu một bực mình nào đó họ gặp phải ở các dịch vụ bay. Và họ nhớ để làm gì? Để chỉ trích, chê bai và thậm chí là chửi bới trên các trang cá nhân của mình.

Sự khích lệ luôn mang lại tâm lý tích cực và chính tâm lý tích cực sẽ là một phần tác động rất lớn để tạo ra hành động tích cực. Hành động tích cực sẽ dễ dàng hơn trong việc mang lại kết quả tích cực. Trong khi đó, sự chê bai, dè bỉu, đồn thổi, thổi phồng theo cách bi kịch hoá sẽ dẫn đến tâm lý tiêu cực, thứ có thể là khởi nguồn cho những kết cục bi kịch. Và tâm lý tiêu cực, hay tích cực, là tâm lý rất dễ lây lan. Khi nó đã lây lan, nó sẽ trở thành thứ vô cùng nguy hiểm đối với nhiều người.

Xã hội Việt hôm nay đang quá nhiều những tiếng vỗ tay hời hợt, những tiếng vỗ tay theo kiểu “khi vui thì vỗ tay vào”, những tiếng vỗ tay theo kiểu không vỗ tay thì sợ mình lạc lõng giữa rừng tay vỗ không thật lòng, những tiếng vỗ tay chỉ để tán thưởng thứ sở thích riêng của mình… Nhưng xã hội Việt lại thiếu trầm trọng những tiếng vỗ tay cổ vũ, động viên, khích lệ nhau thật lòng, tiếng vỗ tay thể hiện niềm yêu sống mãnh liệt.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải tự thay đổi chính mình để trong sự vận động chung ấy, xã hội sẽ có những thay đổi, dù rất chậm. Và ngay từ bây giờ, hãy tự vỗ hai bàn tay mình, cho người cơ trưởng của mình, sau những chuyến bay đầy gian khó thay vì trở về với những nhăn nhó và sợ hãi nó… 

H.Anh
.
.
.