Đối mặt với “vua phá bom” ở Điện Biên

Thứ Sáu, 25/04/2014, 17:31

Tôi may mắn “đối mặt” với “vua phá bom” Nguyễn Tiến Thụ ở chiến trường Điện Biên 60 năm trước ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Từng được bầu là Chiến sĩ thi đua số 1 lúc mới tròn 21 tuổi, giờ ở tuổi 80 tóc bạc da mồi, ngồi trong căn nhà của con trai nhìn ra Hồ Tây, ông Thụ vẫn rưng rưng một niềm tự hào vì mình đã được tham gia vào chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong ký ức của người lính già từng nhiều lần bị bom Pháp “chôn sống”, những ngày hăng hái phá bom, sẵn sàng cảm tử vẫn sống động như vừa mới hôm qua. 

Cột mốc sống ở ngã ba Cò Nòi

Ngã ba Cò Nòi (Sơn La) - địa danh lịch sử nổi tiếng, 60 năm trước là một trong những chảo lửa ác liệt nhất chiến trường Điện Biên. Đây là ngã ba cắt đường 13 từ Yên Bái lên và đường 41 từ Thanh Hóa lại. Đây cũng là điểm xung yếu nhất, quyết liệt nhất để vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc qua Nghĩa Lộ, Yên Bái lên chiến trường Điện Biên Phủ. Thung lũng sâu và hẹp này hàng ngày được thực dân Pháp “ưu ái” trút xuống vài ba lượt bom, cao điểm có ngày chúng trút xuống tới 300 quả các loại.

Nguyễn Tiến Thụ sinh năm 1934, quê ở Nội Duệ - Tiên Du – Bắc Ninh, khi đó mới hơn 19 tuổi. Vừa được kết nạp Đảng sau chiến dịch Thượng Lào (12/1953), tháng 1/1954, Thụ được lệnh tức tốc về Việt Bắc, nhập vào Đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) Trung ương do đồng chí Vũ Kỳ làm đoàn trưởng. Từ đây, cùng với 14 đồng chí ở các đơn vị khác, một đội rà phá bom được hình thành để góp phần phục vụ chiến dịch Điện Biên lịch sử.

Ban ngày, các thành viên của đội phá bom đứng trên đài quan sát, ghi nhớ từng vị trí của từng quả bom đã rơi xuống nhưng chưa nổ để đến khi địch ngừng đánh phá thì phân công nhau đi phá. Dụng cụ phá bom lúc bấy giờ rất thô sơ, chỉ là chiếc thuốn bằng thép cứng, dài từ 3-5m. Cầm chiếc thuốn ấy, chọc dò thấy bom ở đâu thì đào cho tới ngòi nổ rồi dùng bộc phá để phá. Có ngày không kịp phá hết bom, ông và đồng đội phải đứng gác bom, làm cột mốc sống để hướng dẫn bộ đội, dân công tránh bom nổ chậm mà đi qua an toàn. Các thành viên trong đội đều đang tuổi xuân phơi phới, ai nấy đều ý thức sự nguy hiểm của công việc, biết rằng là đội cảm tử đấy nhưng tất cả đều hăng hái, không một ai chùn bước.

Thử nghiệm tháo bom bướm bằng… tay không

Ông Thụ vẫn nhớ rất rõ, lúc đó có 4 loại bom mà địch thường thả xuống. Bom phá, nặng từ 200kg đến 500kg, có tính năng phá nát đường giao thông. Bom nổ chậm vừa có tính năng phá đường, vừa gây sát thương. Rồi bom napal và bom bướm. Bom nổ chậm không có hẹn giờ, nổ sớm hay muộn là do chất axit trong vòng nhựa hãm kim hỏa. Có quả xuống đất vài chục phút đã phát nổ, có quả ngày hôm sau, thậm chí cả tuần sau nên rất nguy hiểm. Còn bom bướm thì cực kỳ nguy hiểm bởi tính “cơ động” và khó lường. Ban đầu bom bướm to hơn cái thùng phi, nhưng ngay sau khi rời máy bay, nó “xòe” ra tung 200 quả bom con, mỗi quả nhỏ như hộp sữa bò lại có cánh xòe để tản đi khắp nơi. Đặc biệt, bom bướm khi đậu xuống đất là ngòi nổ đã sẵn sàng, chỉ va nhẹ vào lớp vỏ bằng gang giòn đã nổ, khi văng ra những mảnh nhỏ có thể gây sát thương cả chục người quanh đó khiến bộ đội, dân công ai ai cũng sợ bom bướm.

Ông Nguyễn Tiến Thụ bên tấm giấy khen Chiến sĩ thi đua số 1 trong chiến dịch Điện Biên lịch sử.

60 năm qua đi, bàn tay nhăn nheo nhấc cốc trà nóng, ông Thụ chậm rãi kể: Dù cách phá bom bướm rất đơn giản là tìm một chỗ nấp an toàn, chỉ cần lấy sào dài chọc cho nổ, tuy nhiên, không phải trăm phát “ăn” cả trăm và vẫn có rất nhiều thương vong cho quân dân ta. Ông và đồng đội đều căm ghét loại bom này, mong tìm cách phá gỡ nó một cách hiệu quả nhất. Nhất là từ sau khi đồng chí Thới người Thanh Hóa giật một quả bom nhiều lần không nổ, bực mình nhặt trái bom quăng xuống khe núi. Bất ngờ bom phát nổ trên tay, cắt đứt hai bàn tay rồi ra đi ngay trong đêm ấy khiến ông suy nghĩ rất nhiều.

Với tư cách là đội trưởng, Nguyễn Tiến Thụ đã bàn với anh em, rồi viết đơn xin chỉ huy Đại đội cho phép được trực tiếp tháo quả bom bướm để nghiên cứu nguyên lý hoạt động. Bởi chỉ khi nắm chắc được cơ chế hoạt động của nó, thì việc phá bom mới hiệu quả ít gây ra mất mát. Nhận định đây là bom sát thương nên khi nổ thì bom sẽ hất mảnh theo hướng từ mặt đất lên trên chứ không khoan xuống phía dưới, ông Thụ nghĩ ra cách đào một cái hố sâu ngập đầu người, khi tháo sẽ giơ tay lên mặt đất. Tình huống xấu nhất là bom nổ, thì chỉ bị… cụt hai bàn tay thôi. Và ông là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Ông Thụ nhớ lại: “Tôi bình tĩnh nhảy xuống hố, giơ quả bom lên khỏi mặt đất bắt đầu thao tác. Loay hoay xoay hơn 5 phút vẫn chưa tháo được, đồng đội ở ngoài lo âu hồi hộp. Thì ra loại bom này phải tháo ngược chiều kim đồng hồ. Đến khi tháo được, đưa được ngòi nổ của quả bom ra ngoài, mọi người đều thở phào”.

Từ đó, nguyên lý của “kẻ giết người” được xác định: những quả chọc hoặc giật không nổ là do chốt kim hỏa bị vướng hoặc lò xo giữ kim hỏa không hoạt động. Từ đó, kinh nghiệm được phổ biến rộng rãi trên toàn tuyến: đối với những quả bom không nổ thì kéo vào một hố sâu, gom lại cứ 15-20 quả là cho bộc phá phá nổ một lần.

Năm 2004, đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong lần gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, “người chiến sĩ thi đua số 1” Nguyễn Tiến Thụ có dịp báo cáo trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe trình bày về việc tự tay tháo bom bướm để nghiên cứu, Đại tướng đã nghe chăm chú và rất cảm động. Ông Thụ vẫn còn nhớ khi đó, Đại tướng nói: “Tôi coi TNXP như bộ đội”.

Bị bom địch nhiều lần “chôn sống”

Ông Thụ vẫn còn nhớ như in, những ngày giữa tháng 3/1954 là thời kỳ vô cùng ác liệt, suốt ngày không biết bao nhiêu đợt đánh phá, trút biết bao nhiêu tấn bom các loại xuống ngã ba Cò Nòi.

Là đội trưởng của đội phá bom, ông Thụ đã có kinh nghiệm, cứ khi địch rải bom xuống, nếu thấy không nổ ngay tức là đợt bom cuối cùng, bom nổ chậm. Ấy thế nhưng có đến 3 lần ông bị bom vùi lấp. Ba lần bị “chôn sống” ấy không bao giờ ông nguôi quên.

Lần ấy vừa đến Cò Nòi chưa được một tuần, thấy có hai quả bom nổ chậm, ông và đồng đội đang đào tìm ngòi nổ thì bất ngờ quả phía sườn đồi phát nổ, ông và đồng đội bị vùi, được anh em chạy đến bới lên an toàn. Ngày 16/3/1954, hai đồng đội hi sinh vì bom nổ ngay khi đang đào, ông cùng Đội phá bom đã biến đau thương thành hành động, lao vào cuộc chiến đấu thầm lặng và căng thẳng, tiếp tục làm nhiệm vụ để các đoàn xe vẫn đi qua ngã ba Cò Nòi đau thương và anh dũng.

Đánh phá Cò Nòi ác liệt nhưng thấy quân ta vẫn tiến sâu vào Điện Biên khiến địch chuyển hướng đánh vào ngầm Hát Lót, cách Cò Nòi khoảng 50km. Khi đó, Nguyễn Tiến Thụ được phân công về làm Đại đội phó Đại đội 404 phụ trách đường ngầm Hát Lót. Lúc đào một quả bom lớn 500kg, còn cách khoảng 30m thì bom nổ, đất đá từng tảng lớn rơi xuống, ông bị vùi không nhiều nhưng bị hòn đá rơi vào đầu nên bị choáng không thể tự đứng dậy được, những chiến sĩ dự bị của đơn vị có mặt kịp thời bới đất kéo tất cả 5 anh em đưa về trạm xá hồi sức, sau 4 tiếng hồi phục ông lại ra hiện trường làm nhiệm vụ.

Một ngày cuối tháng 4, khi ông đặt bộc phá xong châm lửa vào đầu dây cháy chậm để phá quả bom 500kg khác, ông chạy được chưa đầy 50m thì bom nổ, đất đá vùi lấp không nhiều nhưng bom lớn lại nằm gần mặt đất nên nổ khá dữ dội. Ông bị vùi và choáng, anh em bới đất lên dìu về trạm xá cấp cứu hồi sức.

“Đời mình cũng vinh dự nhiều”, ông Thụ tiếp tục những hồi ức của mình. Ấy là khi ông kể về những năm tháng sau này, ông có cơ hội được gặp Bác Hồ. “Năm 1956, khi đó tôi được điều về làm công tác tổ chức ở Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Rồi lại được phụ trách 300 anh em sinh viên – học sinh miền Nam vượt tuyến. Khi gần kết thúc khóa học, một lần cấp trên bất ngờ thông báo chiều nay toàn bộ anh em sẽ được vào gặp Bác Hồ. Hôm đó, Bác đã cho chúng tôi xem bộ phim “Em Eren trở về nhà ngay” do Đại sứ Ba Lan mới tặng. Cuối buổi, Bác còn gửi tặng quà cho tất cả mọi người có mặt hôm đó”, ông Thụ bồi hồi nhớ lại.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chàng trai tuổi 20 Nguyễn Tiến Thụ được anh em ví là “vua phá bom nổ chậm”, và được Đoàn TNXP trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua số 1 toàn Đoàn mùa 1954. Tấm giấy khen đó do đồng chí Vũ Kỳ, Đoàn trưởng Đoàn TNXP chiến dịch Điện Biên Phủ ký đến nay ông Thụ vẫn còn lưu giữ như một kỷ vật của một thời không thể nào quên.

60 năm qua đi, giờ ngồi nhìn tấm Huân chương Kháng chiến hạng nhì, ông Thụ vẫn rưng rưng trong đáy mắt khi nhắc tới cung đường chiến trận, từng gương mặt đồng đội. Với ông, những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với đạn bom là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Không suy tính, không bon chen…

Hoàng Thu Phố
.
.
.