Đổi mới hay chỉ là đổi khác?

Thứ Bảy, 09/09/2017, 13:44
"Lại đổi mới" - đó là cụm từ được nhắc nhiều nhất trong suốt mấy năm qua mỗi khi nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Tất nhiên, khái niệm đổi mới luôn mang ý nghĩa tích cực khi nó là động lực của sự phát triển, nhưng đổi mới thi cử như mấy năm qua thì quả thật là mệt mỏi.


Học sinh ngụp lặn trong mê hồn trận, phụ huynh phờ phạc nhìn con tối ngày đi học, còn giáo viên bải hoải trong việc nhồi nhét hàng mớ kiến thức cho học sinh của mình. Nếu ai đó coi đây là "dấu ấn nhiệm kỳ" thì với tôi, đó là dấu ấn không đáng có.

Xin không nhắc lại những phương án đổi mới thi cử mấy năm trước, chỉ nói về phương án đổi mới dự kiến mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đang lấy ý kiến để áp dụng vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Nói một cách đơn giản nhất, các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Minh họa của Lê Tâm

Bài thi Khoa học tự nhiên là tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, còn bài thi Khoa học xã hội là tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với giáo dục phổ thông và tổ hợp môn Lịch sử, Địa lý đối với Giáo dục thường xuyên.

Để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, các bài thi tổ hợp lại chọn một trong hai phương án xem xét… Tóm lại là rối tinh rối mù theo kiểu 3 trong 1 và học sinh chắc "nổ tung đầu" vì trong cùng một khoảng thời gian phải thi tới… 3 môn học.

Không biết mọi người nghĩ sao chứ tôi thực sự choáng với loại bài thi kiểu tổ hợp này. Nghĩa là thay vì ôn một môn, học sinh phải ôn 3 môn để gói gọn trong một bài thi. Như vậy, áp lực sẽ tăng lên gấp 3 lần. Đổi mới mà khiến cả thầy và trò mệt phờ, không biết đâu mà lần thì có cần thiết phải đổi mới?

Mỗi năm một kiểu thi, một cách xét tuyển và chưa bao giờ dư luận cho đó là sự thành công. Tất cả như bị cuốn vào một cuộc "thí nghiệm", ở đó, những người trong cuộc luôn thấy bất ổn, lo lắng bởi xác suất của sự rủi ro là quá lớn.

Đơn cử như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Có thể nói đó là sự thất bại khi đề thi không đảm bảo được phân hóa học sinh. Số em điểm 10 các môn gấp 60 lần kỳ thi năm trước nên mới xảy ra chuyện dở khóc dở cười là có em 30 điểm/3 môn mà vẫn trượt vỏ chuối. Tình trạng này kéo theo một hệ lụy khác, đó là học sinh bị ảo tưởng về sức học của mình.

Như đánh giá của Giáo sư Văn Như Cương, đổi mới thi cử là bước quan trọng trong đổi mới giáo dục. Song, những thay đổi gần đây của bộ GD&ĐT trong việc tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học có chắc là sự đổi mới hay chỉ là đổi khác?

Đổi mới là thay cái cũ bằng cái mới tốt hơn và nó mang tính bền vững. Trong khi đó, đổi khác chỉ là thay cái cũ bằng cái khác, không cần biết nó tốt hơn hay không. Về điểm này, Bộ GD&ĐT ắt hẳn đứng đầu về tần suất đổi khác…

Như vậy, đổi mới phải mang tính bền vững. Sự bền vững ở đây không chỉ thể hiện những điểm ưu việt mà còn phải ổn định trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong khoảng thời gian đó, nếu thấy vấn đề gì cần bổ sung, chỉnh sửa thì tiếp tục làm để nó trở nên hoàn thiện và mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Còn thay đổi một cách liên tục thì rõ ràng tạo sự hoang mang, lo lắng cho rất nhiều người.

Khi những phương án thi cử đưa ra, sự phản biện của các nhà chuyên môn là có. Thậm chí, nhiều người còn yêu cầu có một "khoảng lùi" để có những bước chuẩn bị cần thiết trước khi áp dụng phương án. Thế nhưng, những phương án vẫn được quyết định một cách vội vàng, bỏ qua những ý kiến đóng góp bổ ích, có cơ sở.

Điều cuối cùng tôi muốn nói tới, đó là sự lãng phí từ các dự án đổi mới. Mỗi sự đổi mới không chỉ tiêu hao sức người mà còn phải rút từ ngân sách một khoản lớn trong khi chúng ta còn nghèo, nhiều điểm trường còn vô cùng thiếu thốn, học sinh đến trường gặp muôn vàn khó khăn…

Thay vì đổ ngân sách vào các dự án, chúng ta cần mang lại cho học sinh vùng sâu, vùng xa những điều kiện học tập tốt hơn, đời sống của giáo viên được cải thiện hơn. Đó mới chính là sự đổi mới thiết thực nhất, ý nghĩa nhất.

Tuấn Nguyễn
.
.
.