Đội xe ôm công nghệ kiêm "chuyên viên" cứu hộ

Thứ Tư, 10/06/2020, 16:17
Hoạt động một cách khoa học, năng nổ và nhiệt huyết, tại các điểm nóng về tai nạn giao thông thường xuất hiện những xe ôm công nghệ đến cấp cứu cho người gặp nạn.


“Đợi anh một chút nhé, anh đang chuẩn bị đến Cầu Giấy, ở đó có vụ tai nạn…”, đó là cuộc điện thoại đầu tiên vô cùng chớp nhoáng giữa phóng viên và anh Phạm Quốc Việt – trưởng nhóm Sơ cấp cứu SOS Angel, với thành viên phần lớn là anh em chạy xe ôm công nghệ. Đáng nói, thời điểm đó đang là giữa trưa, khi Hà Nội đang trải qua một đợt nóng mới với nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C.

Khi lòng tốt được trao đi

Nói về lý do thành lập đội Sơ cấp cứu SOS Angel, anh Phạm Quốc Việt (SN 1987, quê Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định) cho biết, mọi thứ được bắt đầu từ một lần “không bị bỏ lại”. 

Theo đó vào năm 2016, khi đang đi làm ở Tuyên Quang, anh Việt bị một chiếc xe máy đâm phải khi đang lưu thông trên đường. Nằm trên mặt đường với cơ thể đau nhức không thể cử động, nhìn những ánh mắt lướt qua với sự ái ngại, e dè khiến anh Việt cảm thấy vô cùng sợ hãi, cô độc.

Do đầu óc vẫn còn tỉnh táo, anh Việt dùng hết sức bình sinh để giơ cánh tay lên kêu cứu. May mắn rằng vẫn còn có người dừng xe đưa cả hai người đi viện nên tính mạng của hai người không gặp nguy hiểm. Bước qua cánh cửa tử thần nhưng điều anh Việt ám ảnh nhất đó vẫn chính là những ánh mắt lướt qua trong vụ tai nạn ấy.

Anh Việt đang tiến hành sơ cứu cho nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông.

Cảm giác như bị bỏ rơi trong lúc tuyệt vọng là vô cùng kinh khủng, cũng từ đó anh Việt tự nhủ rằng, sẽ không để những người khác gặp phải hoàn cảnh tương tự như mình. Một năm sau vụ tai nạn, anh Việt về Hà Nội chạy xe ôm công nghệ kiếm sống, mỗi khi nhìn thấy người gặp nạn trên đường, anh đều dừng xe để giúp đỡ.

“Mình từng có thời gian ở quân ngũ, được đào tạo về kỹ năng sơ cứu - cấp cứu. Lại có nhiều người thân trong gia đình làm bác sĩ nên tích lũy khá nhiều kiến thức y khoa. Sau đó mình cũng được tham gia khóa đào tạo kỹ năng sơ cứu do tổ chức Survival Skills VietNam (Kỹ năng sinh tồn Việt Nam) nên cũng có nhiều kiến thức về việc sơ cứu”, anh Việt chia sẻ.

Đến tháng 9-2019, anh Phạm Quốc Việt thành lập đội Sơ cứu - Cứu nạn miễn phí với 5 thành viên. Chỉ sau vài tháng hoạt động, với những nghĩa cử của nhóm, hiện tại số lượng thành viên đã lên tới con số 50 người với 30 thành viên nòng cốt.

“Mục tiêu, tôn chỉ duy nhất của nhóm là không bỏ rơi ai cả. Bọn mình cũng đặt ra 5 điều không trong hoạt động đó là: Không bỏ rơi, không thu phí, không phân biệt, không tranh cãi, không phán xét. Đó chính là những điều tâm huyết mà các thành viên trong nhóm đã cùng nhau thống nhất”, anh Phạm Quốc Việt cho biết.

Các thành viên mới được tập huấn sơ cấp cứu.

Để có thêm nhiều người biết đến để gọi hỗ trợ sơ cứu tại hiện trường, nhóm SOS Angel còn có số hotline 0822510627 và phát 15.000 tem in số điện thoại này cho người dân. 

Mọi người thường tổ chức gặp nhau 1 lần/tuần để hỗ trợ đào tạo kiến thức sơ cứu cho thành viên mới. Ngoài ra mỗi tháng 2 lần, nhóm lại tập trung đông đủ để nghe anh Việt trực tiếp hướng dẫn kinh nghiệm, chỉ ra những điểm nóng thường xảy ra tai nạn.

Khi có đủ kiến thức về sơ cứu tai nạn, thành viên mới được tham gia các nhóm nhỏ, do một nhóm trưởng lãnh đạo, đi tuần luân phiên tại các cung đường từ 21h30 – 1h30 sáng. Các thành viên ở nhà có nhiệm vụ thu thập thông tin, báo vị trí tai nạn cho đội đang đi tuần để hỗ trợ kịp thời thông qua một nhóm chat chung.

Còn vào những khung giờ khác, cách thức hoạt động cũng tương tự, sau khi ghi nhận vụ tai nạn, các thành viên trong nhóm sẽ gửi ảnh hiện trường vào nhóm chat chung, cũng dựa vào đó để anh Việt nhận định tình trạng của người gặp nạn để điều phối và tư vấn cho thành viên của nhóm. Hình ảnh này sau đó cũng được cung cấp cho Công an và người nhà nạn nhân để nắm tình hình.

Hoạt động một cách khoa học, năng nổ và nhiệt huyết, điều đó cũng lý giải cho việc tại các điểm nóng về tai nạn giao thông tại các khu vực nút giao Khuất Duy Tiến, đường Võ Chí Công, dọc đường vành đai 3 thường xuất hiện những xe ôm công nghệ đeo băng chữ thập đỏ, lao đến cấp cứu cho người gặp tai nạn như người cứu hộ chuyên nghiệp.

Các thành viên trong nhóm SOS Angel.

Những kỉ niệm khó quên

Cứu người trên khắp các đường phố, tiếp xúc với biết bao nhiêu người nên cũng có lúc, những thành viên trong nhóm cứu hộ gặp phải tình cảnh “tai bay vạ gió” khi bị người thân người gặp nạn hiểu lầm. Kể về một vụ việc tương tự, anh Việt nhớ lại, vào một đêm khi di chuyển trên đường Yên Lãng (quận Đống Đa, Hà Nội) thì gặp vụ tai nạn giữa một thanh niên và một người phụ nữ lớn tuổi đi ngược chiều, không bật đèn.

Hậu quả của vụ tại nạn khiến người phụ nữ hơi choáng nhưng không xước xát gì, còn người thanh niên thì gãy 3 chiếc răng và chảy máu mồm. Sau khi kiểm tra cho người phụ nữ xong, phát hiện bà này không vấn đề gì, anh Việt liền quay ra cầm máu và giảm đau cho người thanh niên. 

Một lúc sau, con của người phụ nữ đến hiện trường, chưa hỏi đầu đuôi câu chuyện đã lao vào đánh cả người bị nạn lẫn anh Việt. “Lúc ấy mình nói, các cậu chẳng biết gì hết, mẹ bị tai nạn đã không hỏi thì thôi lại ra đánh người sơ cấp cứu là sao. Họ quát lại, hỏi ông là ai, sơ cấp cứu là thế nào? Nghe vậy mình buồn lắm nhưng cũng cố giải thích cho họ hiểu”, anh Việt kể.

Một lúc sau đó, khi nghe anh Việt giải thích, gia đình người phụ nữ mới nhận ra lỗi của mình và cúi đầu xin lỗi. Họ cũng hứa hẹn sẽ đưa người bị nạn đi kiểm tra và trả tiền thuốc men, chi phí. Lúc đó, đội trưởng đội sơ cứu mới cảm thấy đau nhói trên mặt, khi kiểm tra lại thì phát hiện một bên má đã bầm tím do bị đấm, đá trong lúc hỗn loạn.

Trong một lần khác, nhận được cuộc gọi do anh em tài xế báo về hotline là có vụ tai nạn xảy ra tại phố Lò Đúc, anh Việt  lập tức đến ngay hiện trường, phát hiện nạn nhân là một phụ nữ, bị ôtô chèn qua mu bàn chân gây chợt da và chảy nhiều máu. 

Sau khi tiến hành sơ cứu, anh Việt hỏi han để lấy số của người thân nạn nhân, nhờ người nhà đến đón. Nghe người phụ nữ đọc số, anh Việt chợt giật mình vì số điện thoại này giống hệt số của một người trong danh sách cuộc gọi đến. Chính anh cũng vừa liên lạc để cảm ơn người tài xế này vì đã gọi thông báo tai nạn. Qua hỏi han, người phụ nữ cũng cho biết, chồng mình là một tài xế xe ôm công nghệ. 

“Thì ra cậu ấy báo chính vụ tai nạn của vợ mình, nhưng do đang chở khách nên cũng không dừng lại xem ai bị nạn. Cậu ấy còn tỏ ra bất ngờ, nói vợ em đi làm ở chợ Hôm mà. 

Khi xác định đúng vợ mình thì mới bảo em trả khách rồi về ngay. Sau vụ việc đó, mình có nói với bạn ấy và vợ bạn ấy là may mắn quá, sau cố gắng đi học sơ cấp cứu để giúp người khác”, anh Việt kể.

Bên cạnh việc mưu sinh, những lái xe luôn mang theo thùng đồ sơ cứu.

Sau những vụ việc tình cờ đáng nhớ và có phần nguy hiểm ấy, nhóm SOS Angel vẫn tiếp tục mở rộng, tiếp nhận thêm nhiều thành viên mới. Bất cứ ai cũng có thể tham gia nhóm, không phân biệt dù họ làm công việc nào trong xã hội, miễn là họ thực hiện đúng nguyên tắc nhóm đề ra để giúp đỡ người khác.

Trong số những thành viên mới, có người tình nguyện giúp người bị nạn nhưng cũng có người từng là nạn nhân được anh Việt và các bạn trong nhóm giúp đỡ. Họ tham gia để trao đi lòng tốt đã được nhận một cách nhiệt tình. Dù có những hoàn cảnh khác nhau nhưng đến với nhau bằng tình yêu thương hy sinh và nhân ái.

Tuy nhiên, do tham gia nhóm một cách tự nguyện kết hợp với công việc mưu sinh, nhiều hội viên cũng gặp nhiều khó khăn trong kinh phí hoạt động bởi thường xuyên phải bỏ tiền túi để mua bổ sung dụng cụ cần thiết. 

Ngoài ra số thành viên hiện nay vẫn quá mỏng nên nhiều vụ tai nạn xảy ra, nạn nhân không được sơ cứu đúng cách để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Chứng kiến mỗi vụ việc như vậy, ai trong nhóm cũng cảm thấy xót xa nhưng không biết phải làm sao.

Khi được hỏi về mong muốn của mình trong tương lai, anh Việt cho biết, hy vọng câu chuyện của mình và SOS Angel sẽ truyền được nhiệt huyết cho mọi người trong xã hội để từ đó có thể chia sẻ, tập huấn cho các sinh viên học sinh trường học để cùng nhau tham gia hoạt động nhân văn này. Từ đó sẽ có nhiều nhóm SOS Angel được tổ chức ở mọi nơi, mọi tỉnh, thành.

Ngọc Trâm
.
.
.