Đồng Tháp với cách mạng 4.0 trong nông nghiệp

Thứ Ba, 14/05/2019, 12:11
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, là người có nhiều trăn trở cùng nông dân vùng đồng bào Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm gần đây, ông đã trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành và địa phương trong tỉnh có nhiều biện pháp hỗ trợ bà con nông dân trong việc tiếp cận công nghệ mới.


Nghề nông cũng sang chảnh

"Sao chúng ta lại nghĩ người trí thức thì không thể là người nông dân, hoặc người nông dân thì không cần nhiều tri thức?", Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan trăn trở khi tặng smarphone cho các nông dân để "quẹt quẹt" làm nông.

"Đừng nên so sánh giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nghề làm công nghiệp, dịch vụ với nghề làm nông. Vấn đề là viễn cảnh nền nông nghiệp tiên tiến và người nông dân thời đại mới sẽ như thế nào", ông Hoan nói thêm.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Theo ông Hoan, một số nước dù có nền công nghiệp phát triển nhưng những giá trị về nghề nông vẫn được giữ lại về người nông vẫn được trân quý như khi còn là đất nước nông nghiệp. "Vấn đề là họ xem làm nông cũng như bao nghề khác, nghề nông là nghề của tri thức, nông dân phải là người có hiểu biết để tiến tới sản xuất lớn, dựa trên khoa học công nghệ. Được tri thức hóa thì dù làm bất cứ nghề nào cũng mang lại giá trị cao, nghề nông cũng vậy. Làm nông mà có được tri thức thì sẽ thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích", ông Hoan phân tích.

Theo đồng chí Bí thư Đồng Tháp, trong nền kinh tế thị trường, người nông dân đâu chỉ cần đến kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải hiểu rằng sản phẩm sẽ có giá trị gia tăng cao hơn nếu có được hàm lượng tri thức. Chẳng hạn, trong mua bán, nông dân phải biết cơ bản về quy luật cung cầu để tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tối thiểu hóa chi phí và nâng cao chất lượng nông sản do mình làm ra. Còn trong sinh hoạt hằng ngày, nếu biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh nông dân có thể tối ưu hóa cuộc sống và nghề nông của mình.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, nguyên nhân đa số nông dân luôn gắn liền với cụm từ "lạc hậu, trì trệ, kìm hãm" ngoài những lý do khách quan như thị trường biến động, thiên tai, biến đổi khí hậu thì tựu trung là do thái độ và trình độ. 

Do đó, kế hoạch sắp tới sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về thị trường, sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến, mua chung, bán chung, giảm giá thành sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức của người sản xuất… Phương châm mà sở này đưa ra là: không chờ cơ chế, chính sách, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn về đối tượng, nội dung tập huấn.

Những mô hình đột phá

Bản thân ông Lê Minh Hoan đã trực tiếp vận động giới doanh nghiệp tặng hàng chục máy tính bảng cho nông dân tham gia các hội quán. Bởi theo ông Hoan: “Máy tính bảng là dụng cụ hữu hiệu để nông dân trình chiếu và học hỏi nông nghiệp xứ mình, xứ người. Đối với nông dân, hẳn đó là cách tiếp cận cuộc “cách mạng tri thức” khả thi nhất”.

Lão nông Trần Văn Tiếp bán hoa kiểng qua mạng doanh thu nhiều tỉ đồng/năm.

Cho đến nay, Đồng Tháp là địa phương đi đầu ở khu vực ĐBSCL chuyển tải những kiến thức kinh tế thành ngôn ngữ thật đời thường, thông qua nhiều mô hình hay ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để dẫn giải nông dân hướng đến sự thay đổi. Các “hội quán nông dân” ở Đồng Tháp lần lượt ra đời đều hướng đến điều đó.

Năm 2018, thay mặt nhà tài trợ, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã trao tay 34 điện thoại thông minh cho 34 nông dân là chủ nhiệm các hội quán. Ngoài ra, tỉnh còn có một đội xung kích để hướng dẫn các hai lúa "gõ gõ, quẹt quẹt", làm quen với công nghệ mới. Cầm chiếc điện thoại trong tay, lão nông Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm hội quán "Tôi yêu màu tím", thành phố Sa Đéc, tuổi đã lục tuần - chia sẻ: "4.0 với nông dân tụi tui là biết thị trường trong nước, thế giới cần gì, mình đang ở đâu để mà phải "chạy" như Bí thư Hoan nói".

Hội quán là nơi tập hợp nông dân cùng sản xuất, làm ăn một nông sản. Họ sẽ họp định kỳ để bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm, sau đó là liên kết giúp đỡ nhau. Tránh tình trạng phá giá hoặc bị thương lái ép giá. Các cơ quan chức năng cũng dễ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn. Từ từ họ sẽ tiến tới thành lập HTX. Mô hình này là ý tưởng và nỗ lực duy trì từ ông Bí thư Hoan.

Cây xoài nhà tôi - một mô hình “độc” giúp nông dân xích lại gần hơn với khách hàng.

Một kiểu ứng dụng 4.0 khác, nông dân trồng xoài huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp lại có cách quảng bá vị xoài Cao Lãnh ngọt lịm, thơm lừng thông qua mô hình "cây xoài nhà tôi". Khách hàng có thể mua trọn 1 cây xoài được chào bán và thường xuyên thăm viếng "đứa con" của mình trực tiếp hoặc từ những hình ảnh, thông tin người trồng gửi. Để từ những hình ảnh cập nhật liên tục đó người mua online hiểu hơn về vị ngọt và cả vị đắng trong sự cực khổ của người nông dân.

Ông Lê Minh Hoan chia sẻ rằng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với nông nghiệp Việt Nam. Theo ông, việc phải làm là giúp nông dân tiếp cận và có thể làm chủ được tri thức. Cho nông dân học cách làm hay, tăng hiệu quả... thì vai trò của Nhà nước là cung cấp được càng nhiều dữ liệu thông tin càng tốt để qua đó người nông dân tự quyết định.

Tam Long
.
.
.