Đông ấm trên cao nguyên đá

Thứ Tư, 07/02/2018, 16:55
"Cảm ơn các cán bộ nhiều lắm, thế là mùa đông này con tôi đã không còn lạnh nữa rồi. Cái bệnh cũng được cán bộ cho thuốc uống, con ma rừng không còn dám hoành hành nữa..."- Đó là những lời gan ruột mà bà con nơi địa đầu Tổ quốc thổ lộ với chúng tôi trong cuộc hành trình khám chữa bệnh, phát thuốc và tặng chăn ấm cho bà con các xã Niêm Tòng, La Và Chải, Na Khê... của tỉnh Hà Giang.


Hành trình đến với bà con

Đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội từ tờ mờ sáng trong tiết lạnh đầu đông đang bao phủ miền Bắc. Cái lạnh đầu mùa như làm cho mỗi ai đó chưa kịp thích nghi, tê tái lạnh. Ai cũng cố khoác lên cho mình thêm bộ áo khoác, chiếc khăn che lạnh bởi thông tin từ Hà Giang báo về, nhiệt độ dưới 10 độ C.

Phải mất hơn mười tiếng đồng hồ ngồi xe, Hà Giang hiện dần ra sau những màn sương mù bao phủ. Phía xa xa, khuất dần trên những sườn núi là hình ảnh khói mờ đang quyện với sương chiều. Tiếng lục lặc của trâu bò trở về sau một ngày kiếm ăn trên nương, rẫy; thoảng đâu đó mùi cơm chín vương trong gió.

Con đường càng trở nên vất vả hơn bởi cơn mưa rừng trước đó khiến cả đoàn mắc kẹt 2 giờ đồng hồ mới đến được Mèo Vạc. Vừa xoa xoa đôi bàn tay vào nhau để tăng thêm hơi ấm, bác sỹ Đặng Tiến Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc hồ hởi: "Chờ đoàn từ sáng, đến được đây trong cái giá lạnh tê tái thế này là quý lắm rồi các đồng chí ạ".

Cảm nhận từ đôi bàn tay và đôi mắt từ vị bác sỹ "bỏ quê lên non" đã ngót hai chục năm mới thấy sự nồng nhiệt và ấm áp nhường nào. "Cơ sở còn thiếu thốn lắm, nhưng được bà con đùm bọc là vui lắm rồi" - vừa dõi đôi mắt khắp bệnh viện, vị bác sỹ vừa giới thiệu về cơ sở vật chất cho thực khách nhìn, chúng tôi biết những khó khăn kia còn nhiều hơn những gì anh kể.

Đại tá Nguyễn Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát, Bộ Công an trao những tấm chăn ấm cho các cháu.

Khi những tiếng gà mới rền vang tiếng gáy gọi ngày mới bắt đầu, chúng tôi đã bị đánh thức bởi tiếng huyên náo từ cổng vọng vào. Kéo vội tấm kính cửa phỏng, chúng tôi ngỡ ngàng nhận ra bà con đã tề tựu về trụ sở Bệnh viện để được khám, cấp thuốc. Khoác vội tấm áo khoác lên người, anh Long giải thích: "Bà con biết có bác sỹ từ Hà Nội lên khám, cấp thuốc nên đã kéo đến từ rất sớm. Ai cũng mong lắm".

Ngay từ 7h, những người dân đầu tiên bắt đầu được các y, bác sỹ thăm khám và kiểm tra sức khỏe. Bởi tuyến huyện nên cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị còn khá nghèo nàn, nên đoàn quyết định khám sàng lọc trước và sau đó chuyển qua các phòng chuyên môn. "Mấy năm trước, bà đi nương khỏe như con beo, con lợn rừng, nhưng mấy tháng nay đột nhiên ngực đau, tức như có tảng đá đè lên vậy. Bác sỹ vừa khám cho rồi, do làm nặng, lao lực quá thôi. Chỉ về ăn uống, nghỉ ngơi tẩm bổ là sẽ hết" - bà Sin Seo Mìn thôn Thèn Phùng cho biết. Ra về, bà không quên gửi lời cảm ơn vì đoàn còn cho cả thuốc về uống.

Đã bước vào cái tuổi 85, nhưng cụ ông Hoàng Văn Sắm thôn Niêm Tòng có đến hơn 60 năm làm bạn với... rượu. "Các bác sỹ khám bảo tôi chưa chết là may lắm rồi các chú ạ. Thời trai trẻ, tôi uống rượu bằng bát, uống hết ngày này qua ngày khác. Giờ phải nghe lời bác sỹ thôi, phải cai cái rượu thôi" - cụ cười để lộ hàm răng chiếc còn, chiếc mất.

Chàng trai Vàng Phà Thành bị tróc lở da. Gia đình đã vài lần mời thầy về cúng vì cho rằng bị con ma rừng nó theo, nó yêu, nó làm cho Thành phải làm chồng nó. "Nghe thấy bác sỹ ở dưới xuôi lên, tôi đưa cháu đi khám xem sao thì mới biết cháu bị bệnh ngoài da. Chỉ cần bôi thuốc và giữ gìn sạch sẽ là khỏi" - bố Thành cho hay.

Loáng cái, màn đêm đã bắt đầu bao phủ, đẩy lùi ánh sáng ban ngày về phía chân trời xa xa. Công việc khám, tư vấn, cấp thuốc cho đồng bào đành khép lại. Nhìn những ánh mắt mệt mỏi nhưng toát lên vẻ vui tươi và hạnh phúc của đoàn công tác, chúng tôi biết họ còn nhiều, nhiều lắm những nhiệt huyết ở lại nơi đây.

Ngay từ đầu giờ sáng, các cháu học sinh đã vượt những quãng đường bùn đất nhão nhẹt để đến với đoàn mới cảm nhận hết nỗi lo toan, vất vả và thiếu thốn nơi đây.

Cho một mùa đông ấm áp

Ngót hai chục  năm từ Thái Bình lên Mèo Vạc công tác, bác sỹ Đặng Tiến Mạnh rưng rưng: "Nằm gai, nếm mật nhiều rồi nhà báo ạ, nhưng lần đầu tiên tôi rơi nước mắt bởi chính những đồng nghiệp của mình lại tặng cho mình tấm chăn ấm. Món quà không lớn nhưng tôi sẽ có một mùa đông ấm áp nơi đây". 

Ngoài công tác khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc, đoàn công tác lần này mang theo chăn ấm, ga trải giường cho bà con và chính đội ngũ y, bác sỹ nơi đây. Đại tá Ngyễn Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát cho biết, trước đó một tháng, đoàn thanh niên của Cục cũng lên thăm, tặng quà cho một trường học nơi đây. "Nhìn các cháu khổ quá, đến cái ăn còn chưa đủ thì nói gì đến cái mặc. Bởi vậy, chúng tôi mang thêm chăn ấm cho các cháu nơi đây".

Được biết, trước đó Đoàn Thanh niên của Cục Tham mưu Cảnh sát cũng đã góp công, sức để xây dựng một trường học cho các cháu học sinh thuộc địa bàn huyện Mèo Vạc. "Nhìn các cháu co ro trong giá lạnh, trong nhà bán trú mùa mưa thì dột, mùa đông thì gió. Chẳng đủ che ấm được. Đoàn thanh niên của cục đã phối hợp cùng các đoàn thể góp chút sức lực mong mang lại một điều gì đó tốt đẹp hơn cho các cháu" - Đại tá Bình chia sẻ.

Cụ bà Nùng Seo Din, thôn bản Đả phấn khởi: Đã được khám bệnh miễn phí về lại có cả thuốc uống và có chăn đắp nữa. "Con dâu tôi mới sinh, ông nhà đang định bán con trâu đi để mua chăn cho cháu. Nhưng giờ có chăn cán bộ cho rồi, không phải bán trâu nữa chú ạ. Thế là cháu tôi không sợ bị lạnh nữa".

Một mùa đông ấm áp hơn với những người già trên cao nguyên đá này.

Bước vào ngôi trường dân tộc bán trú Lao Và Chải, trong căn phòng các học sinh ở lại chỉ vài tấm chăn đã sờn rách như không thể rách hơn. Hình ảnh cậu học trò Tần A Cẩn nằm co quắp trong chiếc chăn sờn rách chúng tôi không thể cầm lòng. "Cảm ơn các chú nhiều lắm. Thế là cháu có chăn để đắp cho mùa đông này rồi". Nhìn Cẩn tay vân vê tà áo, mắt đăm đăm vào tấm chăn ấm, chúng tôi có cảm giác mùa đông đã lùi đi rất xa nơi đây.

Nhìn những bước nhảy chân sáo của cô bé Thào Thị Chía, trên tay ôm khư khư tấm chăn như chỉ nới lỏng vòng tay là tấm chăn kia sẽ biến mất. Chúng tôi hiểu, em hạnh phúc biết nhường nào.

Chia tay cao nguyên đá, chúng tôi ngược về với công việc thường nhật của mình sau 2 ngày sống, sinh hoạt cùng bà con, phó đoàn Vũ Xuân Quang, bác sỹ Bệnh viện E  tiếc nuối: Ít ngày quá, giá như có thêm thời gian, chúng ta còn làm được nhiều việc nữa. Bà con và đồng nghiệp còn cần chúng ta nhiều lắm.

Hà Giang dần lùi xa, những nụ cười, giọng nói tiếng kinh còn lớ lớ vẫn vang vọng quanh đây. Chẳng ai nói với ai, nhưng chúng tôi biết, một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại. 
Giang Vương - Tuấn Anh
.
.
.