Đồng cam cộng khổ với đồng bào vùng cao

Thứ Tư, 27/12/2017, 14:27
Gắn bó với đồng bào dân tộc ở Hà Giang từ những ngày đầu chân ướt chân ráo ra trường, còn gặp vô vàn khó khăn, vất vả, hơn ai hết Trung tá Trần Minh Hải hiểu được những thiếu thốn của bà con dân tộc vùng cao, nên khi chuyển công tác về Hà Nam, anh nhiệt tình kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ và tham các chương trình thiện nguyện giúp đỡ bà con dân tộc, nơi anh đã từng gắn bó.


Gắn bó với đồng bào dân tộc ở Hà Giang từ những ngày đầu chân ướt chân ráo ra trường, còn gặp vô vàn khó khăn, vất vả, hơn ai hết Trung tá Trần Minh Hải (hiện đang công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Hà Nam) hiểu được những thiếu thốn của bà con dân tộc vùng cao, nên khi chuyển công tác về Hà Nam, anh nhiệt tình kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ và tham các chương trình thiện nguyện giúp đỡ bà con dân tộc, nơi anh đã từng gắn bó.

Năm 1998, sau khi ra trường, Trung tá Trần Minh Hải được phân công về công tác tại Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những tỉnh khó khăn, vất vả nhất của vùng địa đầu Tổ quốc. Ngày ấy, đường lên Mèo Vạc đầy gian nan, nguy hiểm, một bên núi cao, một bên vực thẳm, đường đi hiểm trở đầy ổ voi ổ gà, lởm chởm đất đá. Đặc biệt đường vào các thôn bản chỉ là đường mòn, xe máy không vào được tận nơi.

Trung tá Trần Minh Hải (góc trái) và các đồng nghiệp trong một chuyến từ thiện.

Mỗi lần xuống địa bàn, anh Hải và các đồng nghiệp phải đi bộ cả chục cây số. Lúc ấy anh làm cán bộ an ninh dân tộc, phụ trách vùng dân tộc Mông và Dao. Đây là những vùng khó khăn, nghèo đói nhất của huyện. Đi vào bản vào mùa đông rét mướt, người dân nghèo đến mức chăn cũng không có mà đắp. Ưu ái cho cán bộ lắm họ lấy cái váy của phụ nữ Mông để các anh đắp ngủ cho đỡ lạnh trong khi nhiệt độ ngoài trời có khi xuống tới 4-5 độ C.

Vì dân trí thấp, thiếu hiểu biết nên họ thường xuyên bị các đối tượng xấu  dụ dỗ, lôi kéo theo đạo trái phép và kích động dân di cư tự do vào Tây Nguyên. Việc tuyên truyền, vận động bà con hiểu và làm theo chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là cực kỳ khó. Những ngày bám bản "ba cùng" cùng bà con dân tộc, anh và các đồng nghiệp càng thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của bà con nơi đây. Nhưng ngày ấy, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ cũng chẳng khá hơn là mấy. 

"Phương tiện thông tin không có, anh em cũng không thể kêu gọi giúp đỡ bà con. Chỉ vận động được bà con không bị các đối tượng phản động lôi kéo dụ dỗ, rồi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con đã là tốt lắm rồi", Trung tá Hải chia sẻ.

Trung tá Trần Minh Hải trao quà cho người nghèo.

Năm 2006, Trần Minh Hải được điều về Công an tỉnh Hà Nam công tác. Sau đó anh chuyển sang Công an thành phố Phủ Lý từ năm 2012 đến hết tháng 4-2015. Từ đó đến nay anh công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh. Cuộc sống gia đình, công việc đỡ vất vả hơn, anh bắt đầu tham gia vào các tổ chức thiện nguyện và kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ các vùng đồng bào dân tộc.

Anh tham gia nhóm thiện nguyện của Đại úy Trần Anh Tuấn, cán bộ Phòng xây dựng lực lượng Đại học PCCC, vận động ủng hộ quần áo ấm trong đợt rét đậm rét hại cho học sinh Trường Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang).  Minh Tân là xã nghèo nhất huyện Vị Xuyên, núi cao bao bọc bốn bề. Học sinh ở đây thiếu thốn đủ đường, từ quần áo đến sách vở, đồ dùng học tập.

 Bên cạnh đó, anh Hải còn tham gia vận động bạn bè, đồng nghiệp đóng góp, ủng hộ xây điểm trường tại xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc và xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần. Năm nay, anh cùng nhóm Áo ấm Hà Nội vận động xây một cây cầu qua suối cho nhân dân ở xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình (Hà Giang). Nhóm Áo ấm được thành lập từ 2012 do một giảng viên trường Đại học khoa học xã hội nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội làm trưởng nhóm. Hiện nhóm đã kêu gọi, xây dựng được hơn 60 lớp học cho các em học sinh nghèo. Riêng năm nay, nhóm xây được 12 điểm trường cho các vùng cao. Hiện anh Hải đang kết nối để kêu gọi, xây dựng thêm 2 trường nữa cho đồng bào Hà Giang.

Những địa điểm Trung tá Trần Minh Hải cùng bạn bè, đồng nghiệp kêu gọi ủng hộ đều là những vùng khó khăn, thiếu thốn nhất của Hà Giang, đã từng gắn bó với anh trong suốt những năm tuổi trẻ công tác tại mảnh đất vùng sâu vùng xa này. Có những cuộc vận động, anh chỉ tham gia rồi chuyển tiền, quà mà mình quyên góp được cho người đứng ra tổ chức, còn cuộc nào anh trực tiếp đứng ra kêu gọi, ủng hộ, anh đều đồng hành cùng mọi người đến với đồng bào vùng cao từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc.

Trung tá Trần Minh Hải trao quà cho các hộ gia đình khó khăn.

Năm ngoái, Trung tá Trần Minh Hải trực tiếp vận động ủng hộ cho 196 hộ dân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình với số tiền 98 triệu đồng trong đợt lũ lịch sử; ủng hộ 11 hộ gia đình bị cháy nhà ở xã Kim Thạnh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang với số tiền 22 triệu (2 triệu đồng /hộ); vận động ủng hộ gia đình anh Hạnh chị Mơ có hoàn cảnh vô cùng khó khăn ở xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam 1 cặp bò trị giá 20 triệu đồng; vận động ủng hộ 5 gia đình bị lũ quét sập nhà ở Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình với số tiền 20 triệu đồng; vận động mua quần áo ấm, chăn ấm cho các em học sinh Trường THCS, Tiểu học, Mầm non xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang với số tiền trên 20 triệu đồng; ngoài ra còn vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Hà Nam và một số hoàn cảnh khó khăn khác ở các tỉnh khi có các nhóm thiện nguyện đứng ra tổ chức.

Anh Hải tâm sự, không phải cứ ai nhờ kêu gọi giúp đỡ là các anh vận động ủng hộ, mà phải đi xác minh cẩn thận, sợ trao nhầm người, kể cả khi báo chí đã đưa tin, bởi cuộc sống này còn nhiều những mảnh đời bất hạnh lắm, các anh muốn sự giúp đỡ của mọi người được đến đúng nơi, đúng chỗ. Ngay cả khi tham gia hoạt động cùng một nhóm thiện nguyện nào đó, anh cũng phải tìm hiểu kĩ càng, thấy hoạt động của họ thiết thực, lịch sử phát triển tốt anh mới tham gia. Công việc chuyên môn bận rộn nên anh chỉ tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần tham gia những chuyến đi thiện nguyện. 

Kỉ niệm thì nhiều không kể xiết bởi những vùng các anh đến đều xa xôi hẻo lánh, đường đi vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Như chuyến đi ủng hộ cho 5 hộ ở Mường Chiềng (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) trong vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng, các anh phải vượt qua cung đường gần trăm cây số ngoằn ngoèo, dốc hiểm mất 6-7 tiếng đồng hồ. Vào đến nơi chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang, không khí tang thương bao trùm, không ai cầm được nước mắt...

Anh bảo rằng có đi đến tận nơi mới chứng kiến bao mảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ, mới thấy cuộc sống của chúng ta còn quá nhiều may mắn. Anh chỉ mong rằng những việc làm thiết thực này sẽ được nhân rộng để mang đến nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc cho người nghèo. May mắn nhất với anh là có được người vợ cùng ngành tần tảo, chịu khó, luôn thấu hiểu cho công việc của chồng. Chính chị luôn là người động viên anh nhiệt tình và đam mê với công việc thiện nguyện này.

Ngọc Trâm
.
.
.