Dòng sông mà biết nói năng

Chủ Nhật, 15/12/2019, 10:43
Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã đổ không ít tiền của để cải tạo sông Tô Lịch. Tuy nhiên, cho tới lúc này đây vẫn là con sống chết.


Những ngày qua, câu chuyện liên quan đến việc Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường (JEBO) Nhật Bản sau khi phủ nhận phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc JEBO tiến hành thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor mà chưa xin phép thành phố, sau đó lại có văn bản đính chính đã khiến dư luận quan tâm bởi lần đầu tiên, lãnh đạo thành phố và một tổ chức nước ngoài đã phải "nói đi nói lại" trên truyền thông vì một sự việc.

Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã đổ không ít tiền của để cải tạo sông Tô Lịch. Tuy nhiên, cho tới lúc này đây vẫn là con sông chết. Với chiều dài 14km, sông Tô Lịch bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. 

Theo ước tính của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Với lượng nước thải khổng lồ, trong đó có cả nước thải sản xuất công nghiệp hàng ngày đang đổ xuống sông Tô Lịch, việc xử lý bằng công nghệ Nano-Bioreactor xem ra không hiệu quả. Bởi việc làm sạch nước sông Tô Lịch và hồ Tây theo công nghệ Nano-Bioreactor của JVE được thí điểm từ ngày 16-5-2019. 

Công nghệ này gồm hai yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn. 

Sau gần 6 tháng, ngày 10-11, các thiết bị phục vụ thí điểm đã được tháo dỡ. Ở đoạn sông thí điểm, mùi hôi đã giảm, nhưng nước vẫn đen kịt, không khác biệt so với những khu vực khác trên sông Tô Lịch.

Mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố sẽ xây dựng hệ thống thu gom nước thải hai bên bờ sông Tô Lịch, dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. 

"Hiện chỉ còn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về Nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý", ông Dục cho biết. Dự kiến năm 2021, hệ thống thu gom này sẽ hoàn thành và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.

Đầu tháng 11-2019, tại hội thảo khoa học "Giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch", ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội trình bày giải pháp bổ cập nước vào hồ Tây với phương án: Xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng, tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua ngõ 464 Âu Cơ - qua đê - đi theo đường Lạc Long Quân - đi vào ngõ 612 Lạc Long Quân - đi vào lòng mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây; tận dụng tuyến mương tiêu để làm bể lắng cát thô và xây dựng bể lắng cát tinh trong hồ cạnh Công viên trước khi đưa nước vào hồ Tây. Nước hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để pha loãng, cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. 

Dự án dự kiến sử dụng 4 máy bơm công suất 2.500 m3/giờ, trong đó 3 máy chạy thường xuyên, 1 máy dự phòng. Các nhà khoa học đánh giá dự án có tính thiết thực cao, tiết kiệm chi phí, đạt mục tiêu bổ cập nước cho hồ Tây trong mùa khô đồng thời pha loãng, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, phù hợp với quy hoạch thoát nước và xử lý nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Vậy là cho tới lúc này, vấn đề người dân Hà Nội quan tâm là bao giờ dòng sông "chết" Tô Lịch mới hồi sinh thì chưa có ai trả lời chính thức. Nhưng từ câu chuyện này, một câu hỏi đặt ra là trong khi đang có rất nhiều cơ quan nghiên cứu của các trường đại học, của Bộ Tài nguyên - Môi trường, của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… đều đặt trụ sở tại Hà Nội nhưng tại sao những năm qua không thấy đơn vị nào nghiên cứu để tìm ra giải pháp thiết thực cứu sông Tô Lịch? 

Các nhà khoa học đang ở đâu khi vấn đề bức xúc của đời sống đang đòi hỏi sự vào cuộc của các vị? Hà Nội chắc chắn không thiếu tiền để đầu tư cho các dự án nghiên cứu thiết thực này. Vậy mà ngoài sông Tô Lịch, còn nhiều dòng sông khác ở Hà Nội cũng đã chết hoặc đang chết vì ô nhiễm trong khi các nhà khoa học cứ "im hơi lặng tiếng".

Lâu nay, chúng ta vẫn phàn nàn rằng không ít công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu đều vướng mắc trong việc chuyển giao vào sản xuất và đời sống. Ðây là lý do khiến nhiều đề tài phải "xếp ngăn kéo" mà chưa có cơ hội được kiểm chứng về giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, đã đến lúc các nhà nghiên cứu cũng phải tự hỏi những nghiên cứu của mình có xuất phát từ nhu cầu thiết thực của cuộc sống hay chưa!

Tân Lương
.
.
.