Đồng tính không phải là điều gì quá mới mẻ

Thứ Năm, 22/10/2020, 14:44
Thiên hướng tính dục đa dạng đã có từ rất lâu, nhưng dưới sự chi phối của lễ giáo, đặc điểm xã hội, văn hoá, mà ít được ghi lại hay thừa nhận. Tra soát lại lịch sử, chỉ thấy những câu chuyện về đồng tính luyến ái nam được lưu truyền, một phần có lẽ là bởi trong hàng nghìn năm, phụ nữ không có được vị trí, tiếng nói trong xã hội, nên những câu chuyện đặc biệt về giới tính của họ càng không có cơ hội được hiển lộ.


Ở Trung Quốc, đồng tính luyến ái được ghi nhận từ thời Thương (khoảng 1766 TCN), Chu (1122 TCN) - hai triều đại đầu tiên được xác định rõ ràng về mặt lịch sử ở quốc gia này. Người ta vẫn còn nhắc đến "mối tình chia đào" của vua Vệ Linh Công thời Xuân Thu chiến quốc với Di Tử Hà, hay câu chuyện Hán Ai Đế vì không nỡ làm tỉnh giấc người tình đồng giới là Đổng Hiền mà đã cắt tay áo (đoạn tụ). Thành ngữ "dư đào đoạn tụ" là xuất phát từ hai câu chuyện này, và "đoạn tụ" cũng trở thành cách gọi phổ biến cho quan hệ đồng tính luyến ái nam ở Trung Quốc.

Voltaire, nhà văn, sử gia, triết gia người Pháp thời Khai sáng cũng được cho là người tình của hoàng đế đương thời Alexander đại đế, một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử nhân loại, đã chinh phục gần như toàn bộ thế giới mà ông biết đến, cũng gây tranh cãi cho hậu thế bởi mối tình đồng giới chàng chỉ huy đội kỵ binh Hephaestion.

Đã có rất nhiều cặp đôi đồng tính làm đám cưới và về sống chung một nhà.

Alexander đại đế dành thời gian bên cạnh tình nhân nhiều hơn bất cứ ai, và tám tháng sau khi Hephaestion chết, Alexander đại đế băng hà. Hay huyền thoại về đội quân gồm 150 cặp đồng tính nam - đội thần binh Thebes, đã đánh bại đội quân thiện chiến của thành Sparta vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại.

Tất cả đều đưa tới một đáp án, đồng tính luyến ái, hay các thiên hướng tính dục khác đã xuất hiện từ rất lâu, trước công nguyên hàng nghìn năm, không phụ thuộc vào môi trường, hoàn cảnh xã hội, văn hoá, lễ giáo, đấy là thiên hướng tự nhiên đa dạng về tính dục của loài người.

Con người, với bản năng luôn sợ hãi, phản ứng trước những gì khác với số đông, khác với tình trạng được cho là bình thường, nên đã có một chuỗi dài thái độ khác nhau với những thiên hướng tính dục ít phổ biến so với dị tính luyến ái. Trong lịch sử, có xã hội có quan điểm thoáng, thừa nhận (như Hy Lạp cổ đại), có xã hội bất thừa nhận, đưa ra những đạo luật, những hình phạt kinh hoàng với quan hệ tình cảm/ tình dục đồng giới, từ phạt đánh, phạt tù đến tử hình...

Mặc dù đến năm 2013 mới chỉ có 16 quốc gia chấp nhận hôn nhân đồng tính, không có quốc gia châu Á nào công nhận hôn nhân đồng tính, và vẫn còn hơn 80 quốc gia coi hành vi đồng tính là tội phạm (8 quốc gia có mức án tử hình), thì  ngày nay, khi xã hội thay đổi, cởi mở hơn, quyền con người được đề cao hơn, những người thuộc nhóm thiên hướng tính dục khác biệt cũng dần được sống thật dưới ánh mặt trởi.

Con người cũng loay hoay tìm cách nghiên cứu, giải thích về những thiên hướng tính dục khác biệt này. Thời kỳ trước năm 1973, đồng tính luyến ái từng bị coi là một bệnh hay rối loạn tâm thần. Các nhà khoa học cũng tìm cách tìm gen đồng tính (mà bất thành), hay đong đếm xem các yếu tố như tự nhiên, nuôi dưỡng, di truyền, nội tiết tố giai đoạn thai nhi... ảnh hưởng ra sao đến việc hình thành thiên hướng tình dục khác thường, nhưng cũng chưa đi đến đáp án thống nhất.

Khoa học chưa có lời giải đáp. thì ta quay ngược trở về với minh triết Phương Đông. Kinh Dịch trình bày sự hình thành của vũ trụ, vạn vật: "Vô Cực sinh Thái Cực/ Thái Cực sinh Lưỡng Nghi/ Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng/ Tứ Tượng sinh Bát Quái/ Bát Quái sinh vô lượng", quan điểm này khá giống với quan điểm của Lão Tử "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật".

Ảnh minh họa

Vô cực cũng như khái niệm "Đạo" của Lão Tử có thể coi là hư vô, là lẽ biến dịch huyền diệu của đất trời, là cội nguồn của sự sống màu nhiệm, Thái cực - Nhất, là lẽ biến dịch ở thời điểm khởi đầu, sinh ra từ trong hư vô, từ Đạo, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, nhất sinh nhị, tương ứng với khái niệm âm dương - hai thực thể đối lập ban đầu để tạo nên toàn vũ trụ. Vạn vật trên cõi đời này đều phân ra hai mặt âm và dương như ngày và đêm, nóng và lạnh, nam và nữ, đen và trắng...

Nhưng không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm luôn có dương, trong dương luôn có âm. Hình ảnh Thái Cực với biểu tượng bằng vòng tròn, phân đôi âm và dương, nhưng trong âm có chấm thiếu dương, trong dương có chấm thiếu âm để biểu diễn lẽ biến dịch không ngừng của vạn vật. Âm dương gắn bó mật thiết với nhau, vận động không ngừng chuyển hoá cho nhau. Âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương, dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.

Quả vậy, trong đêm đã có ngày, trong ngày có đêm, ngày tàn là lúc đêm sang, đêm tàn là lúc ngày tới, con người cũng vậy. Đạo giáo cho rằng, người đàn ông là dương, nhưng cũng có một chút âm (nữ tính) ở trong mình, và ngược lại tương tự với người phụ nữ. Khoa học cũng phát hiện ra, trong cơ thể nữ giới có tồn tại cả hormone sinh dục nam - Testosterone, và trong cơ thể nam giới có tồn tại hormone sinh dục nữ - Estrogen.

Đấy chính là trong dương có âm, trong âm lại có dương. Vậy thì, những người dị tính luyến ái chính là những người mà âm dương, hormone sinh dục tồn tại ở mức độ đúng, phù hợp với giới tính. Và những người thuộc những nhóm có thiên hướng tình dục khác (đồng tính luyến ái, song tính luyến ái, toàn tính luyến ái, vô tính luyến ái), là những trường hợp mà trong dương phát triển thái quá âm, trong âm lại phát triển thái quá dương, hoặc ở trong những ngưỡng thái quá của tình trạng âm dương khác gây nên những tình trạng đa dạng của xu hướng tính dục.

Nếu phân cực, thì đồng tính luyến ái đối lập với dị tính luyến ái, toàn tính luyến ái đối lập với vô tính luyến ái, tất cả đều cho bài toán quân bình âm dương của tạo hoá mà nên. Đa số dân số thế giới ở ngưỡng phù hợp với giới của mình, một số ở khu vực giữa của hai cực, có thể tương thích cả hai hướng, đấy chính là nguyên nhân của việc "bị bẻ cong", đang là dị tính luyến ái có thể chuyển sang đồng tính luyến ái hoặc song tính luyến ái.

Thực chất chẳng phải câu chuyện có bẻ cong được hay không, mà là bản thân người đó có ở mức âm dương quân bình có thể tương thích với cả hai giới hay không. Tương tự, những trường hợp không thể bẻ cong được là trong dương phát triển thái quá dương - những người đàn ông quá nam tính, phần nữ tính trong cơ thể quá nhỏ, hoặc trong âm phát triển thái quá âm - những người đàn bà quá nữ tính, gần như thuần âm.

Quy luật này đúng không chỉ với nhân loại. Nhân sinh đa dạng, thế giới loài vật cũng đa dạng, hành vi đồng tính được ghi nhận ở khoảng 1.500 loài động vật.

Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com).

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cờ của cộng đồng LGBT, hay cộng đồng toàn tính luyến ái, song tính luyến ái, vô tính luyến ái đều sử dụng những dải màu sắc đa dạng, đấy chính là tuyên ngôn về sự tồn tại đa dạng nhiều màu sắc của giới, của xu hướng tính dục, của nhân sinh. Đấy chính là tự nhiên, trong quy luật vận động tuần hoàn của âm dương.

Cá nhân tôi vẫn thích cộng đồng LGBT, họ đều là những cá nhân nhạy cảm, nhiều tài năng, khi được sinh ra ở ngưỡng phát triển thái quá của âm dương, sự tinh tế, độc đáo, tính sáng tạo của họ đều ở ngưỡng đặc biệt hơn hẳn mức thông thường.

Trước đây, tình yêu, hôn nhân đồng giới bị phản đối bởi trái lẽ tự nhiên, không thể thực hiện thiên chức/ nghĩa vụ như những cặp đôi dị tính thông thường sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống, hay xu hướng song tính, toàn tính, vô tính còn bị kỳ thị thì nay, với sự phát triển của khoa học, con người bắt đầu làm được những chuyện thần kỳ như thụ tinh, mang thai hộ, cũng như sự cởi mở hơn, nhân văn hơn, cơ may hạnh phúc và được thừa nhận của họ cũng rộng mở hơn. Tôi thật lòng cầu chúc cho cộng đồng LGBT, những nhóm có thiên hướng tính dục đặc thù có được một cuộc sống bình thường, đúng như lẽ tự nhiên đã sinh ra họ.

An Hạ
.
.
.