Đốt vàng mã: Một thói tục nên được loại bỏ

Thứ Tư, 28/02/2018, 09:34
Nhiều năm nay, thậm chí nhiều đời nay, việc đốt vàng mã đã trở thành một thói tục không thể thiếu trong đời sống tâm linh người Việt. Với quan niệm "trần sao âm vậy", mỗi ngày người dân cả nước đã đốt thành khói bụi nhiều tấn giấy, tiêu tốn hằng trăm triệu đồng.


Gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 31 đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Điều này đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân cùng các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa.

1. Trong bất cứ dịp lễ nào, từ ngày rằm, mồng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày hoá vàng, ngày cúng giỗ tổ tiên ông bà hay dọn nhà, giải hạn, lập bàn thờ, bốc bát hương... đều phải có ít nhất vài bó vàng tiền để đốt như là một sự gửi gắm và chăm lo cho những người đã khuất có một cuộc sống sung túc ở cõi âm, hoặc mong được thứ lỗi, hay có được sự thanh thản trong tâm hồn. 

Với suy nghĩ càng mua nhiều đồ hàng mã càng tốt, đồ càng đắt tiền càng có nhiều lộc và càng được bình an, người ta không ngần ngại lấy tiền thật để đổi lấy tiền giả là những tờ giấy xanh đỏ hay những vật dụng bằng giấy mầu. 

Nó không chỉ là quần áo, giày dép, tiền, vàng mã mà người ta còn đốt đủ thứ. Ông bà dưới cõi âm thì cần xe đẹp, ôsin, nhà tầng. Có người còn hóa theo cho bố mình "bà bé" để ở dưới bố đỡ hiu quạnh. 

Những gia đình có điều kiện, bố mẹ sợ cậu ấm dưới đó thiếu thốn còn hóa cả điện thoại di động, nhà cao tầng, xe hơi, máy bay, người giúp việc, bạn gái. Có gia đình sắm cho cô con gái yểu mệnh nào quần áo, túi xách, giày dép, nhẫn kim cương, đồng hồ...

Ô tô, nhà cao tầng là những món đồ mà nhiều cơ sở vàng mã sản xuất nhiều nhất.

Không những vậy, những người đang lao động và sinh sống tại nước ngoài, nơi được coi là văn minh tiên tiến cũng coi việc đốt vàng mã là không thể thiếu. 

Chị Anna Nguyễn (sinh sống nhiều năm tại Cộng hòa Liên bang Đức) tâm sự: "Bên này người Việt Nam hầu hết vẫn đốt vàng mã vào những ngày rằm, mồng 1, giỗ, tôi thấy nhiều gia đình ở đây bỏ ra tới vài nghìn đô để mua vàng mã đốt khi có người thân qua đời… Đúng là chúng tôi đang sống ở một nước văn minh nhưng việc đốt vàng mã như ăn sâu vào ý thức. Bên này có những người Việt Nam đã mở hẳn một tiệm để sản xuất buôn bán vàng mã, thu nhập cũng không phải nhỏ".

Vì thế, mới đây Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 31 đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường), di tích lịch sử văn hóa tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. 

"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam", công văn nêu rõ.

Giải thích điều này, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, trong các nghi thức và gốc rễ văn hóa Phật giáo không có tục đốt vàng mã. Đây là hành động không được khuyến khích trong đạo phật. 

Việc đốt vàng mã là một tín ngưỡng dân gian được du nhập từ Trung Quốc, người dân mặc định thành hình thức tâm linh để kết nối, gửi gắm nguyện vọng tới người đã khuất. Qua việc đốt vàng mã, người dân tin rằng, ông bà tổ tiên, những người đã khuất sẽ nhận được và sử dụng ở thế giới bên kia. 

"Đây là một quan niệm sai lầm, gây lãng phí nhiều tiền của và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Trong khi đó, số tiền dùng để mua vàng mã mang đốt có thể dùng vào các hoạt động an sinh xã hội (giúp đỡ người nghèo, xây dựng trường học, bệnh viện…) sẽ hiệu quả hơn rất nhiều" -  Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết.

Theo tìm hiểu, quan niệm sống chết đối với Phật giáo chỉ là hai mắt xích trong chuỗi sinh tử dài vô tận, từ vô thủy, cho tới ngày giải thoát tối hậu, con người đạt tới cảnh giới bất tử. 

Phật giáo không có khái niệm về một nơi chốn dành riêng cho người đã chết, mà dân gian thường hay gọi là cõi âm hay âm phủ. Đây chỉ là những từ ngữ của tín ngưỡng dân gian mà thôi. 

Trong một bài giảng Phật pháp, Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm có nói rằng: "Rất đáng tiếc là hiện nay, đa số tăng ni cũng không hiểu đạo lý ấy, thậm chí Phật tử ở Trung Hoa lục địa sang Đài Loan còn phát minh ra loại tiền giấy đặc biệt gọi là "tiền giấy vãng sinh", tức là trên một tờ giấy màu vàng, dùng mực đỏ in bài chú vãng sinh bằng chữ Phạn. Thực ra, công dụng tụng chú và tác dụng đốt tiền giấy là hai chuyện căn bản khác nhau… Hơn nữa, các tăng ni tụng kinh, lễ sám, cầu đảo v.v…đều có viết sớ. Đọc sớ xong rồi đốt sớ đi. Đó là bắt chước đạo gia đọc sớ cho quỷ thần nghe, đó là mê tín, hoàn toàn không có căn cứ gì trong giáo lý đạo Phật cả. Trong mọi việc, Phật giáo đều chủ trương lấy tâm thành kính để có cảm ứng. Đã đạt tới chỗ tâm thành và cảm ứng rồi, là có linh nghiệm, chứ không cần phải đốt lá sớ".

Đã có nhiều nhà chùa thực hiện "Hòm không đốt vàng mã để làm từ thiện".

2. Trên thực tế, không phải bây giờ mới có chuyện cấm đốt vàng mã mà việc này đã có từ trước, đây là vấn đề được bàn cãi, tranh luận khá gay gắt. 

Giáo sư - Tiến sỹ Đỗ Quang Hưng (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về vấn đề này: "Từ những năm 30 của thế kỷ trước, vấn đề đốt vàng mã đã được đặt ra và bàn cãi rồi. Thế nhưng vì điều kiện xã hội đương thời, việc đề nghị loại bỏ tục này đã không thành công. Đặc biệt nó là một tập tục, nhu cầu tâm linh tồn tại lâu dài trong đời sống người Việt Nam. Điều này sẽ rất khó thay đổi "một sớm một chiều", mà cần thực hiện từng bước". 

Theo Giáo sư Hưng, các cơ sở thờ tự, di tích lịch sử khó có thể cấm người dân mang theo vàng mã đến. Vì thế, ban quản lý, ban trị sự cần chủ động có phương án phòng chống cháy nổ, hướng dẫn du khách hạn chế sử dụng vàng mã và đốt vàng mã đúng nơi quy định. Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý văn hóa cần vào cuộc có những chế tài cụ thể về việc sử dụng vàng mã trong đời sống hiện nay.

Đốt vàng mã không chỉ tốn kém mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Còn nếu mọi người tin vào việc đốt vàng mã thì đó lại là một hành động đầy mâu thuẫn. Khi mà chúng ta luôn cầu nguyện cho người thân quá cố được tái sinh vào cõi an lành về với cảnh giới Tây phương cực lạc mà lại đi đốt tiền vàng mã, đồ dùng bằng giấy xuống âm phủ cho người thân tiêu dùng. 

Phải chăng chúng ta lại đang cầu cho người thân ở mãi cảnh giới u tối đó để tiêu tiền ma, đồ dùng ma hay sao? Thậm chí có người còn tỏ ra lo lắng là khi đốt xong không biết người thân có nhận được hay không? 

Rõ ràng, việc đốt vàng mã làm người sống thấy thanh thản hơn, an lạc hơn thì đó chỉ là một cách đánh lừa tâm thức. Nó chỉ là cách người ta an lạc tạm thời như người dùng thuốc phiện mà thôi. 

Con người muốn thảnh thơi, an lạc, không có gì ngoài cách hàng ngày chúng ta sống tốt, không làm điều ác, điều xấu, siêng làm việc thiện. Lúc đó tâm ta sẽ tự thấy thanh tịnh và bình an.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Đốt vàng mã là thể hiện dục vọng của người sống

Trong đạo Phật người ta không có tục đốt vàng mã, cái này nảy sinh từ một quan niện, một ý tưởng nào đó từ rất xa xưa và dần dần nó lan tỏa và phổ biến trong đời sống của chúng ta. Ban đầu, việc làm ấy có thể có một ý nghĩa nào đó, như là cách mà người sống gửi gắm thông điệp cho người đã khuất. Nhưng bây giờ người ta đốt vàng mã hình như cho chính những người đang sống chứ không phải cho người đã mất. Người ta đốt vàng mã với tất cả các loại: tiền nong, nhà cửa, xe cộ, ô sin… Cái đó chính là thể hiện dục vọng của người sống. Từ đó nó kéo theo rất nhiều hệ lụy. Có những người đốt vàng mã một cách khủng khiếp, tiêu tốn vào đó không biết bao nhiêu tiền. Cho nên những việc làm ấy nó đã phá đi những thuần phong mỹ tục, phá đi những giá trị khởi thủy ban đầu.

Từ một phong tục nào đó mang tính tâm linh của người đang sống dành cho người đã khuất của mình nhưng bây giờ nó lại biến thành vấn nạn của xã hội. Nó làm cho con người mụ mị, mê tín đi nhiều hơn. Và khi người ta không đốt nhiều, người ta sẽ cảm thấy như không an tâm. Cho nên việc các nhà phật giáo lên tiếng bỏ tục đốt vàng mã, có lẽ việc đó nên làm. Cá nhân tôi, tôi cũng sẽ thực hiện tốt việc đó. Có những người trong những ngày giỗ cha mẹ, họ không làm mâm cao cỗ đầy đâu, họ chỉ hương hoa thật thanh tịnh, chân thành, giản dị để tưởng nhớ tới người đã mất. Cái điều quan trọng nhất là chúng ta phải đối tốt với ông cha mình khi họ đang sống. Chứ không phải đợi khi chết rồi chúng ta mới tìm mọi cách để báo hiếu. Người sống luôn sợ rằng người đã khuất có thể trách móc, quấy nhiễu, không phù hộ nên họ làm tất cả những điều đó chỉ là để cho bản thân, cho chính những người đang sống mà thôi. Còn những người đã khuất, khi họ đã sang thế giới bên kia, đã được giải thoát khỏi kiếp nạn trong đời sống này, họ sẽ về nơi chốn mà chúng ta vẫn gọi đó là chốn vĩnh hằng, chốn thiên thu hay là niết bàn… nghĩa là được về nơi chốn thanh bình nhất. Nơi ấy không có đói nghèo, không hận thù, không đau khổ, không tham lam nữa thì người ta đâu cần những thứ mà người sống dâng lên. Ngay cả khi còn sống, nếu ông bà, cha mẹ chúng ta chẳng may có bị con cái đối xử tệ bạc, vô ơn thì họ vẫn tha thứ, nói gì đến việc sang đến thế giới bên kia rồi họ lại không che chở chúng ta. Cho nên tục đốt vàng mã nên được hủy bỏ.



Phong Anh
.
.
.