Dự án chung cư và dịch vụ công cộng TDC: Sau 8 năm vẫn là… hồ nuôi cá

Thứ Tư, 19/06/2019, 09:42
Được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6 - 2011, tuy nhiên cho đến thời điểm này, dự án chung cư và dịch vụ công cộng TDC của Công ty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng (Công ty TDC) vẫn là ao nuôi cá của các hộ dân phường Yên Sở; trong khi đó doanh nghiệp đã huy động vốn…


Lai lịch một dự án

Ngày 2-6-2011, UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TDC thực hiện dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC tại ô đất C11-CCKV2 và C11-OK3 phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Mục tiêu đầu tư được phê duyệt là xây dựng tổ hợp nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn và dịch vụ công cộng đồng bộ, hiện đại. 

Diện tích đất nghiên cứu quy hoạch tổng mặt bằng là 29.758m², trong đó diện tích xây dựng công trinh khoảng 28.474m², gồm: đất nhà ở cao tầng, đất nhà ở thấp tầng, đất văn phòng khách sạn, đất đường, cây xanh, bãi đỗ xe; mật độ xây dựng khoảng 42,8%, tầng cao công trình trung bình 11 tầng. 

Tổng mức vốn đầu tư dự kiến hơn 979 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là hơn 146 tỷ đồng; vốn vay và tự huy động: hơn 832 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV- 2011 đến quý I - 2014

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sau 8 năm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cho tới lúc này dự án vẫn là một ao thả cá rộng mênh mông ngay sát mặt đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai.

Hiện trạng Dự án chung cư và dịch vụ công cộng TDC vẫn đang là hồ thả cá.

Dấu hỏi về năng lực chủ đầu tư

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 20-9-2018, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Công ty TDC, lo lắng vì sau 8 năm dự án vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng trong khi lãnh đạo công ty đã huy động vốn, một số cổ động đã yêu cầu lãnh đạo công ty làm rõ một loạt nội dung liên quan tới dự án này:

Thứ nhất, căn cứ vào đâu để TDC chi trả 30 tỷ đồng cho đối tác để rút khỏi dự án trong khi trong Giấy chứng nhận đầu tư không có tên đơn vị này?

Thứ hai, Việc TDC mời Công ty MHD tham gia làm 75% dự án dựa trên cơ sở nào? Tính pháp lý của thỏa thuận này là không đảm bảo vì chưa được UBND thành phố Hà nội cho phép?

Thứ ba, theo luật đầu tư không cho phép huy động vốn hoặc chuyển nhượng dự án khi dự án chưa đủ điều kiện. Vì vậy việc Công ty TDC huy động vốn khối thấp tầng dưới hình thức hợp đồng đặt cọc khi chưa giải phóng mặt bằng và chuyển nhượng dự án có đúng quy định của pháp luật không?

Thứ tư, Công ty TDC ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Đầu tư MHD Hà Nội, trong đó TDC góp 392 tỷ đồng, tương đương 25,72% tổng mức đầu tư là vượt quá 35% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính gần nhất mà chưa thông qua đại hội cổ đông là vi phạm luật doanh nghiệp.

Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Công ty TDC cho biết quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án và xin cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2011 là sự hợp tác giữa TDC và đối tác. Đối tác không đủ điều kiện để làm chủ đầu tư dự án nên hợp tác với TDC. 

Sau này, bên hợp tác không tiếp tục thực hiện nữa nên thỏa thuận khỏi dự án và đề nghị TDC chi trả một khoản để thu hồi chi phí đã bỏ ra và hưởng một phần lợi nhuận khả dĩ khi dự án hoàn thành. Công ty TDC đã chi trả 1 tỷ đồng cho đối tác.

Việc TDC hợp tác với Công ty MHD Hà Nội là để huy động vốn cho việc giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư trong điều kiện TDC không huy động đủ vốn để thực hiện các công việc này. 

Công ty MHD Golf là công ty thuộc nhóm Công ty MHD HN, thay đổi đối tác từ MHD HN sang MHD Golf nhằm đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ phân chia giữa TDC và MHD chỉ là số tạm tính trong giai đoạn chuẩn bị dự án, phân chia thực tế được xác định khi thực hiện dự án. Hiện TDC đã huy động vốn từ các cá nhân được khoảng hơn 20 tỷ đồng…

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Tổng giám đốc Công ty TDC cho biết nguyên nhân sau 8 năm nhận giấy chứng nhận đầu tư mà dự án vẫn chưa xong việc giải phóng mặt bằng có nhiều lý do, trong đó có việc phải chờ thành phố điều chỉnh quy hoạch. Cuối năm 2016, thành phố mới phê duyệt mốc giới, sau đó Sở TN-MT mới cắm mốc giới dự án. 

Thứ hai và vướng giải phóng mặt bằng. Do khu đất này do các hộ gia đình đang quản lý, sử dụng sản xuất nông nghiệp nên UBND thành phố yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm thỏa thuận thống nhất với chủ sử dụng đất trước khi triển khai dự án. Cả khu ao này có diện tích tới 8ha, nhưng dự án chỉ có 2,9ha, còn lại là của các dự án khác. Hiện, công ty đang triển khai đền bù cho người dân với giá 3,8 triệu đồng/m².

Năm 2018, TDC đã xin điều chỉnh quy mô tầng cao công trình văn phòng, khách sạn, nhà trẻ, nhà ở thấp tầng. Thành phố đã đồng ý cho điều chỉnh, theo đó văn phòng - khách sạn được lên 20 tầng, nhà trẻ cao 3 tầng, nhà liền kề cao 5 tầng và 1 tum. 

Theo ông Quảng, việc TDC phải liên kết với Công ty MHD HN, và hiện là MHD Golf là vì TDC không đủ năng lực tài chính để thực hiện toàn bộ dự án. Ông Quảng cho biết hiện chi phí giải phóng mặt bằng là của đối tác vì TDC không có tiền.

Câu hỏi đặt ra là với năng lực tài chính như vậy, Công ty TDC có thể là chủ đầu tư dự án hàng trăm tỷ đồng hay không?

Nguyễn Thiêm
.
.
.