Dữ liệu của cảnh sát Pháp bị rò rỉ trên mạng Internet

Thứ Hai, 11/07/2016, 21:13
Dữ liệu cá nhân của 112.000 sĩ quan cảnh sát Pháp đã bị rò rỉ trên mạng Internet. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều tin tặc cũng đã tấn công hệ thống bảo mật của lực lượng cảnh sát và đánh cắp nhiều tài liệu quan trọng.


Hãng BBC của Anh cho biết, toàn bộ dữ liệu cá nhân gồm tên tuổi, địa chỉ, cuộc sống gia đình, sở thích, phong cách, sở trường, tính cách, số thẻ căn cước… của 112.000 sĩ quan cảnh sát Pháp đã bị đăng tải trên ứng dụng Google Drive ở Internet.

Cảnh sát ngay lập tức mở cuộc điều tra và phát hiện ra rằng, một nhân viên bất mãn làm việc trong cơ quan phụ trách các vấn đề phúc lợi, sức khỏe và bảo hiểm của cảnh sát Pháp đã đưa những dữ liệu này lên mạng Internet. Sau đó, anh này đã bỏ trốn và hiện cảnh sát đang truy lùng trên toàn quốc.

Dữ liệu cá nhân của 112.000 sĩ quan cảnh sát Pháp đã bị rò rỉ trên mạng Internet. ảnh: AP.

Tuy nhiên, cũng theo cảnh sát Pháp, các file dữ liệu đều có mật mã bảo vệ nên người ta hy vọng nó chưa thể bị tiếp cận. Nhưng không ai dám chắc về điều này bởi toàn bộ dữ liệu đã được đăng tải trên Google Drive từ hôm 2-6 và khoảng thời gian 1 tháng đủ để các hacker có thể tấn công và tải về rồi mở khóa mật mã để lấy tài liệu gốc.

Sau bê bối này, Bộ Nội vụ Pháp đã yêu cầu các Bộ, ngành và cơ quan phải rà soát lại quy trình khép kín trong việc bảo vệ danh tính của nhân viên để tránh nguy cơ bị lộ lọt. Đồng thời, Bộ Nội vụ Pháp cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát phải có giải pháp cụ thể để ngăn chặn việc này tái diễn.

Bên cạnh đó, an ninh cũng phải được tăng cường, nhất là đối với những sĩ quan cấp cao trong danh sách 112.000 người bị lộ lọt danh tính. Phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát Pháp Nicolas Conte cho biết, một "đơn vị vận động" trong lực lượng cảnh sát đã được thiết lập với mục đích trấn an tinh thần của các sĩ quan bị lộ lọt thông tin.

Đến nay, nhiều người thể hiện lo lắng bởi hồi trung tuần tháng 6, một nghi can khủng bố tên là Larossi Abballa đã sát hại Phó cảnh sát trưởng thành phố Les Mureaux Jean-Baptiste Salving và vợ ông là Jessica Schneider ngay tại nhà riêng. May mắn con trai nhỏ của họ đã thoát chết.

Điều đáng chú ý là việc rò rỉ thông tin trên mạng của lực lượng cảnh sát, an ninh đang ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia và trở thành tình trạng đáng báo động. Hồi tháng 2 vừa qua, một tin tặc có liên kết với nhóm Anonymous đã tung các dữ liệu chứa nội dung nhạy cảm của lực lượng cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ được lấy cắp từ kho dữ liệu của Tổng cục An ninh (EGM).

Tin tặc này chia sẻ công khai dữ liệu thông qua các dịch vụ chia sẻ dưới hình thức tệp tin cơ sở dữ liệu có định dạng myd, myi và frm. Trước đó, nhóm Anonymous còn đưa lên một trang web chia sẻ tài liệu thông tin cá nhân chi tiết của 16.000 người Phần Lan làm việc trong lực lượng cảnh sát.

Tin tặc tung ra các dữ liệu chứa nội dung nhạy cảm về lực lượng cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. ảnh: Getty

Danh sách này bao gồm danh tính, số an ninh xã hội, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ email của từng cá nhân như sinh viên, học viên trong các trường đại học cảnh sát, trung học cảnh sát và cả các sĩ quan cảnh sát làm việc tại các đồn, sở cảnh sát. Tại Nhật Bản, dữ liệu điều tra của cảnh sát cũng từng bị đăng tải trên Internet qua phần mềm chia sẻ file Winny.

Việc này đã khiến cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản phải ban hành lệnh cấm các nhân viên cài đặt phần mềm này trong máy tính cá nhân của họ và mang dữ liệu điều tra về nhà…

Nhưng có lẽ vụ khiến cảnh sát nước này đau đầu nhất chính là việc dữ liệu cá nhân của 4.400 người làm "tay trong" cho cảnh sát bị đăng tải lên mạng Internet từ một máy tính của nhân viên cảnh sát điều tra thuộc quận Ehime.

Kể từ đó, các nhân viên, sĩ quan cảnh sát Nhật Bản được lệnh không mang khỏi vị trí các máy tính sử dụng cho nhiệm vụ công và các thiết bị ghi âm khác mà không được phép sử dụng. Giới chức cảnh sát Nhật Bản còn cấm các nhân viên cảnh sát sử dụng phần mềm Winny hoặc các phần mềm chia sẻ khác.

Ngọc Khuê
.
.
.