Đừng biến Việt Nam thành bãi thải hàng hóa kém chất lượng

Thứ Tư, 19/06/2013, 13:56

Bước chân ra chợ, vào siêu thị, hay bất cứ cửa hàng tiêu dùng nào, từ thực phẩm tới áo quần, mỹ phẩm, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em....không chỗ nào không hàng Trung Quốc.

Câu chuyện hàng Trung Quốc độc hại tràn ngập thị trường Việt Nam đã không còn là chuyện mới. Nhưng điều đáng nói là ngày càng gia tăng mức độ trầm trọng đến mức báo động, làm ảnh hướng đến nền kinh tế và đầu độc sức khỏe người dân. Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn thừa nhận, chúng ta đang trở thành bãi phế thải của hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc.

Mỗi ngày hàng trăm tấn hàng lậu, không rõ xuất xứ vẫn tràn vào nước ta từ các cửa khẩu biên giới. Nho Trung Quốc dán mác nho Việt bán với giá cao gấp 10 lần giá nhập ngang nhiên "lừa" người tiêu dùng trong các siêu thị lớn. Các loại hoa quả như táo, lê, cam quýt chứa chất gây ung thư nằm trên các sạp hàng của hệ thống bán lẻ khắp nơi. Đồ chơi trẻ em Trung Quốc chứa chất gây ung thư, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh sản và não bộ của trẻ. Áo ngực phụ nữ "made in Trung Quốc" chứa chất lạ có thành phần gây ung thư.

Trứng gà Trung Quốc có tồn dư kháng sinh nhập vào biên giới giá 500đồng/ quả được bán tràn lan ở thị trường trong nước với giá 3000 đồng/quả. Gà thải loại Trung Quốc tẩm chất chống thối, có thể để trong 4 tháng vẫn tươi ùn ùn đi vào bàn ăn của các nhà hàng từ bình thường đến sang trọng.

Nội tạng động vật cũng với công nghệ tẩm ướp "chất độc giết người từ từ" trở thành đặc sản ở nhiều quán xá từ Bắc tới Nam. Mới đây nhất là tràn ngập tôm, cua, ốc, ếch, lươn Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam với giá rẻ, làm hoang mang người tiêu dùng, vì không thể biết chất lượng của các mặt hàng này ra sao...

Nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng những phát hiện và cảnh báo hãi hùng về chất lượng của hàng Trung Quốc, nhưng dường như lượng hàng Trung Quốc lậu tuồn vào Việt Nam vẫn ồ ạt theo cấp số nhân mỗi ngày. Với lợi thế giá rẻ, các mặt hàng Trung Quốc từ lâu đã lũng đoạn đời sống tiêu dùng người Việt và ngày càng có nguy cơ lũng đoạn sâu hơn.

Gà thải loại giá rẻ Trung Quốc ùn ùn vào Việt Nam.

Hiện nay, rất nhiều mặt hàng, từ hoa quả đến thực phẩm Trung Quốc kém chất lượng đã trà trộn vào thị trường trong nước, được các thương gia gian lận phù phép thành sản phẩm sạch, "cây nhà lá vườn" của người Việt để "chém đẹp" người tiêu dùng với giá cao ngất ngưởng. Ngay cả những người tiêu dùng thông minh, có ý thức tẩy chay hàng Trung Quốc cũng thực sự phân vân không biết hàng hóa mình lựa chọn có phải hàng trong nước "xịn".

Chưa có một cơ quan nào chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm về việc để hàng Trung Quốc kém chất lượng nhập lậu ồ ạt vào trong nước. Mặc dù chống buôn lậu là chức năng, nhiệm vụ của Hải quan và Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), nhưng người đại diện của Bộ Công thương, trong một trả lời phỏng vấn của báo chí lại cho rằng việc hạn chế nhập lậu hàng Trung Quốc cần đến sự phối hợp của nhiều Bộ ngành khác nhau. Không rõ các cơ quan liên ngành đã hành động những gì, nhưng thực tế thì tình trạng buôn lậu hàng Trung Quốc rẻ tiền, kém chất lượng vẫn ngang nhiên, chưa có hồi thuyên giảm...

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, có hai giải pháp được đưa ra, là các cơ quan chức năng phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những kẻ buôn lậu và làm trong sạch đội ngũ nhân viên hải quan- nơi có thể tiếp tay cho buôn lậu.

Theo cách xử lý hiện nay, mỗi cá nhân buôn lậu khi bị bắt sẽ phải nộp phạt 2,5 triệu đồng. Số tiền phạt đó quá "hẻo", không đủ sức răn đe, vì lợi nhuận của việc buôn lậu khủng hơn gấp nhiều lần. Vấn đề tiếp theo là nâng cao ý thức của người dân. Lãnh đạo Quản lý Thị trường  nhiều lần kêu gọi người dân hãy là người thông thái để phân biệt đâu là hàng Trung Quốc kém chất lượng...

Song, các giải pháp này dường như vẫn ở trên ngọn là chính, chứ chưa triệt tiêu tận gốc vấn đề. Để người tiêu dùng trở nên thông thái phải có quá trình. Trong bối cảnh nháo nhào hiện nay, ngay cả người tiêu dùng thông thái thực sự cũng khó mà phân biệt hàng Trung Quốc kém chất lượng.

Một khi chúng ta còn buông lỏng việc quản lý thị trường ở các khu vực cửa khẩu, biên giới, không rốt ráo hành động để ngăn chặn lượng hàng khổng lồ mỗi ngày tuồn vào Việt Nam, thì câu chuyện hạn chế hàng Trung Quốc kém chất lượng trên thị trường vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Người Việt đang phải trả giá bằng tính mạng, sức khỏe của mình, khi sa vào cái bẫy của tự do thương mại hóa. Xây dựng một hàng rào kỹ thuật thương mại nghiêm ngặt là việc chúng ta cần làm ngay, không thể chậm trễ.

Việt Nam đang trở thành "bãi thải" hàng kém chất lượng
(Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong- Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội)

Việc hàng Trung Quốc kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường Việt Nam gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hầu hết những hàng này nhập lậu, trốn thuế chứ không không chính ngạch, không đảm bảo yêu cầu chất lượng, đe dọa đến quyền lợi của người tiêu dùng, tạo hệ quả về mặt xã hội cho cộng đồng như sức khỏe của người dân, hay các rối loạn xã hội. Hàng nhập lậu cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, thu hẹp thị phần của hàng Việt Nam. Gây hiện tượng nhập siêu và tình trạng chảy máu ngoại tệ để nhập khẩu mặt hàng này.

Nguyên nhân của hiện tượng này, là Việt Nam và Trung Quốc đã có cam kết về thị trường tự do trong khuôn khổ Aseam +, nhưng hàng rào kỹ thuật của chúng ta còn quá yếu kém, nên để lọt quá nhiều hàng kém chất lượng. Hơn nữa, hàng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh về giá, nó rẻ hơn, nên được đại đa số người tiêu dùng lựa chọn. Cơ quan chức năng chưa có giải pháp đưa những hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hàng hóa và để cho tình trạng nhập lậu diễn ra quá tràn lan.

Cái lỗi của các cơ quan hải quan và lỗi của những người nhập khẩu, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình.

Việt Nam đang trở thành bãi thải công nghệ xấu, kém của Trung Quốc. Việc này gây tốn kém tiền tệ. Mặt khác, đẩy chúng ta thành lạc hậu về công nghệ, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe, lâu dài thành ảnh hưởng đến các thế hệ, suy vong giống nòi nếu nhìn xa hơn vấn đề.

Việc nhập ồ ạt hàng Trung Quốc kém chất lượng vào Việt Nam hiện nay chưa có thông báo cụ thể về những dấu hiệu phá hoại nền kinh tế, nhưng khi nhập ồ ạt những mặt hàng xấu, gây nhiễu thị phần, không đảm bảo chất lượng thì cũng là dấu hiệu của sự phá hoại.

Theo tôi, giải pháp để ngăn chặn việc hàng Trung Quốc xấu, kém chất lượng đang lan tràn thị trường Việt Nam trước hết là các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng chất lượng yếu kém, độc hại và những hệ lụy nghiêm trọng của những mặt hàng xấu như vậy để người dân cảnh giác.

Khâu kiểm soát kỹ thuật nhập khẩu của chúng ta đang quá yếu kém. Phải dùng các biện pháp mạnh hơn để hạn chế việc nhập lậu và những quy định để xử phạt những người có trách nhiệm buông lơi. Bộ Công Thương đang rất yếu kém trong khâu quản lý...

Chúng ta đang bị bào mòn bởi bệnh tật
(Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát)

Thực phẩm thối, hoa quả tẩm hóa chất cả tháng vẫn thấy tươi, đi đâu cũng thâý nhan nhản hàng Trung Quốc, từ quần áo, thực phẩm, đồ dùng... Toàn hàng độc hại. Các cơ quan chức năng phải chặn từ vùng biên trước. Không chỉ lo canh gác về đất đai, an ninh, lấn đất lấn cát mà phải lo cả vấn đề an ninh lương thực, đừng vì đồng tiền mà cho họ tuồn tất cả những thứ độc hại đó sang nhà mình. Tôi thấy hoàn toàn vì đồng tiền.

Những người sinh sống trong thành phố móc ngoặc với người vùng biên để mua những thứ độc hại về cho nhân dân. Phải tăng cường canh gác, và diệt tận nơi, vì phải có đường dây tiêu thụ, tiếp tay thì nó mới tràn lan thế. Chúng ta phải phạt thật nặng, đánh vào kinh tế không được thì phải đánh vào nhân thân. (Vì lợi nhuận của những món hàng này quá lớn khiến dân ta mờ mắt).

Chúng ta đang bị giết dần giết mòn bằng bệnh tật. Các nước phát triển có an ninh thực phẩm rất tốt, ngay từ khâu kiểm duyệt, họ không bao giờ cho những đồ tươi sống vào biên giới của đất nước họ. Tôi đi sang Úc, sang Mỹ, một quả chanh cũng bị  kiểm tra và họ phạt rất nặng. Cho nên,  hàng rào hải quan phải vì nhân dân, phải trung thực, không chỉ canh gác người mà phải đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.

Dân mình lo ăn nhậu nhiều, ăn tạp, ý thức của người mình cũng kém, coi trọng cái ăn quá, dễ dãi quá. Tại sao phải ăn những thứ mà chúng ta không biết xuất xứ từ đâu. Bệnh viện cứ ngập người lên, ung thư, u bướu nhiều như thế, cũng từ chất độc thực phẩm mà ra. Người mình ý thức cảnh giác rất kém.

Liệu đằng sau tất cả những câu chuyện đó, có phải chỉ là vấn đề kinh tế không. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, nhưng những tế bào đó đang bị bào mòn dần bởi bệnh tật thì hỏi làm sao xã hội phát triển. Những điều đó, gây nên một sự rối loạn trong xã hội.

Xã hội hiện nay khiến người dân bất an, lo lắng, ngay như siêu thị cũng toàn bán đồ Trung Quốc, các trung tâm mua sắm lớn cũng vậy, chả biết hàng hóa xuất xứ từ đâu. Vậy thì tin ai. Chả lẽ, mỗi người dân thành phố về quê mua lấy miếng đất mà trồng rau và nuôi gà. Chúng ta phải biết bảo vệ người dân của mình một cách sát thực, cụ thể hơn....

Thy Đoan - Việt Hà
.
.
.