Tạm dừng tuyển sinh hơn 200 ngành đào tạo ĐH:

Đừng chỉ dựa vào tiêu chí hình thức

Thứ Tư, 26/02/2014, 09:57

Việc đóng cửa 207 ngành nghề ở các trường đại học đang làm nóng lên dư luận những ngày gần đây. Trong tiêu chí để đánh giá chất lượng của một ngành đào tạo trong hệ đại học, số lượng và trình độ của đội ngũ giáo viên cơ hữu là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, với thực trạng nhan nhản các tiến sĩ "giấy" ở nước ta hiện nay, thì tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để đóng cửa 207 ngành nghề của các trường đại học, xem ra có vẻ máy móc và hình thức.

Không thể chỉ dựa vào tiêu chí tiến sĩ, thạc sĩ

Từ cuối tháng 3/2013, xuất phát từ kết quả rà soát ngành ĐH, CĐ trong trường đại học, các ngành bị dừng tuyển sinh không đáp ứng đủ điều kiện tại Khoản 1, Điều 7 của Thông tư 08 quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng. Với ngành đào tạo ĐH phải có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ, ngành đào tạo trình độ CĐ cũng phải bảo đảm có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Quyết định mạnh dạn này của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề dừng tuyển sinh một số ngành đào tạo không có chất lượng đã nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận khi đóng cửa các ngành đào tạo kém chất lượng, tràn lan, không đáp ứng được nguồn nhân lực theo nhu cầu thiết thực của xã hội.

Tuy nhiên, đằng sau quyết định được đưa ra gần đây này cũng đặt ra rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Việc áp dụng quy định này đối với các ngành học thuộc khối năng khiếu trở thành sự máy móc, thiếu thực tế khi quay phim, nhiếp ảnh… cũng cần phải có "tiến sĩ" mới thể hiện được "chất lượng" của ngành đào tạo.

Đại học Hà Tĩnh một trong những trường có số ngành bị dừng nhiều.

Theo quy định dừng tuyển sinh 207 ngành mà Bộ GD&ĐT vừa công bố thì Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội sẽ phải dừng tới 15 ngành đào tạo, gồm: Biên kịch sân khấu, Đạo diễn Điện ảnh-Truyền hình, Công nghệ kỹ thuật Điện, Điện tử, Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình, Nhiếp ảnh, Công nghệ Điện ảnh-Truyền hình, Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh, Lý luận và Phê bình điện ảnh - Truyền hình, Lý luận và Phê bình Sân khấu, Quay phim, Biên đạo Múa, Huấn luyện múa, Lý luận, Phê bình múa, Diễn viên sân khấu kịch hát, Đạo diễn sân khấu. Ông Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho biết để đào tạo ra một tiến sỹ về quay phim là vấn đề trước nay chưa bao giờ đặt rạ. Ở lĩnh vực thanh nhạc cũng vậy. Đó là những bộ môn nghệ thuật đặc thù, cần tài năng, cần niềm đam mê, những thứ mà không một tấm bằng tiến sĩ nào có thể mua được. Vì thế, không thể, không nên áp dụng một cách máy móc tiêu chí này đối với các trường nghệ thuật.

Chính thức trả lời về quyết định tạm dừng tuyển sinh hơn 200 ngành đào tạo đại học, về việc có những chuyên ngành đào tạo hẹp và đặc thù chưa có tiến sĩ ở nước ta như các ngành nghệ thuật, sân khấu, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết ở những chuyên ngành này, Bộ đã quy định rất linh động như không có tiến sỹ đúng chuyên ngành thì cần có tiến sỹ chuyên ngành gần, có các công trình nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực đó. Trường hợp bất đắc dĩ không tìm được tiến sỹ, có thể tăng số lượng thạc sỹ.

Theo Thứ trưởng, trong đào tạo đại học phải có người đầu tàu và học hàm tiến sỹ là người sẽ đảm nhận cương vị này để dẫn dắt sự phát triển của ngành đó. Nhưng bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiện cả nước có trên 2,2 triệu sinh viên đại học và cao đẳng, hơn 79 ngàn học viên cao học, hơn 6.200 nghiên cứu sinh. Tổng số giảng viên là 84.100 người, trong đó tiến sĩ là 9.152 người, thạc sĩ là 36.360 người. Như vậy số lượng tiến sĩ và thạc sĩ ở mỗi ngành về cơ bản toàn ngành vẫn chưa thể đáp ứng đủ chứ chưa nói đến các ngành học đặc thù? Dường như quyết định này của Bộ GD&ĐT chưa tính đến hết tất cả các phương án giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh. Và tiêu chí tiến sĩ, thạc sĩ chỉ là một trong những tiêu chí để xây dựng lên bộ mặt của một trường đại học. Nên có những cuộc khảo sát kỹ lưỡng và đồng bộ trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ dựa vào một yếu tố hình thức như thế. Nhất là ở xứ ta, tình trạng tiến sĩ "giấy", thạc sĩ "rởm" đang tràn lan.

Không "chuẩn" vẫn được cấp phép

Thông tư 08, căn cứ pháp lý trong việc mở các ngành đào tạo đại học đã có hiệu lực từ tháng 4/2011. Nhưng từ đó đến nay, có rất nhiều ngành nghề không đáp ứng được tiêu chí "cứng" vẫn được cấp phép đào tạo. (Con số đến nay là 500 ngành không đáp ứng được điều kiện có tiến sĩ và thạc sĩ). Một số ngành như điều dưỡng, dược học, kỹ thuật y học hình ảnh, kỹ thuật phục hình răng… của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Y Thái Bình không hề có tiến sĩ nhưng đã được cấp phép và tuyển sinh đào tạo nhiều năm nay.

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh bức xúc trước việc 15 ngành bị dừng đào tạo.
Đại học Hà Tĩnh một trong những trường có số ngành bị dừng nhiều.

Như vậy, trong số hơn 200 ngành bị dừng tuyển sinh, mỗi ngành ít nhất là 20 chỉ tiêu thì mỗi năm cũng có đến 2.000 sinh viên trúng tuyển vào những ngành học thiếu chuẩn nói trên và nguồn nhân lực đào tạo ra cũng là một nguồn nhân lực "lệch chuẩn". Từ thông tin tuyển sinh trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trong cuốn Những điều cần biết tuyển sinh ĐH và CĐ từ khi Thông tư 08 có hiệu lực đến nay, hàng trăm ngành bị dừng tuyển sinh ở trên đã được Bộ cấp phép mở ngành trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2013.

Ai đã cấp phép tràn lan cho những trường này mở ra hàng loạt các ngành đào tạo trong nhiều năm qua. Đây là một thực trạng mà Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần phải truy xét lại trách nhiệm của cơ quan cấp phép trước khi đưa ra lệnh cấm các ngành đào tạo.

Nhìn ngược lại từ phía các cơ sở đào tạo bị buộc dừng hơn 200 ngành đào tạo có những cơ sở không đáng gọi là trường ĐH chứ đừng nói đến đào tạo. Tệ nhất là những trường ĐH thuộc tỉnh được nâng cấp từ trường CĐ sư phạm lên thành ĐH và một số trường ĐH ngoài công lập từ những ngành sư phạm, khoa học, công nghệ cho đến những ngành thuộc khối kinh tế cũng không có tiến sĩ, thạc sĩ và thậm chí cả cử nhân. Thực trạng này cần có những khảo sát kỹ lưỡng, đồng bộ trước khi đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến các em học sinh.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Nếu khảo sát thêm các điều kiện khác, con số không dừng lại ở 200

Cách đây 3 năm, trong báo cáo kết quả giám sát về các điều kiện đảm bảo chất lượng GD, ĐH, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo về tình trạng quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo. Báo cáo cũng nhấn mạnh về những bất hợp lý trong việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ. Thực tế có nhiều trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp hoặc chuyển từ đào tạo chuyên ngành sang đa ngành không đáp ứng được điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc mở trường, mở ngành tràn lan dẫn tới tình trạng mất cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo. Nhiều trường ham tuyển sinh, để thu học phí. Tôi ủng hộ động thái này của Bộ Giáo dục và Đào tạo miễn là họ làm một cách công bằng, hợp lý. Việc dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH lần này mới chỉ là căn cứ vào kết quả rà soát tỉ lệ lực lượng giảng viên cơ hữu. Tôi tin rằng nếu rà soát các điều kiện khác nữa, chẳng hạn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện… thì số ngành không được tuyển sinh chắc chắn không thể dừng lại ở con số trên.

Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập: Ai cấp phép và ai cấm

Tôi nghĩ chúng ta nên có những cân nhắc và khảo sát kỹ lưỡng trước khi đưa ra một quyết định nào đó có ảnh hưởng đến rất nhiều người như thế này. Chúng ta nên đặt ngược lại vấn đề là ai đã cấp phép cho những ngành nghề này được đào tạo? Và phải kiểm tra, kiểm điểm nghiêm túc những người đi trước đã cấp phép ồ ạt cho các trường đại học, cao đẳng. Bởi quyết định mở rộng ngành học cũng là của Bộ Giáo dục và Đào tạo giờ chính Bộ lại dùng một quyết định khác để cấm, hậu quả của nó không hề nhỏ, nhất là đối với những sinh viên đang theo học các ngành này. Theo tôi, trước hết chúng ta phải làm một cuộc khảo sát kỹ lưỡng và công bằng, đồng bộ để đưa ra những quyết định thuyết phục. Chứ không thể đùng một cái muốn cho ra thì cho, rồi đùng một cái muốn triệt tiêu thì cấm. Mà tại sao khi cấp phép đào tạo thì cho rằng, đã đủ điều kiện, giờ cũng trường ấy, ngành ấy, lại bảo không đủ điều kiện. Phải chăng thời gian qua chúng ta đã quá chạy theo chỉ tiêu, thành tích, có những trường chỉ đạt tiêu chuẩn trung cấp thôi, mà cũng đẩy nó lên thành đại học. Chả ra làm sao cả. Hơn nữa, chỉ dựa vào tiêu chí bằng cấp như tiến sĩ, thạc sĩ là không thỏa đáng. Đừng dùng thước đo bằng cấp áp dụng vào một xã hội vốn luôn chạy theo thành tích và bằng cấp như xã hội ta. Nó hoàn toàn máy móc. Nhất là thời gian qua, ở ta có nhan nhãn tiến sĩ rởm, thạc sĩ rởm. Nói chung, tôi nghĩ Bộ Giáo dục cần có những khảo sát kỹ lưỡng, cẩn trọng, có tình có lý hơn trước khi đưa ra những quyết định như vậy.

Việt Hà - Huyền An
.
.
.