Đừng để bệnh từ miệng mà vào

Thứ Hai, 24/04/2017, 14:43
Khi xem những clip ghi lại cảnh người ta cho hoa quả vào thùng hóa chất trắng đục như nước gạo để giữ được tươi lâu hoặc phù phép cho thịt lợn thành thịt bò chỉ bằng một túi bột nhỏ…, chắc hẳn bạn sẽ rùng mình.

Những loại hoa quả, thực phẩm sau khi được tẩm ướp hóa chất đó sẽ bán trôi nổi trên thị trường. Ăn một lần có thể chưa gây nguy hiểm, nhưng tôi tin nếu dùng thường xuyên, đến một ngày nào đó, bệnh tật sẽ xuất hiện.

Một clip khác lại khiến nhiều người rất thú vị. Đó là việc các chuyên gia Nhật Bản trồng rau bằng công nghệ hiện đại ở Đà Lạt. Người Nhật vốn kỹ tính và tinh tế, nhưng khi đưa khách tham quan khu vườn của mình, họ sẵn sàng ngắt lá xà lách, không cần rửa mà đưa ngay vào miệng nhai ngon lành.

Minh họa của Lê Tâm.

Tất nhiên, ai cũng hiểu, với công nghệ hiện đại, rau được trồng trong những môi trường đặc biệt và quan trọng nhất là phải thật sự an toàn cho người sử dụng.

Vâng, bệnh từ miệng mà vào. Điều này chúng ta ai cũng hiểu và lựa chọn cách sống an toàn nhất khi ăn uống. Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng phải đối mặt với những mối nguy hại nảy sinh.

Sự vô cảm, chạy theo đồng tiền mà không từ một thủ đoạn nào của nhà sản xuất khiến cho nỗi lo về an toàn thực phẩm cũng ngày một lớn hơn.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các loại rượu không rõ nguồn gốc lại được tung ra thị trường. Đáng lo nhất là những chai rượu này có pha thêm cồn Methanol. Kết quả là tính riêng 3 ngày Tết, đã có 391 người phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc. Một số người không cấp cứu kịp đã tử vong.

Còn tính riêng trong năm 2016, cả nước đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.139 người mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Một ví dụ điển hình, trưa 8-3, tại nhà ăn của Công ty TNHH May mặc Ecotank (đóng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) đã xảy ra một vụ ngộ độc tập thể khiến 61 công nhân phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng lâm sàng nhức đầu, khó thở, đau gối.

Sau khi khám, số người có triệu chứng ngộ độc phải nhập viện điều trị là 51 người. Được cấp cứu kịp thời nên rất may toàn bố số công nhân đều qua khỏi.

Từ thực trạng đáng buồn đó, Bộ Y tế cho rằng, các vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến do công tác quản lý còn yếu kém; ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cả phía người dân cũng như doanh nghiệp vì lợi nhuận trong khi mức chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Cụ thể, qua kiểm tra, lực lượng thanh tra của 63 tỉnh, thành phố chỉ mới xử phạt gần 9.000 cơ sở với số tiền 26,3 tỉ đồng trong khi số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện là gần 57.000 vụ.

Từ ngày 15-4 đến 15-5, Bộ Y tế đã phát động và coi đây là tháng hành động vì an toàn thực phẩm với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu".

Tất nhiên, an toàn thực phẩm là việc phải làm thường xuyên, nhưng qua tháng hành động này, cả nhà sản xuất và người tiêu dùng sẽ có ý thức hơn về những sản phẩm mình dùng mỗi ngày, tôn trọng cộng đồng để hạn chế thấp nhất những hậu quả xảy ra.

Trong tháng cao điểm này, Hà Nội sẽ thành lập 600 đoàn kiểm tra, tập trung vào mặt hàng rượu và thực phẩm tươi sống. Còn tại TP. Hồ Chí Minh sẽ thành lập một đoàn thanh tra liên ngành để giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời đi kiểm tra thực tế tại các cơ sở.

Các sở, ngành, các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành kiểm tra thường xuyên hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn mình quản lý.

Tuy nhiên, việc kiểm tra an toàn thực phẩm rồi kéo theo điệp khúc "tịch thu, tiêu hủy, xử phạt" làm mãi cũng nhàm và chỉ giải quyết được phần ngọn. Quan điểm của Bộ Y tế cho rằng, về lâu dài, việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có sự thay đổi, nhất là cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng. Chỉ có như vậy mới tạo được sự thay đổi tư duy nhà sản xuất, nâng cao trách nhiệm của họ và giúp người dân có những biện pháp tích cực để bảo vệ mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.