Đừng để chính quyền mất uy vì vi phạm của cán bộ

Thứ Bảy, 30/05/2020, 15:52
Thanh tra TP Hà Nội vừa ban hành kết luận liên quan đến quá trình cưỡng chế, đầu tư dự án Công viên nước Thanh Hà. Trong đó chỉ rõ chủ đầu tư xây dựng công viên nước không có giấy phép xây dựng, xây dựng trên diện tích không thuộc quy hoạch công viên nước.


Khu đất này đã được quy hoạch là đất công cộng thành phố, đất cây xanh, sử dụng đất không đúng mục đích tổng diện tích 31.000m2. Khu đất này thuộc 3 lô đất đã được quy hoạch là đất công cộng, đất cây xanh thể dục thể thao và một phần đường giao thông nội bộ khu đô thị Thanh Hà.

Dù khi xây dựng đã bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng không giấy phép và yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm, xây dựng công viên nước. Khi UBND quận Hà Đông ra quyết định áp dụng khắc phục hậu quả, sau 20 ngày chủ đầu tư phải tháo dỡ mái che của 4 hạng mục, các hạng mục còn lại không tháo dỡ là vi phạm hành chính.

UBND quận ra quyết định cưỡng chế, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình không đúng phép trong vòng 15 ngày nhưng sau thời hạn trên, chủ đầu tư không chấp hành. Trách nhiệm để xảy ra vi phạm nêu trên thuộc Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 - người đại diện pháp luật là ông Lê Thanh Song, Phó chủ tịch HĐQT (người trực tiếp ký các hợp đồng thi công) và cán bộ có liên quan khác.

Theo Thanh tra TP Hà Nội, Công viên nước Thanh Hà có 19 hạng mục có giá trị lớn, chủ đầu tư ký hợp đồng với các đơn vị xây dựng công viên nước là 142, 449 tỉ đồng. Trong đó có 7 hạng mục có kết cấu nhựa, khung thép có thể tháo dỡ được nhưng UBND quận phê duyệt phương án phá dỡ theo đề xuất của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư phát triển công nghệ An Phát là thiếu thận trọng.

Việc UBND phường tổ chức cưỡng chế, phá dỡ 7 hạng mục gây bức xúc cho nhà đầu tư và băn khoăn trong dư luận. Trách nhiệm thuộc về ông Đào Quang Vinh Hiển, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị trong việc thẩm định phương án phá dỡ; ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận trong việc phê duyệt phương án phá dỡ Công viên nước Thanh Hà.

Theo kết luận thanh tra, UBND quận Hà Đông thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch, xây dựng đất đai dẫn đến không kịp phát hiện và xử lý vi phạm của chủ đầu tư xây dựng công viên nước.

UBND quận Hà Đông không báo cáo bằng văn bản với UBND TP, Sở Xây dựng về việc chủ đầu tư xây dựng công viên nước không phép, không xem xét xử lý trách nhiệm của Đội trật tự xây dựng, UBND phường, cá nhân liên quan. Các tồn tại, sai phạm trên của UBND quận dẫn đến công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành, đưa vào xây dựng sau này phải cưỡng chế phá dỡ gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín nhà nước.

Để xảy ra sai phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân ông Nguyễn Quang Ngọc - phó chủ tịch UBND quận Hà Đông phụ trách đô thị; ông Đào Quang Vinh Hiển - phó trưởng phòng quản lý đô thị không tham mưu ngăn chặn và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm; Chủ tịch UBND quận ông Vũ Ngọc Phụng là người đứng đầu đơn vị chưa xem xét xử lý cán bộ có liên quan đến xây dựng trái phép công viên nước. Ngoài ra chủ tịch, phó chủ tịch phường Phú Lương (quận Hà Đông) cùng nhiều cán bộ khác cũng bị yêu cầu xử lý.

Với kết luận này, sai phạm và trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về ai đã được chỉ mặt đặt tên. Tuy nhiên, từ vụ việc này, vấn đề đặt ra là năng lực quản lý của cán bộ chính quyền cơ sở có vấn đề.

Cả một công trình hoành tráng, xây dựng suốt nhiều tháng trời trên đất công cộng, đất cây xanh, vậy mà dù đã phát hiện, đã lập biên bản vi phạm nhưng chính quyền lại vẫn để chủ đầu tư hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng, thậm chí tại công viên nước này, chỉ trong hơn 3 tháng, liên tiếp 2 vụ tai nạn đuối nước trẻ em thì cần phải truy tận cùng trách nhiệm và xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm.

Ngoài vụ việc này, dư luận đang quan tâm tới việc phá dỡ công trình 8B Lê Trực. Mới đây, quận Ba Đình đã phải ứng 38 tỷ đồng để cưỡng chế phá dỡ tầng 18 số tiền là 10 tỷ đồng; tạm ứng kinh phí xử lý phá dỡ, tháo dỡ tầng 18 giai đoạn 2 là 28,2 tỷ đồng. Tổng kinh phí khái toán là 38,2 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ để xử lý một công trình vi phạm dây dưa trong nhiều năm.

Hậu quả từ những công trình vi phạm trật tự xây dựng là rất nặng nề. Vì vậy, để không xảy ra những vụ việc tương tự, không để cơ quan Nhà nước mất uy tín với dân, rõ ràng cần phải xử lý nghiêm cán bộ vi phạm chứ không thể chỉ rút kinh nghiệm hay xử lý hành chính.

Tân Lương
.
.
.