Đừng để con trẻ sống trong sợ hãi

Thứ Ba, 19/07/2016, 18:20
Những chiếc búp trên cành cần phải nhận được những gì tốt nhất của gia đình, xã hội để mãi mãi tươi xanh. Cần lắm sự đồng thuận trên nhiều phương diện trong sự quan tâm đến lứa trẻ măng non, nhất là chặn đứng sự bạo hành tàn độc trong nhà trường.

Thưa độc giả quý mến

Những năm qua, nhà nước ta luôn đặt lên hàng đầu việc chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng học tập cho lứa trẻ măng non. Những cái búp trên cành của cây xanh đất nước thực sự là những gì tinh túy nhất được toàn xã hội quan tâm. Các trường mầm non là nơi trẻ em được tiếp xúc đầu tiên của hệ thống trường học. 

Tại đây nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ và cộng đồng. Lứa trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đến trường trong những điều kiện tốt nhất có thể của gia đình, xã hội. 

Thế nhưng không phải tất cả đều là màu hồng, trong bức tranh toàn thể có những mảng tối giáo dục đáng sợ trong đó với sự trợ giúp của tiến bộ công nghệ, kỹ thuật đã phát hiện ra những hành xử bạo lực trong môi trường sư phạm với lứa tuổi mầm non. 

Hai bảo mẫu hành hạ trẻ em gây xôn xao dư luận này đã phải lĩnh án 3 năm tù cho hành vi vô nhân tính của mình.

Dù rằng đây chỉ là số ít nhỏ nhoi mang tính cá biệt nhưng cũng cần rung chuông báo động bởi với lứa tuổi này đó là những gì trẻ ấn tượng nhất, thậm chí đó là những ám ảnh suốt cuộc đời.

Có lẽ không cần cụ thể thì toàn xã hội chúng ta đã cảm thấy bất ổn và rúng động khi một số vụ trẻ bị bạo hành trong trường mầm non bị phát giác. Tôi đã rất sốc thậm chí không dám xem hết các clip được công bố trên mạng xã hội. Những đứa trẻ bị bạo hành chỉ là những em bé còn non nớt trí não bị những “mẹ hiền” bảo mẫu hành hạ một cách không thể dã man hơn. 

Nếu những gì chúng ta chứng kiến chỉ là nhất thời là một khoảnh khắc không may mắn bùng phát trong một giây phút tâm lý bất ổn của người bạo hành thì sự việc cũng đã đủ gây lo lắng cho cộng đồng huống hồ sự bạo hành kia là hệ thống thì hậu quả sẽ đến đâu. 

Tôi không tin những điểm trường có bạo hành đối với trẻ đã bị phát giác là nơi có sự giáo dục tử tế. Đối với trường công thì ở đó có những bảo mẫu bất nhẫn, còn đó là những điểm trường tư thục thì chẳng còn gì để nói. Đó thật sự là những hang ổ của tội ác.

Thưa quý vị độc giả!

Hệ thống giáo dục cấp mầm non từ nhiều năm trở lại đây đã có những đổi mới đa dạng về cả hình thức lẫn nội dung. Nếu như ở các thành phố và vùng đồng bằng sự phát triển của cả công lập và tư nhân đã đưa việc giảng dạy và chăm sóc trẻ mầm non ở ngưỡng chất lượng cả về dinh dưỡng lẫn đào tạo thì miền núi lại đang trong tình thế cực kỳ khó khăn. 

Đành rằng Nhà nước đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ cho các cháu đến trường được thuận lợi. Đi miền núi theo các chương trình hỗ trợ trẻ nghèo vùng cao mấy năm nay, tôi đã chứng kiến việc học của con trẻ mầm non thật nan giải. Cấp học mầm non khó thu hút được học sinh nếu như không có những chính sách trực tiếp mang đến quyền lợi cho trẻ. 

Chẳng hạn như Quyết định số 60/2011/QĐ/TTG của Thủ tướng Chính phủ: Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. Thực sự thì quyết định này đã tạo đà cho các trường mầm non miền núi có điều kiện để vận động trẻ đến trường. 

Có thể kể đến việc đầu tư kiên cố hóa trường lớp, ưu tiên về cơ sở vật chất và nhiều thứ khác nhưng cũng phải nói rất thật rằng thu hút trẻ đến trường lại không phải những điều ấy. Rất đơn giản, mỗi trẻ miền núi nếu nằm trong diện đối tượng của quyết định sẽ được trợ cấp tiền hàng tháng với mức khiêm tốn 120 ngàn đồng. Và nếu các giáo viên thực sự vì trẻ, họ sẽ tổ chức cho các cháu có một bữa ăn trưa tạm đủ chất lượng so với điều kiện của miền núi. 

Những trường làm tốt việc tưởng rất nhỏ bé này thật sự là những nơi có môi trường giáo dục lành mạnh. Không ít lần tôi đã chứng kiến những bữa ăn “chương trình” này. Có học sinh thậm chí còn địu em mình đến lớp. Hỏi cô giáo thì nhận được câu trả lời muốn rơi nước mắt, chỉ là để có miếng ăn cho đứa em nhỏ vì chúng đói. 

Thậm chí có lần tôi bắt gặp ở một điểm trường ở vùng sâu Lào Cai một chiếc khóa gông ngoài phòng học sau bữa ăn. Trong lớp là các em ngủ trên những tấm phản được trải ra trên nền lớp. Khi biết chiếc khóa là để đảm bảo cho các em ăn xong được ngủ và tiếp tục ở lại lớp buổi chiều, tôi đã lặng im như một sự chia sẻ khó khăn. 

Hóa ra trẻ chỉ cần bữa ăn trưa và nếu không để mắt tốt thì chúng sẽ lũn cũn bỏ về nhà trốn học sau khi ăn xong. Môi trường giáo dục của mầm non khu vực miền núi là thế. Nếu như những “bảo mẫu” không có tình yêu thương trẻ thì chắc chắn rằng trẻ sẽ không đến lớp. Theo dõi những vụ bạo hành trẻ mẫu giáo, tôi thấy có cả những điểm trường miền núi. Rõ ràng trong trường hợp này tội ác được nhân đôi.

Môi trường thành phố có những yếu tố khác biệt rất xa với miền núi. Điều kiện kinh tế, sinh hoạt đời sống đòi hỏi môi trường giáo dục phải đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Như bất kỳ gia đình nào, tôi thực sự thấy vấn đề khi con cái mình bước vào tuổi đi học. 

Con gái đầu của tôi sinh năm 1987. Cháu phải đi nhà trẻ từ rất sớm. Thú thật ở thời điểm đó khi tất cả các trường học từ nhà trẻ đến mẫu giáo đều là công lập, chọn cho con được một trường học khả dĩ là việc rất khó khăn. Dạo đó việc học hành đều tuân thủ nghiêm ngặt theo tuyến. Lúc đó chưa có chủ trương mở trường tư thục nhưng lác đác vẫn có những gia đình mở lớp không chính thức trông giữ trẻ. Để thuận tiện cho công việc gia đình, tôi tìm đến một “lớp” nhà trẻ chui như vậy. 

Chừng dăm đứa trẻ sau bữa ăn, tự giác nằm xuống chiếu trải trên nền gạch mùa hè. Lạ là chúng đều nằm sấp và đặt trên mông mình một chiếc thước kẻ. Chỉ một thời gian ngắn những đứa trẻ đã chìm sâu vào giấc ngủ trong khi những chiếc thước vẫn nguyên trạng trên mông chúng. Chị chủ lớp tươi cười kể về những chiếc thước một cách đầy tự đắc. Đấy là cả một sự kỳ công rèn luyện những đứa trẻ của chị. 

Tôi giật mình thảng thốt khi ngẫm ra cái sự “rèn luyện” kia. Chúng sẽ bị phạt nếu ngủ sấp mà đánh rơi thước kẻ. Sự sợ hãi khiến chúng không dám ngọ nguậy để giữ yên chiếc thước. Và chính cái sự tập trung đầy sợ hãi kia đã khiến những bộ óc non nớt thiếp đi. Một giấc ngủ có điều kiện với sự sợ hãi thường trực. 

Quá kinh sợ, tôi bỏ ngay ý định tiện lợi cho bản thân mình để đưa con vào trường học công lập, chấp nhận những khó khăn. Nói lại điều ám ảnh dù đã rất nhiều năm này để tôi muốn đề cập đến điều kiện ngày hôm nay của các trường mầm non thành phố. Có lẽ chưa bao giờ điều kiện vật chất ở trường học cả công lập lẫn tư thục lại đạt ở một tầm thật sự mơ ước. Đã đành đó là sự đóng góp và mong muốn của mọi phụ huynh muốn sự tốt nhất sẽ đến với con em mình.

Vậy thì tại sao lại có sự bạo hành kia trong môi trường giáo dục mầm non ở cả thành phố và cá biệt có ở miền núi? Đã có rất nhiều phân tích về hiện tượng này. Các chuyên gia thậm chí còn cảnh báo những dấu hiệu ở trẻ bị bạo hành để các bậc phụ huynh sớm nhận biết và có cách bảo vệ trẻ. Hệ thống camera trong trường học ở những nơi có điều kiện thật sự là một cách bảo vệ hữu hiệu cho trẻ trước những ác nhân. 

Tôi cứ nghĩ vân vi nếu không có những clip phát hiện bạo hành trong trường mẫu giáo và nhà trẻ thì điều gì sẽ xảy ra với trực tiếp trẻ bị bạo hành và đối với xã hội. Thật khủng khiếp cho những đứa trẻ phải sống trong sự sợ hãi kia. Chúng sẽ bị tước đoạt đi sự hồn nhiên của lứa tuổi. Nhiều căn bệnh xã hội như trầm cảm sẽ bủa vây chúng. Nói một cách văn vẻ thì đó là những chiếc búp khô héo trên cành. Và tất nhiên xã hội sẽ phải gánh chịu những hậu quả này.

Niên học 2015-2016 trước sự lên tiếng của dư luận khi hiệu lực của Quyết định 60/2011/QĐ/TTG hết thời hạn, đồng nghĩa những đứa trẻ trường mầm non miền núi sẽ không còn được trợ cấp ăn trưa, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ra quyết định bảo lưu cho trẻ. 

Sự quan tâm này đã nhận được sự ủng hộ của không chỉ thầy cô giáo, của xã hội mà trực tiếp sự thụ hưởng của những đứa trẻ đã nói lên nhiều điều. Những chiếc búp trên cành cần phải nhận được những gì tốt nhất của gia đình, xã hội để mãi mãi tươi xanh. Cần lắm sự đồng thuận trên nhiều phương diện trong sự quan tâm đến lứa trẻ măng non, nhất là chặn đứng sự bạo hành tàn độc trong nhà trường.

Hà Nội, ngày 29/6/2016

Phạm Ngọc Tiến
.
.
.