Đừng để lãng phí và "chảy máu chất xám"

Thứ Sáu, 06/10/2017, 11:15
Một bác sĩ trẻ tốt nghiệp đại học ở Mỹ đã tự nguyện xin vào một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh làm việc. Nơi gắn bó với anh mỗi ngày là Khoa Cấp cứu, một khoa cực nhọc nhất, căng thẳng nhất. Nhưng anh vẫn vui vẻ làm việc, bằng sự hồn nhiên và chân thành của tuổi trẻ.


Thậm chí, một số bệnh nhân sau khi xuất viện được anh gọi điện hoặc ghé qua nhà thăm hỏi, động viên, một việc làm mà không phải bác sĩ nào cũng làm.

Đó là một câu chuyện có thật cách đây không lâu và hình ảnh người bác sĩ trẻ đó đã thật sự truyền cảm hứng cho lớp trẻ. Tất nhiên nó chưa phải là hình ảnh phổ biến, nhưng rõ ràng mang một ý nghĩa tích cực, nhân văn cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Đôi khi, mình phải tự tạo lối đi cho mình, bằng những bước khởi nghiệp gian nan như thế và khi đó, ta sẽ có được những bài học sâu sắc, những kinh nghiệm bổ ích về cuộc sống.

Minh họa của Lê Tâm.

Thật ra, câu chuyện chảy máu chất xám không hề mới, nhất là trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, song nó lại được nóng lên trong một số diễn đàn gần đây. Hiểu một cách nôm na, "chảy máu chất xám" là thuật ngữ dùng để chỉ vấn đề di cư quy mô lớn của nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ thuật từ một nước qua những nước khác khi họ cần một điều kiện sống hoặc thu nhập tốt hơn.

"Chảy máu chất xám" là một hiện tượng mang tính toàn cầu, tuy xảy ra với số lượng lớn ở những nước đang phát triển nhưng tại những nước phát triển cũng diễn ra hiện tượng này, gây thiệt hại đến quá trình phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia.

Một hiện tượng nóng trên mạng những ngày qua, đó là việc nhiều bác sĩ giỏi đang làm việc tại một số bệnh viện công xin nghỉ việc để ra ngoài làm. Thậm chí, một câu chuyện khá buồn khi có một bác sĩ ở Quảng Nam thuộc diện được áp dụng chính sách thu hút nhân tài của tỉnh này đã chấp nhận nộp 655 triệu đồng tiền bồi thường để được giải quyết cho… nghỉ việc.

Ngoài lĩnh vực y tế, rất nhiều các chuyên gia, giảng viên, những người tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng trên thế giới khi ra trường đã không về nước hoặc có trở về nhưng ngại làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Họ có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để biện minh cho sự lựa chọn của mình, trong đó, sự đãi ngộ của Nhà nước chưa hẳn là vai trò quyết định, điều họ cần là một môi trường làm việc văn minh, bình đẳng.

Có thể nói, trong nhiều năm qua, "chảy máu chất xám" được coi là một hiện tượng phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác buộc những quốc gia này cần nghiên cứu một cách nghiêm túc các chính sách, giải pháp tích cực nhằm khắc phục tình hình.

Bởi, trong thế giới hiện đại, sự phát triển của mỗi quốc gia không thể không nói tới một lực lượng quan trọng, đó là sự đóng góp của đội ngũ trí thức. Ở đây, vấn đề đặt ra cho mỗi người lao động trí óc là tâm nguyện cống hiến cho Tổ quốc, là sự đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của đất nước. Bên cạnh đó là vai trò của Nhà nước trong  việc tạo điều kiện tốt nhất để các chủ nhân của "chất xám" sống và cống hiến một cách tốt nhất.

Vậy cần phải làm gì nhằm hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám" để phát huy tốt nhất những kiến thức và khả năng của một bộ phận trí thức đó, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh?

Muốn vỗ tay cần phải có hai bàn tay. Bàn tay thứ nhất đó chính là Nhà nước cần có hệ thống chính sách cân bằng được nhiều mặt, cụ thể: tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học, cải thiện hệ thống đãi ngộ (cả vật chất lẫn tinh thần), đồng thời với một hệ thống kiểm soát hiệu quả công tác thật sự hữu hiệu, chính xác. Chúng ta thường nói "chiêu hiền đãi sĩ" hay "trải thảm đỏ đón nhân tài", song nếu không có hệ thống chính sách trên thì việc chiêu mộ người tài chỉ là khẩu hiệu suông.

Bàn tay thứ hai, đó chính là người tài giỏi. Khi đã có lý tưởng sống và cống hiến cho đất nước thì phải chấp nhận những chông gai, thử thách, hòa mình vào hoàn cảnh thực tế của đất nước. Và tôi luôn tin rằng, mọi nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ luôn được ghi nhận và đền đáp xứng đáng. Còn nếu người giỏi cứ suy tính thiệt hơn, đề cao giá trị cá nhân thì sớm muộn họ cũng phải chấp nhận một thực tế: mất cơ hội và đào thải.

Tuấn Nguyễn
.
.
.