Đừng để môi trường sống thành… kẻ hủy diệt

Thứ Hai, 25/07/2016, 09:37
Suốt những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất trên các trang mạng chính là Formosa và không giống như một số vụ việc khác, vấn đề chất thải ở Formosa không "nguội" theo thời gian mà tiếp tục "nóng" lên từng ngày. 

Khi những chất thải lỏng từ Công ty Formosa được trút thẳng xuống biển đã khiến chúng ta choáng váng thì giờ đây, sự choáng váng bị đẩy lên tới đỉnh điểm khi những sự thật khác bị vạch trần.

Đó là việc chất thải rắn của Formosa được chôn qua quýt tại một trang trại của ông giám đốc công ty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh, rồi một lượng lớn chất thải này tiếp tục bị phát hiện không chỉ trong Công viên Hưng Thịnh (thị xã Kỳ Anh) mà cả khu vực dân cư quanh đó.

Hy vọng những người có liên quan đến sự việc này sẽ bị xử lý trước pháp luật, bởi có quá nhiều sai phạm trước, trong và sau khi Formosa đi vào hoạt động. Chỉ có vậy, niềm tin của người dân vào các cơ quan pháp luật mới được củng cố và dẫu sao, nỗi đau của người dân dọc bãi biển miền Trung sẽ nguôi ngoai phần nào bởi những hậu quả đến với họ quá lớn, không chỉ trước mắt mà còn cả những năm tháng sau này.

Minh họa Lê Tâm.

Trong xã hội hiện đại, con người luôn khát khao được sống trong những môi trường trong lành, thân thiện. Chỉ có những môi trường như thế, sức khỏe họ mới đảm bảo và có những đóng góp tích cực cho xã hội. Còn khi môi trường đã ô nhiễm, dù trực tiếp hay gián tiếp, con người sẽ mang trong mình những mầm mống của bệnh tật.

Đến thời điểm này, đi đến đâu, ngồi chỗ nào, người ta cũng nói về căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người. Bi kịch ở chỗ những nạn nhân không có dấu hiệu giảm mà còn tăng đến mức các nhà khoa học đã cảnh báo một vài năm nữa, Việt Nam là một trong những nước có số người mắc bệnh ung thư nhiều nhất thế giới.

Mắc bệnh ung thư, điều này đồng nghĩa với việc tử thần đã gõ cửa. Nếu người nhiễm HIV còn có thể sống được 5-10 năm khi điều trị đúng phác đồ thì đa số bệnh nhân ung thư chỉ sống được vài tháng từ khi bệnh được phát hiện.

Tôi đã gặp khá nhiều bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo đã từ chối điều trị bởi họ cay đắng hiểu rằng, số tiền cho mỗi đợt điều trị là rất lớn và trước sau cũng chết thì tốt nhất hãy dành số tiền đó cho người còn sống.

Tất nhiên, không thể hồ đồ khẳng định môi trường sống bị ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư bởi còn nhiều lý do khác nữa, song một điều mà có thể khẳng định rằng, chúng ta sẽ không thể có được thể trạng tốt nhất khi hàng ngày phải hít thở bầu không khí chứa nhiều chất độc hại.

Mới đây, dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của Việt Nam" đã công bố danh sách 10 làng ung thư có nguồn ô nhiễm nặng nhất. Dự án này do Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện và đã kết thúc giai đoạn 1, đang chờ cấp trên xem xét giai đoạn 2.

Theo dự án, các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 làng ung thư đều ô nhiễm nặng. Cụ thể, khảo sát tại các xã của 37 làng ung thư đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.

Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây. Nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là 139 người, đó là làng Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Còn ở làng ít nhất cũng có 6 người chết.

Điều đáng nói là không ít làng ung thư ở sát gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi thường xuyên có các chất thải công nghiệp và không hẳn chất thải nào cũng được xử lý đúng quy trình bởi chi phí rất lớn. Chính vì vậy mà tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở đây càng ngày càng lớn.

Mở cửa đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam để thúc đẩy kinh tế trong nước, đó là chính sách hoàn toàn đúng đắn.

Song, rất cần khảo sát, phê duyệt, hậu kiểm toàn bộ quá trình vận hành của các doanh nghiệp này, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải công nghiệp và bảo vệ môi trường sống.

Đừng để những hậu quả đáng tiếc xảy ra như những gì Formosa đã làm, bởi cái được chưa thấy đâu nhưng những hệ lụy nó gây ra là quá lớn, khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hàng triệu con người.

Tuấn Nguyễn
.
.
.