Đừng để nhà "quái dị" tái phát

Thứ Hai, 06/03/2017, 14:47
Gia đình bạn tôi cùng 6 hộ khác sống trong một khu biệt thự cổ ở trung tâm thành phố. Cũng may toàn là họ hàng nên dễ bảo nhau, trật tự vệ sinh trong khu nhà được đảm bảo.


Vì là biệt thự từ thời Pháp nên diện tích sân vườn khá rộng. Khoảng vườn phía trước được giữ lại để trẻ con vui chơi mỗi buổi chiều. Một bên cánh gà làm lối đi chung, cánh gà bên kia làm mái vẩy là nơi để xe máy cho các hộ.

Theo thời gian, những đứa trẻ trong khu biệt thự lớn lên, chúng cưới vợ, lấy chồng nhưng vẫn không chịu rời xa khu nhà. Thế là phương án chia mảnh vườn phía sau cho các hộ được tiến hành. Trừ lối đi chung, mỗi hộ được chia khoảng chục mét vuông đất.

Thế là 7 cái chuồng chim được xây cất, mỗi căn 4 tầng cũng đầy đủ nội thất như mọi căn nhà hoành tráng khác, chỉ có điều nhìn chúng rất buồn cười. Tất nhiên, ở trung tâm thành phố, có chỗ chui ra chui vào như thế vẫn còn quá tốt, không phải đi thuê nhà mà vẫn được sống cùng cha mẹ. Khách đến chơi chỉ biết lắc đầu cười và gọi đó là "khu nhà của 7 chú lùn".

Minh họa của Lê Tâm.

Cũng may "khu nhà của 7 chú lùn" nằm khuất sau khu biệt thự chứ nếu nó được "bê" ra ngoài phố thì đúng là thành trò cười cho thiên hạ. Có người cười xong còn nói, ăn thua gì, so với rất nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) nhan nhản ở các con đường mới mở những năm gần đây thì vẫn còn tử tế và rộng rãi chán.

Đúng vậy. Sau khi kết thúc mỗi dự án đường giao thông, hai bên đường mới lại xuất hiện nhiều ngôi nhà SMSM có hình thù rất kỳ dị do chỉ còn lại 3-5m2. Theo quy định, những thửa đất có hình thù kỳ dị dưới 15m2 sẽ không được xây dựng, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, chủ nhân những phần đất không đủ tiêu chuẩn vẫn xây lên những ngôi nhà cao 2-3 tầng, có trường hợp xây cao 3-4 tầng. Vì thế, người ta mới đặt câu hỏi, vì sao những nhà này vẫn xây dựng đàng hoàng, cấp nào cấp phép và việc cấp phép đó có vi phạm pháp luật không?

Theo quy định, các trường hợp không đủ tiêu chuẩn cấp phép xây dựng buộc phải hợp thửa với hộ liền kề đủ tiêu chuẩn. Nếu giữa các hộ dân không thỏa thuận được phương án hợp thửa, chính quyền địa phương phải lên phương án thu hồi phục vụ cho mục đích công cộng.

Nhưng để thu hồi phải tìm ra nguồn vốn chi trả đền bù và giải phóng mặt bằng. Nói thì dễ nhưng làm khó lắm, bởi nguồn vốn này sẽ "đội" lên rất lớn khi diện tích nhà SMSM dù là nhỏ nhưng hầu hết nằm ở vị trí đắc địa...

Theo kết quả kiểm tra năm 2015 và tái kiểm tra năm 2016 của thành phố Hà Nội, tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn 11 quận nội thành, số lượng nhà SMSM tồn đọng là 214 công trình, chủ yếu tập trung tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân... Đó là chưa tính đến cả những nhà SMSM tồn đọng từ những năm trước nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Nói gì thì nói, để xảy ra tình trạng nhà SMSM như hiện nay, trách nhiệm chính vẫn thuộc về cấp chính quyền cơ sở. Làm không đúng quy trình, thiếu quyết liệt, nể nang, thậm chí tiêu cực… nên tình trạng nhà SMSM tái phát liên tục là như thế.

Sẽ không ngoa khi có ý kiến cho rằng, nhìn vào các tuyến đường mới để đánh giá năng lực của chính quyền cơ sở trong việc kiểm soát các công trình xây dựng theo quy hoạch.

Chỗ nào còn nhà SMSM, chính quyền địa phương ở đó phải chịu trách nhiệm chính. Một ý kiến xác đáng khác cũng khẳng định, việc chính quyền sở tại chưa thực sự vào cuộc, người dân thì mạnh ai nấy làm là nguyên nhân chính xuất hiện nhà SMSM.

Tất nhiên, để giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến đất đai không phải đơn giản và một sớm một chiều là xong. Nó đòi hỏi phải có những giải pháp đúng đắn và thực hiện một cách quyết liệt. Trước hết, chính quyền các cấp cần rà soát các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Tiếp đến, bố trí kịp thời vốn ngân sách của địa phương để đền bù, thu hồi đất không đủ điều kiện xây dựng sử dụng vào mục đích công.

Cuối cùng, nên sớm nghiên cứu, áp dụng thu hồi đất hai bên tuyến đường cùng với thu hồi đất mở đường, để có điều kiện quy hoạch, xây dựng đồng bộ, đảm bảo giải quyết dứt điểm nhà SMSM và giữ cho bộ mặt đô thị được "sạch sẽ", khang trang.

Tuấn Nguyễn
.
.
.